Chuyện không cũ: Thủ đô “vật vã” trong… bụi mịn
Năm 2019, chủ đề được người dân sống ở Thủ đô nói đến nhiều nhất là tình trạng ô nhiễm, trong đó đặc biệt là ô nhiễm không khí.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng thừa nhận: “Thành phố đã tích cực triển khai nhiều biện pháp chứ không phải không làm. Nhưng các giải pháp cần có thời gian và có sự phối hợp của các bộ, ngành, hơn nữa, còn cần kinh phí. Chỉ một mình chính quyền Hà Nội thì không thể khắc phục triệt để ô nhiễm được”.
Nhiều nguyên nhân…
Ghi nhận của PV NTNN cho thấy, nhiều ngày qua, TP.Hà Nội luôn chìm trong “báo động đỏ” ô nhiễm không khí. Thậm chí, có thời điểm không khí còn “xấu” tới mức nằm trong top thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới. Các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên hạn chế ra ngoài.
Ông Mai Trọng Thái – Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường-(TNMT) Hà Nội cho biết, tại Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc, ô nhiễm bụi thường tăng cao tập trung vào thời gian mùa đông, đầu xuân và vào những thời điểm chuyển mùa. Đây cũng là hiện tượng thường gặp trong nhiều năm qua.
Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí tăng cao. (ảnh: THÀNH AN)
Theo số liệu quan trắc của hệ thống trạm quan trắc của Sở TNMT Hà Nội, trong những ngày qua, chất lượng không khí của Hà nội, nhiều thời điểm trong ngày, nằm ở mức kém, trong đó, chủ yếu là ô nhiễm bụi.
Trên thực tế, nồng độ bụi chỉ tăng cao tức thời ở một vài thời điểm. Tuy nhiên, do điều kiện khí tượng không thuận lợi, xuất hiện hiện tượng sương mù bao phủ toàn thành phố kéo dài liên tục trong nhiều ngày nên bụi không thể thoát lên trên pha loãng và phát thải hoặc bị vận chuyển đi nơi khác mà bị giữ lại tại lớp không khí gần mặt đất nên chất lượng không khí trên toàn thành phố giảm xuống.
Nhận định về nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm bụi, đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, nguyên nhân chủ quan là do Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa, nhiều công trình đang xây dựng phát sinh bụi; mật độ các phương tiện tham gia giao thông lớn, xuất hiện nhiều điểm ùn tắc giao thông, còn tồn tại nhiều các phương tiện cũ, xe chở vật liệu và phế thải không che chắn đúng quy định.
Video đang HOT
Nguyên nhân khách quan là do thời điểm giao mùa, điều kiện khí tượng không thuận lợi, toàn thành phố luôn bị bao phủ bởi lớp sương mù làm giảm khả năng phân tán, phát tán bụi.
Mình Hà Nội không khắc phục được?
Trao đổi với NTNN, GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, để hạn chế tình trạng này, người dân cần có ý thức bảo vệ môi trường, giữ sạch sẽ thành phố.
Thành phố triển khai rất tích cực chứ không phải không làm. Mục tiêu là phải làm để cả đô thị phát triển bền vững. Nhưng các giải pháp này cần có thời gian và có sự phối hợp của các bộ, ngành, hơn nữa, còn cần kinh phí. Chỉ một mình chính quyền Hà Nội thì không thể khắc phục triệt để ô nhiễm được”.
Ông Nguyễn Đức Chung
Theo ông, cần quản lý tốt nguồn gây ô nhiễm của xe cộ, xe nào phát thải ra chất ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép thì không được cho vận hành; tăng cường giao thông công cộng để giảm thiểu phát thải từ xe cá nhân; quản lý nguồn thải từ hoạt động xây dựng mới…
Ông Trần Quốc Thái – Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, thì đây là vấn đề đáng quan tâm. Giải pháp quan trọng nhất là, quản lý đô thị hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh. Trong vấn đề này, Bộ xây dựng đã ban hành Thông tư số 01/2018/TT-BXD quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, được hướng dẫn, giám sát định kỳ tại các thành phố trực thuộc Trung ương, các đô thị loại I, II, III, IV và V.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, về vấn đề xử lý ô nhiễm, thành phố đã làm rất kỹ và rất sớm. “Ngay khi tôi lên Chủ tịch UBND thành phố, Phó Đại sứ Mỹ có lưu ý hãy chú trọng giải quyết tình hình ô nhiễm môi trường. Hiện thành phố có chuyên gia Pháp và chuyên gia tư vấn cho Bắc Kinh trong vấn đề giải quyết ô nhiễm. Cùng với đó, thành phố đưa ra nhiều giải pháp”- ông nói.
Theo ông Chung, Hà Nội đã trồng rất nhiều cây xanh; chuyển toàn bộ hình thức quét rác, khua bụi bẩn lên sang hình thức hút bụi và hút rác; giải quyết ô nhiễm ở các hồ khu vực quanh thành phố; đang triển khai xây dựng nhà máy nước thải Yên Xá; lắp đủ trạm quan trắc…
Thành phố cũng đã xây dựng đề án và được HĐND thành phố thông qua lộ trình cấm xe máy. Đặc biệt, có một dự án đang triển khai rất tốt. Đó là thành phố đang gieo và ươm hàng trăm nghìn cây được các chuyên gia đến từ Italy và Singapore đang chuyển giao. Những cây này có thể hút mùi và bụi giống như Singapore đang trồng. Dự kiến, ra Tết 2020 Hà Nội sẽ triển khai.
