Chuyện ít biết về bức ảnh “để đời” chụp Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam
Đó là bức ảnh chụp Tổng thống Bill Clinton đứng trên ban công tầng 2 một căn nhà ở phố Văn Miếu (Hà Nội), với người qua bắt tay 2 cậu bé ở ban công ngôi nhà bên cạnh. Một khoảnh khắc ngẫu hứng, bất chợt của vị Tổng thống Mỹ khi đó, nhưng đã được nhà báo Trần Việt Dũng (PV ảnh báo Tuổi Trẻ TP.HCM) kịp thời ghi lại.
Bức ảnh đạt giải Nhất thể loại chính trị – ngoại giao trong cuộc thi ảnh với chủ đề 20 năm quan hệ Việt – Mỹ qua ống kính các nhà nhiếp ảnh Việt Nam, tổ chức năm 2015.
Anh Trần Việt Dũng nhớ lại, trước chuyến thăm Việt Nam vào năm 2000 của Tổng thống Mỹ lúc đó là Bill Clinton, anh mới 28 tuổi, đang cộng tác báo Tuổi Trẻ TP.HCM được một thời gian. Dù đã có ít nhiều kinh nghiệm trong nghề, nhưng đứng trước một sự kiện chính trị lớn, mang tính lịch sử của đất nước, bản thân anh cảm thấy vô cùng phấn khích, hào hứng nhưng cũng không ít phần hồi hộp.
“Bất cứ ai có cơ hội tham gia vào một sự kiện quan trọng mang tính lịch sử của đất nước như vậy chắc đều có cảm giác giống tôi. Không chỉ hào hứng khi được tác nghiệp tại sự kiện có một không hai này, trong tôi cũng không ít phần lo lắng vì khi đó, công tác an ninh được thực hiện vô cùng chặt chẽ. Vì thế tôi phải bàn bạc kỹ với các đồng nghiệp và được sự hỗ trợ tuyệt đối từ tòa soạn”, nhà báo Việt Dũng nhớ lại.
Bức ảnh đạt giải Nhất thể loại chính trị – ngoại giao trong cuộc thi ảnh với chủ đề 20 năm quan hệ Việt – Mỹ.
Lịch trình chuyến thăm của Tổng thống Mỹ được anh Dũng cập nhật hàng giờ để bám sát từng hoạt động, từng bước đi Bill. Hôm đó, Tổng thống Mỹ và đoàn tùy tùng tới thăm một cửa hàng bán đồ mỹ nghệ ở phố Văn Miếu (Hà Nội).
Khi Tổng thống Bill Clinton lên tầng 2 của căn nhà, ông đi ra ngoài ban công để vẫy tay chào người dân ở phía dưới. Bất ngờ có 2, 3 cậu bé ở ngôi nhà sát bên cạnh cũng ra ngoài ban công và nhoài người sang tỏ ý muốn bắt tay vị Tổng thống Mỹ. Thấy vậy, Bill Clinton không ngần ngại mà đáp lại bằng nụ cười tươi, rồi giơ tay ra bắt rất tự nhiên.
Khoảnh khắc bất chợt này nằm ngoài dự tính của tất cả mọi người lúc đó. Tuy nhiên, với các phóng viên ảnh báo chí, đó là một khoảnh khắc vô giá, khoảnh khắc vàng.
“Khi đó, tôi đứng dưới đường, đối diện ngay dưới ban công chỗ Tổng thống Mỹ đang đứng. Cùng đứng đó với tôi còn có 4, 5 nhiếp ảnh gia lớn tuổi của Nhà Trắng. Ngay tức thì tôi giơ máy lên bấm. Nhưng bất ngờ, tôi lại bị một nhân viên an ninh của Nhà Trắng xô đẩy. Vì thế, 2 cú bấm đầu đều bị trượt. Mặc kệ anh ta vẫn cố xô tôi, không có thời gian để tranh cãi vì khoảnh khắc sẽ vụt qua mất, tôi trụ thật chắc và nín thở bấm thêm được 1 tấm nữa thì khoảnh khắc đó kết thúc. Chụp xong, lòng tôi thì vô cùng lo lắng, không biết ảnh có được không vì thời điểm đó chưa có máy kỹ thuật số để xem ảnh ngay (khi đó Việt Dũng dùng máy phim F90x cùng ống Tele 80 -200/f2.8 – NV)”, anh Dũng kể.
Nhà báo Trần Việt Dũng (thứ hai từ phải sang) đạt giải Nhất cuộc thi ảnh năm 2015 với bức ảnh chụp Tổng thống Mỹ Bill Clinton. (Ảnh: Quỳnh Trung)
Phải tới khi về nhà, đem phim đi rửa, Việt Dũng mới thở phào nhẹ nhõm vì trong 3 kiểu ảnh chụp khoảnh khắc vàng đó, 2 kiểu đầu nhòe đúng như dự đoán. May mắn thay, kiểu cuối cùng nét căng.
Nhớ lại cảm giác khi xem tấm ảnh được rửa ra, nhà báo Việt Dũng kể: “Trong bức ảnh, Bill Clinton cười tươi để đáp lại mấy cậu bé nhà bên và giơ tay ra bắt. Bức ảnh thể hiện phong thái lịch lãm nhưng cũng rất gần gũi, giản dị của vị Tổng thống Mỹ”.
Bức ảnh đã được đăng trên báo Tuổi Trẻ hôm sau. Còn tấm phim đó anh vẫn cất giữ tới hôm nay.
Video đang HOT
Tối hôm đó, Bill và vợ cùng con gái tới xem biểu diễn văn nghệ ở Nhà Hát Lớn. Nhà báo Việt Dũng cũng tới đó tác nghiệp và bất ngờ lại giáp mặt anh chàng nhân viên an ninh ban sáng.
“Nhìn thấy tôi, anh ta cười cười và hỏi thăm xã giao: “Hôm nay anh làm việc có tốt không?”. Trong lòng vẫn đang bực chuyện buổi sáng nhưng vì phép lịch sự, tôi mỉm cười và giơ ngón tay cái lên, ý nói mọi chuyện vẫn ổn, còn trong lòng thì nhủ thầm “Tý nữa vì anh mà tôi mất toi bức ảnh đẹp”.
Năm 2015, bức ảnh này của Việt Dũng đã đạt giải Nhất thể loại chính trị – ngoại giao trong cuộc thi ảnh với chủ đề 20 năm quan hệ Việt – Mỹ qua ống kính các nhà nhiếp ảnh Việt Nam. Khi được Ban Tổ chức trao giải, Việt Dũng chia sẻ ngắn gọn: Tôi chỉ muốn cho các bạn Mỹ biết rằng, nhiếp ảnh gia Việt Nam cũng có thể chụp ảnh không thua kém gì các đồng nghiệp nước ngoài.
Ông Bill Clinton và con gái bước vào Gallery tranh trên phố Hàng Bông.
Còn cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam – ngài Michael W. Michalak nhận xét, bức ảnh cho thấy sự thân thiện của Tổng thống Bill Clinton đối với người dân Việt Nam cũng như sự chào đón niềm nở từ phía người dân Việt Nam dành cho vị Tổng thống Mỹ.
Trong các hoạt động tiếp theo của Tổng thống Bill Clinton, nhà báo Trần Việt Dũng đều bám sát và anh còn có thêm một bức ảnh tâm đắc nữa. Đó là khi Bill cùng con gái vào một gallery tranh trên phố Hàng Bông.
Hoạt động này diễn ra cũng bất ngờ, không hề có trong lịch trình. Nhưng với nhạy cảm của người làm nghề, khi thấy lực lượng cảnh vệ bố trí dày đặc ở khu vực đó, Việt Dũng hiểu ngay rằng sắp có một hoạt động quan trọng diễn ra. Và anh đã phục ở đó, chụp được bức hình ưng ý khi Tổng thống Mỹ cùng cô con gái Chelsea mua bức tranh tại gallery này.
Chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp tại những sự kiện chính trị lớn, nhà báo Việt Dũng nói: Phải luôn đảm bảo có sự chuẩn bị tốt nhất khi tiếp cận sự kiện. Ngoài ra, người chụp phải có óc phán đoán, chủ động lường trước mọi tình huống xảy ra để đưa ra phương án tốt nhất trong chớp mắt. Ngoài ra, người chụp cũng phải có sự am hiểu hoặc biết cách liên hệ với đời sống, như vậy khi tác nghiệp mới làm nổi bật chủ đề mình muốn nói”.
Tuy nhiên, anh Việt Dũng cũng thừa nhận yếu tố may mắn cũng góp phần không nhỏ trong thành công của những bức ảnh “để đời”.
Nhà báo Trần Việt Dũng sinh năm 1972, đang là phóng viên ảnh tại báo Tuổi Trẻ TP.HCM. Tính đến nay, tay máy Trần Việt Dũng đã có gần 30 năm kinh nghiệm với nhiều bức ảnh thời sự nổi tiếng trong làng báo về độ độc trong cả góc máy và đề tài. Gần đây nhất có thể kể tới bức ảnh chụp Đại tướng Phùng Quang Thanh (khi đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) vừa bước chân xuống sân bay Nội Bài khi ông vừa trở về nước sau chuyến chữa bệnh dài ngày tại Pháp.
