Chuyện lạ Thừa Thiên Huế: Bố nhỏ tuổi hơn con, 1 nhà mang 3-4 họ
Em hơn tuổi anh, bố nhỏ tuổi hơn con, một gia đình có tới 3-4 họ là chuyện “thật như đùa” ở xã biên giới Hồng Thái, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Những rắc rối trong việc gọi tên, ngày tháng năm sinh trong làm giấy khai sinh sai lệch so với hộ khẩu phổ biến đến nỗi, chính quyền xã Hồng Thái phải thực hiện “chiến dịch” cải chính, sửa đổi khai sinh, hộ khẩu trên toàn xã.
Xã Hồng Thái là nơi sinh sống chủ yếu của người Pa Cô, Tà Ôi. Theo tập tục từ lâu đời, đồng bào ở đây thường gọi tên người lớn theo tên con, tên cháu, ghép với các từ chỉ thứ bậc, trong gia đình. Cũng bởi cách gọi này, nếu người lạ không biết mà hỏi tìm người theo tên ghi trong hồ sơ sẽ gặp khó khăn.
Ông Mạnh (bên trái) ghi tên, họ chính xác của mình theo tiếng Pa Cô. Ảnh: Bích Nguyên.
“Theo cách gọi của người Pa Cô, Tà Ôi, từ Quỳnh, Cu nghĩa là bố, Căn là mẹ, A cả (tiếng Pa Cô) và A bà (tiếng Tà Ôi) là bà, A-vỗ là ông. Những danh xưng này ghép với tên con đầu hoặc cháu đầu sẽ thành tên gọi của một người. Ví dụ như ông Hồ Văn Một, có con trai tên là Đai thì được gọi là Quỳnh Đai, tức là bố của thằng Đai. Nếu sau này, Đai có con đặt tên là Thắng thì ông Một sẽ được gọi là A-vỗ Thắng”, ông Lê Văn Lành, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thái vui vẻ giải thích cho tôi về cách gọi tên của dân tộc mình.
Thực tế, cách gọi tên như thế, với tục kết hôn sớm phổ biến trước đây, nhiều người bị mất luôn tên cha sinh mẹ đẻ, bởi bà con xóm giềng chỉ gọi tên theo con cháu họ.
Tiếp mạch câu chuyện, ông Lành kể cho chúng tôi những chuyện nhầm lẫn thật như đùa xung quanh việc đặt tên, làm giấy khai sinh. “Trước đây, bà con không để ý tới việc làm giấy khai sinh cho con. Đến khi đi học, thầy cô giáo làm học bạ, bố mẹ chỉ biết bảo sinh vào mùa rẫy. Thế là thầy giáo cũng chịu không biết. Trò khai tên gì thì thầy ghi vào học bạ tên đó, thậm chí, thầy còn đặt cả họ cho học sinh. Vì thế mới có chuyện một gia đình có tới 3-4 họ, có cả những họ lạ như Lê, Trần, Nguyễn. Đối tượng có thông tin khai sinh, hộ khẩu, học bạ sai lệch nhiều nhất là học sinh”.
Nhiều năm trước kia, do nhận thức còn hạn chế, người dân xã Hồng Thái không chú trọng tới việc làm giấy khai sinh hoặc hộ khẩu. Ngay ông Lành khi đi học tiểu học mới làm giấy khai sinh. Việc làm giấy khai sinh từ thông tin người dân cung cấp không chính xác cũng xảy ra những “sự cố” dở khóc, dở cười.
Chuyện làm giấy khai sinh của con ông Hồ Văn Mạnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cũng ly kỳ: “Hồi đó, con tôi đi học, không hiểu thầy giáo hỏi thế nào mà ghi tên trong học bạ cho cháu là Măn, họ Pa.
Sau này, xã làm lại giấy khai sinh cho mọi người, cháu mới đúng tên là Hồ Bá Thưng, sinh ngày 29-2-1998″. Trớ trêu là mãi tới khi đi học cấp 2, cậu bé Thưng mày mò thế nào mà phát hiện ra “việc động trời”: Tháng 2-1998 chỉ có 28 ngày, tức là không có ngày 29.
Anh Mạnh bảo, ngày xưa làm giấy khai sinh cho cháu, tôi không để ý nên không phát hiện ra. Có người ký giấy khai sinh một tên, hộ khẩu một tên, tên gọi ở nhà lại khác, dẫn tới sự không trùng khớp thông tin tên, tuổi trong các loại hồ sơ, giấy tờ cá nhân.
Trò chuyện một hồi, tôi mới phát hiện ra, Phó Chủ tịch xã Lành mang họ Lê, trong khi bố ông lại là Hồ Văn Một. Ông Lành cười sảng khoái, giải thích: “Không ít người đã thắc mắc vì sự khác họ trong các gia đình người dân ở đây. Theo phong tục, người con đầu thường được lấy họ của bố, con thứ hai lấy theo họ mẹ”.
Anh Mạnh ngồi bên cạnh giải thích thêm: “Làm như vậy để lỡ hai vợ chồng có bỏ nhau sẽ không mất con, vì mỗi người đều có một người con mang họ của mình”. Không rõ anh Mạnh nói thật hay đùa, nhưng thực tế, việc có nhiều tên, họ khác nhau chưa thấy mang lại lợi ích gì mà lại làm nảy sinh những rắc rối nho nhỏ trong việc giải quyết các chế độ chính sách, đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm.
