Chuyện mẹ chồng chăm con dâu đẻ
Đêm đầu tiên chăm con dâu trong bệnh viện, bà Bình “mời” bà đẻ và em bé xuống giường gấp, còn bà ngủ ngon lành trên giường dành cho sản phụ.
Vừa sinh con xong, Chi (TP. HCM) được mẹ chồng lên chăm sóc nhưng cô lại bảo “có khi để hai mẹ con ôm nhau tự phục vụ lấy còn đỡ ấm ức hơn”. Chi không có sữa cho con bú nên em bé phải ăn sữa ngoài. Vì thế, mẹ chồng cô chỉ quan tâm đến cháu nội, còn con dâu thì… kệ xác mày. Bà mang gà từ quê lên cho con dâu đẻ mà lúc vào bữa ăn, bà dành hết những miếng ngon bỏ vào bát con trai, còn lại xương xẩu phần cho… con dâu. Bà nói rằng “không có sữa cho con bú thì cần gì phải tẩm bổ, chồng lo đi làm kiếm tiền nuôi con mới cần”. Bà chỉ chăm cháu mà chẳng thèm để ý gì đến cô con dâu vừa đẻ xong còn đang yếu ớt, đau đớn.
Có hôm mẹ chồng còn quên cả mua đồ ăn sáng cho Chi. Chồng Chi xót vợ, góp ý với mẹ nhưng cũng chẳng thể lay chuyển được bà. Bà thậm chí còn bảo thẳng với Chi là… ăn ít đi cho đỡ mất công giảm béo. Chi bảo cô chẳng giành ăn với chồng nhưng bức xúc ở cách đối xử của mẹ chồng khiến cô rất tủi thân. “Chi nghĩ mình cứ như một đứa đẻ thuê vì bà chỉ cần cháu mà chả thèm đếm xỉa gì đến mình”, Chi tâm sự.
Không đến nỗi bị mẹ chồng phân biệt đối xử như thế nhưng việc có một bà mẹ chồng quá “vô tư” cũng khiến Minh (Q3, TP. HCM) nhiều phen rơi nước mắt. Bà San mẹ chồng Minh sành điệu, thoáng, không hay xét nét gì con dâu. Vì thế ai cũng bảo Minh sướng. Nhưng đến lúc sinh con, Minh mới choáng vì cái sự vô tư quá đà của mẹ chồng.
Minh đau đẻ đúng ngày chồng đi công tác, gọi điện cho mẹ chồng thông báo là phải vào viện thì nhận được câu trả lời: “Con chịu khó bắt taxi vào trước đi, mẹ đang dở ván cầu lông, chút mẹ vào sau”. Minh đành bắt xe vào bệnh viện một mình, may mà sau đó gọi được cho cô bạn thân nhờ giúp. Đến tận lúc Minh mẹ tròn con vuông, bà San mới vào bệnh viện với cháu. Bà vô tư cười nói giữa phòng: “ Sao cái Minh dễ đẻ thế? Tôi cứ nghĩ nhanh thì cũng phải chiều mới đẻ cơ nên cứ thong thả ở nhà”. Đêm đó mẹ đẻ Minh ở quê chưa xuống kịp, bà San buộc phải ngủ lại bệnh viện với con dâu. Thấy mẹ chồng thuê chiếc giường gấp mang vào, Minh nghĩ đương nhiên bà sẽ nằm ở đó. Rồi cô choáng váng khi nghe bà bảo: “Con xuống giường gấp nằm đi chứ mẹ đau lưng, nằm giường gấp không quen”. Rồi bà trèo ngay lên chiếc giường dành cho sản phụ, nằm cạnh em bé ngủ. Được một lúc, bà lại chuyển nốt cả em bé xuống cho Minh vì “sợ mẹ ngủ quên đè vào nó mất”. “Em không biết có ai đi chăm con dâu đẻ như mẹ chồng em không nữa. Bà coi cháu bé như chả liên quan gì đến bà vậy. Khi em kể chuyện về mẹ chồng mà ai cũng bảo cứ như chuyện đùa”, Minh nói.