Theo Danviet
Việt Nam chào đón các Tổng thống Mỹ thế nào?
Là đất nước hoà bình, ổn định về chính trị và an ninh, người dân thân thiện và nồng hậu, Việt Nam không khó khăn trong việc giữ an ninh cho chuyến thăm của các Tổng thống Mỹ.
Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam diễn ra ngày 23.5 tới sẽ đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam- Mỹ trên tất cả các lĩnh vực. Công tác chuẩn bị cho chuyến thăm đang được hoàn tất. Phía Mỹ đã vận chuyển những trang thiết bị tối tân nhất đến Việt Nam để phục vụ cho chuyến công du của nhà lãnh đạo Mỹ như nguyên tắc lâu nay mà họ có.
Tổng thống Obama sẽ đến Việt Nam rạng sáng 23.5.
Cũng theo truyền thống ngoại giao của Mỹ, khi tổng thống đi nước nào, có một nhóm quân sư nghiên cứu rất kỹ xem "món quà tinh thần" mà họ mang đến cho nước chủ nhà là gì.
Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2000, Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Bill Clinton đã lẩy Kiều. Phía Mỹ chưa tiết lộ Tổng thống Obama có lẩy Kiều trong chuyến thăm Việt Nam lần này hay không.
Về phía Việt Nam, món quà tượng trưng dành tặng cho các nguyên thủ quốc gia khi đến Việt Nam thường là chiếc nón lá truyền thống. Tuy nhiên, lần này quà tặng dành cho Tổng thống Obama vẫn chưa được hé lộ.
Người dân Việt Nam đã đón chào ông Clinton rất nồng nhiệt.
Trước khi ông Obama đến thăm Việt Nam, hai chuyến thăm của các Tổng thống Mỹ Bill Clinton, G.Bush vào những năm 2000 và 2006 đã để lại những ấn tượng tốt đẹp khi hàng người đứng dài bên các tuyến phố nơi các nhà lãnh đạo Mỹ đi qua để vẫy tay đón chào họ. Sự thoải mái khi xuất hiện của các Tổng thống Mỹ cũng đã cho thấy, sự đón tiếp và an ninh ở Việt Nam đã khiến họ yên tâm và hài lòng.
Ngày 17.11.2000, Bill Clinton có chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam khi là tổng thống Mỹ đầu tiên tới Việt Nam kể từ sau khi chiến tranh kết thúc. Sau lễ tiếp đón tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã có cuộc hội đàm với tổng thống Clinton; bày tỏ sự hài lòng về những bước cải thiện quan hệ giữa hai nước, nhất là việc thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 7.1995 và việc ký Hiệp định thương mại song phương vào tháng 7.2000 và đánh giá cao vai trò và đóng góp cá nhân của Tổng thống Clinton trong việc bình thường hóa quan hệ hai nước.
Khoảnh khắc tuyệt đẹp khi ông Clinton bắt tay với các cậu bé Việt Nam từ ban công liền kề của 2 căn hộ ở khu vực Văn miếu Quốc tử giám.
Phải nói rằng, chuyến thăm của ông Bill Clinton diễn ra khi Việt Nam và Mỹ vẫn phải nỗ lực vượt qua những hội chứng chiến tranh, nhưng người dân Việt Nam đã chào đón ông và những người khách Mỹ khác bằng sự nồng hậu đáng tự hào. Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ Lê Văn Bàng từng kể rằng: "Chuyên cơ chở Tổng thống Bill Clinton hạ cánh xuống sân bay Nội Bài vào lúc 24h, có nhiều người dân đứng hai bên đường vẫy chào rất nồng nhiệt xe chở ông Clinton vào thành phố. Khi ông Clinton đến thăm Văn Miếu, khoảng hơn 10 cô gái nhận nhiệm vụ giới thiệu về di tích mặc áo dài cùng xúm vào xin chụp ảnh cùng tổng thống.
Tất cả những gì diễn ra trong chuyến thăm của ông Clinton, từ việc thăm địa điểm khai quật máy bay ở Vĩnh Phúc, thảo luận với các lãnh đạo Việt Nam, buổi nói chuyện với sinh viên ở Đại học Quốc gia, thăm Văn Miếu, đi ăn phở 2000 ở TP HCM cho tới việc bảo đảm an ninh, đã góp phần tạo nên không khí cho mối quan hệ giữa hai nước".
Bà Hillary Clinton và con gái được tặng nón lá trong chuyến tháp tùng ông Bill Clinton lần đầu thăm Việt Nam.
Như bất kỳ chuyến công du nào của Tổng thống Mỹ ra nước ngoài, yêu cầu an ninh cũng ở mức cao nhất và các trang thiết bị mà Mỹ chuyển đến nước chủ nhà đón tiếp để đảm bảo an ninh cho nguyên thủ cũng thuộc hàng "khủng" nhất thế giới.
Vượt trên tất cả những nghi lễ và quy định an ninh, ông Clinton đã để lại những ấn tượng đẹp ngay từ chuyến công du Việt Nam đầu tiên với những cử chỉ thân thiện khi ông tươi cười và bắt tay với người dân. Trong một bức ảnh đã lưu giữ khoảnh khắc tuyệt đẹp khi ông Clinton bắt tay với các cậu bé Việt Nam từ ban công liền kề của 2 căn hộ ở khu vực Văn miếu Quốc tử giám.
Kết thúc chuyến thăm lịch sử kéo dài 4 ngày tại Việt Nam. Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Tổng thống Clinton nhấn mạnh chuyến thăm chính thức Việt Nam là bước phát triển mới trong quá trình cải thiện quan hệ giữa hai nước. Chuyến đi đó, Tổng thống Bill Clinton đã dùng hai câu trong Truyện Kiều để nói về quan hệ giữa hai nước: "Sen tàn cúc lại nở hoa - Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân".
Sau chuyến đi này của ông Clinton, Việt Nam và Mỹ đã có được Hiệp định thương mại song phương đầu tiên.
Những năm sau, ông Bill Clinton đã nhiều lần trở lại Việt Nam trong các vai trò khác nhau. Mỗi lần trở lại, ông lại tạo thêm những nhịp cầu mới, những món quà ý nghĩa để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Mỹ- Việt.
Chuyến thăm thứ hai của Tổng thống Mỹ đến Việt Nam là ngày 17.11.2006, tổng thống Mỹ khi đó là ông George W. Bush thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị cấp cao APEC.
Tổng thống Mỹ G. Bush thăm Việt Nam tháng 11.2006.
Vẫn là nguyên tắc an ninh được đặt lên hàng đầu, Tổng thống Bush và phu nhân sang thăm Việt Nam mang theo rất nhiều loại xe đặc chủng. Đặc biệt có hai chiếc xe Calldilac One ba khoang màu đen giống hệt nhau, đều mang biển kiểm soát 800 - 002, lúc nào cũng đi liền nhau và có thể đảo vị trí cho nhau khi cần thiết.
Hộ tống Tổng thống Bush ngoài xe của lực lượng công an Việt Nam, phía Mỹ còn chuyển qua khoảng 40 chiếc, toàn những xe đặc chủng bao gồm xe tác chiến, xe đặc vụ chở lính đặc nhiệm Mỹ, xe bảo vệ, xe tiếp cận sẵn sàng lao vào đỡ đạn cho xe của tổng thống khi cần...
Ở cả hai thành phố Hà Nội và TP.HCM, Tổng thống G. Bush và phu nhân đều nhận được những tình cảm và sự đón tiếp trân trọng, nồng hậu của người dân Việt Nam.
Trong chuyến thăm này, Tổng thống George Bush đã cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành thời gian tiếp và đánh giá cao tình cảm mà nhân dân Việt Nam khi lần đầu tiên ông đến thăm. Tổng thống cho rằng: ông rất hiểu quá khứ đau thương mà Mỹ đã gây ra tại Việt Nam, bày tỏ cảm kích khép lại quá khứ để hướng tới tương lai và mong muốn Việt Nam phát triển thịnh vượng trên tất cả các lĩnh vực.
Kể về cơ hội được phục vụ các nguyên thủ quốc gia, bà Nguyễn Thanh Vân, bếp phó của khách sạn Metropol cho biết, bà đã rất may mắn khi có nhiều cơ hội được nấu ăn cho các nguyên thủ thế giới đến thăm Việt Nam, trong đó có Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Thủ tướng Nhật Bản Kosumi, Thái tử và công chúa Thái Lan, Nữ Hoàng Đan Mạch, Hoàng hậu Tây Ban Nha... Bà Nguyễn Thanh Vân nhớ lại: "Có lần chúng tôi đến tận Phủ Chủ tịch để nấu bếp phục vụ bữa tiệc chiêu đãi Tổng thống Mỹ Bill Clinton, chúng tôi đã rất vui sướng khi được ngài tổng thống khen ngợi các món ăn và ông còn vẫy tay chào chúng tôi khi ra về". (H.A)
Theo Danviet
Nhà Clinton phân vai và bắt đầu khẩu chiến Donald Trump Cựu Tổng thống Bill Clinton có cơ hội tái xuất chính trường nếu vợ đắc cử. Ông Bill có khả năng sẽ là Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay được xem chỉ còn là màn đấu tay đôi giữa ông Donald Trump và bà Hillary Clinton. Trong lúc cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đang khẳng định khả năng trở thành...