Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong: Làm sâu sắc hơn các đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế
Trao đổi về các giải pháp phát triển kinh tế Hà Nội trong giai đoạn hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay, tại cuộc Tọa đàm “Góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XVII” do báo Kinh tế & Đô thị tổ chức, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong đã đề cập đến một số điểm nhấn và đột phá.
Đánh giá thêm về các bài học để rút ra kinh nghiệm
Theo TS Nguyễn Minh Phong, Dự thảo Văn kiện được xây dựng công phu, nghiêm túc, thể hiện trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của những người trực tiếp và gián tiếp tham gia. Số liệu và các chỉ tiêu phát triển được tập hợp và xây dựng có hệ thống, cập nhật và có căn cứ xác đáng, logic chặt chẽ. Qua đó, phản ánh khá đầy đủ, xác đáng các thành công, hạn chế và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, các khâu đột phá cần thiết cho phát triển Thủ đô trong nhiệm kỳ qua và thời gian tới…
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Minh Phong, Dự thảo vẫn còn một số từ ngữ mang tính kỹ thuật nên rà soát, chỉnh sửa, ví dụ, không thể nói “khu vực kinh tế tư nhân giải quyết 80% lao động”, mà phải là “khu vực kinh tế tư nhân thu hút 80% lao động”.
Sản xuất hàng tại Công ty Hồng Hà, quận Long Biên. Ảnh: Chiến Công
Về các bài học, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần bổ sung thêm 2 bài học nữa để rút kinh nghiệm cho nhiệm kỳ tới. Thứ nhất, về tăng cường quản lý quy hoạch và sau quy hoạch cũng như quản lý trật tự, vệ sinh, an toàn đô thị như là mục tiêu trọng tâm và thường xuyên. Thứ hai, không chỉ đánh giá về hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, mà phải coi trọng cả năng lực (nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng bộ và hệ thống chính trị và các hiệp hội).
Bên cạnh đó, TS Nguyễn Minh Phong cũng đặt vấn đề, Dự thảo vẫn thiếu phần đánh giá thực trạng công tác chỉ đạo, kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hiệp hội DN và tổ chức xã hội nghề nghiệp. “DN Hà Nội chiếm 1/3 của cả nước, vài trò rất quan trọng, mà trong Dự thảo chưa đề cập đến hiệp hội DN” – chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong góp ý.
Video đang HOT
Biến các nguồn lực văn hóa và con người thành động lực kinh tế
Góp ý sâu thêm về các giải pháp phát triển kinh tế trong giai đoạn tới, đặc biệt để đón nhận các chính sách mới trong hội nhập, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, mục tiêu tổng quát phải xuất phát từ chủ đề của Đại hội, thể hiện các thông điệp về vị thế Thủ đô. Do đó, nên chăng, có thể điều chỉnh chủ đề Đại hội là: “Nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng bộ và hệ thống chính trị; phát huy sức mạnh truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, đoàn kết, đẩy nhanh công cuộc đổi mới đồng bộ, toàn diện, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại và phát triển bền vững”.
Về các mục tiêu tổng quát của Hà Nội cho các thời điểm năm 2025, 2030 và 2045, theo TS Nguyễn Minh Phong, nên thiết kế lại, bởi chúng ta vừa trải qua đại dịch Covid-19. “Đây là hệ thống chỉ tiêu được xây dựng trước Covid-19, chưa có cập nhật nên cần phải điều chỉnh. Ngoài ra, luôn phải đề cập đến 2 con số (con số trần và con số đáy) thay vì 1 con số rồi lại điều chỉnh như trước đây”- chuyên gia kinh tế nêu ý kiến.
