Chuyên gia Mỹ lo Trump bị lấn lướt trong lần đầu gặp Putin
Các nhà nghiên cứu Mỹ cho rằng Tổng thống Trump có thể không nêu được các vấn đề chính khi gặp người đồng cấp Nga Putin.
Tổng thống Nga Putin, trái, và người đồng cấp Mỹ Trump sẽ gặp mặt hôm nay ở Đức. Ảnh: BBC.
“Ông Trump có thể tỏ ra thân thiện và cởi mở thảo luận về các vấn đề, nhưng dường như không có chương trình nghị sự nào rõ ràng. Ngược lại, ông Putin chuẩn bị tốt cho cuộc gặp, thúc đẩy các chủ đề Moscow quan tâm như lệnh trừng phạt, Syria hay việc trả lại các khu đất ngoại giao trên đất Mỹ”, Tiến sĩ Emma Ashford, Viện nghiên cứu Cato, Mỹ, trao đổi với VnExpress.
Bà Ashford đưa ra dự báo về cuộc gặp mặt lần đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Đức hôm nay. Cuộc gặp diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg.
Theo chuyên gia của Viện nghiên cứu Cato, dựa trên những phát biểu của ông Trump về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái, ông sẽ không thúc đẩy vấn đề này khi trao đổi trực tiếp với ông Putin.
Tổng thống Mỹ hôm qua lấp lửng nói về chủ đề này trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, cho rằng Nga hoặc có thể là nước khác đã can thiệp bầu cử, “không ai biết chắc chắn”.
“Với sự thiếu định hướng của ông Trump, người Nga có thể kiểm soát chương trình nghị sự và các chủ đề của cuộc gặp”, bà Ashford nói.
Đồng tình với ý kiến này, Giáo sư Robert Legvold, Đại học Columbia, Mỹ, dự đoán Tổng thống Nga Putin sẽ nêu việc Mỹ tịch thu trụ sở ngoại giao, trong khi Tổng thống Mỹ không nói nhiều về nghi vấn Moscow can thiệp bầu cử năm ngoái.
Ông Legvold đánh giá ông Trump đã đưa ra “thông điệp nước đôi” khi phát biểu ở Warsaw, Ba Lan. Nhà Trắng có thể hy vọng cả người Ba Lan và Putin sẽ nhận được những điều họ muốn.
Tại Ba Lan hôm qua, Tổng thống Mỹ cùng với việc cam kết bảo vệ các đồng minh trong khối NATO, đã kêu gọi Nga ngừng gây bất ổn ở Ukraine, ngừng ủng hộ chế độ ở Syria và Iran. Tuy nhiên chỉ trích của ông Trump với Nga được đánh giá là “nhẹ nhàng”.
“Có lẽ do không có chương trình nghị sự chính thức nên cuộc gặp giữa ông Trump và ông Putin sẽ thiên về không khí hơn là kết quả thảo luận. Tầm quan trọng của cuộc gặp phụ thuộc nhiều hơn vào cách hai người phán đoán và phản ứng với nhau, hơn là tiến triển thực sự của các vấn đề chính trong quan hệ song phương”, ông Legvold nói.
Video đang HOT
Giáo sư cho rằng hai nguyên thủ cũng sẽ tập trung bàn về Syria và cuộc chiến chống khủng bố.
Nêu lên một số vấn đề chính trong hợp tác song phương Nga – Mỹ, ông Matthew Rojansky, Trung tâm nghiên cứu Woodrow Wilson cũng mong muốn Tổng thống Mỹ nói rõ Washington biết Moscow đã làm gì và cảnh báo Nga ngưng tấn công mạng để can thiệp bầu cử.
Tiến sĩ Evelyn Farkas, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Atlantic, Mỹ, cho rằng cả hai nguyên thủ sẽ muốn có không khí thân thiện tích cực, bày tỏ mong muốn cùng hợp tác. Bà cũng bày tỏ hy vọng Tổng thống Trump ngay từ đầu sẽ đề nghị Nga ngừng can thiệp vào quá trình chính trị nội bộ, cảnh báo Moscow sẽ gánh hậu quả nếu không ngừng việc này.
“Tuy nhiên, tôi không nghĩ là ông Trump sẽ làm điều đó. Tôi hy vọng nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ có quan điểm cứng rắn với Putin”, bà Farkas nói.
Khánh Lynh
Theo VNE
Gặp Putin, Trump có thể phải 'dòm trước ngó sau'
Trump đang trong cơn "rối loạn chính trị", nên cuộc gặp của ông với Putin có thể là "bãi mìn" trong quan hệ công chúng và khó tạo đột phá.
Tổng thống Mỹ Trump. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng nhiệm Nga Vladimir Putin sẽ gặp nhau bên lề hội nghị các nền kinh tế lớn G20 ở thành phố Hamburg, Đức ngày 7-8/7. Chi tiết về thời gian, địa điểm và hình thức cuộc gặp chưa được công bố, theo CNN.
Đối với Trump, người đang gặp rắc rối với cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ và thông đồng với ban tranh cử của Trump, Nga là chủ đề cực kỳ nhạy cảm và gây tranh cãi, cây bút Jill Dougherty của CNN nhận định.
Các quan chức Nga, Trump cũng như ban vận động tranh cử của ông đã nhiều lần phủ nhận bất kỳ sự thông đồng giữa họ để giúp Trump đắc cử.
Việc Trump ngồi lại với Putin, cho dù chỉ cần bắt tay, cũng có thể tạo ra "bãi mìn" trong quan hệ công chúng, Dougherty đánh giá. Dư luận Mỹ đã từng phẫn nộ trước hình ảnh Trump cười nói với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak ở Phòng Bầu dục vào tháng 5.
Tổng thống Trump trò chuyện với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (đứng bên cạnh Trump) ở Phòng Bầu dục vào tháng 5. Ảnh: Sputnik.
Putin dường như hiểu tình thế khó của Trump và mô tả rằng Mỹ đang bị mắc kẹt trong cơn rối loạn chính trị, ngăn Trump cải thiện quan hệ với Nga.
Andrey Kortunov, giám đốc Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC), trung tâm nghiên cứu có trụ sở tại Moscow, cho rằng tính toán của Điện Kremlin là: "Chúng tôi hiểu sự phức tạp của tình hình hiện nay. Chúng ta không nên vội vàng, chúng ta có thể đợi cho đến khi mọi vấn đề lắng xuống".
Kortunov cho rằng nhất cử nhất động của Trump đều có thể được phe đối lập trong nước sử dụng để chống lại ông nên Điện Kremlin sẽ không tìm kiếm bất cứ cuộc gặp nào hay thỏa thuận nào "có thể đặt Trump vào tình thế thậm chí còn bất lợi hơn tình thế của ông hiện nay".
Một cuộc gặp không thể giải quyết tất cả
Tuy nhiên, Putin hẳn là vẫn muốn đạt được kết quả nào đó với Trump, khi các vấn đề giữa Nga và Mỹ đang ngày càng xấu đi. Tại Syria, các phi công Nga và Mỹ có thể nhận thấy họ đang ở thế xung đột trực tiếp. Tại Ukraine, chiến sự giữa quân chính phủ và lực lượng ly khai vẫn tiếp diễn.
Moscow vẫn tức giận về việc ông Obama ra quyết định trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga vào năm ngoái vì nghi ngờ họ hoạt động tình báo. Chính quyền Obama cũng đã lấy lại kiểm soát các khu nhà ngoại giao của Nga ở bang Maryland và bang New York vì cáo buộc Moscow sử dụng chúng cho các mục đích tình báo.
