Chuyện mãi lộ của cảnh sát giao thông!
Vấn đề mãi lộ của cảnh sát giao thông là có thật và đang là chuyện gây nhức nhối trong xã hội, làm xấu hình ảnh của lực lượng cảnh sát nhân dân. Bộ Công an có những giải pháp gì với thực trạng này?
Vấn đề nóng!
Nếu gõ từ khóa “”cảnh sát giao thông mãi lộ” trên mạng tìm kiếm google.com, chỉ trong 0,28 giây bạn sẽ nhận được 1,77 triệu lượt kết quả cho những tin bài, hình ảnh, clip liên quan. Kết quả này đủ để thấy độ nóng của vấn đề.
Không ai có thể phủ nhận rằng, lực lượng cảnh sát giao thông đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Có thể lấy một thống kê ngắn để thấy rằng, lực lượng cảnh sát giao thông đã làm tốt nhiệm vụ ra sao. Qua 6 tháng thực hiện Nghị quyết 88 của Chính phủ và “Năm an toàn giao thông 2012″, Công an các địa phương đã thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về TTATGT trên phạm vi cả nước. Tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đã được kiềm chế và giảm rõ rệt. Cả nước xảy ra 17.458 vụ TNGT làm chết 4.701 người, bị thương 19.629 người. So với cùng kỳ năm 2011, giảm 4.636 vụ (21%), giảm 1.130 người chết (19,4%) và giảm 4.607 người bị thương. Có 47 địa phương TNGT đường bộ giảm cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). L ực lượng CSGT đã xử lý 3,7 triệu trường hợp vi phạm ATGT, nộp Kho bạc Nhà nước 1.189,6 tỷ đồng. Công an địa phương đã tập trung điều tra, xử lý nghiêm các vụ TNGT, khởi tố 2.399 vụ với 2.576 bị can, truy tố 2.355 vụ với 2.472 bị can. Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT các địa phương còn ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông.
Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên đường. Ảnh: Minh họa.
Nhưng, việc tiêu cực của cán bộ chiến sỹ cảnh sát giao thông là có thật và rõ ràng là vấn đề nhức nhối. Để giải quyết thực trạng này, tại các hội nghị, hay những đợt mở cao điểm tăng cường các giải pháp đảm bảo trật tự giao thông, bên cạnh việc huy động, tăng cường tối đa các lực lượng để thực hiện nhiệm vụ, bao giờ cũng có những yêu cầu liên quan đến việc không được mãi lộ, tiêu cực.
Gần đây nhất, ngày 26/7, tại Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong 6 tháng đầu năm và “Năm an toàn giao thông 2012″, Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an trong phần phát biểu của mình cũng nhấn mạnh: Công an các tỉnh, thành phố cần chấn chỉnh, siết chặt kỷ luật công tác, chấp hành quy trình công tác, điều lệnh Công an nhân dân, tác phong của cán bộ chiến sĩ; đặc biệt là việc thực hiện các quy định trong hoạt động tuần tra kiểm soát giao thông, phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi sai phạm, tiêu cực. Đồng thời, kiểm tra, xử lý nghiêm cán bộ, chiến sĩ CSGT, TTGT vi phạm pháp luật với các hành vi “chung chi”, mãi lộ, ảnh hưởng đến uy tín của ngành, quyết tâm xây dựng lấy lại uy tín của lực lượng CSGT với Đảng và nhân dân.
Vì sao tiêu cực vẫn xảy ra?
Như vậy, có thể thấy ngành công an luôn có quyết tâm chống tiêu cực trong cán bộ, chiến sỹ. Bằng chứng rõ ràng hơn nữa là việc Bộ giao Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội sớm xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong toàn lực lượng CSGT. Nhưng vì sao chuyện tiêu cực mãi lộ vẫn xảy ra?
Thiếu tướng, TS Đồng Đại Lộc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, Bộ Công an cũng cho rằng, “trong lực lượng Cảnh sát giao thông vẫn còn một số CBCS có sai phạm, tiêu cực cần phải được xử lý, khắc phục”.
