Chuyên gia Việt lo Trung Quốc Philippines ‘đi đêm’ sau phán quyết Biển Đông
Chuyên gia nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam cho rằng tình thế ở Biển Đông sẽ rất nguy hiểm nếu Trung Quốc và Philippines có những thỏa thuận ngầm.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) và người đồng nhiệm Philippines Perfecto Yasay. Ảnh: AP.
Sau khi Tòa Trọng tài hôm 12/7 ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã cử đặc phái viên là cựu tổng thống Fidel Ramos tới Trung Quốc để bàn về Biển Đông. Thạc sĩ Hoàng Việt thuộc Quỹ nghiên cứu biển Đông và Ban Nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho biết ông cảm thấy lo ngại trước viễn cảnh Manila và Bắc Kinh “đi đêm” với nhau.
“Ông Duterte không có nhiều kinh nghiệm đối ngoại, vì vậy chỉ có thể hy vọng ông có các cố vấn tốt để hỗ trợ trong vấn đề này. Phát ngôn của ông Duterte đầy bốc đồng khi mắng cả đại sứ Mỹ là &’kẻ đồng tính’, trong khi Washington là đồng minh tầm cỡ nhất của Manila”, ông Việt cho biết.
Trong nhiệm kỳ trước, tổng thống Aquino đã sử dụng nhiều tới sự hậu thuẫn của Mỹ trên trường quốc tế về pháp lý cũng như quân sự. Các phát ngôn của tân tổng thống Philippines khiến người ta có cảm tưởng Manila đang nghiêng về Bắc Kinh.
Tiến sĩ, Luật sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Phát triển, cũng cho biết ông sẽ không bất ngờ nếu Manila và Bắc Kinh có những thỏa thuận riêng.
“Trung Quốc đang chơi lá bài hai mặt, một mặt tỏ ra bất cần, phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài, một mặt ra vẻ thiện chí, chấp nhận đàm phán với Philippines”, ông Giao nhận định.
Video đang HOT
Theo ông Việt, Philippines cũng từng có động thái thỏa thuận riêng với Trung Quốc. Năm 2012, truyền thông nước này đã đăng tải về việc thượng nghị sĩ Antonio Trillanes được ủy quyền để tổ chức những cuộc thương lượng ngầm với các quan chức Trung Quốc, nhằm làm dịu các tranh chấp biển đảo.
“Việc ông Duterte từng tuyên bố sẽ không đàm phán với Trung Quốc nếu Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài có thể do áp lực của dân chúng. Với việc cử đặc phái viên tới Trung Quốc bàn về Biển Đông, có lẽ Manila không muốn làm căng với Bắc Kinh”, ông Việt đánh giá.
Hình ảnh được cho là oanh tạc cơ H-6K Trung Quốc bay qua bãi cạn Scarborough. Ảnh: Weibo.
Ông Việt cảnh báo một thỏa thuận về khai thác chung ở Biển Đông giữa Manila-Bắc Kinh, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ngư dân Việt Nam.
“Ngư dân Việt Nam sẽ gặp khó”, ông nói, khi vùng khai thác chung đó xâm phạm vào vùng biển của Việt Nam ở Trường Sa.
Ông Giao cho rằng Philippines có thể “đạt thỏa thuận một phần” với Trung Quốc ở các vùng có tranh chấp, cụ thể là tại Scarborough, nơi Tòa Trọng tài phán quyết là “ngư trường truyền thống” của cả Manila và Bắc Kinh. Tuy nhiên, Manila nhiều khả năng sẽ không đàm phán vô điều kiện bởi họ có hậu thuẫn rất mạnh từ phán quyết bác bỏ “đường lưỡi bò” và các cấu trúc Trung Quốc kiểm soát tại Trường Sa được khẳng định chỉ có vùng lãnh hải 12 hải lý.
Theo ông Giao, điều nguy hiểm nhất trong thỏa thuận – nếu có – giữa hai nước này là việc Trung Quốc thể hiện được “sự hiện diện pháp lý” ở Trường Sa trên cơ sở đàm phán.
“Bắc Kinh sẽ lợi dụng điều này để biến điểm yếu thành điểm mạnh, làm cơ sở cho việc tuyên truyền về hiệu quả của biện pháp đàm phán song phương giữa các bên có tranh chấp mà lâu nay nước này luôn rêu rao”, ông Giáo bày tỏ lo ngại. Một thỏa thuận song phương giữa Manila-Bắc Kinh, dù ít hay nhiều, sẽ gây bất lợi cho Việt Nam trong việc giải quyết những vấn đề còn tồn tại ở Trường Sa và cả Hoàng Sa.
