Chuyện ít biết về pho tượng thần Trấn Vũ
Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi đã trả thù nhà Tây Sơn, các cụ già làng Ngọc Trì lo sợ tượng bị hủy hoại nên mang bộ khuôn đúc đi giấu và dựng lên chuyện tượng đồng đưa từ nơi khác đến thờ.
Huyền Thiên Trấn Vũ là vị thần có nguồn gốc từ tín ngưỡng và đạo giáo Trung Hoa. Thần được hợp bởi khí thiêng của trời đất nên có khả năng trừ tà ma. Nhưng khi du nhập vào Việt Nam, kết hợp với văn hóa bản địa, thần ngoài trừ yêu ma quỷ quái, còn trị thủy, bảo hộ cuộc sống an bình cho cư dân nông nghiệp.
Nhiều người thường nhắc đến tượng Trấn Vũ ở đền Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội), ít ai biết được ở thôn Ngọc Trì, xã Thạch Bàn ( Long Biên) còn có pho tượng đồng nặng 4 tấn được thờ trong đền Trấn Vũ. Tượng được công nhận là bảo vật quốc gia vào tháng 12/2015.
Pho tượng thần Trấn Vũ ở Thạch Bàn (Long Biên) nguyên khối bằng đồng, nặng 4 tấn có nhiều nét tương đồng tượng Trấn Vũ ở đền Quán Thánh (Ba Đình). Ảnh: Hoàng Phương.
Trong đền, tượng bằng đồng được an vị ở giữa hậu cung, cao khoảng 3,9 m. Trên tay tượng cầm kiếm chống lên mai rùa, thân kiếm có rắn quấn quanh. Tương truyền, Quy (rùa) và Xà (rắn) là hai vị đại tướng và hóa thân của thần Trấn Vũ. Trong truyền thuyết, Trấn Vũ cũng là vị thần giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa.
Đền Trấn Vũ – nơi đặt tượng được dựng trên thế đất linh quy xà hội tụ, quay mặt về phương Bắc. Trên cánh đồng Ngọc Trì có gò đất hình con rùa nổi lên. Sau đền là đê sông Hồng, tượng trưng cho con cự xà (rắn lớn) quấn quanh. “Vì vậy, tượng Trấn Vũ và ngôi đền được cho là linh thiêng nhất vùng này, người dân thờ kính”, ông Ngô Quang Khải, Trưởng ban Quản lý di tích đền Trấn Vũ cho hay.
Trên bia Trấn Vũ điện bia ký lưu giữ trong đền ghi rõ, ban đầu tượng thần được dựng bằng gỗ. Khi ấy, vua Lê Thánh Tông (1442-1497) đưa quân đi dẹp giặc Chiêm Thành đã dừng chân nghỉ tại xã Thạch Bàn (tên cũ là Cự Linh). Vua được thần báo mộng và phù trợ nên khi thắng lợi trở về đã ban sắc cho dân địa phương lập đền thờ đức thánh Trấn Vũ. Ngoài ra, vua còn ban tặng bài vị có 5 chữ Hiển linh Trấn Vũ quán và ban một số ruộng đất để phục vụ hương hỏa. Bài vị cổ xưa đó hiện nay vẫn còn trong hậu cung, được thờ cùng với pho tượng thần.
Đến năm 1747, tượng gỗ bị hư hại nên quan viên và nhân dân trong vùng góp công sức, tiền của đúc tượng bằng đồng. Nhưng khi chiêm bái thì vẫn chưa thấy xứng nên năm 1788 dưới thời Tây Sơn, tượng đồng được đúc lại lần nữa. Năm 1802, tượng hoàn thành và giữ nguyên hình dạng đến ngày nay.
Tay tượng thần Trấn Vũ cầm kiếm chống lên mai rùa, có rắn quấn quanh. Ảnh: Hoàng Phương.
Video đang HOT
Trải qua biến cố lịch sử, pho tượng đồng được nhân dân tìm mọi cách gìn giữ nên hầu như không đổi khác so với ban đầu.Các cụ già thôn Ngọc Trì kể lại, sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi đã có những hành động trả thù nhà Tây Sơn. Tượng vừa đúc xong, các cụ mang bộ khuôn đúc đi giấu ngay và dựng lên điển tích tượng đồng được đưa từ nơi khác đến vì sợ bị hủy hoại.
Đến thời kỳ Pháp xâm lược, chúng nhiều lần định phá hủy tượng thần, hun nóng cho chảy ra đồng nhưng vấp phải sự kháng cự của nhân dân, quân lính cũng liên tục bị bệnh ốm chết, phải bỏ chạy. “Có lần địch càn, cán bộ cách mạng còn chui vào trong đền, nằm gọn dưới chân tượng thần Trấn Vũ. Địch vào sục sạo một hồi nhưng không phát hiện được, sau cũng không dám làm càn chốn uy nghiêm nên cán bộ thoát”, ông Khải kể.
Những năm chống Mỹ, đền trở thành nơi cất giấu vũ khí của bộ đội phòng không, nơi hoạt động của cán bộ. Khi quân Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, kho xăng Đức Giang, cánh đồng Ngọc Trì đều bị rải bom, thậm chí có lần bom rơi trước cửa nhưng cả ngôi đền và pho tượng đều không bị hư hại.
“Ngôi đền lẫn pho tượng vài trăm năm rồi nhưng hầu như không bị hư hại, chỉ phải sơn lại hai lần. Năm 1916, tượng bị rỉ do đồng có lẫn nhiều tạp chất. Các cụ đã thuê thợ dùng sơn ta, pha thành sơn đen bảo vệ cho con cháu thờ phụng muôn đời. Năm 2014, sơn bị bong tróc nhiều nên chúng tôi làm đơn gửi Bộ Văn hóa xin được tu tạo màu sơn đen trước đó”, ông Khải thông tin.
Đền Trấn Vũ – nơi đặt pho tượng đồng bảo vật quốc gia. Ảnh: Hoàng Phương.
Ngoài đền Trấn Vũ ở thôn Ngọc Trì, thần Trấn Vũ còn được người dân thờ phụng ở nhiều nơi như đền Quán Thánh (Ba Đình), chùa Huyền Thiên (Hoàn Kiếm), quán Thụy Lôi (Đông Anh). Trong đó, tượng thần ở đền Trấn Vũ có nhiều nét tương đồng với tượng ở đền Quán Thánh từ chất liệu, thần thái đến tay chống kiếm. Nhà nghiên cứu di sản văn hóa Trần Lâm Biền nhận định, từ cách thức tạo hình có thể thấy tượng Trấn Vũ ở hai ngôi đền ngoài trấn giữ phương Bắc, trừ tà còn thể hiện thêm chức năng trị thủy của cư dân nông nghiệp.
Xưa kia, Ngọc Trì là làng nông ven đê sông Hồng, nay dần chuyển sang buôn bán, đời sống nhân dân khấm khá. Trải qua thời gian, khát vọng tâm linh của người dân không còn đơn thuần ở cầu cho mùa màng tươi tốt mà chuyển dần sang cầu buôn bán thuận buồm xuôi gió. “Ước nguyện đó được hiện thực một phần nên tình cảm của người dân dành cho thần Trấn Vũ rất trân trọng”, ông Khải nói và cho hay vào mùng 1, ngày rằm, đền lúc nào cũng nghi ngút khói hương của nhân dân trong vùng và khách thập phương về lễ bái. Vào ngày Tết, người dân đến còn đông hơn.
Vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm, dân thôn Ngọc Trì tổ chức lễ hội, hay còn gọi là ngày Thánh Đản. Đây là lễ hội cầu mùa, mong no ấm. Trong lễ hội có trò kéo co ngồi, tượng trưng cho ước muốn phồn thực, sinh sôi và thể hiện sức mạnh trần gian trị thủy. Thần Trấn Vũ khi ấy trở thành niềm tin tinh thần giúp cộng đồng có mùa màng bội thu, phù trợ con người chống lại tai ương.
Hoàng Phương
Theo VNE
Pho tượng bảo vật quốc gia bị bẻ vật cầm tay
Tưởng pho tượng làm bằng đá quý, người dân bẻ vật cầm tay trước khi bị tịch thu. Hai vật này sau đó bị xã giữ gần 40 năm và nhất quyết không bàn giao cho bảo tàng.
Bảo tàng Chăm Đà Nẵng đang trưng bày pho tượng Bồ tát Tara ở vị trí trang trọng. Do là hiện vật độc bản, có giá trị nghệ thuật đỉnh cao, tượng đã được Thủ tướng công nhận bảo vật quốc gia. Xung quanh bảo vật này có nhiều câu chuyện bi hài.
Pho tượng Bồ tát Tara đang được bảo quản tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng. Ảnh: Tiến Hùng.
Mối liên hệ giữa tượng quý và vương quốc Chămpa
Trung tuần tháng 8/1978, một người dân thôn Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, Thăng Bình, Quảng Nam) trong lúc nhặt gạch Chăm từ Phật viện Đồng Dương về làm nhà vô tình phát hiện pho tượng quý. Pho tượng Bồ tát bị vùi lấp sâu 3 m dưới chân tháp Sáng, ngọn tháp duy nhất sót lại ở nơi từng là Phật viện lớn nhất Đông Nam Á vào thế kỷ 9.
Pho tượng cao 114 cm làm bằng đồng, mang hình dáng Bồ tát Laksmindra Lokesvara hay còn gọi là Bồ tát Tara vẫn còn nguyên vẹn sau khi ngủ yên dưới lòng đất hơn nghìn năm. Tượng được khảm thêm đá quý ở mắt, trán. Nét mặt của tượng vừa nghiêm trang, thánh thiện nhưng cũng hoang sơ, trần tục. Tay phải tượng xòe ra đỡ bông sen búp, tay trái đỡ bông sen đã nở. Trái với phần trên của tượng được để trần, phần dưới được che kín bởi 2 lớp váy, ôm sát hông đùi đến tận mắt cá... Đây được đánh giá là tượng độc bản, có giá trị nghệ thuật đỉnh cao.
Theo nhiều tài liệu về lịch sử Vương quốc Chămpa, năm 875, vua Indravarman II cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ tát bảo hộ cho vương triều có tên Tara, một biến thân của Quan thế âm Bồ Tát. Tương truyền trong Phật giáo, nữ thánh Tara có tấm lòng cứu độ đại từ bi đầy quyền lực. Xúc động trước nỗi khổ cực của trần thế, có một lần Quan thế âm Bồ Tát rỏ những giọt lệ và hòa quyện thành một biến thân mới có tên là Tara.
Tên của kinh đô mới là Indrapura, hay còn gọi là kinh thành sấm sét được xây dựng trên mảnh đất của làng Đồng Dương ngày nay. Đây cũng là giai đoạn duy nhất trong lịch sử Chămpa, Phật giáo hưng thịnh và được coi trọng hơn những tôn giáo khác. Pho tượng Tara được phát hiện trong tư thế nằm ngửa, xung quanh được sắp đặt các lớp gạch bảo vệ ngay ngắn. Chính vì vậy, có giả thuyết cho rằng pho tượng quý này được cất giấu tại đây khi Chămpa bị xâm lược vào cuối thế kỷ 10. Lúc này kinh thành Indrapura bị phá hủy.
Pho tượng không còn nguyên vẹn khi người dân bẻ hai vật cầm tay trước khi bàn giao cho chính quyền. Hai vật này bị xã thu giữ gần 40 năm qua. Ảnh: Tiến Hùng.
7 đời chủ tịch xã cất giấu một phần bức tượng quý
Theo ông Trà Tấn Túc, Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc, sau khi phát hiện, bức tượng được người làng Đồng Dương đem về cất giấu rất kỹ và xem đó như báu vật chung của cả làng. Tuy nhiên, ngày hôm sau chính quyền tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) hay tin và cho người xuống thu hồi. "Lúc đó người dân nhất quyết không giao tượng, tỉnh phải huy động rất nhiều công an xuống. Vì chưa có luật tìm thấy cổ vật phải bàn giao cho chính quyền nên người dân không chịu đưa cũng có lý", ông Túc nói. Cũng giống phần lớn dân thôn Đồng Dương, ông Túc là hậu duệ của những người Chăm từng làm chủ ở vùng đất này.