Kiểm tra xe vi phạm trên đường. Ảnh: Minh họa.
Video đang HOT
Theo Thiếu tướng Đồng Đại Lộc, trong những năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, trực tiếp của lãnh đạo Bộ Công an, sự đồng thuận và ủng hộ của cả hệ thống chính trị, đông đảo các tầng lớp nhân dân, CBCS trong lực lượng CSGT không ngừng rèn luyện phấn đấu vươn lên, khắc phục khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xuất hiện nhiều tấm gương người tốt, việc tốt được các cấp, các ngành và nhân dân ghi nhận. Trong 6 tháng đầu năm 2012, đã có 1.460 lượt CBCS CSGT liêm khiết không nhận hối lộ của lái xe, chủ hàng với số tiền là 290 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong lực lượng Cảnh sát giao thông vẫn còn một số CBCS có sai phạm, tiêu cực cần phải được xử lý, khắc phục. Trong những năm qua, cùng với việc quan tâm chỉ đạo quyết liệt các biện pháp bảo đảm TTATGT, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã đặc biệt quan tâm, có nhiều chủ trương, giải pháp phòng ngừa sai phạm, tiêu cực, xây dựng lực lượng CSGT trong sạch, vững mạnh; kiên quyết xử lý, chấn chỉnh tiêu cực của Cảnh sát giao thông: Đặc biệt đã ban hành Đề án tổ chức phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong TTKSGT với 6 giải pháp tổng thể; quy định tiêu chuẩn đạo đức “3 xây, 3 chống” trong lực lượng CSGT; ngày 28/9/2011, Bộ Công an đã ban hành Chỉ thị số 12 về tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý vi phạm và các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ của CBCS Công an nhân dân. Tổ chức tiếp nhận, xử lý tin phản ảnh qua đường điện thoại nóng và các hành vi tiêu cực của CBCS để xử lý nghiêm theo quy định.
Để hạn chế được thực trạng không ai mong muốn này, “Tổng cục CSQLHC về TTATXH kính mong nhân dân tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, giám sát hoạt động của lực lượng Cảnh sát giao thông, kịp thời hỗ trợ, bảo vệ, động viên Cảnh sát giao thông trong khi làm nhiệm vụ; đồng thời phát hiện sai phạm tiêu cực của Cảnh sát giao thông để phản ánh cho cấp có thẩm quyền. Tổng cục CSQLHC về TTATXH cũng kêu gọi người tham gia giao thông chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật giao thông; trường hợp có vi phạm không được đưa tiền cho CSGT, góp phần phòng chống sai phạm, tiêu cực”, Thiếu tướng Đồng Đại Lộc nói.
Thời gian tới, Tổng cục CSQLHC về TTATXH tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt 6 giải pháp xây dựng lực lượng CSGT trong sạch vững mạnh, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm, tiêu cực; đồng thời chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức tác phong người Chiến sỹ Công an cách mạng, tuyển chọn kỹ lưỡng ngay từ đầu vào; thực hiện tốt việc động viên, khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến, tranh thủ sự đồng tình giúp đỡ của nhân dân.
Theo VNMedia
Mãi lộ ngày và đêm trên đường cao tốc
Chỉ trong 3 giờ đồng hồ, nhóm CSGT đã chặn xe và nhận tiền hàng trăm lượt xe từ miền Tây lên và ngược lại. Quy trình thu nhận công phu, hàng chục triệu mỗi ca trực.
Nhiều tài xế bức xúc gọi đến báo Pháp Luật TP.HCM tố cáo việc hằng ngày họ buộc phải chung chi từ 100.000 đến 500.000 đồng cho mỗi lượt xe khi qua các chốt trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (đoạn từ trạm thu phí phía TP.HCM đến đầu đường Nguyễn Văn Linh).
