Chuyên gia Trung Quốc chê năng lực quân sự Ấn Độ
Mua sắm vũ khí hiện đại từ nước ngoài không mang lại lợi thế cho New Delhi trong tranh chấp biên giới với Bắc Kinh, theo chuyên gia Trung Quốc.
Bloomberg ngày 1/2 dẫn tài liệu ngân sách chính phủ Ấn Độ cho thấy chi tiêu quốc phòng nước này sẽ tăng từ 3,43 nghìn tỷ rupee năm ngoái lên mức 3,47 nghìn tỷ rupee (47,4 tỷ USD) trong năm nay.
Global Times, tờ báo thuộc People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 2/2 đăng bài xã luận cho rằng đây là đà tăng ngân sách quốc phòng “rất khiêm tốn”, trong bối cảnh nền kinh tế Ấn Độ được dự báo sẽ hứng chịu đợt suy thoái tồi tệ chưa từng có do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
“Khoản ngân sách quốc phòng tăng thêm dường như sẽ được dành đầu tư cho khí tài quân sự hiện đại từ nước ngoài sau những cuộc đụng độ ở biên giới với Trung Quốc”, bài xã luận có đoạn.
Bài viết dẫn ý kiến từ các chuyên gia Trung Quốc cho rằng nỗ lực mua sắm vũ khí nước ngoài chỉ ảnh hưởng tới các cải cách kinh tế của Ấn Độ, khó giúp New Delhi giành lợi thế quân sự trong các xung đột biên giới với Bắc Kinh.
Tiêm kích Rafale chuẩn bị bàn giao cho Ấn Độ hồi năm 2020. Ảnh: Dassault .
“Nền kinh tế Ấn Độ đang suy giảm đáng kể vì Covid-19 và nhiều vấn đề khác. Họ không thể bơm thêm tiền vào quân đội”, chuyên gia quân sự Tống Trung Bình nhận xét, chỉ ra rằng ngân sách quốc phòng Ấn Độ chỉ bằng một phần tư mức 178,6 tỷ USD của Trung Quốc trong năm ngoái.
“Đầu tư quân sự của Ấn Độ liên tục gia tăng trong những năm qua, đi kèm với tăng cường sức mạnh quốc gia. Mức tăng nhỏ trong năm nay đi kèm với áp lực kinh tế rất lớn. Tuy nhiên, thật ảo tưởng khi cho rằng năng lực quân sự có thể được cải thiện bằng cách mua vũ khí từ nước ngoài”, Qian Feng, giám đốc cơ sở nghiên cứu thuộc Viện Chiến lược Quốc gia ở đại học Thanh Hoa của Trung Quốc, nêu qua điểm.
Video đang HOT
Qian cho rằng khả năng nghiên cứu phát triển quân sự của Ấn Độ khá thấp, buộc họ phải tìm mua khí tài hiện đại từ nước ngoài, gây khó khăn trong những cuộc đối đầu quy mô lớn và kéo dài.
New Delhi năm ngoái nhận 5 chiếc đầu tiên trong lô 36 tiêm kích Rafale đặt mua của tập đoàn Pháp Dassault với trị giá 8,7 tỷ USD. Số còn lại dự kiến được chuyển giao trước năm 2022. Không quân Ấn Độ đã triển khai số tiêm kích Rafale đầu tiên đến khu vực đồi núi thuộc bang Himachal Pradesh và vùng Ladakh giáp biên giới Trung Quốc, Pakistan.
Ấn Độ cũng tỏ ý muốn mua gấp 30 trinh sát cơ MQ-9B Mỹ, cùng 12 tiêm kích Su-30MKI, 21 MiG-29 và hàng trăm tên lửa do Nga sản xuất để lấp chỗ trống.
“Ấn Độ đã mua nhiều vũ khí từ Mỹ, Nga, Israel và Pháp, nhưng điều này chỉ tăng sức mạnh chiến đấu một cách rất giới hạn. Khả năng hậu cần và nguồn cung cho quân đội là chìa khóa trong chiến đấu. Năng lực tác chiến sẽ bị ảnh hưởng đáng kể nếu khí tài bị hư hại và không có phương án thay thế”, Tống Trung Bình nói, cảnh báo chi phí bảo dưỡng cho nhiều khí tài khác hệ sẽ rất lớn và New Delhi đang tiêu tiền vô nghĩa nhằm tăng sức mạnh trong ngắn hạn.
Tiêm kích Su-30MKI Ấn Độ tuần tra sát biên giới Trung Quốc. Ảnh: IAF .
Quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ khi hai nước rơi vào tình trạng bế tắc bất chấp nhiều tháng đàm phán để giải quyết căng thẳng biên giới. Lục quân Ấn Độ ngày 25/1 cho biết xảy ra “một vụ đụng độ nhỏ” ở bang Sikkim hồi tuần trước, song đã được các chỉ huy địa phương dàn xếp.
Tranh chấp biên giới Ấn – Trung diễn ra trong nhiều thập kỷ, trong đó lần đụng độ đẫm máu nhất là cuộc chiến năm 1962. Những vụ đụng độ lẻ tẻ sau đó nổ ra dọc Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), biên giới chưa phân định giữa Ấn Độ và Trung Quốc chạy qua dãy Himalaya.
Tình hình tranh chấp biên giới Ấn – Trung lắng xuống sau căng thẳng ở cao nguyên Doklam năm 2017. Đụng độ giữa binh sĩ hai nước lại nổ ra vào đầu tháng 5/2020, lên tới đỉnh điểm sau một tháng rưỡi với vụ ẩu đả khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng tại thung lung Galwan. Phía Trung Quốc thừa nhận chịu thương vong trong vụ ẩu đả, song không công bố chi tiết.
Ấn Độ và Trung Quốc sau đó điều lượng lớn binh sĩ cùng khí tài lên tăng viện cho khu vực biên giới, đồng thời triển khai các chiến dịch hậu cần chưa từng có để chuyển nhu yếu phẩm và thực phẩm nhằm giúp binh sĩ sống trong mùa đông khắc nghiệt trên dãy Himalaya.
Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng Ấn Độ đã nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng ở biên giới, bao gồm mở thêm các tuyến đường để hạn chế điểm yếu. “Nếu họ không thể hoàn tất những dự án này, họ vẫn sẽ có điểm yếu dễ khai thác. Nỗ lực hiện đại hóa quân sự bằng cách mua sắm khí tài hiện đại một cách vô tội vạ sẽ chỉ dẫn tới vòng luẩn quẩn, cản trở cải cách kinh tế”, Tống Trung Bình nhận định.
Trung Quốc thừa nhận tiêm kích Pháp vượt mặt chiến đấu cơ nội địa
Tiêm kích Rafale Pháp bán cho Ấn Độ ưu việt hơn nhiều so với chiến đấu cơ đa năng JF-17 trong biên chế Pakistan, theo chuyên gia Trung Quốc.
"Ấn Độ mua 36 tiêm kích Rafale từ Pháp với giá cao và gây ra áp lực rất lớn cho Pakistan. Rafale là một trong những chiến đấu cơ hiện đại nhất thế giới. Pakistan không biết năng lực thật sự của chúng và đây là điều đáng lo", một số chuyên gia quân sự Trung Quốc cho biết trong bài đăng trên tờ Sohu hôm 3/12.
Nhận định được đưa ra sau khi Ấn Độ gần đây nhận 5 chiếc đầu tiên trong lô 36 tiêm kích Rafale đặt mua của tập đoàn Dassault, Pháp với trị giá 8,7 tỷ USD. Số tiêm kích còn lại dự kiến được chuyển giao xong trước 2022. Không quân Ấn Độ đã triển khai số tiêm kích Rafale đầu tiên đến khu vực đồi núi thuộc bang Himachal Pradesh và vùng Ladakh giáp biên giới Trung Quốc, Pakistan.
Tiêm kích Rafale cất cánh từ Pháp tới Ấn Độ hồi tháng 7. Ảnh: Dassault .
Rafale được kỳ vọng sẽ bổ sung sức mạnh cho không quân Ấn Độ bằng khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ, gồm tác chiến điện tử, không chiến, không kích mặt đất và tấn công thọc sâu. Ấn Độ biên chế tiêm kích Rafale trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc về tranh chấp biên giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cũng như nhu cầu hiện đại hóa lực lượng được đề cao sau cuộc không chiến với Pakistan hồi đầu năm 2019.
Ngay từ khi những chiếc Rafale chưa được bàn giao, giới chuyên gia Trung Quốc và Pakistan đã thảo luận về khả năng chiến đấu cơ Ấn Độ chạm trán tiêm kích đa năng JF-17 do Trung Quốc phát triển và chuyển giao cho Pakistan.
JF-17 là mẫu tiêm kích đa năng hạng nhẹ, một động cơ được phát triển bởi liên doanh giữa Tập đoàn máy bay Thành Đô (CAC) của Trung Quốc và Tổ hợp hàng không Pakistan (PAC). Nó có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát đường không, tấn công mặt đất và đánh chặn. Phiên bản Trung Quốc sản xuất mang định danh FC-1, trong khi JF-17 là sản phẩm của PAC.
Dòng JF-17 giúp Pakistan thay thế nhiều chiến đấu cơ lạc hậu trong biên chế như A-5C, F-7P/PG, Mirage III và Mirage V, được kỳ vọng sẽ bảo đảm khả năng đối phó với những tiêm kích hiện đại của không quân Ấn Độ.
Không quân Pakistan còn biên chế tiêm kích F-16 mua từ Mỹ, nhưng điều khoản hợp đồng quy định Islamabad chỉ được sử dụng chúng cho mục đích "tăng cường khả năng thực hiện các chiến dịch chống khủng bố", khiến Islamabad không thể sử dụng F-16 để đối đầu với Rafale của New Delhi.
Dù thừa nhận ưu thế vượt trội của Rafale, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng tiêm kích JF-17 vẫn có thể uy hiếp đối phương, nhất là khi Bắc Kinh triển khai biến thể Block 3 với nhiều cải tiến về mạng lưới tác chiến và vũ khí, trong đó có tên lửa đối không tầm xa PL-15.
"Rafale có thể mang tên lửa đối không Meteor với tầm bắn 150 km. Biến thể JF-17 Block 3 tương thích với tên lửa tầm xa PL-15, vốn có tầm bắn 160-200 km", một chuyên gia cho hay, thêm rằng tên lửa Trung Quốc có thông số vượt trội so với mẫu AIM-120 AMRAAM của Mỹ, cũng như dòng R-77 trong biên chế Ấn Độ hiện nay.
Tiêm kích JF-17 Pakistan. Ảnh: Wikipedia .
Biên tập viên Srinjoy Chowdhury của Times Now News cho biết phi đội JF-17 Pakistan cũng gặp hàng loạt vấn đề trong bảo dưỡng, ảnh hưởng xấu tới khả năng sẵn sàng chiến đấu và đối phó tiêm kích Rafale, Su-30 Ấn Độ.
"JF-17 dùng động cơ RD-93 do Nga chế tạo, chúng cần được đại tu và thay thế khi hết tuổi thọ hoạt động, chỉ tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport có thể cung cấp phụ tùng bảo dưỡng hoặc động cơ thay thế. Lệnh cấm vận của Mỹ từ năm 2018 khiến Rosoboronexport không thể giao dịch bằng đồng USD, dẫn tới vấn đề trong thanh toán giữa hai chính phủ và ngân hàng. Ngày càng khó để bảo đảm khả năng vận hành của phi đội JF-17", Chowdhury nói.
Islamabad đang tìm cách thay thế RD-93 bằng động cơ do Trung Quốc phát triển, nhưng chúng vẫn chưa đủ độ tin cậy và dường như cũng không đáp ứng được yêu cầu về tính năng kỹ chiến thuật cho tiêm kích JF-17.
Tiêm kích Ấn Độ bay gần biên giới với Trung Quốc Các tiêm kích Rafale Ấn Độ thực hiện chuyến bay "làm quen" trên bầu trời khu vực biên giới tranh chấp với Trung Quốc. "Tiêm kích Rafale đã làm quen những khu vực hoạt động của chúng tôi, bao gồm cả Ladakh", quan chức không quân Ấn Độ giấu tên cho biết hôm 21/9, song không nói rõ các chuyến bay bắt đầu...