Nhiều trường hợp, khi tham chiếu tên họ không trùng hợp với hồ sơ đã khai… vì trên giấy tờ, người con mang họ mẹ, trong khi chính sách được hưởng lại theo chế độ của bố…
Hiện nay, trẻ em ở xã Hồng Thái được khai sinh đúng thời gian quy định của pháp luật. Ảnh: Võ Tiến
Để giải quyết những rắc rối không đáng có, cũng là để đảm bảo kê khai hộ tịch, hộ khẩu chính xác, năm 2000, cán bộ tư pháp xã Hồng Thái đã tiến hành đính chính tên tuổi, khai sinh đồng loạt cho người dân trong xã. Thời điểm đó, ông Mạnh đã tới từng thôn, hiệu chỉnh lại thông tin khai sinh, học bạ, hộ khẩu của người dân cho thống nhất. Đến năm 2004, công việc cải chính thông tin của người dân xã Hồng Thái mới hoàn chỉnh.
Ông Mạnh vui vẻ cho biết: “Bây giờ, người dân nhận thức tốt hơn rồi, không còn tình trạng khai sinh theo mùa rẫy nữa, cũng không còn tình trạng thầy cô giáo đặt tên, đặt họ cho học sinh nữa. Việc làm giấy khai sinh, làm hộ khẩu đã đi vào nề nếp. Cán bộ tư pháp được đào tạo, có chuyên môn, đảm bảo làm giấy khai sinh, hộ khẩu cho người dân đúng thủ tục theo quy định”.
Theo Nguyễn Bích (Báo Thừa Thiên Huế)
Mô hình du lịch homestay ở huyện vùng cao A Lưới
Mô hình homestay giờ đây không quá xa lạ đối với đồng bào vùng núi huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Những năm gần đây, mô hình này được chính quyền địa phương khuyến khích phát triển. Qua đó, đã hình thành những tour, tuyến đặc sắc thu hút khách du lịch trong và ngoài nước; tạo sinh kế, giới thiệu nét văn hóa, ẩm thực bản địa...
Cách thành phố Huế khoảng 70km về hướng Tây, A Lưới không chỉ có những cánh rừng già đa dạng sinh học, những con suối trong lành, thác đẹp mà còn có di sản văn hóa, ẩm thực phong phú của đồng bào dân tộc Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu, có đường Hồ Chí Minh huyền thoại, nhiều di tích lịch sử cách mạng, kết nối cửa khẩu với nước bạn Lào đã tạo ra hạ tầng cơ bản cho phát triển kinh tế - xã hội, dịch vụ - du lịch.
Sau khi thưởng thức các món ăn đặc trưng bản địa, du khách sẽ ngủ lại
trên nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc
Hiện nay, tại huyện A Lưới có 3 khu du lịch cộng đồng như: Điểm du lịch homestay xã Hồng Hạ, xã Hồng Kim và xã A Roàng. Tại các điểm này đều phát triển theo mô hình du lịch cộng đồng, homestay dưới dạng trải nghiệm độc đáo. Du khách đến đây không chỉ "phượt" với những cánh rừng nguyên sinh kỳ vĩ, mát lành từ những con suối mà còn cùng đồng bào dân tộc bản địa thưởng thức những món ẩm thực đặc trưng như thịt nướng ống tre, bánh A Quát, xôi nếp than, rượu đoát, muối tiêu rừng, rượu đoác... tham quan, mua sắm những món hàng lưu niệm tại các làng nghề truyền thống. Theo Phòng Văn hóa huyện A Lưới cho biết, trung bình mỗi tháng có hàng trăm lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan và ở lại tại các homestay này, qua đó đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - du lịch tại huyện vùng cao A Lưới nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.
Người dân bản địa sẽ là đầu bếp cho những món ăn đặc trưng
Ông Viên Xuân Linh (homestay xã A Roàng) cho biết, phát triển du lịch cộng đồng không bao giờ là trễ, bởi nhờ vào những nét văn hóa độc đáo vốn có tại địa phương, cùng với những món ăn đặc trưng và con người thích trải nghiệm những điều khác lạ. Nắm bắt được nhu cầu đó, sau thời gian phát triển, đến nay mô hình homestay xã A Roàng thành công ngoài mong đợi. "Hiện nay, đang có xu hướng du lịch trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống. Ở A Lưới có 2 nghề truyền thống được du khách biết đến và ưa thích là nghề dệt Dèng và nghề đan chiếu A Chát của đồng bào dân tộc Tà Ôi. Việc áp dụng du lịch trải nghiệm với các làng nghề tại địa phương, giúp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm làm ra nhiều hơn, giải quyết việc làm cho đồng bào với thu nhập ổn định, đồng thời tạo môi trường du lịch ngày càng phát triển hơn" - ông Linh chia sẻ.
Đêm lửa trại tại homestay A Roàng
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: "Nhận thấy đây là mô hình phù hợp và có tiềm năng phát triển tại địa phương, do đó thời gian tới, huyện A Lưới sẽ tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển mô hình homestay, du lịch trải nghiệm. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức đào tạo đội ngũ nhân lực làm du lịch, hướng dẫn và tập huấn người dân làm du lịch, qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển" - ông Hùng cho biết thêm.
Theo congthuong.vn
Chuyện "thầy giáo" áo lính xóa mù chữ cho những đứa trẻ không quốc tịch Không quốc tịch, không giấy khai sinh, những đứa trẻ trở về từ Campuchia phải nương nhờ các thầy giáo "bất đắc dĩ" ở đồn biên phòng để học con chữ. Những căn chòi dựng tạm trên dòng kênh ven biên giới Campuchia (xã Tuyên Bình, Vĩnh Hưng, Long An) là nơi cư ngụ của gần 30 gia đình người Việt xuôi thuyền...