Qua xác minh, việc này được thực hiện bởi một số CSGT Trạm 4 (Trạm An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM).
Cận tết, mãi lộ càng hoành hành
Khuya 28-11, PV đi theo xe khách từ Sóc Trăng lên Bến xe Miền Tây, khi xe vừa qua trạm thu phí (đang xây dựng) đường cao tốc địa phận TP.HCM, hai CSGT đã rọi đèn pin vào xe. Chỉ khoảng chưa đầy 30 giây, tài xế đã làm "phí" 200.000 đồng rồi lên xe mà không cần phải trình các giấy tờ gì. Chỉ 5 phút, hai CSGT đã băng ra giữa đường chỉ gậy, rọi đèn hơn 10 xe khách và xe tải. Anh N. cho biết: "Dù xe mình có giấy tờ, có đủ lịch trình xuất bến, không vi phạm gì nhưng vẫn phải chung chi. Nếu không thì mấy anh ấy sẽ không vui, mà không vui thì bị bắt bẻ phạt lỗi nặng, mà mấy ảnh đã xem xe thì thế nào cũng ra lỗi, bị giam bằng thì vợ con đói". Mỗi chuyến xe khách, tài xế được chủ trả 160.000 đồng. Và nếu chẳng may bị chỉ gậy thì coi như mất tiền công.
Rạng sáng 30-11, xe anh N. chở khách về lại Sóc Trăng và phải tiếp tục làm luật 200.000 đồng, dù xe lúc này chỉ có bảy hành khách (giá mỗi vé xe chỉ 100.000 đồng/người).
Theo phản ánh của nhiều tài xế, CSGT Long An, Tiền Giang chỉ xử phạt khi thấy có lỗi chứ không phải nộp tiền tươi liên tục cả đi cả về như CSGT tuần tra Trạm 4. Anh L., tài xế xe container, kể chiêu để đỡ bớt tiền phạt mà nhiều tài xế trốn "nộp" là bằng cách ngừng xe tưới nước cho bánh xe (để khi xe chạy trên đường cao tốc sẽ đỡ hư lốp) hoặc giả như xe bị hư để dừng lại các quán nước chờ thay ca trực sẽ nhanh chóng chạy thoát. Nhiều tài xế lanh lẹ hơn đã chạy cập hông một xe khác và bỏ chạy khi gậy của CSGT chưa kịp chỉ vào xe mình. Tuy nhiên, theo anh B., tài xế xe khách tuyến Cà Mau - Chợ Lớn, thì việc bỏ chạy hay giả vờ xe hư không được lâu và dễ bị để ý. "Nếu xe nào bị để ý vì trốn "làm luật" nhiều thì nguy cơ bị xử phạt nặng, thẳng tay là không tránh khỏi, trốn được vài lần trong tháng là may lắm rồi. Nói chung, phải biết chuyện không thì phiền phức lắm. Chỉ thiệt cho tài xế thôi. Càng gần tết là tụi tui bị làm luật càng nhiều" - anh B. cho hay.
Tiền sau khi nhận "phí chung chi" được kẹp vào tập biên lai.
Lấy tiền từ túi ra.
Bỏ tiền vào cốp, được người CSGT bên cạnh che chắn.
Quy trình thu nhận công phu
Suốt hơn một tuần tìm hiểu, theo xe các tài xế, chúng tôi đã chứng kiến thủ thuật lấy tiền cánh tài xế của các CSGT đoạn đường này thật tinh vi, khó phát hiện.
Gần 5 giờ sáng 30-11, PV đã phục kích ghi lại được hình ảnh tài xế lũ lượt đóng tiền "phí", khi trời còn mờ sương sớm.
Một tổ tuần tra gồm hai CSGT (một cấp bậc đại úy tên là Đông và một trung úy) chặn ngay trạm thu phí trên đường cao tốc, đoạn giáp ranh giữa Long An - TP.HCM. Tất cả các xe khi vừa lọt qua cổng trạm đều được chỉ gậy. Khi tài xế xuống xe cầm theo giấy tờ, kẹp theo 100.000-300.000 đồng. Lúc này một CSGT tay cầm tập biên bản xử phạt, tay kia kiểm tra giấy tờ và nhanh chóng đưa tiền kẹp vào tập biên bản. Sau đó giả ghi chép nhưng không đưa biên bản cho tài xế. Lộ liễu hơn, có tài xế không cần cầm giấy tờ liên quan đến xe, chỉ cầm gọn trong tay tiền và đi ra phía đuôi xe, CSGT kéo tài xế nép sát vào mình để tài xế nhét vào xấp biên bản.
Tập biên bản sau khi đã "dày" tiền thì được cuốn tròn lại nhét vào túi áo, quần. Khi túi đã chật cứng tiền, một CSGT đứng che cho đồng nghiệp "xổ" tiền vô cốp xe.
"Quy trình" lấy tiền bỏ vô cốp xe cũng công phu không kém. Biên bản được giơ cao lên để che việc bỏ tiền vô cốp, sau đó cảnh sát này thọc tay vào túi quần lấy ra một tập biên bản rồi bỏ nhanh vô cốp xe. Tiếp đó "gỡ" xấp tiền ra bỏ sâu vô thùng. Tất cả những thao tác này diễn ra một cách chóng vánh, thuần thục.
Sau khi cất tiền xong, hai cảnh sát này tiếp tục chặn xe, đồng hồ lúc này đã gần 7 giờ sáng. Thấy xe chúng tôi đậu trên lề đường quá lâu, một CSGT bước nhanh đến quát: "Đi nhanh mày". Tài xế than: "Xe em hư chút, em sửa sắp xong rồi". Có vẻ nghi ngờ, người cảnh sát này dòm vô xe ô tô rồi bỏ đi".
Hàng chục triệu mỗi ca trực
7 giờ sáng 1-12, hai CSGT khác đứng cách vị trí trạm thu phí gần 1 km, lại tiếp tục thổi xe ô tô và làm luật. Chỉ thấy tài xế cầm sổ chạy lại và chạy đi nhanh như cắt mà không có biên lai xử phạt.
Trưa 3-12, một nhóm CSGT lại tiếp tục ra chốt chặn và quy trình lặp lại liên tục, tuy không lộ liễu bằng lúc đêm khuya và sáng sớm nhưng mọi thủ tục kiểm tra đều đứng sau đuôi xe vi phạm và nhanh chóng tài xế được đi ngay sau đó.
Một tài xế nhẩm tính mỗi ngày có hàng chục ngàn lượt xe lưu thông qua đoạn đường này, nếu chỉ 1 giờ đồng hồ một số CSGT làm ít nhất là 100 xe thì số tiền bỏ túi cỡ 20 triệu đồng. Điều này cũng đồng nghĩa tiền công của hàng loạt tài xế bị teo tóp.
. Anh ơi hồi hôm về đã tốn 100, giờ chung nữa kẹt quá anh.
Ê, mày, mai mốt đèn xe thế, không giải quyết đâu.
. Anh thông cảm chứ hồi tối lên cũng đưa rồi, em chạy xe thuê nên khổ lắm anh ơi.
Vậy mày nghỉ chạy đi.
(Tài xế S., 50 tuổi, năn nỉ đại úy CSGT tên là Đông (khoảng ngoài 35 tuổi) 5 giờ sáng 30-11)
Theo PLTP
TP.HCM: CSGT 'mãi lộ' giữa ban ngày VTC News đã thấy tận mắt hàng chục phương tiện được thổi dừng xe, nhưng CSGT lại lập biên bản vi phạm rất ít. VTC News thấy tận mắt hàng chục phương tiện được thổi dừng xe do vi phạm luật giao thông với lỗi chủ yếu là đi lấn tuyến. Thỉnh thoảng, 2 viên CSGT này cũng chặn dừng xe du lịch,...