Vào thời điểm đó, ông Putin đã quyết định không trả đũa nhưng Bộ Ngoại giao Nga giờ đây cảnh báo Nga có thể đáp trả những việc làm trên. Hôm 29/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với các phóng viên rằng: "Tốt nhất Mỹ phải ngay lập tức trả lại các khu nhà ngoại giao cho chúng tôi, nếu không Nga có quyền đưa ra biện pháp đáp trả tương tự với các bất động sản của Mỹ tại Nga. Tôi muốn xác nhận rằng các biện pháp trả đũa đang được chuẩn bị".
Chính quyền Trump vẫn chưa tái thiết lập các kênh trao đổi thông tin giữa hai nước sau khi chúng bị Obama cắt đứt vì sự kiện Nga sáp nhập Crimea.
Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, không ai ở Điện Kremlin ảo tưởng rằng chỉ một cuộc gặp với Trump, dù là một cuộc gặp theo hình thức cấp cao, sẽ dễ dàng giải quyết các vấn đề này.
"Putin muốn nghe Trump cam kết rằng ông muốn ngăn quan hệ song phương bị đẩy vào tình trạng xấu hơn, nhưng một cam kết bằng lời như vậy gần như là mức cao nhất mà chúng ta có thể đạt được từ chính quyền Trump hiện tại", học giả Dmitry Suslov ở Trường Kinh tế cấp cao ở London, nói.
Điện Kremlin có thể cố gắng đạt được một động thái mang tính biểu tượng từ Trump, họ muốn Tổng thống Mỹ thể hiện rằng ông sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Nga. Theo Suslov, đối với Putin, một cuộc gặp với kết quả như vậy là đủ.
"Putin có thể quảng bá cuộc gặp này với người dân trong nước dù đó chỉ là cuộc gặp mang tính biểu tượng, vì đối với ông ấy, điều quan trọng là chứng tỏ rằng Nga không bị cô lập, Mỹ tôn trọng Nga ở chừng mực nào đó và sẵn sàng khởi động làm việc với Moscow", Suslov nhận định.
Tháng 11 năm ngoái, sau khi Trump đắc cử, người dân Nga có thể đã hy vọng rằng tân tổng thống Mỹ sẽ tạo ra sự chuyển biến tích cực trong quan hệ song phương nhưng hy vọng đó tàn lụi cách đây vài tháng.
"Tôi không cho rằng công chúng Nga đang chờ đợi bước đột phá thực sự nào đó trong quan hệ Nga - Mỹ", Suslov nói. "Tôi nghĩ rằng không ai kỳ vọng sự thay đổi sẽ diễn ra nhanh chóng hoặc dễ dàng".
Ở hậu trường, có một số mặc cả ngoại giao giữa Nga - Mỹ đang diễn ra. Hôm 21/6, Nga hủy cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov và người đồng cấp Mỹ Tom Shannon ở St Petersburg, nơi hai bên được kỳ vọng sẽ giải quyết một số vướng mắc quan trọng giữa Moscow và Washington. Nga nêu lý do hủy cuộc gặp là do các lệnh trừng phạt mới mà Washington áp đặt với Nga.
Suslov cho rằng khi Putin và Trump gặp nhau, hai bên sẽ chỉ thảo luận các nét chính trong chương trình nghị sự còn chi tiết sẽ để các quan chức cấp cao công bố sau đó.
"Tránh gây quá nhiều chú ý là cách duy nhất để đạt được kết quả trong môi trường chính trị không thuận lợi tại Mỹ", Suslov nói.
Chuyên gia Kortunov cũng không đặt kỳ vọng lớn nào cho cuộc gặp Putin - Trump. "Tôi cho rằng miễn đó không phải là một thất bại rõ ràng thì bất kỳ điều gì đạt được tại cuộc gặp đều là thành công", ông nói.
Hồng Vân
Theo VNE
Tổng thống Trump, Putin sắp gặp lần đầu Nhà Trắng và Điện Kremlin xác nhận Tổng thống Mỹ và Nga sẽ gặp nhau lần đầu vào tuần tới tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Đức. Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters. Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ nằm trong số những lãnh đạo thế giới gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump...