Chuyên gia: NHNN nên xem lại việc áp trần lãi suất đô la Mỹ
Việc một số ngân hàng lách trần lãi suất đô la Mỹ (USD) như cảnh báo mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là tín hiệu cho thấy lãi suất cân bằng trên thị trường thực tế cao hơn mức trần lãi suất mà NHNN khống chế ở mức 0%. Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, việc kéo dài chính sách này sẽ khiến thị trường bị méo mó.
Ngày 6-5, NHNN đã ban hành văn bản yêu cầu các ngân hàng không được lách trần lãi suất tiền gửi USD được quy định là 0%, nếu không sẽ chịu một số chế tài, như không được mở rộng mạng lưới. Điều này cho thấy NHNN kiên quyết thực hiện các biện pháp nhằm chống đô la hoá và giữ ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, việc lách trần lãi suất của các ngân hàng cho thấy nhu cầu thực tế của ngân hàng trong việc tìm cách thu hút nguồn tiền gửi USD ổn định khi vẫn đang cung cấp tín dụng ngoại tệ.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho biết ông không ủng hộ việc áp trần lãi suất tiền gửi đô la Mỹ (xuống 0% từ cuối năm ngoái) bởi vì chính sách này đang tạo ra nhiều biến dạng không đáng có trên thị trường tiền tệ lẫn thị trường ngoại hối.
Ông Tuấn cho rằng bất ổn vĩ mô không xuất phát từ biến động tỷ giá, mà chính bất ổn vĩ mô dẫn đến bất ổn về tỷ giá. Có nghĩa là, biến động của tỷ giá là biểu hiện của bất ổn vĩ mô chứ không phải là nguyên nhân của bất ổn vĩ mô. Chính vì vậy, các chính sách kìm nén tỷ giá danh nghĩa hay áp trần lãi suất tiền gửi USD 0% không phải là giải pháp căn cơ để giải quyết dứt điểm và tận gốc nguyên nhân sâu xa của bất ổn vĩ mô.
Không những thế, bản thân chính sách áp trần lãi suất đang làm thay đổi hành vi của các thực thể thị trường, làm tăng chi phí giao dịch của nền kinh tế, làm cho nguồn lực được phân bổ không hiệu quả do tín hiệu để nguồn lực dựa vào đó mà phân bổ hiệu quả là giá cả, tức là lãi suất, đã bị bóp méo.
Việc lách trần lãi suất tiền gửi USD của ngân hàng là tín hiệu cho thấy lãi suất đang bị bóp méo nghiêm trọng; nhiều người đang tận dụng cơ hội này để kinh doanh chênh lệch giá.
Ngoài ra, việc áp trần lãi suất tiền gửi USD về 0% cũng tác động đến tỷ giá cân bằng trên thị trường ngoại hối. Theo quy luật ngang bằng lãi suất, giả sử trong điều kiện chính sách tiền tệ cho trước, việc giảm lãi suất tiền gửi USD sẽ phải được bù đắp bằng tỷ lệ thay đổi tỷ giá kỳ vọng. Nếu như tỷ giá kỳ hạn được bảo hiểm, tỷ giá giao ngay sẽ giảm xuống. Rõ ràng đây chính là mục tiêu mà NHNN mong muốn.
Tuy nhiên, thị trường không hoàn toàn phản ứng theo hướng này. Những người tiếp tục nắm giữ USD, hoặc mua USD vào những thời điểm đồng tiền này giảm xuống, có thể sẽ kỳ vọng họ phải được bù đắp bằng sự gia tăng của tỷ giá kỳ hạn. Điều này có nghĩa là sức ép về tỷ giá kỳ hạn sẽ tăng lên, nếu như không có những tín hiệu tích cực khác về triển vọng cán cân vãng lai cũng như lạm phát kỳ vọng.
Do đó, theo ông Tuấn, việc áp trần lãi suất USD là để xử lý bất ổn vĩ mô hiện nay nhưng vô hình trung lại gieo vào đó những bất ổn có tính chu kỳ trong tương lai.
Video đang HOT
Ngoài ra, ông Tuấn cho biết thêm, với việc áp dụng trần lãi suất tiền gửi USD bằng 0%, chưa chắc nhà điều hành đã đạt được những mục tiêu ngắn hạn về ổn định vĩ mô, mà thậm chí gây ra áp lực khiến dòng vốn trong nước chảy ra nước ngoài hoặc/và dòng vốn bên ngoài thay vì chảy vào Việt Nam thì nay có thể bị chững lại. Bởi vì, trong khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã tăng lãi suất cơ bản lên 0,25%, Việt Nam lại đưa lãi suất USD xuống 0%.
Điều này trên thực tế đã được thể hiện rõ trong bảng cán cân thanh toán được NHNN công bố, cho thấy tiền gửi của ngân hàng và khu vực khác ở nước ngoài tăng lên. Đây không đơn thuần chỉ là do nhu cầu thanh toán quốc tế của các ngân hàng.
