Chuyên gia Thayer: Hành động của TQ trên Biển Đông là khiêu khích, bất hợp pháp
Theo chuyên gia Australia, việc Trung Quốc ngang ngược thành lập 2 huyện quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là động thái khiêu khích, bất hợp pháp.
Nhà nghiên cứu nổi tiếng Carlyle A. Thayer, Giáo sư tại Học viện Quốc phòng – Đại học New South Wales (Australia) nhận định: “Hành động của Trung Quốc khi ngang ngược thành lập 2 huyện hành chính quản lý Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) là động thái khiêu khích, bất hợp pháp theo luật quốc tế, vi phạm Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hủy hoại nghiêm trọng quá trình đàm phán giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN để có được một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý”.
Theo chuyên gia, hành động mới đây là Trung Quốc chống lại tinh thần và nội dung về “ Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam – Trung Quốc”, văn kiện mà lãnh đạo các bên đã thỏa thuận vào tháng 10/2011.
Đá Chữ Thập bị Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo.
Theo đó, “Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam – Trung Quốc” năm 2011 nêu rõ, trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của DOC.
Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam – Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác.
“ Những hành động của Trung Quốc sẽ ngày càng hủy hoại niềm tin giữa 2 nước, vì họ (Bắc Kinh) liên tục vi phạm chính những điều họ đã cam kết khi nói sẽ giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, thông qua đối thoại giữa các bên trực tiếp quan tâm“, ông Thayer nói.
Theo luật pháp quốc tế, hành động của Trung Quốc là “bất hợp pháp”. “ Luật pháp quốc tế không công nhận chủ quyền có được qua cưỡng chiếm“, Giáo sư Thayer lý giải.
Hành động đơn phương của Trung Quốc làm phức tạp hóa các tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông, đi ngược lại Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và các thành viên ASEAN đồng thuận đưa ra vào năm 2002.
Cụ thể, Điều 5 của DOC nêu rõ: “ Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự kiềm chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định khu vực…“.
Video: Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam
Chuyên gia Australia dự đoán rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục ban hành những quy định và chỉ thị ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
“ Tuyên bố của Trung Quốc về huyện hành chính mới tại Trường Sa là hành động trái phép, chặn trước hòng bỏ qua các tuyên bố chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam và Philippines“, chuyên gia cho biết.
Ngày 19/4, sau việc Chính phủ Trung Quốc ngày 18/4/2020 tuyên bố phê chuẩn thành lập cái gọi là “khu Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “khu Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố:
“Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa và các hành vi liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai”.
PHƯƠNG ANH
Philippines quan ngại vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam
Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) lên tiếng "quan ngại sâu sắc" trước thông tin tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam tại Biển Đông, gọi đây là hành động làm tổn hại quan hệ giữa ASEAN và Bắc Kinh.
Bên ngoài tòa nhà của Bộ Ngoại giao Philippines . Ảnh Chụp từ Inquirer
Trong tuyên bố hôm 8.4, DFA nêu rõ: "Trong lúc các cuộc thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông đang có đà tiến triển tích cực, điều quan trọng là phải tránh những vụ việc tương tự và cần phải dàn xếp bất đồng trên tinh thần tăng cường đối thoại và tin tưởng lẫn nhau".
DFA nhấn mạnh các bên cần phải tránh những hành vi khiêu khích tại Biển Đông, nhất là trong bối cảnh thế giới đang phải chống chọi với dịch Covid-19, theo CNN Philippines.
Bộ Ngoại giao Philippines cũng bày tỏ tinh thần đoàn kết với Việt Nam, nhắc lại vụ ngư dân Philippines cũng từng bị tàu Trung Quốc đâm chìm trong một vụ tương tự hồi năm ngoái. Những người gặp nạn đã được ngư dân Việt Nam cứu sống.
Một ngày trước đó, Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phản đối lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Đồng thời, Việt Nam cũng gửi công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc bồi thường liên quan đến việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hôm 2.4.
Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị đâm chìm . Ảnh Ngư dân cung cấp
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh bịa đặt rằng tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc, Việt Nam đã lên tiếng phản đối sự vu khống trắng trợn này.
Hành vi ngang ngược của tàu hải cảnh Trung Quốc cũng buộc Mỹ phải lên tiếng. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6.4 đã lên tiếng bày tỏ "rất quan ngại" về vụ Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam.
Trong thông cáo đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6.4, phát ngôn viên Morgan Ortagus của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: "Vụ việc này (đâm tàu cá Việt Nam) là hành động mới nhất trong chuỗi hành động lâu dài của CHND Trung Hoa nhằm củng cố những yêu sách biển phi pháp và gây bất lợi cho các quốc gia láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông".
Thụy Miên
Nga-Thổ buộc phải ngừng tuần tra chung ở Idlib do phiến quân giở trò "lá chắn người" khiêu khích Cuộc tuần tra chung của Nga-Thổ ở khu vực an ninh Idlib theo thỏa thuận ngừng bắn đã buộc phải rút ngắn do phiến quân Idlib liên tục giở trò khiêu khích. Cuộc tuần tra chung của Nga-Thổ ở khu vực an ninh Idlib theo thỏa thuận ngừng bắn đã buộc phải rút ngắn. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc phải rút...