Chuyên gia nêu các tình huống có thể khiến hổ chết sau khi giải cứu
Liên quan đến vụ nuôi nhốt 17 con hổ trái phép tại huyện Yên Thành ( Nghệ An) nổi cộm ngày 4/8 vừa qua, trong đó có 8/17 con hổ mà cơ quan chức năng thu giữ tại nhà dân khi đưa đến Khu du lịch sinh thái Mường Thanh (ở xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, Nghệ An) để chăm sóc đã bị chết chưa rõ nguyên nhân, Thượng tá Trần Phúc Thịnh, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường – Công an tỉnh Nghệ An cho biết, xác 8 con hổ chết đã được cấp đông để phục vụ công tác điều tra.
Một con hổ được nuôi tại nhà dân. Ảnh: CA cung cấp
Việc xác định nguyên nhân cái chết của 8 con hổ này vẫn đang được các bên điều tra và chưa có kết quả công bố chính thức. Tuy nhiên, đứng trên góc độ bảo tồn khi tham khảo ý kiến các chuyên gia có kinh nghiệm từ thú y cho đến cứu hộ, Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) cùng Cứu Trợ Hoang Dã (WildAid Việt Nam) cho biết, qua hình ảnh, video cung cấp bởi báo chí cho thấy, hổ thu giữ từ vụ án có trọng lượng từ 200 – 265 kg, thừa quá nhiều cân so với tiêu chuẩn. Bởi cân nặng trung bình cho hổ Đông Dương (Panthera tigris corbetti) là từ 100 – 195 kg.
Bên cạnh đó, 17 con hổ được nuôi trái phép trong chuồng ở tầng hầm có không gian nhỏ hẹp. Trong đó, 14 con hổ được nuôi trong chuồng có tổng diện tích 80 m2 (5,7 m2/cá thể), 3 hổ được nuôi trong chuồng tổng diện tích 120 m2 (khoảng 40 m2/cá thể). Thế nhưng, nếu hổ được nuôi đúng cách thì ở Hiệp hội sở thú và thủy cung AZA khuyến cáo, khu bán tự nhiên của một cá thể hổ cần tối thiểu 12 m rộng x 12 m sâu, kích thước tăng thêm 50% nếu có thêm 1 cá thể, cần đảm bảo các yếu tố ánh sáng tự nhiên đầy đủ, nước uống, có cây cối, bóng râm v.v… Như vậy có thể thấy, hổ tại Nghệ An đã được nuôi nhốt trong điều kiện vô cùng tồi tệ.
Đồng thời, vì hổ là loài hoạt động đơn độc, ý thức lãnh thổ cao, việc nuôi nhốt chung các cá thể khác, nhốt nhiều cá thể trong một không gian hẹp khiến chúng có thể ngửi/ nhìn thấy nhau mà không được có các tác động vật lý cũng là một nguyên nhân khiến hổ bị căng thẳng, v.v…
Do đó, CHANGE và WildAid Việt Nam đã chia sẻ việc 8 con hổ chết đến từ 1 hoặc nhiều nguyên nhân dưới đây:
Thứ nhất, có thể trước khi 17 con hổ này được giải cứu, người bán đã có ý định bán đi các con hổ này nên trước đó, họ đã nhồi nước hoặc các thực phẩm khác nhau vào trong cơ thể nhằm tăng kích trọng, tăng giá trị giao dịch trái phép mang đi bán lại hoặc nấu cao. Đã từng có những cuộc giải cứu trước đây cho thấy, nhiều trường hợp đưa về trung tâm cứu hộ không thể ăn uống gì, vài ngày sau tử vong. Khi khám nghiệm, mổ ra cho thấy trong xác hổ bấy giờ toàn nước và thực phẩm không tiêu được, cơ quan nội tạng đã hỏng hết, mắc chứng béo phì, tim cũng có vấn đề. Mọi người cũng có thể dễ dàng thấy qua hình và video báo chí, 17 con hổ này có cơ thể và trọng lượng rất lớn, thậm chí có còn có sự mô tả “mập như heo”, không nhiều con có khả năng đi lại bình thường, thường trong trạng thái nằm mệt mỏi.
Các vấn đề về sức khỏe của hổ nuôi nhốt đều có liên quan đến chế độ dinh dưỡng của hổ. Hổ nuôi nhốt thường xuyên bị béo phì, bệnh răng miệng, mất cân bằng Can-xi (Calci) hoặc Phốt-pho (Phospho) dẫn đến các bệnh về xương khớp, nền chuồng không phù hợp dẫn đến các bệnh về nệm, móng chân, các hội chứng bệnh về đường tiết niệu trên họ nhà mèo như tắc nghẽn niệu quản và niệu đạo. Ngoài ra, hổ cũng có thể bị bệnh thận, phổ biến nhất là viêm thận kẽ mạn tính. Hổ cũng mắc các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh về gan. Những điều này chủ yếu là do chế độ ăn, sự căng thẳng kéo dài.
Thứ 2, quá trình gây mê có thể là một trong những nguyên nhân có thể tính đến. Ví dụ, gây mê trong khi không cân được trọng lượng; hoặc dù biết được trọng lượng rõ ràng nhưng bắt buộc lực lượng chức năng ngay tại thời điểm đó phải tiêm liều vượt quá số ký để đảm bảo quá trình cứu hộ chuyển giao được diễn ra an toàn, không gây hại cho người dân nếu bất chợt hổ tỉnh dậy. Nhưng khi đánh đổi điều này, dễ dẫn đến việc hổ bị sốc do quá liều dẫn đến tử vong. Gây mê là quá trình có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của hổ, cần được theo dõi sát sao trong suốt quá trình gây mê, nếu có bất cứ biến chứng nào phải có sự can thiệp kịp thời.
Thứ 3, thời gian chuẩn bị và cách thức vận chuyển cũng là nguyên nhân. Có thể vì tính chất hành động bắt gọn và thu giữ diễn ra quá nhanh, sao cho các đối tượng vi phạm trở tay không kịp, điều này vô tình dẫn đến các cơ quan khác nhau không thể chuẩn bị chu toàn hoặc còn thiếu kinh nghiệm chuẩn bị, dẫn đến thiếu vật tư, xe cộ vận chuyển, chuyên gia có kinh nghiệm đi cùng. Hổ là động vật hằng nhiệt, do đó nếu thời điểm vận chuyển hổ rơi vào lúc nóng đỉnh điểm, kèm nhiệt độ tích tụ trên thùng xe khi tấm bạt phủ tăng lên, hoặc còn do dùng phủ miếng che đầu khiến hổ đang trong trạng thái bị gây mê sẽ không thể tự làm hạ nhiệt cơ thể qua việc hô hấp bình thường, khó thở, điều này cũng có thể góp phần vào nguyên nhân gây tử vong đáng tiếc.
Thứ 4, cơ sở tiếp nhận không đủ thiết bị y tế và chuyên gia có kinh nghiệm khám chữa cho hổ sau cứu hộ. Việc cứu hộ và chữa trị cho hổ sau cứu hộ là việc hết sức khó khăn, không phải bên nào cũng có đủ điều kiện thực hiện. Bởi sau gây mê và tỉnh dậy ở nơi lạ, hổ có thể bị stress, bỏ ăn, dư chấn sau vận chuyển, gây mê v.v… rất dễ dẫn đến tình trạng suy kiệt rồi chết. Do đó, rất cần lực lượng nhân sự giàu kinh nghiệm chăm sóc, túc trực kiểm tra 24/7. Như mọi người có thể thấy, nơi tiếp nhận là Khu du lịch sinh thái Mường Thanh (xã Diễn Lâm, H.Diễn Châu) chứ không phải là trung tâm cứu hộ, chưa rõ khả năng cứu hộ và thú y như thế nào. Tuy nhiên, không thể quy trách nhiệm hết về nơi đây bởi họ cũng chỉ là nơi hỗ trợ lực lượng chức năng thu nhận cứu hộ trong thời gian cấp bách này.
Video đang HOT
Với những nguyên nhân trên, CHANGE và WildAid Việt Nam khuyến nghị cộng đồng mạng không nên chỉ trích và đưa ra những vấn đề chưa biết rõ nguyên nhân, đánh đồng tất cả các tổ chức cứu hộ trong vấn đề trên, ảnh hưởng đến các công sức mà các tổ chức bảo tồn hiện đã và đang thực hiện nhiệm vụ.