Chuyện nhà Mai (Q.1, TP. HCM) lại khác. Hai vợ chồng đều khó có con nên phải thụ tinh nhân tạo Mai mới có bầu. Khi Mai mới sinh được mụn con đầu lòng, ông bà nội quý cháu lắm. Ngay từ thời kỳ mang thai, Mai đã được mẹ chồng từ quê lên chăm sóc. Ba tháng đầu, ngày nào đi làm về, Mai cũng thấy bà để sẵn trên bàn một bát cháo cá chép to tướng bắt ăn hết. Thời điểm nghén, Mai cứ bưng bát cháo lên là nôn, nhưng mẹ chồng vẫn một mực bắt “nhồi” hết bằng mọi cách. Em bé ra đời quấy khóc suốt đêm nên ban đêm Mai không ngủ được mấy. Nhưng giữa mùa đông mà cứ 6h30 sáng, cô đã bị mẹ chồng lay dậy với một tô cơm lèn chặt để đầu giường cùng bốn quả trứng gà luộc để ăn bữa phụ. Bà bảo phải dậy ăn đúng giờ cho khỏe mẹ, khỏe con rồi mới được ngủ tiếp. Vừa ngái ngủ vừa mệt, Mai nuốt không nổi. Ăn xong, dù mắt cay xè, cô cũng chẳng ngủ lại được nữa. Nếu để thừa cơm mẹ chồng sẽ cằn nhằn nên Mai đợi bà ra khỏi phòng rồi lén đổ cơm vào toilet, xả nước. Mẹ chồng thấy con dâu ăn được mà vẫn xanh xao và ít sữa nên càng “tăng tốc” bắt ăn nhiều hơn. Cuối cùng, Mai đành khai thật. Mẹ chồng Mai dỗi vì đã tận tâm hầu hạ mà con dâu nỡ phụ công bà nên đùng đùng bỏ về quê.
Video đang HOT
Khi nhắc đến chuyện mẹ chồng chăm con dâu đẻ, không ít nàng dâu như được dịp “cởi tấm lòng”. Quỳnh (Q. Phú Nhuận, TP. HCM) kể cô vẫn còn nhớ mãi lần sinh đứa lớn cũng được mẹ chồng lên chăm sóc. Tuy nhiên, bà lại quá quý cháu đến mức cô cảm giác như bà tranh mất con của mình. Bà nội suốt ngày ôm chặt thằng bé, mẹ muốn bế con mà bà còn hất tay ra. Rồi bà còn có “chiêu” lừa Quỳnh ra ăn cơm hay đi đâu đó để pha sữa ngoài cho cháu ăn. “Thời gian đó mình và mẹ chồng cứ như là hai bà mẹ tranh nhau một đứa con vậy”, Quỳnh kể.
Trên thực tế, những trường hợp vô tâm như bà San – mẹ chồng Minh, hay trường hợp “bỏ rơi” con dâu như mẹ chồng Chi không nhiều. Còn đa phần các bà khi đến chăm con dâu đẻ đều là ý tốt, vì con vì cháu mà chịu vất vả. Nhưng có thể do mẹ chồng nàng dâu không hiểu ý nhau nên mới gây ra bất đồng, ấm ức.
Như trường hợp của Mai, sau khi thấy mẹ chồng đùng đùng bỏ về quê, cô cũng nhận ra là mình sai. Thấy bà hết lòng chăm sóc, lẽ ra cô phải tâm sự, trao đổi thẳng với bà ngay từ đầu thì có lẽ đã không làm bà giận. Hai vợ chồng Mai sau đó phải hết lời xin lỗi để bà bỏ qua. Bây giờ thì đâu lại vào đấy rồi, Mai vẫn được mẹ chồng chăm sóc chu đáo nhưng cũng không đến mức ‘chăm ép’ như trước nữa nên cũng khá thoải mái”.
Khi bàn luận về vấn đề này, chị Thu (Gò Vấp, TP. HCM) cũng cho rằng, ai có mẹ chồng đến chăm sóc lúc sinh nở là sướng rồi. Có những cặp mới sinh con, cha mẹ hai bên hoặc già yếu, hoặc đã mất, không biết nhờ vả ai, nhìn những nhà khác trẻ được bà nội chăm nom mà ao ước. Vì thế, nếu mẹ chồng nàng dâu có những điều không vừa ý nhau thì nếu biết dung hòa, mỗi người nhịn đi một chút thì nhiều phần sẽ tốt đẹp.
Theo Nhipsongphunu
Đàn bà mạnh mẽ bởi vì: "Yếu đuối thì để cho ai xem?"
Có những khi chị thấy hoocmon đàn bà nữ tính của mình cao vọt lên, bỗng dưng chẳng muốn khóc mà nước mắt cứ chảy tràn, cái mạnh mẽ lặn xuống, cái yếu đuối trỗi dậy. Nhưng khi nhìn xung quanh bể đời mình, chị lại đậy ngay cái yếu ớt đàn bà của mình lại vì, yếu đuối thì để cho ai xem?
Tôi biết chị từ ngày còn bé xíu. Ấn tượng trong tôi chị là một đứa con gái chọc trời khuấy nước, nghịch toàn trò mà bọn con trai còn sợ, kiểu như nhảy ùm một cách từ trên cái cầu tre xuống sông, giựt hết cả lông con sâu róm cho nó "khỏa thân" xong cười hề hề làm bọn con gái sợ phát khiếp, đấu cái ắc quy điện vào đuôi hai con chuột xấu số làm nó cứ nhảy cà tưng lên vì điện giật...Các trò chơi hành động, cứ có chị bên đội nào thì đội ấy trăm phần trăm thắng. Chị trong tôi vốn dĩ đã là một nữ siêu nhân từ ngày còn bé, thế nên việc lớn lên chị vẫn giữ được cái "chất" đó của riêng chị tôi cũng không lấy làm ngạc nhiên lắm!
Người ta bảo nhìn cái tướng chị là biết chị khổ, dù rất xinh đẹp đấy, nhưng cứ thoăn thoắt, nói năng văng mạng, cái mắt thì quyết liệt thế kia, anh nào mà dám yêu và dám cưa thì cũng phải là "cao tay ấn" lắm! Kì thực, khi chị lớn tôi nhận ra đằng sau cái vẻ mạnh mẽ, nhanh nhẹn, quyết liệt kia chị vẫn là một cô gái đáng yêu, thi thoảng cũng làm điệu tô một ít son, mặc một cái áo hở vai, nói năng bỗng chốc dịu dàng một khắc...rất nhiều cái nết đàn bà, cái vẻ nữ tính yếu đuối mà những người hời hợt họ sẽ không thể nhìn thấy ở chị. Chỉ là nhiều khi cái mạnh mẽ ở vẻ ngoài và cách sống của chị nó nổi bật quá, nó lấn át hết cái yếu đuối, cái nữ tính mà đôi lần chị phô ra...
Chị yêu một người đàn ông đúng theo quy luật bù trừ của tạo hóa, yếu đuối đến rụng rời. Ai cũng choáng vì người yêu của chị cứ nghĩ là phải đội trời đạp đất cơ, ai ngờ như cọng bún thiu. Lý giải cho cái tình éo le này, chị bảo "thương nhiều hơn yêu, thấy yếu ớt, thấy tội, con người này hiền lành, thiện lương, chỉ cần mình quyết tâm là sẽ mạnh mẽ, nên người".
Cái sự yêu của một người đàn bà mạnh mẽ nó cũng thật khác thường, kiểu như người mạnh không phải là người dìm kẻ khác xuống mà phải nâng họ lên bằng đôi vai của chính mình, thế nhưng tôi vẫn nghĩ dù trong hoàn cảnh nào người nâng vẫn phải là đàn ông, đằng này....ừ thôi, lại đổ tội cho cái mạnh mẽ của chị vậy!
Chị lấy người đàn ông ấy, có con, một tay xây nhà xây luôn cả tổ ấm. Anh chồng ngoài việc đi dạy ở trường học về nhà cắm mặt vào sách vở, chả biết trời trăng gì, mọi việc phó mặc cho vợ, cái vì cũng "vợ ơi, vợ à" ai hỏi vấn đề vĩ mô vi mô cũng cứ "hỏi vợ ý" thế là xong. Quả bóng trách nhiệm của một người chồng đá phắt sang cho người vợ một tay đội đá vá trời, trăm tội cũng chỉ vì "ai bảo em giỏi, em cứ mạnh mẽ thế, anh chẳng biết phải làm gì cho vừa lòng em cả..." một cái thở dài cho lý luận của ông chồng yếu đuối trên mọi phương diện.
Đàn bà Việt Nam, dù mạnh mẽ, cứng cỏi đến mấy nhưng luôn giữ chữ nhẫn, chữ hi sinh, chữ bao dung làm đầu. Tôi vẫn cho rằng đó vừa là ưu điểm vừa là gông cùm của phụ nữ Việt, và họ khổ khi luôn phải sống vì người khác, sống cho người khác, có khi cả cuộc đời chẳng bao giờ dám sống cho bản thân mình...
