Chuyên gia quốc tế sắp đến Trung Quốc điều tra nguồn gốc Covid-19
Chuyên gia quốc tế có thể sẽ sớm đến Trung Quốc để giúp điều tra nguồn gốc động vật của Covid- 19 trong bối cảnh ca nhiễm vượt 59 triệu.
“Chúng tôi hoàn toàn mong đợi và được các cộng sự trong chính phủ Trung Quốc cam đoan rằng chuyến đi đến thực địa sẽ được tạo điều kiện thuận lợi và càng sớm càng tốt”, Giám đốc mảng tình huống khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Michael Ryan nói trong cuộc họp trực tuyến hôm 23/11.
“Chúng tôi cần có khả năng để nhóm quốc tế tham gia cùng các cộng sự Trung Quốc và xem xét đánh giá, kết quả của các nghiên cứu và xác minh dữ liệu trên thực địa”, Ryan cho biết thêm, đồng thời ca ngợi “lượng lớn cuộc điều tra khoa học” do Trung Quốc thực hiện, nhưng nói rằng các chuyên gia nước ngoài cần phải vào cuộc “để cộng đồng quốc tế có thể yên tâm về chất lượng của khoa học.”
WHO đã làm việc trong nhiều tháng để cử nhóm chuyên gia quốc tế, gồm các nhà dịch tễ học và chuyên gia sức khỏe động vật, đến Trung Quốc giúp điều tra nguồn gốc động vật của đại dịch và cách virus truyền sang người. WHO cử một nhóm đến Bắc Kinh vào tháng 7 để đặt nền móng cho cuộc điều tra quốc tế, nhưng chưa rõ khi nào nhóm lớn hơn có thể đến Trung Quốc để bắt đầu các nghiên cứu dịch tễ học nhằm xác định ca nhiễm ở người đầu tiên và nguồn lây nhiễm.
Các nhà khoa học ban đầu tin rằng virus lây từ động vật sang người tại chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán. Tuy nhiên, các chuyên gia hiện nay cho rằng chợ này có thể không phải nguồn gốc bùng phát, mà là nơi virus được khuếch đại.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh ca Covid-19 trên toàn cầu tăng lên 59.461.789 và 1.401.255 người đã tử vong, tăng lần lượt 505.752 và 8.131, trong khi 41.094.520 người đã bình phục.
Hành khách được đo thân nhiệt tại sân bay Arturo Merino Benitez ở Santiago, Chile hôm 23/11 khi nước này mở lại biên giới hàng không cho các chuyến bay quốc tế sau 8 tháng hạn chế do Covid-19. Ảnh: AFP .
Mỹ , vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 12.747.310 ca nhiễm và 263.534 ca tử vong sau khi báo cáo thêm lần lượt 146.881 và 820 trường hợp.
Một số bang và thành phố trên khắp nước Mỹ ban hành lệnh giới nghiêm ban đêm với hy vọng ngăn chặn virus lây nhiễm tại các quán bar, bữa tiệc và các sự kiện về đêm khác. Thống đốc California Gavin Newsom áp lệnh giới nghiêm với hầu hết các hạt từ 21/11, yêu cầu mọi người không được rời nhà từ 22h đến 5h sáng hôm sau ngoại trừ vì lý do thiết yếu. Các nhà hàng cũng phải đóng cửa theo khung giờ đó. Trước đó Ohio đã ban hành lệnh tương tự có hiệu lực từ ngày 19/11.
Tại New York, Thống đốc Andrew M. Cuomo cũng ra lệnh yêu cầu các quán bar và nhà hàng đóng cửa lúc 22h. Lệnh tương tự được áp đặt ở một số địa phương như hạt Pueblo, Colorado và hạt Miami-Dade, Florida.
Trước đó, nhiều bang và thành phố Mỹ đã áp đặt các hạn chế như yêu cầu người dân ở nhà, không cho phép kinh doanh dịch vụ ăn uống trong nhà và giới hạn tụ tập. Chính quyền Mỹ gia hạn lệnh hạn chế đi lại qua biên giới với Canada và Mexico đến ngày 21/12.
Ấn Độ , vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 37.329 ca nhiễm và 478 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 9.177.641 và 134.251.
Tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng tại New Delhi, nơi đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch, khiến nhiều bệnh viện quá tải. Chính quyền thủ đô đã lên kế hoạch khôi phục một số biện pháp hạn chế nếu cần thiết, như đóng cửa các khu chợ. Ấn Độ hy vọng 5 loại vaccine được thử nghiệm tại nước này sẽ giúp họ kiểm soát đại dịch thành công.
Quan chức New Delhi đã tăng gấp tư tiền phạt với người không đeo khẩu trang lên 2,000 rupee (27 USD). Kể từ tháng 6, gần 500.000 người đã bị phạt vì không đeo khẩu trang, 370.000 người vì phớt lờ quy tắc giãn cách xã hội và 3.500 người vì khạc nhổ tại New Delhi.
Video đang HOT
Brazil , vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 288 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 169.485. Số người nhiễm nCoV tăng 16.207 ca trong 24 giờ qua, lên 6.087.608.
Nhiều nơi đã bị đóng cửa sau khi virus bắt đầu xuất hiện ở Brazil vào tháng hai, nhưng cuộc sống ở các thành phố lớn nhất đã trở lại gần với mức bình thường trước đại dịch trong những tuần gần đây, với các quán bar, nhà hàng và cửa hàng đông người, thường không đeo khẩu trang.
Trong vài ngày gần đây, Sao Paulo và Rio de Janeiro đã ghi nhận số bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 tăng đột biến. Tại Rio trong tuần này, 90% giường tại khu điều trị tích cực trong các bệnh viện công được lấp đầy.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho rằng xử lý đại dịch sẽ dễ dàng và bớt tốn kém hơn nếu đầu tư vào thuốc điều trị thay vì vaccine, đồng thời tiếp tục quảng bá thuốc chống sốt rét chloroquine, bất chấp nhiều bằng chứng cho thấy nó không hiệu quả.
Tại châu Âu, sau một mùa hè “dễ thở”, nhiều nước ở châu lục này đã phải tái áp đặt các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, bao gồm lệnh giới nghiêm và tình trạng khẩn cấp, khi số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh trở lại.
Pháp , vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo 2.144.660 ca nhiễm và 49.232 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 4.452 ca nhiễm và 500 ca tử vong. Bất chấp lệnh phong tỏa mới trên phạm vi toàn quốc áp dụng từ ngày 30/10 giúp số ca nhiễm nCoV mới giảm mạnh, Pháp vẫn trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên vượt mốc hai triệu ca nhiễm nCoV.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Verana cho biết nước này đang lấy lại đà kiểm soát nCoV. Pháp đang chuẩn bị mở cửa trở lại các cửa hàng cho mùa mua sắm Giáng sinh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Giao thông vận tải Jean-Baptiste Djebbari ngày 20/11 cảnh báo rằng còn quá sớm để nói liệu người dân có được phép đi lại vào dịp Giáng sinh hay không, nói rằng việc đảo ngược xu hướng Covid-19 vẫn còn “mong manh”.
Anh báo cáo thêm 15,450 ca nhiễm và 206 người chết, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.527.495 và 55.230. Chính phủ đã tái áp đặt phong tỏa toàn quốc từ ngày 31/10, đánh dấu một trong những lệnh hạn chế nghiêm ngặt nhất từ sau Thế chiến II.
Thủ tướng Boris Johnson thông báo ông sẽ chấm dứt lệnh phong tỏa toàn quốc từ 2/12 và chuyển sang áp đặt hạn chế ở từng khu vực tùy theo mức độ rủi ro.
Đức ghi nhận 14.537 ca nhiễm và 240 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 946.648 và 14.583. Mặc dù đồ thị số liệu Covid-19 đang bằng phẳng hơn, giới chức đánh giá các số liệu hàng ngày vẫn quá cao và khu điều trị tích cực tại các bệnh viện đang sắp hết giường.
Từ ngày 2/11 đến 30/11, người Đức không bị giới hạn trong nhà, nhưng được yêu cầu tránh tất cả hoạt động đi lại không cần thiết, chỉ cho phép lưu trú qua đêm vì “mục đích phi du lịch”. Trường học và các cửa hàng vẫn được mở cửa, nhưng tất cả nhà hàng, quán bar, nhà hát và rạp chiếu phim phải đóng cửa.
Đức có thể phải gia hạn những biện pháp nhằm ngăn chặn Covid-19 sang tháng 12 do tình hình dịch bệnh hiện chưa được kiểm soát. “Mọi thứ đều cho thấy thực tế là những biện pháp giới hạn hiện tại cần phải được gia hạn thêm một thời gian nữa sau ngày 30/11″, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz ngày 22/11 nói với báo Bild am Sonntag.
Markus Soeder, lãnh đạo đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) của bang Bavaria, cho hay lý tưởng nhất là các biện pháp giới hạn nên được mở rộng thêm ba tuần, tới ngày 20/12. “Làn sóng đã bị phá vỡ nhưng không may là số ca nhiễm mới không giảm. Thay vào đó, các phòng chăm sóc đặc biệt tiếp tục quá tải và số người chết vẫn gia tăng”, ông nói.
Nga , vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận thêm 25.173 ca nhiễm nCoV và 361 người chết trong vòng 24 giờ, nâng tổng số lên lần lượt 2.114.502 và 36.540.
Giới chức Nga cho biết các biến chủng nCoV đang xuất hiện ở vùng Siberia của nước này, đồng thời cảnh báo chúng có thể khiến dịch bệnh trở nên nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, Rinat Maksyutov, tổng giám đốc Viện virus học Vector của Nga, nhấn mạnh các biến chủng không thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine Covid-19.
Tổng thống Vladimir Putin ngày 21/11 cho biết Nga sẵn sàng phân phối vaccine Sputnik V cho các nước khác. Hồi đầu tháng, Nga thông báo dữ liệu thử nghiệm sơ bộ cho thấy vaccine Sputnik V có hiệu quả 92% trong việc bảo vệ khỏi nCoV.
Nam Phi là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 769.759 ca nhiễm và 20.968 ca tử vong, tăng lần lượt 2.080 và 65 ca.
Nam Phi bắt đầu nới lỏng hạn chế xuống mức thấp nhất hồi tháng 9, sau khi tỷ lệ ca nhiễm mới giảm, đồng thời mở cửa biên giới cho hành khách quốc tế từ đầu tháng 10 sau lệnh cấm kéo dài 6 tháng. Tình trạng đóng cửa khiến Nam Phi mất hơn 2 triệu việc làm trong quý II, nền kinh tế sụt giảm kỷ lục.
Iran , vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 45.255 người chết, tăng 453, trong tổng số 866.821 ca nhiễm, tăng 12.460. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV ở Iran có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu tháng 9, với tình trạng gia tăng được báo cáo tại gần như toàn bộ 31 tỉnh.
Giới chức Iran thừa nhận số liệu chính thức dường như thấp hơn so với mức độ nghiêm trọng của đại dịch ở nước này. Từ 21/11, họ áp đặt hạn chế chống dịch mới, bao gồm đóng cửa các hộ kinh doanh và dịch vụ không thiết yếu tại thủ đô Tehran và khoảng 160 thành phố và thị trấn được xác định nguy cơ ở mức “đỏ”.
Ô tô sẽ không được phép rời khỏi hoặc đi vào các thành phố “đỏ” và các quy định hạn chế lái xe khác sẽ được áp dụng nhằm khuyến khích mọi người ở nhà. Các hạn chế nhẹ hơn sẽ được áp dụng cho các khu vực “cam” và “vàng” có rủi ro thấp hơn. Truyền thông nhà nước cho biết các hạn chế sẽ kéo dài ít nhất hai tuần.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 502.110 ca nhiễm, tăng 4.442 so với hôm trước, trong đó người chết là 16.002, tăng 118 ca.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuần trước cho biết nước này dự định tiêm chủng hàng loạt cho nhân viên y tế và các nhân viên trên tuyến đầu khác từ tháng 12, nhằm kiềm chế dịch bệnh và hỗ trợ phục hồi kinh tế, sử dụng một số loại vaccine Covid-19 tiềm tăng như Sinovac của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong phiên điều trần trước quốc hội hôm 18/11, lãnh đạo cơ quan phụ trách thực phẩm và dược phẩm Indonesia cảnh báo họ không thể cấp phép kịp cho hoạt động này đúng thời hạn tháng 12, do dữ liệu lúc đó chưa hoàn thành.
Philippines báo cáo 420.614 ca nhiễm và 8.173 ca tử vong, tăng lần lượt 1.799 và 50 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.
Tình hình dịch tại Philippines đã cải thiện trong thời gian gần đây. Tổng thống Rodrigo Duterte ngày 21/11 chấm dứt lệnh cấm nhân viên y tế ra nước ngoài, mở đường cho y tá nước này nhận việc ở nước ngoài. Năm ngoái, gần 17.000 y tá Philippines đã ký hợp đồng làm việc ở nước ngoài.
Tuy nhiên, để đảm bảo Philippines có đủ nhân viên y tế nhằm tiếp tục chiến đấu với đại dịch, chỉ 5.000 nhân viên y tế được phép rời đi trong năm.
Toàn cầu đang tràn đầy hy vọng đánh bại Covid-19 sau khi một số hãng thông báo vaccine của họ có hiệu quả cao và sẽ xin phê duyệt khẩn cấp. Tuy nhiên, ông Ryan hôm 18/11 cảnh báo rằng vaccine sẽ không đến kịp thời để đánh bại làn sóng Covid-19 thứ hai.
“Tôi nghĩ rằng phải mất ít nhất 4-6 tháng nữa chúng ta mới triển khai được tiêm chủng trên quy mô đáng kể”, ông nói. “Nhiều quốc gia đang trải qua làn sóng này và họ sẽ phải tiếp tục vượt qua mà không có vaccine. Chúng ta cần hiểu rõ điều đó và nhận ra rằng chúng ta phải ‘trèo qua ngọn núi’ này mà không có vaccine”.
Gia tăng "đối trọng" gìn giữ ổn định Biển Đông
3 cường quốc châu Âu là Anh, Pháp, Đức (nhóm E3) gửi công hàm chung lên Liên hợp quốc (LHQ) vào ngày 16-9 khẳng định lập trường bảo vệ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 đối với vấn đề Biển Đông.
Giới chuyên gia quốc tế cùng chung đánh giá, sự kiện này đã ghi thêm một "dấu mốc" quan trọng trong nỗ lực toàn cầu nhằm duy trì ổn định, hòa bình trên Biển Đông.
Cán bộ, chiến sĩ trên đảo Đá Lát, quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: TTXVN
Góp sức hữu hiệu
Theo Tiến sĩ Takashi Hosoda, chuyên gia nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương, Đại học Tổng hợp Charles (Cộng hòa Czech), Công hàm của E3 vừa qua đã khẳng định cho nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) trong việc giải quyết các diễn biến phức tạp trên Biển Đông. Điểm nhấn quan trọng nhất trong Công hàm của E3 là lập trường chung về thượng tôn luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982, đồng thời khẳng định phương pháp giải quyết mọi tranh chấp phải bằng biện pháp hòa bình.
Lý giải về sự vào cuộc quyết liệt của E3, Tiến sĩ Jan Hornat, chuyên gia nghiên cứu về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Đại học Tổng hợp Charles (Cộng hòa Czech) cho rằng, Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với EU trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh, thương mại toàn cầu. Vì vậy, việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông nói riêng và toàn thế giới nói chung mang yếu tố "sống - còn" của EU.
Mặt khác, theo giới chuyên gia quốc tế, tầm ảnh hưởng và uy tín của EU trên toàn cầu là rất lớn với việc sở hữu nhiều thành viên là cường quốc, đồng thời, nhiều cường quốc ngoài EU cũng có mối quan hệ chặt chẽ với Khối trong việc giải quyết nhiều vấn đề bất ổn trên thế giới. Trong EU, Đức và Pháp là hai quốc gia "đầu tàu" định hình chính sách chung của Khối; Anh và Pháp là 2 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Các nước thành viên của EU cũng là thành viên của UNCLOS 1982.
Ông Vaclav Kopecky, chuyên gia nghiên cứu về an ninh châu Á, Hiệp hội các vấn đề quốc tế (AMO) nhìn nhận, Công hàm mới đây của nhóm E3 có thể cho thấy, EU đang ngày càng đóng góp vào nỗ lực chung của thế giới trong việc gìn giữ hòa bình, ổn định trên Biển Đông, từ đó tạo ra nền tảng trọng yếu cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của khu vực nói riêng cũng như toàn cầu nói chung.
Trong một bài đăng mới đây, Báo Tin tức của Czech dẫn lời đánh giá của chuyên gia luật pháp quốc tế Jonathan Odom cho rằng, việc lần đầu tiên Anh - Pháp - Đức gửi Công hàm lên LHQ với nội dung chi tiết về vấn đề Biển Đông là minh chứng cho thấy, lập trường của 3 cường quốc này đã có sự điều chỉnh quan trọng. Nhiều ý kiến bình luận rằng, 3 cường quốc đại diện cho EU đang thể hiện lập trường "cứng rắn" hơn của EU đối với vấn đề Biển Đông.