Theo danviet.vn
Ô nhiễm không khí ở mức nguy hại, Bộ TN&MT khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài
Trước tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội chạm ngưỡng rất xấu, Tổng Cục môi trường khuyến cáo người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời.
Ngày 14/12, Tổng Cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) công bố kết quả quan trắc chất lượng không khí từ 7/12 đến 13/12 và đưa ra thang khuyến cáo với người căn cứ mức độ ô nhiễm.
Theo kết quả công bố, trong tuần này (từ 7-13/12) mức độ ô nhiễm không khí có xu hướng tăng hơn so với tuần trước (30/11-6/12).
Đặc biệt là trong các ngày 10 - 13/12 chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày tại Hà Nội chạm ngưỡng rất xấu (giá trị từ 201-300). Giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 tại các thành phố từ đầu tháng 12 tới nay, nhìn chung có xu hướng tăng.
Trong các ngày từ 7/12 đến 12/12, tại Hà Nội, Việt Trì (Phú Thọ), TP.HCM ghi nhận giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 vượt quá giới hạn cho phép. Tại Hà Nội, có trạm đo được giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 vượt quá giới hạn cho phép gần 2-3 lần. Số liệu quan trắc tại các trạm ở Khánh Hòa và Đà Nẵng cũng có xu hướng tăng nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép.
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội ở mức rất xấu và nguy hại trong nhiều ngày.
Theo Tổng cục Môi trường, kết quả tính toán AQI ngày cho thấy, tại Hà Nội, chất lượng không khí ở mức xấu trong các ngày từ 9-12/12, tại Việt Trì và Huế, chất lượng không khí chạm ngưỡng xấu trong ngày 12/12, còn tại Hạ Long (Quảng Ninh), TP.HCM, chất lượng không khí cũng ở mức kém.
" Tại Hà Nội, từ ngày 7/12 đến 12/12, giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 liên tục vượt quá giới hạn cho phép tại tất cả các trạm. Số liệu đo tại một số trạm đặt tại Minh Khai, ĐSQ Pháp cho thấy giá trị vượt quá giới hạn cho phép trên 3 lần trong các ngày từ 11/12 đến 12/12", Tổng cục Môi trường nêu.
Kết quả tính toán AQI theo ngày tại các trạm cho thấy, từ 8/12 đến 12/12, chất lượng không khí liên tục ở mức xấu. Trong ngày 11/12 và 12/12, kết quả quan trắc tại một số trạm cho thấy AQI chạm ngưỡng rất xấu (AQI>200).
Kết quả tính toán AQI giờ (thông báo chất lượng không khí tức thời) cho thấy tại trạm đặt tại Đại sứ quán Mỹ, giá trị AQI đã lớn hơn 300 (mức nguy hại) vào thời điểm từ 3-6h ngày 10/12 và 13/12.
Đối với hầu hết các trạm khác, giá trị AQI đo được ở mức rất xấu (từ 201-300) trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 8h hôm sau. Sau 12h, AQI có giảm nhưng vẫn nằm ở mức kém. Trong các ngày từ 10/12 đến 13/12, AQI giờ ở mức rất xấu (từ 201-300), chiếm đến 32,5% số giờ trong ngày.
Các khuyến nghị tương ứng với giá trị AQI công bố của Tổng cục Môi trường.
Theo Tổng cục Môi trường, diễn biến hàm lượng PM2.5 trong ngày cho thấy, hàm lượng PM2.5 thường cao hơn vào buổi đêm và sáng sớm. Vì vậy, người dân nên hạn chế các hoạt động ngoài trời trong các khoảng thời gian này.
" Trong tuần (từ 7/12 đến 13/12), chất lượng không khí đang có xu hướng xấu đi, đặc biệt, trong mấy ngày gần đây, chỉ số AQI giờ đo được tại một số trạm ở Hà Nội đã chạm ngưỡng rất xấu.
Theo dự báo thời tiết, khoảng thứ Tư tuần sau (ngày 18/12) có thể có mưa, do đó, trong một vài ngày tới, chất lượng không khí có thể vẫn duy trì ở mức xấu. Mọi người kể cả học sinh nên hạn chế vận động và tập thể dục ngoài trời, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, đeo khẩu trang chống bụi PM2 khi đi ra đường", Tổng cục Môi trường khuyến cáo.
XUÂN TRƯỜNG
Theo vtc.vn
Chất lượng không khí các tỉnh phía Bắc tiếp tục xấu Ngày 1-1, ngày đầu tiên của năm mới 2020, chất lượng không khí tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc vẫn ở mức xấu, ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe người dân. Theo kết quả quan trắc chất lượng không khí (AQI) được công bố trên cổng thông tin điện tử của TP Hà Nội cho thấy, chỉ số AQI từ...