Chuyện kỳ thú về biệt thự nghỉ dưỡng trên núi Ba Vì (Bài 5): Trại hè ở Cote 800 và nơi ‘ở ẩn’ của ông chủ xưởng mộc
Tại điểm cao 800, có hai phế tích thu hút đông khách du lịch đến ‘check in’ là Nhà thờ và Trại hè thanh niên. Tuy nhiên, rất ít người biết thông tin các công trình này được xây dựng ra sao, vào thời gian nào? Còn tại điểm cao 1000, ngoài phế tích Nhà tù mà nhiều người nhầm tưởng là nơi ‘ biệt giam’ tù nhân chính trị, có một phế tích biệt thự là nơi ‘ở ẩn’ của ông chủ xưởng mộc Memo nổi tiếng trong những năm 40 của thế kỷ trước.
Paul Seitz (1906 – 1984)
Trại hè Thanh niên cote 800
Mùa hè năm 1940, có 60 thanh niên gồm 20 người Pháp và 40 người Việt đã đến Ba Vì cắm trại ở độ cao 800m, trên sườn phía Bắc dưới sự hướng dẫn của ông R. Paul Seitz. Đây là khu đất mới được phát quang và dựng lên các lán trại bằng rơm. Đường dẫn vào trại là một lối mòn rất khó đi, bắt đầu từ cote 400. Sự hào hứng ban đầu nhường chỗ cho những giọt mồ hôi rơi lẫn vào sương mù, sau 40 phút đi bộ vất vả, các thanh niên đã đến nơi tập kết.
Năm 1941, trại hè lần thứ hai được tổ chức, thu hút 170 người tham gia, trong đó có 70 người quốc tịch Pháp. Lúc này, tại đây đã có hai ngôi nhà xây kiên cố, gồm một nhà nhỏ hai phòng và một nhà lớn có sức chứa tới 50 người. Số còn lại ở trong các nhà sàn bằng gỗ, lợp rơm do ông R.P. Seitz bỏ tiền túi ra xây dựng, cứ 10 người một nhà.
Thành công của hai lần tổ chức khiến ông R.P. Seitz nghĩ đến việc quy hoạch và mở rộng khu trại hè để tổ chức thường niên. Ông dự kiến xây thêm hai ngôi nhà lớn, mỗi nhà có sức chứa 100 người và 24 nhà nhỏ, mỗi nhà cho 10 người. Khu dịch vụ gồm: Bếp, phòng ăn, phòng tắm, bể chứa nước, đường cấp nước, khu vệ sinh… cũng được quy hoạch chi tiết. Với quy mô này, dự kiến mùa hè năm 1942 sẽ đón 400 thanh niên đến sinh hoạt và nghỉ dưỡng tại đây. Ông R.P. Seitz đề xuất việc này với Thống sứ Bắc Kỳ và nhận được sự đồng ý. Tuy nhiên, việc xây dựng chỉ có thể tiến hành sau khi làm xong đường ô tô, do không thể chuyên chở 500 tấn vật liệu bằng sức người (cõng lưng) hay ngựa thồ qua lối mòn nói trên.
Họa sĩ Trịnh Lữ tìm kiếm ngôi nhà năm xưa của gia đình trên đỉnh Ba Vì
Ngày 9 tháng 2 năm 1942, hơn 200 tù nhân đã được đưa từ Hà Nội lên ở trong một lán trại tại điểm cao 630 để làm đường. Chỉ với độ dài 2km nhưng phải mất tới 2 tháng con đường mới hoàn thành và tiêu tốn 2.000 USD cho nguyên vật liệu: thuốc nổ, dụng cụ và cầu tạm. Ngày 2 tháng 5 năm 1942, những chiếc xe camion đầu tiên đã lên được cote 630. Tuy nhiên, việc vận chuyển vật liệu từ điểm cao 400 tới công trình trại hè vẫn phải trông cậy chủ yếu vào sức người. Suốt 2 tháng trời, các tù nhân phải cõng hơn 400 tấn vật liệu đến chân công trình. Mặc dù được đôn đốc đẩy nhanh nhưng các công trình tại Trại hè Thanh niên vẫn không hoàn thành đúng tiến độ.
Năm 1942, trại hè đón 300 thiếu niên, gồm: 180 trẻ quốc tịch Pháp; 105 trẻ Á – Âu (Hội Hỗ trợ trẻ em Pháp – Đông Dương tại Hà Nội); 25 trẻ Việt Nam đến nghỉ dưỡng và sinh hoạt. Ngay sau khi trại hè kết thúc vào cuối tháng 8 năm 1942, ông R.P. Seitz cho hoàn thiện nốt các công trình xây dựng còn dở dang. Ông cũng xúc tiến kế hoạch xây dựng thêm các công trình nhà ăn, cửa hàng bán thực phẩm, sân vận động và bể bơi vào năm 1943.
Do trại hè có tới 10 tháng không hoạt động trong năm nên ông R. P. Seitz đề nghị được gom, đón trẻ em ăn xin trên đường phố hoặc ở trong các trại tù đưa về khu trại hè nuôi dưỡng. Từ tháng 12 năm 1943, Trại hè Thanh niên trở thành nơi đón tiếp trẻ bị bỏ rơi và có thêm tên mới: “Trại mồ côi Sainte- Thérèse”, đón nhận 80 trẻ mồ côi đến sinh sống.
Nơi “ở ẩn” của ông chủ xưởng mộc Memo
Khu nghỉ mát cote 1000 được quy hoạch năm 1943 theo Quyết định số 2815 ngày 5.4.1943 của Toàn quyền Đông Dương. Theo quy hoạch, nơi đây được phân làm 3 khu vực, gồm 115 biệt thự, khách sạn và nhiều công trình dân sinh như cửa hàng, trạm xá, sân bóng, chợ…
Đầu năm 1942, kế hoạch xây dựng khu nghỉ mát tại cote 1000 được xúc tiến. Tại sườn Tây đỉnh Tản Viên, một nhà tù được xây dựng trên diện tích 1.000m2 để giam giữ tạm thời hơn 300 tù nhân trong thời gian họ bị đưa lên núi làm đường và xây dựng các khu nghỉ mát. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên cho đến giữa năm 1943, việc xây dựng khu nghỉ mát tại cote 1000 vẫn trong tình trạng “án binh bất động”.
Phế tích khu Trại hè thanh niên cote 800
Đến cuối năm 1944, tại cote 1000 mới chỉ có vài công trình của cá nhân được khởi công và hoàn thiện. Trong số này có công trình nhà ở của họa sĩ, nhà thiết kế nội thất nổi tiếng Trịnh Hữu Ngọc. Ông Ngọc sinh năm 1912, quê Bắc Giang. 19 tuổi, ông thi đỗ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khóa IX (1933-1938). Trong thời gian đi học, ông Hữu Ngọc tham gia phụ giúp ông Nam Sơn (người đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương cùng với họa sĩ Pháp V.Tardieu). Năm 1940, ông Ngọc dựng xưởng mộc với máy móc nhập từ Pháp sang với gần 20 thợ tinh tuyển. Xưởng mang tên Memo Ébénisterie – Nhà trang trí nội thất và làm đồ gỗ hiện đại đầu tiên ở Việt Nam. Memo là chữ viết tắt của chữ Mémoire với dụng ý: Ai đã dùng đồ gỗ từ xưởng của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc sẽ nhớ mãi không quên. Ông Ngọc mua lại lô đất của một cá nhân ở cote 1000, nằm trên đường đi lên đỉnh Ngọc Hoa và cho xây dựng một ngôi nhà chính bằng gạch, đá, tường dày 50cm; một số công trình phụ bằng gỗ; khu chuồng ngựa, khu nuôi gà và vườn cây. Đây không chỉ là nơi nghỉ dưỡng mùa hè, xưởng vẽ tranh trên núi mà ông Ngọc còn đưa cả gia đình lên ở trong một thời gian dài. Theo họa sĩ Trịnh Lữ (Trịnh Hữu Tuấn), con trai của ông Ngọc, gia đình ông đã sống trong ngôi nhà tại cote 1000 đến năm 1948 mới “hạ sơn” về Hà Nội.
Năm 1954, ông Ngọc biến xưởng mộc Memo của mình thành trường dạy vẽ. Xưởng thiết kế nội thất và dạy vẽ của ông Ngọc rất nổi tiếng thời đó, nhiều tác phẩm của ông được chọn làm quà tặng các chính khách, bạn bè nước ngoài khi họ đến thăm Việt Nam.
Năm 2009, họa sĩ Trịnh Lữ đã đến núi Ba Vì, mang theo bản đồ địa chính năm 1941 để tìm kiếm ngôi nhà năm xưa của gia đình. Gần 80 năm trôi qua, ngôi nhà của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc là phế tích hiếm hoi còn tồn tại ở điểm cao 1000. Tại đây, các bức tường xây bằng đá vẫn trụ vững nhờ những cây to có rễ bám quanh tường làm điểm tựa.
Đặt nhiều kỳ vọng vào quy hoạch khu nghỉ mát cao độ 1000 và đã rất nỗ lực để biến “giấc mơ” thành hiện thực, nhưng cho đến cuối năm 1944, phần lớn các công trình trong quy hoạch tại độ cao này vẫn… nằm trên giấy.
Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp tại Việt Nam. Dự án xây dựng khu nghỉ mát mới tại cote 1000 chính thức khép lại.
Chuyện kỳ thú về biệt thự trên núi Ba Vì (Bài 1): Núi Ba Vì lọt vào tầm ngắm của toàn quyền Đông Dương
Trên núi Ba Vì (Hà Nội) hiện có rất nhiều công trình phế tích là các khu nghỉ dưỡng do Pháp xây dựng hơn 90 năm trước tại các điểm cao 400m, 600m, 1000m và rải rác ở các điểm 700m, 800m... Gần một thế kỷ dầm mưa dãi nắng, các phế tích khoác trên mình chiếc áo rêu phong 'trơ gan cùng tuế nguyệt' giữa rừng già xanh ngắt và ẩn chứa nhiều câu chuyện kỳ thú.Với mục đích gìn giữ và 'đánh thức' những công trình này, Hội Kiến trúc sư VN và Tập đoàn Melia đang gấp rút chuẩn bị cuộc tọa đàm 'Phát huy hiệu quả giá trị các công trình phế tích Pháp tại núi Ba Vì' dự kiến tổ chức trong tháng 9. Văn Hóa xin giới thiệu quá trình hình thành và những điều vẫn đang còn là bí ẩn trong cuốn sách 'Bí ẩn khu biệt thự nghỉ dưỡng trên núi Ba Vì' của tác giả Chu Thu Hằng.
Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (1857 - 1932)
Việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng trên cao tại Đông Dương được đặt ra vào năm 1897, là ý tưởng của ông Paul Doumer, Toàn quyền Đông Dương (1897-1902). Đến Việt Nam ngày 13 tháng 2 năm 1897 sau hơn 20 ngày lênh đênh trên biển, Paul Doumer ngán ngẩm khi đối mặt với thời tiết mùa hè oi nóng của xứ sở nhiệt đới. Chỉ sau vài tháng ở đây, trong đầu vị Toàn quyền Đông Dương luôn tồn tại câu hỏi: làm sao để người châu Âu có thể sống được ở nơi khí hậu nóng, ẩm, khắc nghiệt, khác biệt hoàn toàn so với điều kiện khí hậu ôn đới của nước Pháp?
Thời điểm đó, công cuộc chinh phục các thuộc địa tại Đông Dương đã khiến Pháp phải chi ra tới 749.987.000 francs. Việc người Pháp ở Đông Dương phải quay trở về nghỉ phép hoặc chữa bệnh làm gia tăng thêm gánh nặng cho ngân khố Pháp. Phương án đặt ra cho các vùng thuộc địa nói chung và Đông Dương nói riêng là cần tìm kiếm những vùng có khí hậu gần giống với châu Âu để xây dựng các khu nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe và chữa bệnh tại chỗ cho người Pháp.
Ba Vì thường xuyên được bao bọc bởi lớp sương mỏng như khói
Paul Doumer thấy các địa phương có khí hậu ôn đới không quá hiếm ở Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, cho tới năm 1897 vẫn chưa có một dự án nghỉ dưỡng nào được xây dựng tại đây, dù chỉ là lập dự án. Trong khi tại các thuộc địa của Anh và Hà Lan ở Ấn Độ, nhất là tại các thuộc địa Anh, những khu nghỉ dưỡng như vậy đều đã được thiết lập. Đánh giá các khu nghỉ dưỡng ở Đông Dương cần thiết không kém các khu vực Đông Ấn khác, Paul Doumer đã gửi các yêu cầu khảo sát địa điểm xây dựng cho Thống sứ Bắc Kỳ, ấn định các điều kiện cần thiết cho việc thiết lập một khu nghỉ dưỡng: có độ cao tối thiểu 1.200m, có nguồn nước dồi dào, có đất canh tác, có khả năng xây dựng đường giao thông dễ dàng...
Phế tích nhà thờ là công trình hiếm hoi còn giữ lại khá nguyên vẹn hình dáng kiến trúc
Núi Ba Vì được khảo sát theo Công lệnh của Paul Dumer ngày 23.7.1897 cùng với Tam Đảo và Mẫu Sơn. Với tính cách lãng mạn nhưng cũng không kém phần thực dụng của người Pháp, lý do khiến Ba Vì lọt vào tầm ngắm của Paul Doumer là địa điểm này hội tụ những điều kiện tự nhiên phù hợp với một khu nghỉ dưỡng và hàm chứa những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc để tạo nên sự riêng biệt.
