Chuyên gia TQ: Không có tàu sân bay sẽ không thành cường quốc thực sự
Mặc dù phải chi phí khổng lồ, nhưng để trở thành cường quốc thế giới thì không thể không sở hữu tàu sân bay, sẽ không có trang bị nào thay thế được.
Ý tưởng tàu sân bay hạng nặng Trung Quốc của dân mạng.
Tân Hoa xã vừa có bài viết dẫn lời chuyên gia Lý Kiệt, nhà nghiên cứu Viện Nghiên cứu Quân sự Hải quân Trung Quốc cho rằng, đối với một quốc gia, đặc biệt là một nước lớn, rốt cuộc có cần tàu sân bay hay không? Cần tàu sân bay như thế nào? Rất nhiều nước trong đó có Trung Quốc đến nay vẫn có không ít tranh cãi, cá biệt vẫn kiên trì:
“tiêu tiền” quá nhiều cho nghiên cứu chế tạo tàu sân bay, đồng thời kết luận rằng “hao tiền tốn của, được không bằng mất”.
Không thể nghi ngờ, so với chi phí nghiên cứu, chế tạo các vũ khí trang bị khác, tàu sân bay có thể gọi là một “con thú nuốt vàng”. Không chỉ một chiếc tàu sân bay phải chi phí tốn kém rất lớn, nếu cộng với hàng loạt máy bay trang bị cho tàu sân bay và những tàu hộ tống trong biên đội tàu sân bay thì chắc chắn phải tiêu một khoản tiền cực lớn.
Nếu cộng với chi phí trong toàn bộ thời gian hoạt động (tuổi thọ) của nó, thì chắc chắn chi phí quân sự của một số nước vừa và nhỏ khó mà chịu đựng được.
Chi phí nghiên cứu, chế tạo tàu sân bay Ford của Mỹ đã đội lên gần 15 tỷ USD, cộng với chi phí máy bay chiến đấu và tàu chiến kèm theo sẽ trên 25 tỷ USD.
Vì vậy, ở một ý nghĩa nhất định, chi phí cao thực sự là một trong những lý do quan trọng hiện nay trên thế giới chỉ có 9 quốc gia sở hữu tàu sân bay và chỉ có 20 tàu sân bay.
Video đang HOT
Tàu sân bay Varyag Trung Quốc
Nhưng, nếu xem xét và so sánh về hiệu quả tổng hợp, lợi ích to lớn của biên đội tàu sân bay mang lại thì hầu hết các vũ khí khác hiện cơ bản không thể với tới hoặc thay thế.
Trước hết, các nước lớn trên thế giới trở thành cường quốc thế giới tuyệt đối không thể không bước qua “ngưỡng cửa” tàu sân bay. Nếu nước nào có ý định bỏ qua hoặc vượt qua giai đoạn phát triển này, dùng vũ khí cỡ lớn khác để thay thế tàu sân bay thì chắc chắn sẽ gặp khó khăn và đi đường vòng, rốt cuộc còn phải học lại, tiếp tục đi theo con đường phát triển tàu sân bay cỡ lớn và vừa.
Sự “quanh co” trong phát triển tàu sân bay của các nước Nga, Anh, Ấn Độ chính là một dẫn chứng có tính chất thuyết phục nhất.
Báo TQ dẫn lời Lý Kiệt tuyên truyền rằng “Thứ hai, có thể tăng lên chiều sâu phòng thủ trên hướng biển cho quốc gia. Trước khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, Trung Quốc “có lịch sử hơn 100 năm bị các cường quốc xâm lược trên biển”, hoàn toàn là do sức mạnh trên biển của Trung Quốc yếu kém, hướng trên biển hoàn toàn không có chiều sâu đáng tin cậy. Trong tương lai, tàu sân bay Trung Quốc chính thức biên chế và sử dụng, theo đó sẽ mở rộng chiều sâu phòng thủ trên hướng biển cho Trung Quốc”.
Tàu chiến cỡ lớn và vừa của hải quân truyền thống như tàu tuần dương, tàu khu trục mặc dù có khả năng chống hạm, phòng không và săn ngầm không tầm thường, nhưng vẫn không có được quyền kiểm soát trên không. Khi sở hữu tàu sân bay, sẽ có thể ứng phó tương đối có hiệu quả đối với các loại tác chiến trên biển-trên không trong điều kiện thông tin hóa hiện đại.
Tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan (CVN 76) của Hải quân Mỹ
Cùng với sự phát triển, mở rộng từng bước của lợi ích biển quốc gia, tính năng hoạt động biển xa trong thời gian dài của biên đội tàu sân bay cũng sẽ càng nổi bật hơn.
Việc biên chế và sử dụng tàu sân bay tuyệt đối không chỉ là việc tăng thêm và cho ra đời một loại tàu chiến lớn, mới, mà nó sẽ đem lại “sự thăng hoa hoàn toàn mới về toàn bộ tư tưởng, tư duy chiến tranh trên biển của Trung Quốc, sự thay đổi hoàn toàn mới về mô hình xây dựng hải quân”.
Lý Kiệt cho rằng, cùng với việc sử dụng rất nhiều thủ đoạn khoa học kỹ thuật, biên đội tàu sân bay đến nay không đơn thuần phát huy tác dụng trong lĩnh vực chiến tranh, mà còn được “sử dụng phi chiến tranh”, đồng thời chiếm vị trí ngày càng quan trọng.