Với chính sách này, tỷ lệ đô la hóa nền kinh tế đã giảm xuống, hiện khoảng 11-12%. Tuy nhiên, “sóng ngầm” của găm giữ ngoại tệ không phải đã biến mất. Chỉ tính trong 2 năm 2014-2015, tổng tiền gửi ở nước ngoài của tổ chức tín dụng và khu vực khác đã lên đến 20 tỉ đô la Mỹ, trong đó tổ chức tín dụng là gần 6 tỉ đô la Mỹ, còn lại hơn 14 tỉ đô la Mỹ là của khu vực khác.
Rõ ràng những con số này cho thấy bức tranh không mấy minh bạch và lành mạnh của thị trường ngoại hối, đòi hỏi NHNN cần phải nhìn thẳng vào sự thật để có giải pháp đúng đắn, ông Tuấn nói.
Việc kiểm soát đô la hoá là cần thiết vì nó giúp cải thiện hiệu lực và hiệu quả của chính sách tiền tệ, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc Việt Nam phải nỗ lực để loại bỏ hoàn toàn đô la hoá, bởi vì chính sách như vậy rất tốn kém mà lại không hiệu quả.
Do đó, việc loại bỏ hoàn toàn nhu cầu nắm giữ ngoại tệ với chính sách lãi suất 0% sẽ không hiệu quả đối với doanh nghiệp, vì nhu cầu chính yếu nắm giữ ngoại tệ của các doanh nghiệp này là thanh khoản chứ không phải là sinh lời. Trong khi đó, đối với người dân, để khuyến khích họ từ bỏ USD chuyển sang nắm giữ đồng nội tệ chỉ thành công khi NHNN đảm bảo được sức mua của tiền đồng, tức duy trì mức lạm phát thấp và ổn định, đảm bảo mức sinh lợi thực dương so với việc nắm giữ các tài sản hay đồng tiền khác.
“NHNN có chính sách chuyển từ quan hệ huy động – cho vay sang quan hệ mua – bán ngoại tệ để chống đô-la hoá. Chính sách này cần phải được áp dụng phù hợp cho từng nhóm đối tượng, tránh cào bằng. Thiết nghĩ, đối với những doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ vẫn nên được phép vay ngoại tệ. Chỉ nên loại trừ những doanh nghiệp không có nguồn thu ngoại tệ, hoặc cá nhân vay ngoại tệ đầu cơ hưởng chênh lệch lãi suất mới cần phải được loại trừ”, ông Tuấn góp ý.
Trên thực tế, các báo cáo tài chính riêng quí 1-2016 của nhiều ngân hàng, như Vietcombank, Sacombank, BIDV, Eximbank,… cho thấy tiền gửi USD giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo tài chính riêng quí 1-2016 của ngân hàng TMCP nhà nước Vietcombank – ngân hàng có nguồn ngoại tệ khá dồi dào trong hệ thống – cho thấy tiền gửi không kỳ hạn bằng vàng, ngoại tệ tính đến ngày 31-3-2016 của ngân hàng này đạt hơn 37.263 tỉ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiền gửi có kỳ hạn bằng vàng, ngoại tệ đạt trên 68.245 tỉ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, báo cáo tài chính của Eximbank, BIDV… cho thấy rõ xu hướng khách hàng chuyển sang tiền gửi USD không kỳ hạn. Trong đó, tổng tiền gửi USD của khách hàng tại Eximbank tính đến quí 1-2016 đạt 13.137 tỉ đồng, giảm hơn 7,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tiền gửi USD không kỳ hạn tăng 7,5% trong khi tiền gửi USD có kỳ hạn giảm hơn 12,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Thơi bao kinh tê Sai Gon
'Người buôn tiền' nói gì về con số ngoại tệ 'chảy' ra nước ngoài?
Thực sự con số 7,3 tỷ USD này nói lên điều gì? Và nó thực sự đáng lo ngại hay không?
Ông Trương Văn Phước - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.
Con số 7,3 tỷ USD gửi nước ngoài trong quý 3 năm 2015 được công bố mới đây của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách Việt Nam (VERP) đã đặt ra nhiều nghi vấn, lo lắng cho người dân. Vậy thực sự con số 7,3 tỷ USD này nói lên điều gì? Và nó thực sự đáng lo ngại hay không?
"Lo chảy máu ngoại tệ là không có cơ sở"
"Lo ngại về lãi suất USD về 0% gây "chảy máu" ngoại tệ là không có cơ sở". Đây là một trong những khẳng định của ông Trương Văn Phước - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nguyên Tổng giám đốc Eximbank, đưa ra khi được hỏi về con số 7,3 tỷ USD.
Kể từ nửa cuối năm 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã đưa ra một loạt giải pháp chính sách nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, góp phần hạn chế tình trạng đô la hóa. Trong số các chính sách đó, đáng lưu ý phải kể đến quyết định hạ lãi suất tiền gửi USD của các tổ chức kinh tế và cá nhân xuống 0%/năm.