Các phế tích công trình nghỉ dưỡng tại điểm cao 600 m
Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 60km về phía Tây Bắc, Ba Vì là một dãy núi đá vôi trải trên phạm vi rộng chừng 5.000 hecta (ha) ở hai huyện Ba Vì và Thạch Thất (Hà Nội) và TP Hòa Bình (Hòa Bình). Nằm sát phía Tây Bắc của vùng Châu Thổ sông Hồng, khu vực Ba Vì chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh, khí hậu trong lành mát mẻ, nhiệt độ biến thiên tuân theo quy luật đai cao. Ở độ cao 500-700m, nhiệt độ trung bình năm khoảng 19-20oC; lên đến độ cao 900-1000m, nhiệt độ trung bình năm giảm còn 18oC. Không ẩm ướt như Tam Đảo, nhưng từ độ cao 300m trở lên, núi Ba Vì thường xuyên được bao bọc bởi lớp sương mỏng như khói.
Hoa ráy tạo nên vẻ đẹp riêng biệt tại điểm cao 600 m
Từ những năm 1884, Ba Vì đã được người Pháp quan tâm với tư cách là một địa điểm có thảm động - thực vật đa dạng. Và hiện tại, Ba Vì được ví như lá phổi của Thủ đô. Thật thú vị khi chỉ hơn một giờ chạy xe, những người dân Hà Nội đã có thể chạm tay vào "lá phổi" xanh mát với bầu không khí thanh sạch và khám phá sự đa dạng của ba kiểu rừng đặc trưng trên núi Ba Vì: Rừng kín lá rộng thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp; Rừng kín thường xanh hỗn hợp cây lá rộng, cây lá kim á nhiệt đới núi thấp và Rừng kín lá rộng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới núi thấp. Điều làm nên giá trị khác biệt của dãy núi Ba Vì so với Tam Đảo, Sa Pa chính là những giá trị văn hóa đặc trưng của người Việt với độ lùi thời gian hàng ngàn năm được ghi dấu ấn trong truyền thuyết và hệ thống đình, chùa dày đặc trong khu vực.
Những công trình hiện là phế tích trên núi Ba Vì
Mặc dù Paul Dumer khá ấn tượng với dãy núi Ba Vì nhưng địa điểm này đã không được lựa chọn để quy hoạch khu nghỉ dưỡng thời điểm đó vì vấp phải sự phản đối của một số bác sĩ cho rằng độ cao của những dãy núi này không phù hợp để chữa bệnh, do có chênh lệch nhiệt độ lớn. Chính bởi lý do này nên chỉ có Đà Lạt được chọn quy hoạch xây dựng khu nghỉ dưỡng năm 1897. Sa Pa được xem xét quy hoạch vào năm 1909 và đón những người phục vụ cho quân đội Pháp bị ốm, mệt lên nghỉ dưỡng lần đầu tiên vào năm 1915.
Các phế tích biệt thự và công trình nghỉ dưỡng đều có lò sưởi
Trong một báo cáo đặc biệt năm 1917, Chánh Thanh tra các vùng thuộc địa cho biết, mục tiêu của việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng trên cao hay ven biển là nhằm hai mục đích: vừa để duy trì một lượng người định cư nhất định ở Đông Dương vừa để tiết kiệm ngân sách. Theo đó, việc tìm kiếm và khảo sát các địa điểm xây dựng khu nghỉ dưỡng tiếp tục được xúc tiến. Năm 1920, núi Ba Vì một lần nữa lọt vào tầm ngắm những địa điểm xây dựng khu nghỉ dưỡng trên cao.
Ẩn mình dưới lớp bụi thời gian, hiện núi Ba Vì còn lưu dấu hàng trăm ngôi biệt thự cùng những công trình phục vụ đi kèm như nhà hàng, khách sạn tập trung ở các điểm cao 400m (cote 400), 600 (cote 600), 700m (cote 700), 800 (cote 800). Những phế tích chưa bị tan biến theo thời gian hé lộ nơi đây từng là khu nghỉ dưỡng sang trọng được quy hoạch bài bản, nếu không nói là xa hoa của người Pháp những năm 40 của thế kỷ trước và việc xây dựng các công trình đó cho đến nay vẫn chứa đựng nhiều bí ẩn.
Bài 2: Ai là chủ nhân ngôi biệt thự đầu tiên trên núi Ba Vì hơn 100 năm trước?
Kỳ thú đời sống sinh vật biển Bắc Cực Đại dương xanh biếc là ngôi nhà của muôn loài sinh vật biển, từ những vi tảo siêu nhỏ cho đến động vật to lớn nhất trên hành tinh. Bắc Cực là nơi có hệ sinh thái độc đáo bởi điều kiện băng giá ở đó. Bắc Cực với tài nguyên dầu khí vô cùng to lớn đang là mối quan tâm của...