Chuyển ngay các vụ vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc vừa ký ban hành công điện về việc chuyển ngay các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra thông qua hoạt động kiểm toán.
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc. Ảnh Như Ý
Theo ông Phớc, thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán đã đạt những kết quả nổi bật, được dư luận ủng hộ, đánh giá cao, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý kinh tế, tài chính, tham nhũng.
Kết quả kiểm toán đã phát hiện sai phạm và kiến nghị xử lý ngày càng lớn cả về tài chính và hoàn thiện cơ chế, chính sách: Kiến nghị xử lý tài chính năm 2016 là 38.776 tỷ đồng, năm 2017 là 91.322 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2018 là 56.009 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ văn bản pháp luật nhằm bịt chỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách năm 2016 là 150 văn bản, năm 2017 là 159 văn bản và 9 tháng đầu năm 2018 là 41 văn bản.
Bên cạnh đó, KTNN đã có nhiều kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh những thiếu sót, bất cập trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đặc biệt đã chuyển hồ sơ các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hình sự sang cơ quan điều tra. Trong 9 tháng đầu năm 2018 chuyển 4 vụ việc và cung cấp 103 báo cáo kiểm toán cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, tòa án, cơ quan điều tra…
Video đang HOT
Tuy nhiên theo Tổng KTNN, công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN vẫn còn hạn chế, số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật chuyển sang cơ quan điều tra còn ít, một số đoàn kiểm toán, tổ Kiểm toán, kiểm toán viên chưa thực sự chủ động, thiếu kiên quyết trong việc đấu tranh, phát hiện và củng cố bằng chứng kiểm toán về các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật để chuyển cơ quan điều tra.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán, Tổng KTNN yêu cầu các đơn vị trực thuộc chuyển ngay sang cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán. Nghiêm cấm các Đoàn Kiểm toán, Tổ Kiểm toán giữ lại hoặc kiến nghị xử lý nội bộ. Tuyệt đối không được có hành vi che dấu vi phạm pháp luật.
Tổng KTNN cũng yêu cầu thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Tổng KTNN nếu để xảy ra vi phạm thuộc thẩm quyền, trách nhiệm quản lý. Xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân cố tình né tránh, thiếu kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kiểm toán…
Trước đó tại diễn đàn Quốc hội, báo cáo thẩm tra công tác PCTN năm 2018 của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, vẫn còn một số trường hợp thanh tra, kiểm toán chồng chéo, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Việc kiến nghị xử lý hình sự qua hoạt động thanh tra, kiểm toán còn ít. Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 97.189,2 tỷ đồng nhưng chỉ chuyển 4 vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra. Những hạn chế trong việc kiến nghị xử lý hình sự qua công tác kiểm toán đã tồn tại nhiều năm nhưng vẫn chưa được khắc phục.
LUÂN DŨNG
Theo TPO
Từ vụ khởi tố vụ Sabeco và BHXH, Tổng Kiểm toán Nhà nước nói gì?
Sáng nay (13.11), tại phiên thảo luận của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc (đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) đã giơ biển tranh luận. Ông tranh luận với Ủy ban Tư pháp về đánh giá với kiểm toán trong báo cáo thẩm tra phòng chống tham nhũng năm 2018.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc (ảnh quochoi.vn).
Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc cho biết: KTNN có đóng góp lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt ngăn chặn sơ hở trong chính sách về dự án BT, BOT, cổ phần hóa... "Năm 2017, KTNN đã thu vào ngân sách nhà nước trên 40 nghìn tỷ đồng, xử lý tài chính 97 nghìn tỷ đồng. Năm 2018, KTNN đã cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước, như Uỷ ban Kiểm tra, Thanh tra, Công an, Ban Nội chính và các cơ quan liên quan với tổng cộng 103 báo cáo kiểm toán", ông Hồ Đức Phớc nói.
Ông dẫn chứng những vụ như Sabeco (liên quan đến khu đất số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP. HCM của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã khởi tố cựu Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Hữu Tín và 4 cán bộ); vụ Bảo hiểm xã hội (BHXH - khởi tố ông Lê Bạch Hồng, nguyên Thứ trưởng, nguyên Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam và 3 cựu cán bộ); vụ ụ nổi của Vinaline (liên quan Dương Chí Dũng và đồng phạm) đều từ báo cáo của kiểm toán chuyển qua.
Ông Hồ Đức Phớc mong muốn đánh giá một cách công bằng để ủng hộ KTNN để hoàn thiện chức năng."Chúng tôi không có chức năng điều tra, xác minh khối tư nhân, đây là một hạn chế, cũng không có chức năng giám định tư pháp về mặt tài chính, không có chức năng xác minh trả lời tố cáo. Khi có các vụ việc, kiểm toán ngân sách địa phương, bộ ngành, đều có các công cụ, chúng tôi phải tôn trọng", ông Phớc nói.
Tổng KTNN đề nghị các cơ quan chức năng ủng hộ để ngành kiểm toán hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt tới đây sửa Luật kiểm toán sẽ tăng cường chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự
Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ về những kết quả tích cực trong công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Theo đó, công tác thanh tra, kiểm toán tiếp tục được tăng cường, tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ thanh tra các vụ việc phức tạp, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra và công khai kết luận thanh tra vụ Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), việc thực hiện quy hoạch, thu hồi đất Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam... Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã phát hiện và kiến nghị thu hồi cho ngân sách Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, hàng trăm héc-ta đất kịp thời phát hiện nhiều bất cập, sơ hở trong chính sách, pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...
Tuy nhiên, theo Ủy ban Tư pháp vẫn còn một số trường hợp thanh tra, kiểm toán chồng chéo, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Việc kiến nghị xử lý hình sự qua hoạt động thanh tra, kiểm toán còn ít (Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 97.189,2 tỷ đồng nhưng chỉ chuyển 4 vụ việc sang cơ quan điều tra). Những hạn chế trong việc kiến nghị xử lý hình sự qua công tác kiểm toán đã tồn tại nhiều năm nhưng vẫn chưa được khắc phục (năm 2016, kiến nghị xử lý sai phạm 14.781,9 tỷ đồng nhưng không chuyển vụ việc nào sang cơ quan điều tra; năm 2017 kiến nghị xử lý tài chính 39.738 tỷ đồng nhưng cũng chỉ chuyển 02 vụ việc sang cơ quan điều tra).
Theo Danviet
Đại biểu Quốc hội đề xuất nghiên cứu 'tù tại gia' giảm bớt áp lực quá tải trại giam Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đề nghị nghiên cứu hình thức "tù tại gia" để giảm bớt áp lực quá tải trại giam. Chiều nay (12/11), trong phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thi hành án hình sự, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc lần đầu tiên đề nghị nghiên cứu hình thức "tù tại...