Chuyên gia tình báo Stratfor: “Hãy sẵn sàng cho chiến tranh”
“Cứ mỗi thế kỷ lại diễn ra một “cuộc chiến mang tính hệ thống” và thế kỷ 21 cũng không phải ngoại lệ”.
Đó là phân tích của người sáng lập công ty phân tích tình báo Stratfor, ông George Friedman được báo “Business Insider” trích dẫn.
Ông Friedman cũng dự đoán chiến tranh sẽ bùng phát ở Đông Âu và Trung Đông. Theo Business Insider, 2 cuộc chiến tranh thế giới là bằng chứng về qui mô thảm họa của sự bất ổn cố hữu trong hệ thống quốc tế, vốn cho phép sử dụng vũ lực để giải quyết xung đột giữa các quốc gia như một biện pháp chính đáng trong chính sách đối ngoại, chứ không phải biện pháp cuối cùng.
Sau Thế chiến thứ II, hệ thống chính trị và pháp lý của nhiều quốc gia được xây dựng xung quanh tư tưởng ngăn chặn chiến tranh, song quan điểm này có thể thay đổi. Ông Friedman cảnh báo rằng tính chất của nền chính trị quốc tế có thể một lần nữa khiến cuộc chiến giữa các quốc gia trở thành hiện thực.
Ông George Friedman.
Ông Friedman nhắc lại rằng, trước đó trong lịch sử đã có những giai đoạn mà các nhà phân tích quốc tế đã tin tưởng một cách mù quáng rằng các nước sẽ không bao giờ giao tranh với nhau.
Ông Friedman nhấn mạnh cứ 100 năm sẽ xảy ra “chiến tranh mang tính hệ thống”, khiến toàn bộ thế giới “rung chuyển trong cơn co giật”. Theo ông Friedman, bất kỳ hệ thống quốc tế nào đều có “lỗ hổng chết người”. “Hệ thống quốc tế hiện nay có chứa những mầm mống của sự hủy diệt của riêng mình”, ông Friedman cảnh báo.
Cũng theo ông Friedman, sự suy giảm của các cường quốc toàn cầu luôn có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng.
Video đang HOT
Ông Friedman phân tích: “Khi các quốc gia như Đức, Trung Quốc và Nga sa sút, các nước khác sẽ chiếm lấy vị trí của họ, và khi đó chiến tranh hệ thống sẽ nổ ra. Thời điểm đó sẽ nguy hiểm, vì các nước vẫn chưa đạt được sự cân bằng… Hiện chúng ta đang thấy những thay đổi mang tính hệ thống. Và hãy chuẩn bị cho chiến tranh”.
Ông Friedman cũng nhận định rằng các nước có khả năng nhất đang nổi lên là Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan. “Vì vậy, tôi nói rằng Đông Âu, Trung Đông và một cuộc chiến tranh trên biển Nhật Bản là có khả năng bùng phát hơn cả. Nhưng mỗi khi các cường quốc mới nổi lên họ phải tìm sự cân bằng của họ. quyền hạn mới đang nổi lên, quyền hạn cũ đang giảm. Nó không phải là quá trình mà đó chính là mối nguy hiểm.
Theo Danviet
Tình báo Mỹ vạch mặt Trung Quốc ở Biển Đông
Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper đã đưa ra những đánh giá chi tiết về các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.
Những công trình xây dựng phi pháp của Trung Quốc ở đá Chữ Thập - Ảnh: IHS Jane's
Theo chuyên san The Diplomat ngày 10.3, những đánh giá của tình báo Mỹ được tiết lộ trong bức thư mà ông James Clapper gửi đến thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, để giải đáp những thắc mắc của ông này về các hoạt động bồi đắp đảo và năng lực quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.
Cấp tập xây dựng
Theo nội dung bức thư vừa được công bố trên trang tin USNI News của Hải quân Mỹ, vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017, Trung Quốc "sẽ có khả năng đáng kể để nhanh chóng triển khai sức mạnh quân sự của mình đến khu vực". Người đứng đầu cơ quan tình báo Mỹ cũng nhận định Bắc Kinh sẽ tiếp tục theo đuổi việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng trên các bãi đá mà họ đang chiếm giữ tại Biển Đông.
"Trung Quốc đã thiết lập những cơ sở hạ tầng cần thiết nhằm triển khai năng lực quân sự vượt quá mức cần có để bảo vệ các tiền đồn của họ. Những khả năng này có thể bao gồm triển khai các chiến đấu cơ hiện đại, tên lửa đất đối không, tên lửa hành trình bảo vệ bờ biển, cũng như tăng cường sự hiện diện của các tàu tác chiến mặt nước của hải quân Trung Quốc (PLAN) và các tàu tuần tra cỡ lớn của lực lượng hải cảnh (CCG)", bức thư viết.