Để tránh rơi vào thế yếu trong vấn đề đòi lại chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa trong bối cảnh hiện tại, ông Giao gợi ý khả năng Hà Nội kiện Bắc Kinh ra Tòa Trọng tài, giống như Philippines.
Ông Giao cho rằng việc khởi kiện Trung Quốc sẽ tạo thêm căn cứ pháp lý quốc tế khẳng định quyền chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình.
Ông nêu ví dụ năm 2014, khi đưa giàn khoan Hải Dương 981vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, Bắc Kinh đã ngang ngược tuyên bố rằng giàn khoan Hải Dương 981 nằm trong “vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý” của cụm đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa mà nước này chiếm của Việt Nam.
“Việc khởi kiện Trung Quốc cũng sẽ giúp chúng ta ngăn chặn về mặt pháp lý trước hành vi Bắc Kinh đơn phương tuyên bố mở rộng vùng đặc quyền kinh tế tại các cấu trúc đang cưỡng chiếm ở Hoàng Sa, Trường Sa, tạo nên những vùng chống lấn bất hợp pháp với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tính từ bờ biển của Việt Nam”, ông Giao nói.
Theo VnExpress
Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra Biển Đông sau phán quyết 'đường lưỡi bò'
Washington kêu gọi các nước liên quan kiềm chế và xem xét kỹ phán quyết của Tòa về vụ kiện "đường lưỡi bò".
Khu trục hạm Spruance của Mỹ tuần tra ở Biển Đông. Ảnh: US Navy
"Các chuyến tuần tra ở Biển Đông là điều chúng tôi đã thực hiện trong nhiều thập kỷ nhằm bảo vệ quyền của tất cả các nước đưa thuyền và máy bay hoạt động ở những nơi luật quốc tế cho phép, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện điều đó", bà Colin Willett, Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ, nhấn mạnh khi trao đổi qua điện thoại hôm 14/7 với một số phóng viên châu Á, trong đó có VnExpress.
Theo bà Willett, phán quyết của Tòa trọng tài hôm 12/7 với vụ kiện do Philippines đưa ra mang tính quyết định và ảnh hưởng sâu rộng, đồng thời cũng rất phức tạp, với khối lượng đồ sộ gần 500 trang. Do đó, các nước liên quan, gồm Philippines, Trung Quốc, Mỹ và cộng đồng quốc tế cần dành thời gian xem xét kỹ, đánh giá những gợi ý của phán quyết.
Trước nhiều câu hỏi về việc Mỹ và cộng đồng quốc tế sẽ làm gì nếu Trung Quốc có hành động khiêu khích ở khu vực, bà Willett từ chối đưa ra dự đoán về diễn biến sắp tới, cho rằng "còn quá sớm" để đánh giá.
Trong khi đó, Mỹ kêu gọi các bên liên quan kiềm chế không có cách hành xử khiêu khích, hăm dọa, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Washington cho rằng các nước cần tôn trọng luật pháp, làm rõ yêu sách của mình theo luật biển (UNCLOS), tìm kiếm cách thức có thể chấp nhận được hoặc giải quyết những khác biệt một cách hòa bình.
Bà Willett bày tỏ, khi phán quyết của Tòa là ràng buộc với các bên, gồm Philippines và Trung Quốc, Mỹ trông đợi các nước này sẽ tuân thủ, thực hiện nghĩa vụ của mình.
Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ khẳng định Washington hợp tác với các nước liên quan để khuyến khích họ sử dụng phán quyết làm cơ sở để thảo luận, tìm ra những phương cách như hợp tác chung hoặc quy tắc về cách hành xử.
Đề cập tới lo ngại Bắc Kinh có thể lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho rằng bất kỳ hành động nào cản trở tự do hàng hải và hàng không có thể bị coi là khiêu khích, "là điều không thể chấp nhận được với bất kỳ ai".
Việt Anh
Theo VNE
Phán quyết 'đường lưỡi bò' có thể khoét sâu căng thẳng Mỹ - Trung Phán quyết vụ kiện "đường lưỡi bò" của Philippines đối với Trung Quốc được dự báo tiếp tục làm nghiêm trọng thêm những bất đồng giữa Washington và Bắc Kinh. Tàu khu trục Mỹ tuần tra gần đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông. Ảnh: US Navy "Nó chắc chắn sẽ làm sâu sắc thêm căng thẳng, thậm chí dẫn...