Đây là quyết định "mạnh tay" chưa có trong tiền lệ. Nó đặt ra lo ngại về nguy cơ "chảy máu" ngoại tệ ra nước ngoài. Đặc biệt trong bối cảnh mới đây VERP lại đưa ra vấn đề tăng đột biến của dòng tiền ngoại hối gửi ra nước ngoài với con số 7,3 tỷ USD vào quý 3 năm 2015.
Vậy, có hay không sự việc, vì lãi suất tiền gửi USD xuống 0% nên người dân mang tiền gửi ra nước ngoài, gây ra hiện tượng "chảy máu" ngoại tệ?
Ông Trương Văn Phước khẳng định "không thể có chuyện người dân Việt Nam ồ ạt gửi tiền USD ra nước ngoài. Bởi, tiền USD gửi ở hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có từ 40 năm nay sau ngày đất nước thống nhất. Và việc tiền gửi trên các tài khoản thanh toán đó, tương thích quy mô hoạt động vốn liếng, ngoại hối vào ra của các nước. Nước ta trước đây dự trữ ngoại hối từ vài ba trăm triệu, tới nay đã lên tới hai ba trăm tỷ. Nên không thể nói vì lãi suất USD về 0% mà dân "tuồn" tiền USD ở Việt Nam mang gửi ra nước ngoài".
Ông Phước cho biết thêm rằng: "Đưa lãi suất USD về mức 0% là một trong những giải pháp của NHNN chống lại vấn đề USD hóa. Đây là vấn đề của mọi quốc gia để đảm bảo chính sách tiền tệ trong nước. Có thể có một vài trường hợp mang ngoại tệ đi gửi ra nước ngoài, nhưng đó chỉ là một vài trường hợp cá biệt, còn chúng ta có hệ thống giám sát quản lý ngoại hối nên không thể có hiện tượng người dân ào ào gửi tiền ra nước ngoài".
Và thực ra lãi suất USD ở nước ngoài cũng gần bằng 0% từ nhiều năm trở lại đây. Nên nói do lãi suất USD trong nước xuống 0% mà lo ngại người dân mang hết USD ra nước ngoài gửi là không có căn cứ.
Lý giải thế nào về con số 7,3 tỷ USD?
Về con số 7,3 tỷ USD gửi ra nước ngoài năm 2015, ông Phước cũng cho biết: Người dân không nên lo lắng về con số trên. Và chúng ta cũng không cần lo ngại rằng ngân hàng sẽ rơi vào "bẫy" thanh khoản USD.
Những năm 90, nước ta đã bắt đầu có những dòng tiền ngoại hối. Thay cho việc chúng ta mua hàng ở nước ngoài, sau đó dùng các phương tiện như máy bay, tàu hỏa để chuyên trở tiền thanh toán. Thì nay chúng ta mở các tài khoản nước ngoài ngắn hạn là để có thể ký gửi tiền để phục vụ cho việc mua bán, xuất nhập khẩu, để thanh toán, chi trả, nhận lại những dòng tiền ngoại hối vào trong nước.
Ông Phước cũng cho rằng "ngân hàng phải duy trì các tài khoản nước ngoài để làm trung gian cho việc xuất nhập khẩu đi vào Việt Nam, chi trả thanh toán ngoại hối của quốc gia. Ngân hàng thương mại đi vay là đi vay những nguồn vốn rất dài hạn để có thể phục vụ cho các tài khoản vay ngắn hạn, trung hạn của ngân hàng họ".
Và trong những vấn đề này, rõ ràng các ngân hàng đã có những tính toán rất kỹ lưỡng trước khi có bất cứ động thái nào trên thị trường ngoại hối và thị trường tiền tệ.
Ông Phước cũng đưa ra một ví dụ hóm hỉnh để nói về việc chúng ta không nên lo lắng vấn đề ngân hàng có rơi vào "bẫy" thanh khoản USD. "Việc này giống như việc chúng ta đi qua đường, thấy một con voi và lo rằng nếu nó chết thì ai sẽ chôn nó."
Thị trường ngoại hối là thị trường rất chuyên nghiệp. Ngân hàng trung ương có trách đảm bảo cho tỉ giá hối đoái làm sao đạt ở mức tối ưu cho nền kinh tế. Có nghĩa là tăng sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, còn hàng nhập khẩu vừa phải không tác động tới giá thành sản phẩm, không làm cho lạm phát tăng lên.
Do vậy, người dân và doanh nghiệp không cần lo lắng về những con số công bố mới đây của VERP, ông Phước nói.
Theo Bizlive
Kinh tế Việt Nam 2016 đối mặt với thách thức tăng trưởng 'Triển vọng 2016 cho vĩ mô Việt Nam đan xen cả điểm sáng lẫn tối. Sự bền bỉ ổn định trong tăng trưởng sẽ thay thế cho sự bứt tốc mạnh mẽ trong năm vừa qua'. Ảnh minh họa. Đó là dự báo triển vọng vĩ mô Việt Nam vừa được BSC Research công bố. Các dự báo cơ bản của BSC Research...