Sau nhiều cuộc tranh cãi giữa chính quyền và người dân, cuối cùng bức tượng được đưa về Bảo tàng Điêu khắc Chămpa TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, khi tiếp nhận về bảo tảng, pho tượng đã không còn nguyên vẹn. "Do khi đào bức tượng lên bị gỉ đồng màu xanh nên trông giống như làm bằng đá quý. Vì vậy trước khi bàn giao, người dân đã bẻ hai vật cầm tay trên pho tượng", ông Túc nói. Sau một thời gian vận động, hai vật này được chính quyền xã Bình Định Bắc thu giữ.
Chính quyền xã bảo quản và xem vật bị bẻ như báu vật, chỉ có chủ tịch xã mới có quyền cầm chìa khóa và biết chỗ cất giữ. Mọi thông tin về chúng được các lãnh đạo xã giữ tuyệt đối bí mật. Từ đó đến nay, đã 7 đời chủ tịch xã Bình Định Bắc thay nhau giữ và chưa hẹn ngày trả lại cho bảo tàng để pho tượng được hoàn thiện. "Mới có một giáo sư lặn lội từ Hà Nội vào thì tôi mới mở ra cho xem. Tuy nhiên, khi ông ta đề nghị được đúc bản sao, tôi từ chối", ông Túc nói.
Nhiều lần bảo tàng đề nghị xã trao trả hai vật này nhưng bị chủ tịch xã cương quyết từ chối. "Không thể được, bảo tàng muốn nhận hai vật này thì phải bỏ tiền, hoặc phải đầu tư cho xã cái gì đó. Chứ không thể nói trao trả là trao trả", vị chủ tịch xã khẳng định.
Do chính quyền xã nhất quyết không cho ai xem nên có nhiều nhận định khác nhau về hai hiện vật. Nhiều chuyên gia cho hay, hai vật trên hai tay pho tượng đồng là 2 quả lựu. Cũng có tài liệu nghiên cứu lại cho rằng tay trái pho tượng cầm một con ốc, tay còn lại cầm một đóa hoa 5 cánh. Trong hồ sơ đề nghị xã Bình Định Bắc trao trả hai hiện vật năm 1978, Ty Văn hóa, Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) ghi hai hiện vật này là quả đào và búp sen. Trong khi đó, ông Trà Tấn Túc khẳng định, hai vật này là đóa hoa sen và quả cau.
Một bức ảnh hiếm hoi chụp hai vật cầm tay. Do xã không cho ai tiếp cận nên các chuyên gia vẫn chưa khẳng định được hai vật này là gì.
Cụ Trà Diếu (88 tuổi, thôn Đồng Dương) cho hay khi đào tượng lên, nhóm người khiêng về rồi báo cho làng biết, hàng trăm người dân hiếu kỳ kéo nhau đến xem. "Hai hiện vật trên tay là hai đóa sen, trong đó tay phải tượng cầm sen búp, tay trái cầm sen nở. Một trong những người đào được đã bẻ mất 2 đóa sen này", cụ Diếu nói.
Sau này, khi pho tượng đã được bảo quản trong bảo tàng nhưng người dân Đồng Dương vẫn không tin tưởng, nhiều lần đề nghị được thấy tận mắt tượng. Chính quyền tỉnh sau đó đã phải bố trí xe đưa gần 100 người dân ra Đà Nẵng để xem.
Ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Nam, cho hay Sở đã nhiều lần đòi hai hiện vật này nhưng chính quyền xã yêu cầu phải có tiền mới trao trả. "Sở thì làm gì có tiền. Nếu chiếu theo luật là xã Bình Định Bắc vi phạm, luật không cho phép giữ bảo vật quốc gia. Sau này, khi đã khai quật xong Phật viện Đồng Dương, chúng tôi sẽ làm nhà trưng bày, lúc đó phải đòi bằng được", ông Tịnh nói.
Tiến Hùng
Theo VNE
Nghịch cảnh đầu năm đi lễ, du xuân ở nội thành Hà Nội Đầu năm đi lễ ở Phủ Tây Hồ trở về, nhiều du khách lộ rõ trên khuôn mặt sự thanh thản và ấm lòng. Bởi sau một "hành trình" vãn cảnh đầu năm, họ đã chứng kiến một nghịch cảnh giữa những nét đẹp và chưa đẹp ở những điểm di tích lịch sử ngay các quận nội thành của Thủ đô. Điểm...