Trên các phương diện như chống khủng bố, chống cướp biển, bảo vệ an toàn tuyến đường giao thông trên biển, rút Hoa kiều về nước…, tàu sân bay hoàn toàn có khả năng làm được tất cả. Trong tương lai gần, trên thế giới sẽ có nhiều nước hơn gia nhập hàng ngũ tàu sân bay hoặc “bán tàu sân bay”, và biên đội tàu sân bay cũng sẽ đóng vai trò quan trọng hơn, đảm đương nhiệm vụ quan trọng hơn.
Cụm chiến đấu tàu sân bay lớp Nimitz của Hải quân Mỹ
Tàu sân bay Kuznetsov, Hải quân Nga.
Tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ
Tàu sân bay Chakri Naruebet của Thái Lan.
Theo GDVN
Lời cảnh báo thế kỷ
Thảm họa Hiroshima cách đây 67 năm vẫn là nỗi đau đến hôm nay - Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon nhắc nhở để cảnh báo, đồng thời kêu gọi nhân loại nỗ lực hành động để xoá bỏ mối đe dọa của vũ khí hạt nhân.
Người dân Nhật Bản thắp đèn tối 6-8-2012 để tưởng nhớ hàng trăm nghìn nạn nhân
của quả bom nguyên tử đầu tiên ở Hiroshima
67 năm trước, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II, cuộc chiến tranh gây tổn thất về sinh mạng và của cải lớn nhất trong lịch sử nhân loại, đi tới hồi kết với một sự kiện không thể bi thảm hơn. Đó là 2 quả bom nguyên tử đầu tiên và duy nhất mà Mỹ ném xuống hai thành phố Hiroshima (ngày 6-8) và Nagasaki (ngày 9-6) của Nhật Bản, tính tới thời điểm hiện nay.
Chỉ trong thời gian rất ngắn sau khi được ném xuống, quả bom nguyên tử đầu tiên đã cướp đi sinh mạng của 140.000 người ở thành phố Hiroshima và khoảng 74.000 người ở thành phố Nagasaki. Ngoài ra, sức huỷ diệt khủng khiếp của 2 quả bom còn làm cho hàng trăm nghìn người khác phải vật vã chống chọi với những vết thương hành hạ họ suốt đời, cũng như để lại những di chứng quái ác cho nhiều thế hệ sau này.
Sự huỷ diệt khủng khiếp của 2 quả bom nguyên tử đã làm cả thế giới kinh hoàng. Thế nhưng, thay vì lấy đó làm bài học đắt giá và lời cảnh tỉnh thì những quốc gia có tiềm lực hàng đầu thế giới lại lao vào cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân khốc liệt trong suốt mấy chục năm thời chiến tranh lạnh.
Kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Liên Xô trước đây lên tới đỉnh điểm vào cuối những năm 1960 đầu những năm 1970, trong đó chỉ riêng Mỹ luôn có tới trên 31.000 đầu đạn hạt nhân sẵn sàng được khai hoả. Cộng với hàng nghìn đầu đạn hạt nhân của các cường quốc hạt nhân khác như Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc, kho vũ khí hạt nhân trên thế giới thời chiến tranh lạnh thừa sức huỷ diệt nhiều lần sự sống trên trái đất.
Chiến tranh lạnh kết thúc cũng là lúc các cường quốc, đi đầu là Mỹ và Nga - quốc gia kế thừa Liên Xô, đã cùng nhau cắt giảm mạnh kho vũ khí hạt nhân. Sau Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn 1 (START-I) ký năm 1991 và START-II ký tháng 4-2010, Mỹ và Nga cam kết cắt giảm số đầu đạn hạt nhân của mỗi bên xuống còn 1.550, mở đường cho việc tiến tới một thế giới không hạt nhân.
Tuy nhiên, để hiện thực hoá giấc mơ thế giới không vũ khí hạt nhân là vô cùng khó khăn bởi hơn ai hết các cường quốc hàng đầu thế giới không dễ gì từ bỏ công cụ răn đe và duy trì sức mạnh của mình. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI) có trụ sở tại Stockholm (Thụy Điển) cảnh báo, thế giới vẫn đang đứng trước hiểm họa vũ khí hạt nhân khi chỉ riêng có 8 nước được coi là các cường quốc hạt nhân trên thế giới hiện nay là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Israel và Pakistan đã sở hữu hơn 20.500 đầu đạn hạt nhân, trong đó có hơn 5.000 đầu đạn đã được triển khai và trong tình trạng sẵn sàng sử dụng.
Chính vì thế, trong thông điệp gửi tới Lễ tưởng niệm Hòa bình Hiroshima ngày 6-8, Tổng thư ký Ban Ki-Moon khẳng định thảm họa Hiroshima cách đây nhiều thập kỷ tiếp tục vang vọng đến hôm nay. "Thế giới không được để xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân khác tương tự như cuộc tấn công trên" - người đứng đầu LHQ kêu gọi thế giới cùng nỗ lực xoá bỏ tất cả các loại vũ khí hạt nhân.
Theo ANTD
Những chiến hạm chủ lực của Hải quân Philippines Lực lượng tàu chiến của Hải quân Philippines biên chế hầu hết là các loại pháo hạm kiểu cũ. Dưới đây là một số hình ảnh các tàu chiến Philippines: Tàu chiến lớn nhất Hải quân Philippines BRP Gregorio del Pilar (trên) và BRP Ramon Alcazar (dưới) mua lại từ lực lượng tuần duyên bờ biển Mỹ. Hai tàu thuộc lớp Hamilton có...