Đặc biệt, tuyệt đối không mua, sử dụng trái phép các sản phẩm từ hổ hay bất kỳ loài động vật hoang dã khác. Việc mua, sử dụng sẽ vô tình làm tiền đề cho nạn buôn lậu, mua bán, săn bắt trái phép diễn ra càng phức tạp hơn, gây khó khăn hơn cho lực lượng chức năng truy lùng và xử lý tang vật lẫn cứu hộ. Chưa kể, sẽ còn dẫn đến tình trạng các con vật bị nuôi nhốt và chết cực kỳ thương tâm bởi mắc các bệnh khác nhau.
Điển hình nhất có thể nhắc đến vụ việc 7 cá thể hổ con trong vụ bắt giữ vận chuyển trái phép vào ngày 1/8 cũng tại Nghệ An vừa qua. 7 cá thể hổ con này đang được chăm sóc tại trung tâm cứu hộ của tổ chức Save Vietnam’s Wildlife (SVW). Các cá thể này đều còn rất nhỏ, khoảng 1-1,5 tháng và cần được uống sữa 6 lần/ngày. Vậy nên, cứ đều đặn sau 4 tiếng mọi người trong nhóm chăm sóc và thú y lại cho hổ con uống 100 ml sữa. Trung bình một ngày, 7 cá thể hổ con uống hết 1 kg sữa bột, tương đương với mức chi phí là 50 đô la Mỹ, khoảng gần 1.200.000 VNĐ tiền sữa.
Vụ "giải cứu" 17 con hổ, 8 con chết: Ai chịu trách nhiệm?
Trước thông tin đàn hổ 17 con do dân nuôi nhốt trái phép đang khỏe mạnh, sau khi được "giải cứu" thì chết mất 8 con, nhiều bạn đọc Dân trí chung câu hỏi thắc mắc: Ai phải chịu trách nhiệm về việc này?
Như Dân trí đã thông tin, sáng 4/8, lực lượng cảnh sát đã ập vào một nhà dân tại xã Đô Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An), bắt giữ một vụ nuôi nhốt hổ trái phép lớn chưa từng có tại xã này.
Công an đã thu giữ khoảng 17 cá thể hổ trưởng thành, có trọng lượng khoảng hơn 200 kg/con, còn sống, được nuôi nhốt trái phép trong chuồng trại của 2 nhà dân.
Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, cơ quan chức năng đã điều nhiều xe cẩu đưa 17 cá thể hổ này đến Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm, huyện Diễn Châu (Nghệ An) để nhờ chăm sóc hộ trong thời gian chờ phục vụ công tác điều tra, làm rõ.
Tuy nhiên, đến sáng 6/8, Thượng tá Trần Phúc Thịnh - Trưởng Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Nghệ An cho biết: "Đã có 8/17 con hổ bị chết chưa rõ nguyên nhân. Hiện số hổ chết này đang được cấp đông để phục vụ công tác điều tra theo quy định của pháp luật".
Trước thông tin này, nhiều bạn đọc Dân trí gửi về câu hỏi thắc mắc, đàn hổ khi được phát hiện đều đang khỏe mạnh, sau khi được "giải cứu" thì lại chết bất thường? Ai, đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này?
Cảnh sát điều xe cẩu đến đưa 17 cá thể hổ đi nơi khác chăm sóc (Ảnh: Nguyễn Duy).
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Quách Thành Lực - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng:
Nghị định 06/2019 quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp có ban hành danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
Theo danh mục nêu trên, hổ được xếp vào lớp thú, bộ ăn thịt, thuộc nhóm IB.
Hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ là hành có dấu hiệu cấu thành Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo điều 244 Bộ luật hình sự.
Với số lượng nuôi nhốt trên 12 con hổ thì hành vi phạm tội đó thuộc khoản 3 điều 244, Bộ luật hình sự.
Theo đó: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: a) Số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của 08 cá thể lớp thú trở lên, 11 cá thể lớp chim, bò sát trở lên hoặc 16 cá thể động vật lớp khác trở lên quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
Như vậy có thể nhận thấy rằng quy trình bắt, niêm phong, quản lý các cá thể hổ này được cơ quan chức năng thực hiện theo quy trình tố tụng của một vụ án hình sự.
8/17 con hổ sau khi được đưa đi đã chết (Ảnh: Nguyễn Duy).
Nghị định số 127/2017/NĐ-CP, ngày 16 tháng 11 năm 2017, quy định chi tiết việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng đã nêu rất rõ như sau:
Niêm phong vật chứng là việc bảo đảm tính nguyên vẹn của vật chứng bằng cách: a) Đưa vật chứng vào trạng thái được bảo vệ an toàn, bao gồm gói, đóng hộp, đưa vào thùng, chai, lọ và các hình thức khác (gọi là đóng gói, đóng kín) và dán giấy niêm phong đè lên những phần có thể mở để lấy, đổi vật chứng hoặc có thể tác động làm thay đổi tính nguyên vẹn của vật chứng; b) Đối với vật chứng có khối lượng, kích thước lớn hoặc không thể di chuyển được thì dán giấy niêm phong lên từng phần hoặc trên những bộ phận quan trọng của vật chứng. (Khoản 1 điều 3, Nghị định số 127/2017/NĐ-CP)
Pháp luật cũng nêu nguyên tắc niêm phong vật chứng như sau:
Chỉ thực hiện niêm phong, mở niêm phong vật chứng khi có yêu cầu phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, hình thức, thẩm quyền theo quy định của pháp luật và quy định của Nghị định này. Bảo đảm nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm tôn trọng lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bảo đảm tính nguyên vẹn của vật chứng.
Như vậy, Quy định pháp luật đã quy định rất rõ yêu cầu, nguyên tắc của quản lý vật chứng là đưa "vật chứng vào trạng thái được bảo vệ an toàn"; "Bảo đảm tính nguyên vẹn của vật chứng". Các cá thể hổ được nuôi nhốt còn hoàn toàn khỏe mạnh, chúng chỉ chết khi cơ quan chức năng thực hiện niêm phong quản lý vật chứng.
Rõ ràng trong vụ việc này, hổ là động vật nguy hiểm, có kích thước lớn, đang được nuôi nhốt dù trái phép nhưng cũng ở nơi an toàn, đủ điều kiện để cơ quan chức năng giám sát.
"Tôi đánh giá rằng những người thực thi pháp luật hoàn toàn có thể vận dụng quy định pháp luật xử lý "với vật chứng có khối lượng, kích thước lớn hoặc không thể di chuyển được thì dán giấy niêm phong lên từng phần hoặc trên những bộ phận quan trọng của vật chứng" quy định tại điểm b, khoản 1 điều 3, Nghị định số 127/2017/NĐ-CP để xử lý", Luật sư Lực chia sẻ.
Theo đó, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể dán niêm phong lên cửa khóa của chuồng nuôi nhốt, tổ chức lực lượng 2-3 chiến sĩ túc trực bảo vệ là đã hoàn toàn có thể đạt được mục đích bảo quản vật chứng phục vụ hoạt động điều tra.
Chi phí dán giấy niêm phong có thể chỉ vài chục nghìn đồng đã đạt được mục đích chứ không phải huy động, chi trả chi phí có thể lên tới cả trăm triệu đồng rồi đi đến hậu quả vật chứng chết gần nửa.
Ở đây chúng ta không phải niêm phong lên Vật chứng là động vật, thực vật sống mà là niêm phong tại lồng, ổ khóa hiện đang quản lý vật chứng. Điều này là hoàn toàn phù hợp với quy định tại điều 5, Nghị định số 127/2017/NĐ-CP.
Luật sư Lực cho rằng, cơ quan chức năng song song với việc xử lý trách nhiệm của cá nhân nuôi nhốt trái phép hổ về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo điều 244 Bộ luật hình sự thì cũng cần điều tra nguyên nhân gây ra cái chết của 8 cá thể hổ trong hoạt động thu giữ, niêm phong, bảo quản.
Không loại trừ khả năng phải xem xét xử lý trách nhiệm các cá nhân về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng do đã thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Ngẩn ngơ với ngàn sắc sen hồng ở khu du lịch Đồng Sen Gò Tháp Cùng với khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười , khu du lịch Đồng Sen Gò Tháp được mệnh danh là vương quốc của hoa sen - loài hoa mang vẻ đẹp tinh khôi và thanh khiết. Check in nơi này, du khách còn được đắm mình trong khung cảnh thơ mộng và thưởng thức nhiều món ăn đặc sắc của quê...