Từ những cơ sở đó, giới chuyên gia quốc tế bày tỏ niềm tin rằng, E3 nói riêng và EU nói chung chắc chắn sẽ tiếp tục đóng góp một cách thiết thực hơn nữa để bảo vệ luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS 1982, cũng như bảo vệ nền hòa bình, ổn định trên Biển Đông. Đặc biệt, sự vào cuộc quyết liệt của EU sẽ tạo nên "đối trọng" giúp duy trì sự cân bằng quyền lực tại khu vực.
Bảo vệ pháp lý quốc tế
Trả lời truyền thông về lý do Anh - Pháp - Đức lên tiếng về vấn đề Biển Đông, mới đây, Tiến sĩ Guido Hildner, Đại sứ Đức tại Việt Nam cho biết, Công hàm vừa qua của E3 không phải là lần đầu tiên ba nước châu Âu này công khai quan điểm về vấn đề Biển Đông lên LHQ mà đã lên tiếng nhiều lần trước đây. Công hàm mới của E3 tái khẳng định lập trường nhất quán về tôn trọng luật pháp quốc tế và giải quyết mọi vấn đề, mâu thuẫn, tranh chấp theo luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS 1982. Tiến sĩ Guido Hildner nhấn mạnh rằng, UNCLOS 1982 là "chìa khóa" duy nhất để giải quyết các vấn đề trên biển bởi Công ước này quy tụ đầy đủ nội dung, bao trùm,hoàn thiện mọi vấn đề như chủ quyền biển đảo, giải thích các thuật ngữ, cách giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh.
Đảo Phan Vinh thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Chia sẻ về lý do Đức cùng Anh và Pháp đưa ra tuyên bố về Biển Đông vừa qua, Tiến sĩ Guido Hildner cho biết, tất cả những gì liên quan đến an ninh, tự do hàng hải và hàng không đều liên quan đến quyền lợi của EU nói chung và nhóm E3 nói riêng. Đồng thời, việc bảo vệ UNCLOS cũng chính là bảo vệ quyền lợi chính đáng của các quốc gia. Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp mới, E3 nhận thức trách nhiệm của mình trong việc duy trì trật tự, ổn định và hòa bình. Các nước E3 mong muốn gìn giữ pháp luật liên quan đến Biển Đông và nêu bật tầm quan trọng của khu vực này.
Khi công bố văn kiện chính thức mang tên "Đức - châu Âu - châu Á" vào tháng trước, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khẳng định, các tuyến hàng hải, thương mại lớn của thế giới đi qua Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông phải được bảo vệ về mặt pháp lý theo tiêu chuẩn tự do hàng hải. Đức cũng đưa ra thông điệp rằng, quốc gia này đang ưu tiên ngoại giao ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là khu vực quan trọng với Đức và toàn châu Âu. Ngoại trưởng Maas nhấn mạnh rằng, châu Âu đang thúc đẩy một chiến lược chung về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với sự đoàn kết của toàn Khối.
Các Công hàm từ nhiều quốc gia gửi lên LHQ thời gian gần đây đều cùng chung quan điểm trước những diễn biến mới trong vấn đề Biển Đông. Từ tháng 7, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia đã gửi Công hàm bác bỏ các lập luận làm suy yếu luật pháp quốc tế trên Biển Đông. Không dừng lại ở khu vực Đông Nam Á, các quốc gia ngoài khu vực cũng lần lượt gửi Công hàm lên LHQ là Mỹ, Australia và mới đây nhất là Công hàm chung của Anh - Pháp - Đức.
Giới chuyên gia chính trị khu vực nhìn nhận, trong bối cảnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đang nối lại các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) dự kiến vào tháng 11 tới, những Công hàm mang tính pháp lý mạnh mẽ của quốc tế sẽ được xem như "đòn bẩy" trợ lực cho ASEAN, đồng thời là cơ sở nền tảng pháp lý quan trọng để ASEAN thúc đẩy các yêu cầu tuân thủ pháp luật quốc tế, gồm UNCLOS 1982.
WHO muốn mời Việt Nam tham gia Liên minh nghiên cứu vắc xin Ngày 30-6, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã họp với đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và một số tổ chức quốc tế về công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới. Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP Tiến sĩ Kidong Park, Giám đốc WHO tại Việt Nam cho biết, cách...