Chị vẫn ngày ngày buôn bán, chạy ngược xuôi mở cửa hàng kinh doanh, quản lý, một nách hai con, thuê thêm giúp việc, chồng chị vẫn mềm mại và yếu ớt như thế, nhiều khi thiên hạ cứ nhìn nhà chị mà cười, chẳng rõ cười vui hay cười đểu "cái nhà chị này đến lạ, chồng thì cứ như là vợ còn vợ thì cứ như là chồng". Chị chỉ cười và đáp lại bằng cái cách chấp nhận của chị "thế mới hay chứ bác!" rồi lại toe toét cười, dù cái cười ấy chẳng rõ là cười vui hay cười nhạt.
Có những khi nhìn ông chồng có cũng như không ấy, tôi xui dại "chị bỏ quách đi cho xong, sống mà cứ như chết rồi thế này nhìn ức chế bỏ xừ, chị bảo thay đổi mà bao năm nay cứ thế có thay đổi gì đâu?". Chị chép miệng "thôi kệ, chắc kiếp trước nợ nhau...". người đàn bà nhảy cầu treo tắm sông, nữ siêu nhân trong kí ức của tôi, người chẳng biết sợ cái gì, bây giờ lại đổ thừa cho duyên phận, có phải thời gian làm cho người ta khác hay tại cái đàn bà yếu ớt vẫn luôn trong chị và chị chỉ khéo léo bao bọc mình ở vẻ ngoài mạnh mẽ? Dù sao, thì đời chị tôi thấy về cơ bản là buồn...
Có nhiều lần làm ăn, chị bị bắt nạt, bị ức hiếp nhưng cái cách mà chị xử lý thì không một gã đàn ông nào không sợ vì độ lạnh lùng, sòng phẳng, và vì "vây cánh" của chị. Chị sống đúng chất "dọc ngang nào biết trên đầu có ai".
Thế nhưng, lại có những khi chị phải đóng cả vai nữ siêu nhân với chồng chị khi anh đắc tội với hiệu trưởng vì trót tố ông này tham ô, léng phéng với nữ sinh. Chị đến tận trường, gạt chồng mình ra phía sau và nói chuyện phải trái với sếp của chồng. Rành rọt, rõ ràng, minh triết và cả giọng giang hồ, ông hiệu trưởng chắc chỉ còn thiếu nước đái ra quần vì không ngờ vợ anh giáo "Bôn sê vích" kia lại có cô vợ quá sắc sảo đến vậy. Kết thúc là ông phải viết một cam kết trong nhiệm kì của ông không được đuổi việc chồng chị nếu không muốn cả làng cả tổng biết ông sa đọa, mất tư cách, vô đạo đức. Chiến thắng thuộc về chị, còn anh chồng thì im lặng đứng ở phía sau đến tội.
Về nhà, đêm nằm ngủ, bỗng dưng nước mắt cứ ứa ra. Chị cũng nghĩ về cái phận đàn bà mạnh mẽ. Những lúc ấy, chị thấy hoocmon đàn bà nữ tính của mình cao vọt lên, bỗng dưng chẳng muốn khóc mà nước mắt cứ chảy tràn, cái mạnh mẽ lặn xuống, cái yếu đuối trỗi dậy. Nhưng khi nhìn xung quanh bể đời mình, chị lại đậy ngay cái yếu ớt đàn bà của mình lại vì: "Yếu đuối thì để cho ai xem?"
Chị nhìn người đàn ông mà thiên hạ mệnh danh là cây tùng cây bách, bất giác thở dài, ai bảo hồi bé chị cứ thích chơi trò cứu nhân độ thế, ai bảo chị cứ thích làm nữ siêu nhân?
Theo Emdep
Chiếc cúc quần lạ tố cáo bí mật động trời chồng che giấu Tôi vừa bước chân lên cầu thang thì tiếng anh nói chuyện với ai đó khiến tôi chết lặng.. Tôi lấy chồng đến nay gần 7 năm. Chúng tôi có hai đứa con một gái, một trai, chúng đều ngoan ngoãn và học giỏi. Mọi người đều khen chúng tôi đạt điểm 10 vì có nếp có tẻ, vợ chồng lại thuận hòa...