Chuyên gia Trung Quốc: Covid-19 có thể tồn tại lâu dài như cúm
Dịch Covid-19 đang hoành hành tại Trung Quốc có nhiều triệu chứng lâm sàng giống cúm và có thể tồn tại lâu dài như cúm.
Vậy liệu sau khi dịch bệnh được khống chế thành công, Covid-19 có tiếp tục tồn tại hay tạm thời không quay trở lại như Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS), câu trả lời của ông Vương Thần, Viện trưởng Viện Hàn lâm Y học, chuyên gia về hô hấp và chăm sóc đặc biệt của Trung Quốc là có.
Viện trưởng Viện Hàn lâm Y học, chuyên gia về hô hấp và chăm sóc đặc biệt của Trung Quốc Vương Thần. Ảnh: CCTV
“Chúng tôi cho rằng Covid-19 có khả năng chuyển thành mãn tính, giống như cúm vậy sẽ tồn tại lâu dài trong xã hội loài người. Khả năng này là hoàn toàn có thể, chúng ta phải chuẩn bị tốt cho điều đó”, ông Vương Thần nói.
Theo ông Vương Thần, dù từ góc độ dịch tễ học, vi-rút học, hay các biện pháp phòng chống, chữa trị và cả trong cuộc sống và hoạt động sản xuất, đều phải có những tính toán để đối phó với căn bệnh này, cũng như đặc điểm của mầm bệnh. Ông Vương Thần cho rằng, các nghiên cứu khoa học sẽ giúp cho việc phòng chống căn bệnh này trở nên hữu hiệu hơn.
Video đang HOT
Về thực trạng tại Vũ Hán, ông Vương Thần cho biết, tính đến nay, chỉ riêng các bệnh viện dã chiến, Vũ Hán đã có khoảng 30.000 giường bệnh, nhưng việc cần làm hiện nay là Vũ Hán phải thu dung, điều trị sớm nhất và nhiều nhất có thể số bệnh nhân nhiễm Covid-19, nhằm chặn đứng nguy cơ lây nhiễm.
Ông Vương Thần cũng thừa nhận, dù các phương pháp và thuốc men dùng để điều trị Covid-19 đã nhiều hơn, nhưng sự hiểu biết về căn bệnh vẫn còn rất ít ỏi, tất cả đều đang trong giai đoạn tìm tòi và sự tìm tòi này cũng mới chỉ là sơ khai./.
Theo Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh
Có thể đã có hơn 100 người nhiễm Covid-19 trước 31/12/2019
Từ trước thời điểm ngày 31/12/20219, Vũ Hán và Hồ Bắc có thể đã xuất hiện hơn 100 ca nhiễm Covid-19.
Đây là thông tin được đưa ra trong một bài viết mới nhất của một nhóm nghiên cứu về Covid-19 thuộc Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc (CDC) đăng trên tạp chí Chinese Journal of Epidemiology của Trung Quốc.
Các bác sĩ Trung Quốc thảo luận về các biện pháp điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ảnh: AP
Nội dung chính của bài viết đã được đăng trên trang thông tin của Thời báo Hoàn Cầu và được trang hải ngoại của Nhân dân Nhật báo và hàng loạt tờ báo khác của Trung Quốc đăng lại.
Theo đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích đối với hơn 70.000 ca nhiễm Covid-19 được công bố đến ngày 11/2. Nhóm đã chia dịch bệnh ra làm 5 giai đoạn, gồm trước 31/12/2019, từ 1/1-10/1, 11/1-20/1, 21/1-31/1 và từ 1/2-11/2/2020.
Theo kết quả phân tích của bài viết, từ trước 31/12/2019, Vũ Hán và Hồ Bắc có thể đã xuất hiện 104 ca nhiễm Covid-19, con số này tiếp tục tăng thêm 653 người trong 10 ngày tiếp theo (88,5% ở trong tỉnh Hồ Bắc).
