Chuyên gia quốc tế: Tổ chức thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Việt Nam không chỉ là sự đảm bảo về an ninh
Các chuyên gia quốc tế nhận định việc Việt Nam được lựa chọn là địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên không chỉ là sự đảm bảo về an ninh, thuận tiện mà còn là biểu tượng cho một cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa.
Trong thông điệp liên bang thường niên hôm 6/2, Tổng thống Donald Trump đã thông báo Việt Nam là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai, song vẫn chưa tiết lộ địa điểm chính xác của sự kiện.
Theo AP, Việt Nam rõ ràng là một lựa chọn phù hợp cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều. Việt Nam duy trì sự ổn định chính trị chặt chẽ và bộ máy an ninh hiệu quả. Việt Nam cũng có kinh nghiệm trong việc đăng cai các hội nghị quốc tế khi tổ chức thành công Hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng năm 2017 và phiên bản khu vực của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2018.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Nguồn: Twitter)
“Tương tự Singapore, nơi họ ( Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un) gặp nhau lần gần đây nhất, Việt Nam là một địa điểm rất an toàn”, Murray Hiebert, nhà nghiên cứu cấp cao tại Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Washington, nhận định.
Theo chuyên gia Hiebert, việc Tổng thống Trump có mặt tại Việt Nam để dự hội nghị APEC cách đây 2 năm có nghĩa ông chủ Nhà Trắng “đã quen thuộc với Việt Nam và có mối quan hệ tốt đẹp” với các nhà lãnh đạo của Việt Nam”.
Theo Japan Times, Việt Nam có vị trí tương đối gần Triều Tiên, do vậy nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể di chuyển tới đây mà không cần nối chuyến giữa chừng hay mượn máy bay để đi được xa hơn. Một chuyến bay từ thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên tới Việt Nam chỉ bằng 2/3 khoảng thời gian bay kéo dài 6 tiếng tới Singapore.
Video đang HOT
Việt Nam cũng là nơi cả Mỹ và Triều Tiên đều đặt đại sứ quán. Những cơ quan này sẽ phụ trách việc chuẩn bị cho cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo.
Ngoài ra, Việt Nam cũng là quốc gia trung lập và có quan hệ ngoại giao với cả Mỹ và Triều Tiên. Giới phân tích nhận định, điều quan trọng nhất là Việt Nam được cho là mô hình tiềm năng để Triều Tiên có thể học hỏi theo. Đây có thể là một trong những yếu tố được Mỹ tính đến khi chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức thượng đỉnh Trump – Kim.
Báo Nhật Bản đánh giá từ giữa thập niên 1980, Việt Nam đã khởi động một chương trình cải cách kinh tế toàn diện với tên gọi “Đổi Mới”, biến Việt Nam từ một nước từng là cựu thù của Mỹ thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.
“Việt Nam thuận tiện về hậu cần, khả thi về ngoại giao và có ý nghĩa lớn về hình tượng. Việt Nam đủ gần gũi với Triều Tiên và có cơ sở hạ tầng phát triển để hỗ trợ một hội nghị thượng đỉnh lớn. Cả Triều Tiên và Mỹ đều có quan hệ với Việt Nam – tấm gương về một quốc gia đã cải cách kinh tế và bình thường hóa quan hệ với Mỹ sau chiến tranh”, Mintaro Oba, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề Triều Tiên, cho biết.
Theo Jenny Town, chuyên gia về Triều Tiên và là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Stimson ở Washington, Việt Nam “thường được xem là hình mẫu điển hình để Triều Tiên học hỏi và người Triều Tiên cũng đang nghiên cứu mô hình này, mặc dù Triều Tiên vẫn đang tìm cách áp dụng vào các tình huống cụ thể của chính Triều Tiên”.
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho từng có chuyến thăm tới Việt Nam hồi tháng 12 năm ngoái. Truyền thông nhận định chuyến đi này của quan chức cấp cao Triều Tiên có thể để nghiên cứu mô hình cải cách kinh tế “Đổi Mới” của Việt Nam, điều mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng đề xuất trong chuyến thăm tới Hà Nội hồi tháng 7.
“Việc chúng ta hợp tác, chứ không phải giao chiến, là bằng chứng cho thấy, khi một quốc gia quyết định xây dựng cho mình tương lai tươi sáng hơn với Mỹ, chúng tôi sẽ giữ đúng lời hứa của mình.”, ông Pompeo gửi thông điệp tới nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Phát biểu tại Seoul, người phát ngôn tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom cho biết, Việt Nam sẽ là một địa điểm “rất tốt” cho Mỹ và Triều Tiên để “viết nên trang sử mới” cho quan hệ song phương. Nhật Bản cũng hy vọng hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Việt Nam sẽ là sự kiện “có ý nghĩa” và đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
“Bằng việc lựa chọn Việt Nam, hai nhà lãnh đạo muốn gửi một thông điệp chiến lược mạnh mẽ tới thế giới rằng họ sẵn sàng đưa ra một quyết định mang tính đột phá để biến cựu thù thành bạn bè và cùng nhau xây dựng thế giới tốt đẹp hơn, học theo hình mẫu của quan hệ Việt – Mỹ”, phó giáo sư Vũ Minh Khương tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) nhận định.
Theo Thegioi&VietNam
Cơ quan nghiên cứu Mỹ tuyên bố tìm thấy cơ sở tên lửa bí mật của Triều Tiên
Trong báo cáo mới, các nhà nghiên cứu tại CSIS khẳng định đã tìm ra Sino-ri, cơ sở vận hành tên lửa bí mật chưa từng được công bố ở Triều Tiên.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS tại Washington cho biết Sino-ri là cơ sở hoạt động tên lửa Triều Tiên có quy mô cỡ một trung đoàn. Sino-ri được cho là có trang bị tên lửa đạn đạo tầm trung Nodong-1.
Các nhà nghiên cứu CSIS tháng 11/2018 từng thông báo xác định được 13 trong khoảng 20 cơ sở hoạt động tên lửa bí mật của Triều Tiên, khiến nhiều chuyên gia hạt nhân lo ngại về ý định từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Hình ảnh được cho là cơ sở tên lửa bí mật Sino-ri. (Ảnh: SCMP)
"Chúng ta phải đàm phán về cả khả năng hạt nhân hiện tại của Triều Tiên, chứ không chỉ trong quá khứ hay tương lai." - Victor Cha, cố vấn cấp cao tại CSIS cho biết.
Cơ sở mới được tiết lộ được cho là trụ sở chính của lữ đoàn tên lửa Nodong, một phần của lực lượng tên lửa chiến lược Triều Tiên, và có thể đóng vai trò nhất định trong quá trình phát triển tên lửa đạn đạo mới nhất của Bình Nhưỡng, Pukkuksong-2.
Nằm cách vùng phi quân sự Triều Tiên - Hàn Quốc 212 km về phía Bắc, các tên lửa Nodong được triển khai tại cơ sở này có thể tiếp cận phạm vi trong bán đảo Triều Tiên và phần lớn Nhật Bản, với "khả năng hạt nhân hoặc tấn công ban đầu ở mức hoạt động thông thường", CSIS viết trong báo cáo.
Triều Tiên chưa bao giờ tuyên bố về cơ sở này. Báo cáo được trung tâm nghiên cứu Mỹ đưa ra vào thời điểm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai chuẩn bị diễn ra, dự kiến vào cuối tháng 2/2018.
"Ông Kim Jong Un rất mong chờ hội nghị và tôi cũng vậy" - Tổng thống Trump nói. "Chúng tôi đã đạt được nhiều bước tiến về phi hạt nhân hóa. Mọi thứ với Triều Tiên đang tiến triển rất tốt."
Harry Kazianis, phụ trách nghiên cứu quốc phòng tại trung tâm National Interest (Washington), bày tỏ lo ngại về báo cáo mới, song cho rằng có thể các cơ quan tình báo Mỹ và Hàn Quốc đã biết về điều này.
Theo ông Kazianis, Bình Nhưỡng có đủ khả năng vũ trang 65 đầu đạn hạt nhân và hơn 1.000 tên lửa, cùng với vũ khí sinh học và hóa học.
Theo VTC News
Đặc phái viên hạt nhân Mỹ, Triều chuẩn bị họp tại Panmunjom Hãng thông tấn Yonhap ngày 31/1 dẫn nguồn tờ Politico chuyên về chính trị của Mỹ cho biết đặc phái viên hạt nhân của Mỹ và Triều Tiên sẽ họp tại Panmunjom vào ngày 4/2 tới để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai. Làng đình chiến Panmunjom giữa hai miền Triều Tiên. (Ảnh: AFP/TTXVN) Theo Politico, đại diện...