Chuyên gia quốc tế đánh giá cao phản ứng của Việt Nam về Biển Đông
Chính phủ Việt Nam đã có nhiều phản ứng linh hoạt và khéo léo trước các hành động của Trung Quốc từ việc xây dựng đảo nhân tạo đến các vụ việc khác.
Hội thảo về Biển Đông với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác quốc tế vì hòa bình, ổn định của khu vực Biển châu Á” đã diễn ra từ ngày 22-23/7 tại Tokyo, Nhật Bản.
Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu chính sách quốc tế trường Đại học Meiji tổ chức với sự diễn giải của những chuyên gia hàng đầu thuộc các trường Đại học lớn của Nhật Bản, Mỹ, Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Trung Quốc…
Hội thảo về Biển Đông với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác quốc tế vì hòa bình, ổn định của khu vực Biển châu Á”.
Tại hội thảo, hàng chục tham luận với những dữ liệu quý và phân tích xác đáng đã làm rõ hành động của Trung Quốc như: bồi lấp xây đảo nhân tạo, xây đường băng, sử dụng đảo làm dịch vụ du lịch, lắp đặt giàn khoan… tại khu vực Biển Đông cũng như mục đích quân sự hóa khu vực này.
Nhiều ý kiến đã phản đối sự phi lý của cái gọi là “Đường chín đoạn” mà Trung Quốc đưa ra, đồng thời đưa ra những biện pháp hợp lý, dựa trên tình hình cụ thể tuân theo Luật quốc tế để giải quyết một cách hòa bình những tranh chấp tại khu vực này.
Tăng cường sức mạnh truyền thông và phản ứng sáng tạo
Để góp phần vào giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình, theo Tiến sỹ Alexander Vuving thuộc Trung tâm Châu Á Thái Bình Dương về Nghiên cứu An ninh của Mỹ, cách tốt nhất để làm dịu tình hình hiện nay là để các bên liên quan, những nước có lợi ích lớn tại Biển Đông ngồi lại với nhau, cùng thảo luận và thương thuyết hướng tới đạt được một thỏa thuận chấp nhận được với tất cả các bên.
Những nước ngoài Đông Nam Á cũng có lợi ích từ việc duy trì sự ổn định trên các tuyến đường biển quốc tế và mong muốn thấy sự cân bằng sức mạnh trong khu vực. Những nước này cần được tham gia các cuộc thảo luận đa phương về tình hình an ninh tại Biển Đông.
Sức mạnh truyền thông cũng là một yếu tố quan trọng trong việc xử lý các vấn đề xung quanh Biển Đông. Theo ông Yoji Koda, Cựu Phó Đô đốc Hải quân Nhật Bản, năm 2014, khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vịnh Bắc Bộ của Việt Nam, Trung Quốc đã tính rằng thế giới sẽ không phản ứng mạnh trước vụ việc. Nhưng truyền thông thế giới đã vào cuộc và đưa tin. Trung Quốc phải rút giàn khoan sớm hơn 1 tháng so với tuyên bố ban đầu là ngày 15/8/2014.
Việt Nam đã đưa ra nhiều phản ứng có sức mạnh, truyền thông thế giới cũng phản ứng bất lợi cho Trung Quốc. Vụ bồi lấp đảo nhân tạo lần này cũng tương tự. Trung Quốc không lường trước rằng thế giới lại phản ứng mạnh mẽ như vậy trong 1 tháng rưỡi vừa qua. Các nước trên thế giới đều cho rằng hành động của Trung Quốc là không chấp nhận được, buộc Trung Quốc phải ngừng hành động bồi lấp. Về phía Việt Nam, chính phủ Việt Nam cũng đã có phản ứng kịp thời.
Video đang HOT
Tiến sỹ Alexander Vuving thuộc Trung tâm Châu Á Thái Bình Dương về Nghiên cứu An ninh của Mỹ.
Tiến sỹ Vuving đã đánh giá cao phản ứng của Việt Nam và cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều động thái phản ứng linh hoạt và khéo léo trước các hành động của Trung Quốc từ việc xây dựng đảo nhân tạo đến các vụ việc khác, trước mỗi vụ việc Việt Nam lại có một cách đối ứng khác nhau. Năm 2014, cách hành xử của Việt Nam đối với vụ giàn khoan Hải Dương 981 có thể nói là khôn ngoan, tuy nhiên cách phản ứng với việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo là chưa đủ mạnh, và chưa đủ hiệu quả để duy trì nguyên trạng trên Biển Đông. Việt Nam cần phải có phản ứng tích cực hơn và sáng tạo hơn.
Hội nghị G7 diễn ra ở Đức hồi tháng 6 vừa qua cũng chỉ trích hành động bồi lấp đảo nhân tạo của Trung Quốc, xem đây là hành động đơn phương. Nếu truyền thông thế giới đưa tin mạnh về các hành động của Trung Quốc ở những khu vực khác như bãi cạn Scarborough thì điều này sẽ gây tác động rất bất lợi cho Trung Quốc.
Thế giới cần phải theo dõi sát sao tình hình Biển Đông và phải có quan điểm rõ ràng, lên án các hành động vượt ra ngoài giới hạn của Trung Quốc thì tình hình sẽ không trở nên xấu đi. Nhưng nếu thế giới lãng quên vụ việc thì Trung Quốc sẽ lại lặp lại các hành động bồi lấp đảo của họ. Việc truyền thông thế giới theo dõi sát sao Biển Đông là điều rất quan trọng.
Trung Quốc và tham vọng “loại bỏ” hiện diện của Mỹ tại Biển Đông
Đã nhiều năm nay, Trung Quốc vận dụng cái gọi là “Đường lưỡi bò”, hay còn gọi là “Đường 9 đoạn” nhằm chiếm gần như toàn bộ khu vực Biển Đông. Theo ông Koda, Cựu Phó Đô đốc Hải quân Nhật Bản thì đây là một khái niệm hoàn toàn không có căn cứ pháp lý dù dựa trên lịch sử Trung Quốc hay Luật Biển của Liên Hợp Quốc. Dù Trung Quốc nói thế nào thì cũng không thể chấp nhận được.
Quan điểm này yếu đến nỗi, nó thậm chí còn không thể trở thành đề tài thảo luận chính thức cấp nhà nước giữa các quốc gia có liên quan. Quan điểm chung là nếu Trung Quốc không từ bỏ quan điểm này thì các cuộc đàm phán liên quan sẽ không tiến triển được.
Cựu Phó Đô đốc hải quân Nhật Bản, Tướng Yoji Koda phát biểu tại hôi thảo.
Ông Koda cũng cho biết thêm, từ năm 1974 Trung Quốc đã kiểm soát trên thực tế quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nằm ở khu vực phía Bắc của Biển Đông. Tuy nhiên, khu vực phía Nam biển Đông thì vẫn nằm ngoài khả năng của Trung Quốc, bởi lẽ họ chưa kiểm soát được đảo. Trung Quốc cần có đất để đặt quân đội, xây dựng các căn cứ quân sự. Đây là lý do họ bồi lấp và xây dựng đảo nhân tạo để tạo thế quân sự vượt lên trên Việt Nam và Philipines.
Nhưng mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là gì? Hay chỉ có lý do cần đất để xây dựng căn cứ quân sự?
Theo Cựu Phó Đô đốc hải quân Nhật Bản Koda, Mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là loại bỏ sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Vùng biển có ý nghĩa quan trọng nhất với Trung Quốc trong chiến lược này chính là Biển Đông, vì tại Hoa Đông và Ấn Độ Dương lực lượng của Trung Quốc vẫn còn kém hơn so với Mỹ. Bên cạnh đó, Tiến sỹ Vuving thuộc Trung tâm Châu Á Thái Bình Dương về Nghiên cứu An ninh của Mỹ thì lý do dẫn đến căng thẳng trên Biển Đông có nhiều, nhưng trong đó có yếu tố Mỹ.
Theo ông Vuving, nếu nhìn từ lịch sử các cuộc tranh chấp trên biển Đông, chúng ta có thể thấy khoảng trống quyền lực là một trong những lý do quan trọng khiến căng thẳng leo thang, do Mỹ đã thiếu quan tâm đến khu vực này trong suốt nhiều thập niên, và cùng với đó là sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc. Điều này đã thay đổi đáng kể cân bằng lực lượng trong khu vực.
Như vậy, trong suy nghĩ của Trung Quốc, khu vực Biển Đông là khu vực trọng yếu cần nắm trọn bằng tất cả mọi giá và bằng chiến thuật “gặm nhấm”. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, lợi ích ngoại giao, lợi ích quân sự…mà điều quan trọng là “lá chắn” để ứng phó với Mỹ. Tuy nhiên điều này không phải dễ khi Mỹ đã tăng cường hợp tác sức mạnh để thực hiện chính sách “tái cân bằng” Châu Á, tập trung quan tâm tới khu vực Biển Đông./.