Trong giai đoạn 11/1-20/1, số người nhiễm tiếp tục tăng mạnh 5417 ca (77,6% ở trong tỉnh Hồ Bắc) và trong 10 ngày cuối tháng 1 dịch bệnh đại bùng phát với sự xuất hiện của 26.468 ca bệnh (Hồ Bắc chiếm 74,7%). Tuy nhiên, do các biện pháp phòng chống dịch được tăng cường, trong 11 ngày đầu tháng 2, số bệnh nhân tăng thêm đã giảm xuống còn 12.030 ca.
Những kết quả này càng củng cố thêm những lo lắng của các y bác sĩ lâm sàng tại không ít các bệnh viện ở Vũ Hán trước đó về sự nghiêm trọng của dịch bệnh. Đáng tiếc là những lo lắng đó đã không được chuyển hóa thành những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu.
Chỉ đến ngày 22/1, Hồ Bắc mới kích hoạt cơ chế ứng phó các sự kiện y tế công cộng nghiêm trọng cấp 2 và chỉ 2 ngày sau đó (24/1) tỉnh này đã phải lập tức nâng cơ chế này lên cấp 1, tức cấp cao nhất đặc biệt nghiêm trọng.
Bài viết cũng lần đầu tiên đưa ra các phân tích về các ca lây nhiễm của các y bác sỹ nơi tuyến đầu dập dịch. Theo đó, đến ngày 11/2, Trung Quốc có 1688 nhân viên y tế nhiễm Covid-19. Ngay từ đầu tháng 1 đã xuất hiện những manh mối cho thấy có sự lây nhiễm sang các y bác sỹ, nhưng tình hình khi đó không quá nghiêm trọng. Mọi việc chỉ trở nên tồi tệ vào giữa tháng 1 và bùng phát mạnh vào 10 ngày cuối tháng 1.
Phân tích còn cho thấy, 85,4% các nhân viên y tế nhiễm bệnh đều ở thể nhẹ, tỷ lệ tử vong thấp hơn các ca bệnh khác, nguyên nhân được lý giải là có thể do các y bác sỹ vẫn đang trong độ tuổi công tác, tức dưới 60 tuổi. Bài viết cũng cho rằng, mặc dù các nhân viên y tế bị lây nhiễm ở bệnh viện, song chưa có chứng cứ cho thấy có sự xuất hiện của những cá thể "siêu lây nhiễm".
Cũng theo bài viết, tỷ lệ tử vong thô trong hơn 70.000 ca bệnh này là 2,3%, trong đó Hồ Bắc là 2,9%, các nơi ngoài Hồ Bắc là 0.4%, sự chênh lệnh ở đây là 7,3 lần. Bên cạnh đó, do công tác phòng ngừa chưa được thực hiện hiệu quả thời gian đầu, nhiều ca bệnh không được chữa trị kịp thời, trung bình các ca bệnh nặng phải cần tới 9,84 ngày mới được chữa khỏi, do vậy đã mất đi cơ hội tốt nhất để hồi phục.
Bài viết cảnh báo, mặc dù đến hết ngày 11/2 dịch bệnh đã có xu hướng đi xuống, nhưng việc các cơ quan, đơn vị, công xưởng làm việc trở lại và sự đi lại của người dân sẽ tăng thêm nguy cơ lây lan dịch bệnh, do vậy cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch tại khu dân cư và nơi làm việc, nhằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trở lại./.
Theo PV/VOV-Bắc Kinh
Hé lộ những hình ảnh bên trong một bệnh viện điều trị COVID-19 ở tâm dịch Vũ Hán Một số hình ảnh mới được các hãng tin quốc tế công bố cho thấy cuộc sống bên trong một trung tâm triển lãm được cải biến thành một bệnh viện điều trị các bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Vũ Hán, nơi được coi là tâm dịch. Nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ kín mít hướng dẫn các bệnh nhân...