Chuyên gia Nga đánh giá triển vọng cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Zelensky
Theo báo Izvestia (Nga), các cấp cao nhất vẫn chưa sẵn sàng thảo luận hiệp ước hòa bình giữa Nga và Ukraine và thảo luận hiện tiếp tục ở cấp chuyên viên dưới hình thức trực tuyến vào ngày 4/4.
Đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine có thể vẫn bế tắc về vấn đề Donbass và Crimea. Ảnh: TASS
Cả hai bên đều ghi nhận tiến triển trong mọi vấn đề nhưng vẫn có ý kiến khác nhau về việc ai sẽ là bên chi phối cuộc đàm phán. Phía Ukraine cho rằng các cuộc đàm phán đã sẵn sàng tổ chức ở cấp tổng thống, trong khi Trưởng phái đoàn đàm phán của Nga Vladimir Medinsky khẳng định rằng còn quá sớm để nói về cuộc gặp cấp cao này trước khi hoàn thành thỏa thuận.
Một trong những “nút thắt” chính hiện nay là việc công nhận tình trạng của Crimea và Donbass. Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga thông báo rằng khó có thể tổ chức trưng cầu dân ý về việc Donbass sáp nhập vào Nga trước cuối năm nay. Ưu tiên là kết thúc chiến dịch quân sự và khôi phục kinh tế của khu vực.
Mặc dù vậy, vẫn có khả năng tổ chức cuộc gặp cấp cao giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Ukraine. Để tổ chức cuộc gặp này, Giám đốc Chương trình của Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga (RIAC) Ivan Timofeev nhận định với Izvestia rằng tất cả các nội dung của thỏa thuận cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng trước đó.
Video đang HOT
“Một cuộc gặp không có kết quả gì là điều không thể chấp nhận được đối với nhà lãnh đạo Nga. Do đó, cuộc hội đàm như vậy trên thực tế vẫn chưa xảy ra”, ông Timofeev nói.
Theo ông Timofeev, các cuộc đàm phán phần lớn phụ thuộc vào tình hình cuộc xung đột và lập trường của Kiev cũng như Moskva có thể trở nên cứng rắn tùy thuộc vào kết quả của hoạt động quân sự trên thực địa.
“Việc các lực lượng Nga bị chặn lại có thể được coi là lợi thế của Kiev. Hiện tại, Nga cũng có thể đẩy mạnh kiểm soát hoàn toàn khu vực Donbass. Trong trường hợp thành công, Moskva sẽ chiếm ưu thế trên bàn đàm phán. Đây là lý do tại sao cho đến nay hai bên rất khó đạt được thỏa hiệp”, chuyên gia Nga lưu ý.
Theo đánh giá của ông Timofeev, quan điểm của Nga và Ukraine có khả năng xích lại gần nhau hơn về vị thế trung lập và đảm bảo an ninh của Ukraine. Tuy nhiên, các thỏa hiệp về vấn đề Donbass và Crimea vẫn là một vấn đề “hóc búa”.
Về phần mình, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Toàn diện về Châu Âu và Quốc tế tại Trường Đại học Kinh tế Nga, ông Dmitry Suslov nhận xét, phương Tây không thống nhất về mối liên hệ giữa các lệnh trừng phạt và tiến trình các cuộc đàm phán.
Ông Suslov nhấn mạnh, các nước như Hà Lan, Anh, Ba Lan và Mỹ cho rằng việc ngừng các hoạt động quân sự và ký kết thỏa thuận hòa bình là không đủ để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Theo quan điểm của họ, các lệnh trừng phạt sẽ tiếp tục làm suy yếu vị thế quốc tế của Nga.
Ngược lại, các cường quốc châu Âu như Pháp, Đức và Italy không đồng ý với quan điểm trên và ủng hộ việc dỡ bỏ hoàn toàn hoặc một phần các lệnh trừng phạt sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga kết thúc.
Tỉ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Putin cao kỉ lục giữa trừng phạt từ phương Tây
Đối diện với sức ép từ bên ngoài, người dân Nga có xu hướng ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Getty Images
Tỉ lệ ủng hộ của người dân Nga với Tổng thống Putin lên mức cao kỉ lục trong nhiều năm trở lại đây. Kết quả thăm do dư luận do Trung tâm Levada công bố ngày 31/3 cho thấy có 83% số người được hỏi bày tỏ sự ủng hộ đối với nhà lãnh đạo Nga, tăng mạnh so với tỉ lệ 69% hồi tháng 1/2022 cũng do Levada công bố, cũng như tỉ lệ tín nhiệm 71% do Quĩ Dư luận công (POF) khảo sát hồi đầu tháng 3. Mức độ tín nhiệm của công dân Nga đối với các thiết chế chính quyền cũng tăng.
Denis Volkov, Giám đốc Trung tâm Levada, cho biết tâm lý "sợ hãi và lo sợ" ban đầu mà nhiều người Nga cảm nhận được sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự ở Ukraine đã nhường chỗ cho niềm tin rằng Nga đang bị bao vây và người dân phải thể hiện đoàn kết xung quanh nhà lãnh đạo Nga.
Đối đầu với phương Tây giúp đoàn kết người dân Nga; những người trước đây về cơ bản không thích ông Putin giờ cũng cho rằng cần phải ủng hộ Tổng thống Nga - ông Volkov nói. Ông mô tả dịch chuyển tâm lý này bằng hình ảnh so sánh "ai cũng chống lại người Nga. Ông Putin bảo vệ chúng ta, nếu không, chúng ta sẽ bị bên ngoài tiêu diệt".
Theo ông Volkov, tâm lý phổ biến tại Nga ở thời điểm này cũng tương tự như sau khi Crimea sáp nhập vào Nga hồi năm 2014 (nhưng không được Ukraine và phương Tây công nhận), tuy mức độ bi quan có tăng lên. "Không có niềm vui, bởi lần này tình hình nghiêm trọng hơn và khó khăn hơn. Có những người trở thành nạn nhân [của trừng phạt phương Tây] và chưa rõ khi nào mới chấm dứt", giám đốc Trung tâm Levada nêu quan điểm.
Thăm do lần này được Trung tâm Levada khảo sát trên 1.600 người, với sai số dao động trong khoảng 3,4 điểm phần trăm.
Một số nhà quan sát nhìn nhận kết quả thăm dò dư luận tại Nga có thể không phản ánh chính xác quan điểm của công chúng, khi nhiều người đưa ra câu trả lời với phiếu thăm dò mang tính chất xã giao.
Màn sương mù trong chiến tranh: Điều gì đang thực sự xảy ra ở Ukraine? Chúng tôi hoài nghi về những gì đang đọc, nghe và nhìn thấy từ các phóng viên và nhà bình luận nói như thể họ tìm ra cách "xuyên qua màn sương mù" để khám phá những gì đang thực sự xảy ra ở Ukraine. Giáo sư Graham T. Allison của Trường Harvard Kennedy, cựu giám đốc Trung tâm Harvards Belfer phân tích...