Thư của ông Clapper cũng ghi nhận rằng đường băng mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hiện đã đi vào hoạt động và có thể tiếp nhận tất cả các loại máy bay quân sự của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng đã lắp đặt các radar quân sự ở Trường Sa, dù chưa có bằng chứng cho thấy có hoạt động triển khai tên lửa đất đối không tại bất kỳ đảo nào mà nước này hiện chiếm giữ. "Tuy nhiên, các tên lửa đất đối không của Trung Quốc đã sẵn sàng triển khai trên thực địa mà không cần những địa điểm cố định được chuẩn bị trước", ông Clapper viết trong thư.
Trung Quốc gần đây đưa tàu chiến ra các đảo nhân tạo xây phi pháp ở Trường Sa - Ảnh minh hoạ: AFP
"Nói một đằng, làm một nẻo"
Bức thư gián tiếp cáo buộc Trung Quốc "nói một đằng, làm một nẻo" khi xác nhận Trung Quốc vẫn tiếp tục bồi đắp đất ở Trường Sa sau ngày 5.8.2015, thời điểm Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố nước ông đã ngừng hoạt động này.
Theo ông Clapper, Trung Quốc đã bồi đắp hơn 40 ha đất trên đá Xu Bi và đá Vành Khăn trong thời gian từ đầu tháng 8 đến cuối tháng 10.2015. Người đứng đầu ngành tình báo Mỹ cũng cảnh báo rằng không thể loại trừ khả năng Trung Quốc bồi đắp thêm một diện tích lớn hơn gấp 10 lần như thế tại Trường Sa. "Chúng tôi chưa có bằng chứng cho thấy Trung Quốc có kế hoạch đẩy mạnh bồi đắp tại các đảo và bãi đá mà họ tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa, nhưng theo đánh giá của chúng tôi, có đủ diện tích bãi ngầm tại đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và đá Xu Bi để Trung Quốc bồi đắp thêm 400 ha", bức thư viết.
Còn đối với cột mốc 25.9.2015, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra cam kết sẽ không quân sự hóa Trường Sa, ông Clapper cho hay Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng các cơ sở cần thiết để hỗ trợ việc triển khai vũ khí, khí tài hiện đại, bao gồm các chiến đấu cơ tối tân.
Đánh giá của ông Clapper nối tiếp những tuyên bố mạnh mẽ gần đây của giới chức quân đội và chính phủ Mỹ trước những hành động gây căng thẳng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Theo tờ Navy Times, trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện ngày 23.2, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris tố cáo Trung Quốc đang ra sức quân sự hóa Biển Đông nhằm mục đích "thống trị khu vực" và "chỉ những ai tin rằng trái đất phẳng mới suy nghĩ theo hướng khác".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter gần đây cũng đã cảnh báo Trung Quốc về "những hậu quả cụ thể" cho những hành động quân sự hóa cấp tập của Bắc Kinh, đồng thời cho biết Mỹ có thể mạnh tay chi tiền cho các cuộc tập trận với những nước láng giềng "cảm thấy bị Bắc Kinh đe dọa".
Mỹ không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông và luôn khẳng định không đứng về bên nào trong các vụ tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng. Tuy nhiên, Washington nhấn mạnh họ có lợi ích quốc gia ở vùng biển chiến lược này và sẽ kiên quyết bảo vệ tự do đi lại và giao thương tại đây. Để thực hiện cam kết của mình, Mỹ đã nhiều lần điều tàu và máy bay áp sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây phi pháp ở Biển Đông, gần đây nhất là triển khai một đội tàu sân bay đến khu vực này hồi đầu tháng 3.
Tàu chiến Trung Quốc tại Trường Sa
Trước câu hỏi liệu tình báo Mỹ có quan sát được hoạt động của hải quân Trung Quốc ở Trường Sa hay không, ông Clapper cho biết tàu chiến Trung Quốc thường ghé đến 3 đảo nhân tạo lớn nhất là Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi.
Cụ thể, một tàu hộ vệ của Trung Quốc đã thả neo tại đá Chữ Thập vào đầu tháng 12.2015 và một tàu hộ vệ tên lửa đã ghé đến đá Xu Bi vào cuối tháng. Đầu năm 2016, một tàu khu trục được nhìn thấy thả neo tại đá Vành Khăn. Ngoài ra, các tàu đổ bộ của hải quân Trung Quốc cũng thường xuyên cập cảng để hỗ trợ hoạt động xây dựng phi pháp.
Trùng Quang
Theo Thanhnien
Các nước đua nhau tập trận, điều gì đang xảy ra với thế giới? Chưa bao giờ thế giới lại tổ chức tập trận "nở rộ như hoa mùa xuân" như thời điểm hiện tại. Phải chăng chúng ta đang sống trong một thế giới đầy bất ổn? Chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào? Hiên nay, ngân sách quân sự của nhiều nước không ngừng gia tăng, các quốc gia hàng đầu không...