Chuyên gia Singapore: Không nên hành động thái quá khi đối phó với COVID-19
“Không nên hành động thái quá khi đối phó với dịch bệnh COVID-19″ là nhận định của Tiến sĩ Jayant Menon, chuyên gia Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute) khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Singapore về tình hình dịch COVID-19 với sự xuất hiện của biến thể mới Omicron và những bài học rút ra từ các biện pháp đối phó của các chính phủ trong khu vực và trên thế giới.
Người dân được theo dõi sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 tại bệnh viện ở Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN
Về Omicron, Tiến sĩ Menon lưu ý rằng chúng ta vẫn chưa biết hết về loại biến thể này và chúng ta vẫn đang tìm hiểu trong khi các dữ liệu vẫn đang được thu thập. Cần có thời gian để có được thông tin đầy đủ về tất cả các khía cạnh, về gene, về mức độ lây nhiễm và mức độ dẫn đến bệnh nghiêm trọng. Cho đến nay, chúng ta chưa thấy biến thể Omicron dẫn đến bệnh nghiêm trọng hơn, ít nhất là ở những dấu hiệu ban đầu.
Theo quan điểm của ông Menon, để đối phó với COVID-19, việc đóng cửa biên giới, đặc biệt là cấm đi lại có chọn lọc, là không có hiệu quả hay không thể có hiệu quả. Ông cho rằng sẽ phải mất thời gian rất dài mới có thể đưa ra được kết luận về mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron. Gần 3 tuần đã trôi qua kể từ khi Nam Phi thông báo về biến thể này và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận đây là biến thể đáng quan ngại. Giờ đây, chúng ta phát hiện ra rằng nó có thể đã lây lan ở châu Âu và Hà Lan trước đó đã lâu. Loại biến thể này cũng đã xuất hiện ở rất nhiều nước trong khi nhiều nước khác có thể không có xét nghiệm hiệu quả để phát hiện ra.
Vì vậy, Tiến sĩ Menon nhấn mạnh Omicron đã tồn tại cùng với chúng ta và có thể đã lây lan ra nhiều nước, chỉ là chúng ta chưa biết mà thôi. Do đó, theo ông, việc cấm đi lại là không hiệu quả, mà chỉ làm tăng thêm gánh nặng cho nền kinh tế. Thay vào đó, chúng ta nên dành thời gian chuẩn bị cho hệ thống y tế để đối phó với sự gia tăng tiềm tàng số ca bệnh nặng hơn và các loại biến thể có khả năng lây lan mạnh hơn.
Video đang HOT
Chuyên gia này đánh giá các biện pháp phong tỏa kéo dài ở thời gian ban đầu đại dịch rõ ràng là hành động thái quá. Ông cho rằng các biện pháp phong tỏa này không hữu ích trong việc kiềm chế virus. Và một cách gián tiếp, chúng đã gây ra những tác động rất lớn đến kinh tế, xã hội và y tế. Vì vậy, theo ông nên học cách đối phó có tính toán, phải hướng về tương lai, chuẩn bị tốt hơn cho dịch bệnh tiếp theo.
Theo Tiến sĩ Menon, điều chúng ta cần làm là đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững không bị phớt lờ. Thực tế là chúng ta đã bỏ qua những mục tiêu này trước khi dịch bệnh xảy ra và làm cho những tác động của dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, nếu đạt được tiến bộ tốt hơn về các mục tiêu phát triển bền vững thì khi đó có thể có sự chuẩn bị tốt hơn để đối phó với đại dịch, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và về cơ sở hạ tầng khác nói chung.
Ông nhận định 5-10 năm nữa sẽ là khoảng thời gian rất khó khăn, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển, để điều chỉnh cho phù hợp với trạng thái bình thường mới sau dịch bệnh. Chúng ta phải đảm bảo rằng những hạn chế do đại dịch không kéo dài hơn mức cần thiết. Chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ đã gia tăng, và xu hướng này sẽ tiếp tục trong trạng thái bình thường mới. Ngoài ra, chúng ta cũng phải đảm bảo rằng những rào cản được dựng lên nhân danh đại dịch này không được tồn tại quá lâu. Và chúng ta cũng phải đối phó với sự trỗi dậy của tâm lý chống toàn cầu hóa.
Dự đoán về ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trong năm 2022, Tiến sĩ Menon cho rằng biến thể Omicron vẫn còn là ẩn số. Vì vậy cần phải theo dõi cách thức các chính phủ đáp lại các dữ liệu thu thập được về mức độ lây nhiễm và gây bệnh nghiêm trọng của nó. Giả sử Omicron không phải là yếu tố làm thay đổi tình hình thì theo ông, sự phục hồi kinh tế đang diễn ra trên lộ trình thuận lợi và kinh tế năm 2022 sẽ tốt hơn rất nhiều.
Còn nếu Omicron là biến thể mới tồi tệ hơn so với biến thể Delta, khi đó rất khó để lạc quan, vì chính phủ các nước có thể sẽ phải phản ứng mạnh mẽ bằng những hạn chế đi lại và tăng trưởng sẽ chậm lại. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, ngay cả trong kịch bản xấu nhất thì chúng ta cũng sẽ không quay lại mức tăng trưởng tồi tệ nhất trong năm 2020. Sự phục hồi sẽ không xấu như chúng ta lo ngại, tăng trưởng sẽ tiếp tục, và 2022 sẽ là một năm tốt đẹp về kinh tế.
Tổng thống Nam Phi kêu gọi người dân bình tĩnh trước đại dịch
Ngày 4/12, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã kêu gọi người dân nước này giữ bình tĩnh, không hoảng loạn trước tình hình gia tăng số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa kêu gọi người dân không hoảng loạn trước tình hình gia tăng số ca mắc COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, phát biểu trước báo giới tại tại thủ đô Accra của Ghana, ông Ramaphosa cho biết vẫn thường xuyên liên lạc với Bộ trưởng Y tế Nam Phi và trao đổi về tình hình dịch tễ trong nước và diễn biến của biến thể Omicron.
Tổng thống Nam Phi nhấn mạnh: "Dù biến thể Omicron dễ lây lan hơn các biến thể khác, nhưng số bệnh nhân nhập viện không tăng ở mức báo động, đồng nghĩa với việc số người có xét nghiệm dương tính tăng, số người phải nhập viện lại không lớn".
Theo số liệu của Bộ Y tế Nam Phi, số ca mắc mới COVID-19 trên toàn quốc trong những ngày vừa qua tăng nhanh từ 4.373 ca ngày 30/11 lên 8.561 ca ngày 1/12, 11.535 ca ngày 2/12, 16.055 ca ngày 3/12 và 16.366 ca ngày 4/12.
Phát biểu của ông Ramaphosa được đưa ra trong buổi họp báo ngay sau khi ông và người đồng cấp, Tổng thống Ghana Nana Addo Dankwa Akufo-Addo hội đàm, đạt được các thỏa thuận song phương và ký biên bản ghi nhớ tại Jubilee House, Phủ Tổng thống Ghana. Hai nhà lãnh đạo thể hiện phản ứng cứng rắn về các lệnh cấm đi lại áp đặt đối với các nước châu Phi và cho rằng những lệnh cấm này mang tính "phân biệt đối xử".
Tổng thống Nam Phi Ramaphosa nhận định biến thể mới Omicron sẽ được tìm thấy trên khắp thế giới và "chúng ta cần học cách sống chung với virus vì sẽ còn các biến thể khác xuất hiện". Tổng thống Ramaphosa cho biết ông đã có cuộc điện đàm với lãnh đạo các nước đã áp dụng lệnh cấm đi lại đối với Nam Phi và yêu cầu xem xét lại quyết định này.
Ông nhấn mạnh: "Về cơ bản, tôi cho rằng các quốc gia đó nên tuân thủ những gì đã thỏa thuận tại hội nghị nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) mới đây, đó là mở cửa ngành du lịch và lữ hành để nền kinh tế của chúng ta có thể trở lại bình thường"
Tổng thống Nam Phi bày tỏ hy vọng sẽ có phản ứng tích cực đối với yêu cầu dỡ bỏ lệnh cấm ngay lập tức vì "các lệnh cấm đã được áp dụng đối với Nam Phi và các quốc gia ở miền Nam châu Phi là hoàn toàn phản khoa học và hoàn toàn không thể chấp nhận được". Ông cảm ơn các quốc gia mà ông đã đến thăm trong chuyến công du các nước Tây Phi bao gồm Nigeria, Ivory Coast và sắp tới là Senegal vì đã cam kết đoàn kết với Nam Phi.
Tổng thống Ghana Akufo-Addo cũng tuyên bố: "Rõ ràng biến thể mới này đã xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới, vì vậy việc các quốc gia châu Phi phải tuân thủ các biện pháp cấm đoán này chứng tỏ sự không công bằng". Nhà lãnh đạo Ghana cũng kêu gọi mọi người cần tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng ngừa COVID-19 và tăng cường các chương trình tiêm chủng.
Israel ngừng sử dụng công nghệ theo dõi người nhiễm biến thể Omicron Thủ tướng Israel Naftali Bennett ngày 2/12 đã quyết định ngừng cho phép cơ quan an ninh sử dụng công nghệ để theo dõi những người mắc biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Nhân viên y tế Israel lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Jerusalem. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN Phóng viên TTXVN tại Tel Aviv dẫn thông...