Bùi Hùng-Ngọc Huân
Theo_VOV
Tư lệnh Mỹ: Bay giám sát trên Biển Đông là bình thường
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Scott Swift cho biết, chuyến bay giám sát trên khu vực Biển Đông ngày 18/7 là "hoạt động bình thường".
Theo Reuters, phát biểu trên được Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Scott Swift đưa ra trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí vào ngày 20/7 tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ông Swift xác nhận mình đã có mặt trên chiếc máy bay P-8 Poseidon trong chuyến bay dài 7 giờ ngày 18/7 khi ông đến thăm Philippines, tuy nhiên ông không tiết lộ thêm chi tiết
Trong một bức ảnh được đăng tải bởi Hạm đội Thái Bình Dương cho thấy hình ông Scott Swift đang đeo tai nghe cùng chiếc microphone và nhìn ra ngoài cửa sổ máy bay.
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Scott Swift trên chiếc máy bay P-8 Poseidon trong chuyến bay dài 7 giờ ngày 18/7 (ảnh: Hải quân Mỹ/Military Times)
Reuters dẫn lời ông Swift khẳng định, chuyến bay của mình hoàn toàn theo lịch trình tuần tra thông thường.
"Chúng tôi triển khai lực lượng khắp khu vực để cho thấy sự cam kết của Mỹ với vấn đề tự do đi lại", ông Swift nói, và khẳng định chuyến bay giúp mình trực tiếp trải nghiệm những khả năng vận hành mới của máy bay trong hạm đội.
Vị đô đốc khẳng định liên lạc với phía Trung Quốc trên biển "tích cực và đã được thiết lập".
Cho đến nay, Trung Quốc đã hầu như hoàn tất việc xây dựng một đường băng dài 3000m trên một trong những đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép trên Biển Đông.
Washington đã yêu cầu Mỹ ngừng hoạt động bồi lấn và quân sự hóa khu vực tranh chấp, theo đuổi một giải pháp hòa bình theo đúng luật pháp quốc tế.
Bắc Kinh khẳng định những tiền đồn họ xây dựng sẽ phục vụ các mục đích quân sự chưa xác định, cũng như hỗ trợ hoạt động tìm kiếm cứu nạn, giảm trừ thảm họa và đi lại trên biển.
"Có những lực lượng gây bất ổn trong khu vực, và đang gây ra những điều khó lường", ông Swift nói . Ông Swift nhận định thêm rằng: "Và đó là những gì tôi nghe được từ bạn bè trong khu vực khi tôi liên lạc với họ...Sự thiếu ổn định - bất ổn ngày một lớn tại một số quốc gia trong khu vực".
Theo AP, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin đã hoan nghênh động thái nói trên của Swift. Bộ trưởng Voltaire Gazmin cho biết, việc ông Swift tham gia vào chuyến bay tuần tra trên Biển Đông cho thấy cam kết của Mỹ đối với đồng minh.
"Về mặt quân sự, chúng tôi không có gì để chống lại Trung Quốc", Gazmin nói. "Đó là lý do tại sao chúng tôi yêu cầu đồng minh trợ giúp".
Trong một cuộc phỏng vấn với các phóng viên tại Manila vào ngày 15/6, Đô đốc Swift nhấn mạnh rằng quân đội Mỹ đã sẵn sàng đối phó với bất kỳ tình huống khẩn cấp nào ở Biển Đông.
Ông Swift cho biết thêm, Mỹ không đứng về phía bên nào trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông nhưng nước này sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt đồng nhằm đảm bảo sự tự do hàng hải. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không hỗ trợ các biện pháp sử dụng vũ lực./.
Phương Chi Theo Reuters, AP
Theo_VOV
Sách trắng quốc phòng Nhật Bản sẽ lên án Trung Quốc ở Biển Đông? Sách trắng quốc phòng Nhật Bản sắp được công bố sẽ cáo buộc TQ xây dựng căn cứ quân sự trái phép ở Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa, chủ quyền của Việt Nam. Trong bài phân tích của tác giả Paul Kallender-Umezu đăng trên trang mạng Defense News, những hành động cải tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển...