Chuyển hình phạt tiền sang án tù có dễ thực hiện?
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã đề xuất giảm hình phạt tù, hạn chế hình phạt tử hình, tăng cường các hình phạt không phải tù, hiện đang có nhiều luồng ý kiến.
Theo khoản 1 Điều 30 Bộ luật Hình sự hiện hành, phạt tiền chỉ được áp dụng là hình phạt chính đối với người phạm tội ít nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
Tuy nhiên, tội phạm khác trong điều luật này có bắt buộc là tội ít nghiêm trọng hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Trong khi đó, ở phần các tội phạm cụ thể khi cấu thành một số tội phạm nghiêm trọng cũng có quy định hình phạt tiền là hình phạt chính. Điều này dẫn tới trường hợp, thẩm phán lựa chọn việc không áp dụng hình phạt tiền đối với tội nghiêm trọng mà thay vào đó lựa chọn hình phạt không tước tự do khác như cải tạo không giam giữ.
Mặt khác, vẫn còn có ý kiến chưa đồng thuận với việc coi phạt tiền là hình phạt chính, lo ngại rằng quy định như vậy chỉ có lợi cho người giàu nên không ít thẩm phán e dè khi áp dụng hình phạt này. Thực tế cho thấy, số người bị phạt tiền chỉ chiếm 10% – một phần rất nhỏ trong số người bị kết án đối với tội ít nghiêm trọng hay nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính.
Một trong những yêu cầu đặt ra trong công tác cải cách tư pháp theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là giảm hình phạt tù, hạn chế hình phạt tử hình, tăng cường các hình phạt không phải tù như phạt tiền, cải tạo không giam giữ.
Nội dung sửa đổi, bổ sung này nhằm thể hiện tinh thần đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013.
Cụ thể, đối với phạt tiền là hình phạt chính (Điều 35), Bộ Tư pháp đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng phạt tiền là hình phạt chính đối với các tội phạm ít nghiêm trọng, theo đó, số khoản có quy định phạt tiền là hình phạt chính đối với tội ít nghiêm trọng trong dự thảo Bộ luật tăng 35 khoản (từ 76 khoản lên 111 khoản) so với quy định hiện hành cũng như mở rộng phạm vi áp dụng phạt tiền là hình phạt chính đối với các tội phạm nghiêm trọng.
Riêng đối với nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường thì phạt tiền là hình phạt chính có thể áp dụng đối với cả tội rất nghiêm trọng. Đồng thời, nhằm tăng tính cưỡng chế và ý nghĩa răn đe, phòng ngừa của hình phạt tiền, dự thảo quy định trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, nếu người bị kết án không chấp hành hình phạt tiền thì hình phạt tiền chuyển thành hình phạt tù có thời hạn, nếu đó là hình phạt chính.
Video đang HOT
Đối với hình phạt cải tạo không giam giữ (Điều 36), Bộ Tư pháp đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với cả tội rất nghiêm trọng do vô ý (theo quy định hiện hành chỉ áp dụng đối với tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng), đồng thời, quy định trường hợp người bị kết án không thực hiện các nghĩa vụ thì hình phạt này được chuyển thành hình phạt tù có thời hạn theo tỷ lệ cứ 3 ngày cải tạo không giam giữ bằng 1 ngày tù nhằm tăng tính cưỡng chế và ý nghĩa răn đe, phòng ngừa của hình phạt cải tạo không giam giữ.
Bên cạnh đó, Bộ đề xuất bổ sung quy định về trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ; thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 4 giờ trong một ngày và không quá 5 ngày trong một tuần; không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với người già yếu, phụ nữ có thai.
Đối với hình phạt tù, Bộ Tư pháp đề xuất không áp dụng hình phạt tù đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý (khoản 2 Điều 37). Đồng thời, tại Phần các tội phạm, số lượng các khoản (khoản 1) không quy định hình phạt tù tăng từ 6 khoản lên 28 khoản so với quy định hiện hành.
Mặc dù đã có những quy định hoàn thiện hơn so với pháp luật hiện hành, bảo đảm tính chặt chẽ tạo điều kiện để thẩm phán áp dụng có hiệu quả hình phạt này song vẫn còn nhiều điểm cần cân nhắc.
Rõ ràng, nếu không cân nhắc giữa phạt tiền và phạt tù sẽ dễ dẫn tới trường hợp số tiền ít quy đổi thành hình phạt tù quá dài, không cân đối. Đối với trường hợp quy đổi số tiền quá cao so với một ngày tù thì bị cáo sẽ lựa chọn cố tình không trả tiền mà chấp hành hình phạt tù ngắn, như vậy sẽ khó bảo đảm tính răn đe.
Theo đó, quy định mức độ nhất định bao nhiêu tiền tương ứng với một ngày tù trong Bộ luật Hình sự vừa có điểm tích cực vừa có điểm hạn chế. Nếu quy định tỷ lệ cố định sẽ tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng khi xét xử, tránh tình trạng áp dụng thiếu thống nhất, nhưng thiếu mềm dẻo đối với vụ án mà bị cáo có hoàn cảnh đặc biệt hay phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt.
Nếu quy định số tiền cố định cũng dẫn tới thực tế là khi đời sống xã hội được nâng lên thì áp dụng theo quy định cũ sẽ khó bảo đảm tính răn đe hoặc phải thường xuyên sửa đổi, bổ sung luật. Do vậy, không nên quy định tỷ lệ cố định mà cần cân nhắc đối với từng vụ án hay vụ việc cụ thể.
Ở một góc độ khác, chia sẻ trên báo Pháp luật TP.HCM, ông Nguyễn Công Hồng (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) đề nghị: Để hạn chế việc án tuyên bị bỏ lửng (không thể thi hành) vốn đang xảy ra rất nhiều ở nước ta thì khi tuyên án, thẩm phán phải cân nhắc. Với cùng một vụ án, nếu xét các bị cáo đều có thể tuyên phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ được thì lúc này tòa phải xem xét là người nào có điều kiện nộp phạt thì tuyên phạt tiền, còn không có điều kiện (không nghề nghiệp, không tài sản, vô gia cư…) thì phải tuyên phạt tù. Bởi lẽ không thể tuyên phạt tiền với họ vì họ không có khả năng thi hành án, cũng không thể tuyên cải tạo không giam giữ, giao về cho địa phương giáo dục vì trong điều kiện này là không thể giáo dục được.
Ông Hồng cũng cho hay hình phạt tiền ít được áp dụng xuất phát từ tâm lý e ngại của đội ngũ thẩm phán: “Đôi khi thẩm phán xác định có thể phạt tiền bị cáo thay cho phạt tù nhưng nếu họ tuyên như vậy lại sợ bị hiểu sai nên sinh tâm lý e ngại. Ngoài ra, do quy định của pháp luật có nhiều hình phạt khác nhau để lựa chọn nên khi xét xử, thẩm phán sẽ lựa cái gì đỡ phiền hà về sau”.
Một nguyên nhân nữa là do thực tiễn lạm dụng tạm giữ, tạm giam của cơ quan điều tra. “Khi phát hiện nghi phạm, thông thường cơ quan điều tra sẽ tạm giữ, tạm giam để thuận lợi trong việc lấy lời khai. Mà một người khi đã bị tạm giữ, tạm giam thì rất khó để được tòa tuyên phạt tiền hay cải tạo không giam giữ mà thường là án tù”, ông Hồng nêu ý kiến.
GIA HUY
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Vì sao Tòa án áp dụng hình phạt tù nhiều hơn phạt tiền, án treo?
Nhận thức của xã hội và cả thẩm phán về mục đích áp dụng hình phạt là nhằm trừng trị, răn đe hơn là giáo dục phòng ngừa.
Luật hình sự quy định 7 loại hình phạt chính, gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất (hình phạt không tước quyền tự do), tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình. Vậy nhưng trong thực tế xét xử, các tòa án thường áp dụng hình phạt tù, còn các loại hình phạt chính khác từ cảnh cáo đến cải tạo không giam giữ rất ít khi được áp dụng.
Nghe nội dung bài viết tại đây:
Ảnh minh họa
Theo thống kê của Toà án Nhân dân tối cao, hàng năm tỷ lệ người phạm tội bị kết án phạt tù chiếm khoảng 90%, trong đó có khoảng 20% là người bị kết án phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Số bị cáo bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tiền, cảnh cáo chỉ chiếm khoảng 0,6%. Đa số các trường hợp phạm tội mà trong Luật hình sự quy định hình phạt chính là cải tạo không giam giữ, phạt tiền hoặc phạt tù thì hình phạt tù gần như đương nhiên được các thẩm phán áp dụng
Vì sao các hình phạt không tước quyền tự do (cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ) lại ít được các Tòa án áp dụng trong thực tiễn xét xử? Lý giải vấn đề này, từ thực tiễn hoạt động nghề nghiệp của mình, ông Trần Văn Độ - nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương chỉ rõ: Trước hết là do Luật Hình sự của ta luôn coi trọng hình phạt tù hơn các hình phạt không tước quyền tự do, điều này thể hiện rõ ở việc quy định hình phạt tù đối với hầu hết các tội cụ thể, hình phạt tiền và cải tạo không giam giữ luôn đi kèm với hình phạt tù. Cùng với đó là nhận thức của xã hội và cả thẩm phán về mục đích áp dụng hình phạt là nhằm trừng trị, răn đe hơn là giáo dục phòng ngừa.
"Bên cạnh đó, các thẩm phán còn có tâm lý nếu áp dụng hình phạt ngoài tù thì sợ bị nghi ngờ liên quan tiêu cực nên thường áp dụng phạt tù để an toàn và án ít bị sửa, hủy hơn", ông Độ cho biết.
Ở một góc nhìn khác, nhiều chuyên gia và luật sư cho rằng: Hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ ít được áp dụng bởi thông lệ và tập quán xét xử chúng ta thường đi theo cách làm cũ của các thế hệ trước; các thẩm phán thường có tâm lý sợ sự nghi ngờ và phản ứng của dư luận và nhằm đảm bảo an toàn cho chính mình, tránh án bị sửa bị huỷ.
Luật sư Lê Văn Phất - Trưởng văn phòng Luật sư An Phát Phạm nói: "Việc áp dụng hình phạt chính mà không phải hình phạt tù rất ít được áp dụng, theo tôi là do thông lệ áp dụng pháp luật. Các thẩm phán của ta thường làm theo những gì trước đó đã làm... Một vụ án, một trường hợp cụ thể luật quy định rõ có thể phạt tiền từ 1-5 triệu đồng hoặc phạt từ 3 tháng đến 3 năm tù chẳng hạn thì thẩm phán hoàn toàn có thể tuyên phạt tiền, nhưng thẩm phán sợ trách nhiệm nên chỉ tuyên phạt tù".
Bà Tạ Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo lại chỉ ra một nguyên nhân khác làm cho Tòa án ít áp dụng hình phạt tiền hay cải tạo không giam giữ đó là việc theo dõi thi hành án đối với các bị án không tước quyền tự do chưa được tổ chức thực hiện tốt nên hiệu quả trừng trị, cải tạo đối với bị án cũng như giáo dục phòng ngừa chung của loại hình phạt này chưa thật sự có tác dụng.
"Phạt tiền, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ là hình phạt chính có tác dụng rất tốt cho xã hội và cả người bị án trong cải tạo giáo dục nếu tổ chức thực hiện tốt nhưng thực tế ít áp dụng vì việc theo dõi, thi hành các hình phạt này chưa tốt (từ cả bị án đến chính quyền địa phương)...Từ đó mà Toà tìm lối thoát bằng cách tăng cường áp dụng án treo như một giải pháp hạn chế tước quyền tự do...", bà Lý nêu ý kiến.
Các hình phạt chính không tước tự do có vai trò quan trọng không chỉ bảo đảm nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự và cá thể hoá hình phạt mà còn thể hiện được rõ chính sách nhân đạo của Luật Hình sự. Việc tăng cường hiệu quả của các hình phạt không tước tự do là một trong những vấn đề đang được đặt ra trong quá trình sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 1999 nhằm tiếp tục tăng cường chính sách nhân đạo, tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội đã được thể hiện trong Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, để hình không tước tự do có thể được áp dụng và phát huy được hiệu quả nhiều hơn trên thực tế, pháp luật hình sự Việt Nam cần đưa ra các quy định cụ thể về điều kiện, đối tượng áp dụng, trách nhiệm thẩm phán trong quyết định hình phạt cũng như trách nhiệm của chính quyền và các cấp, các ngành trong quản lý giáo dục đối với bị án./.
Tiến Anh
Theo_VOV
Không chấp hành phạt tiền, sẽ bị chuyển sang án tù Khi bị tuyên phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ, nếu người bị kết án không thi hành thì mức phạt tiền, cải tạo không giam giữ đó sẽ bị quy đổi ra hình phạt tù có thời hạn. Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ pháp luật Hình sự - hành chính Bộ Tư pháp Dự thảo Bộ Luật hình...