Đặc biệt chỉ ra các điểm nhấn và giải pháp trọng tâm kinh tế trong thời gian tới, TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh tới nhiều vấn đề mà trong Dự thảo chưa đề cập đến. Trong đó, đánh giá Hà Nội đã xây dựng được cộng đồng DN ngày càng lớn mạnh, TS Nguyễn Minh Phong góp ý, kinh tế TP phải tập trung vào cơ cấu, đặc biệt chú trọng đến: Hàm lượng khoa học cao; có giá trị gia tăng cao; có tính kết nối cao; có hàm lượng vốn cao; và phát triển mạnh mẽ dựa trên kinh tế nền tảng.
Tiếp đó, Hà Nội nên có đột phá trong phát triển các nguồn lực văn hóa và con người, để biến thành động lực kinh tế. “Rõ ràng phải biến văn hóa và con người trở thành động lực của kinh tế. Đó phải là câu chữ mang tính chỉ đạo trong Dự thảo” – TS Nguyễn Minh Phong góp ý. Đồng thời cho biết, Hà Nội có nhiều điểm di tích lịch sử, văn hóa, có nguồn lực con người, phải biến những thứ đó thành các “cỗ máy in tiền”. Phải kết hợp du lịch với văn hóa trở thành du lịch sạch, du lịch chất lượng cao nhằm thu được giá trị lớn. Đột phá tiếp theo là Hà Nội phải đi đầu cả nước về phát triển dịch vụ chất lượng cao và xuất khẩu dịch vụ, kể cả xuất khẩu dịch vụ tại chỗ.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, hiện nay chúng ta đang xuất siêu hàng hóa nhưng luôn nhập siêu dịch vụ. Vì vậy, Hà Nội nên coi xuất khẩu dịch vụ là một trong những đột phá trong thời gian tới, bao gồm cả dịch vụ y tế, văn hóa, du lịch, công nghệ cao…
Sau nữa, một nội dung đột phá được TS Nguyễn Minh Phong nhắc đến là Hà Nội phải tạo lập và tăng cường các chuỗi liên kết. Bao gồm chuỗi liên kết trong vùng Thủ đô, khu vực Bắc Bộ, cả nước và quốc tế. Đây là vấn đề cần phải được nhấn mạnh trong Dự thảo, qua đó Hà Nội mới thể hiện được vai trò trung tâm của mình. Một đột phá quan trọng mà theo chuyên gia kinh tế chưa được nhấn mạnh trong Dự thảo, đó là phải coi kinh tế tư nhân là động lực chủ đạo trong thời gian tới. Phát triển nhiều hơn các tập đoàn kinh tế tư nhân, tập đoàn đa sở hữu.
TS Nguyễn Minh Phong đặc biệt nhấn mạnh tới đột phá về cơ chế, bao gồm các cơ chế tài chính ngân sách đặc thù (Luật Thủ đô); cơ chế đặc thù về chính quyền đô thị; cơ chế tài chính đặc thù vừa được Quốc hội thông qua, trong đó đặc biệt là vấn đề thu phí. “Hà Nội phải sử dụng vấn đề thu phí là công cụ mạnh để điều chỉnh các hoạt động kinh tế, cũng như gia tăng năng lực quản lý đô thị” – TS Nguyễn Minh Phong góp ý.
Cùng với đó, theo TS. Nguyễn Minh Phong, Hà Nội nên chú trọng thu hút các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ những nước EU trên cơ sở Hiệp định EVFTA và CPTPP. Qua đó bảo đảm các dự án có công nghệ nguồn sạch, có tài chính vững mạnh, đề cao yếu tố công cụ pháp luật và chống chuyển giá, đề cao vấn đề an ninh quốc phòng. Đột phá cuối cùng là về cán bộ và nhân tài, trong đó đặc biệt chú trọng đến trách nhiệm năng lực của người đứng đầu.
Tiên Yên: Những dấu ấn nhiệm kỳ
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tiên Yên lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025, dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 7 này.
Những ngày này, toàn huyện đang hân hoan chào đón sự kiện chính trị lớn với niềm tin sâu sắc và kỳ vọng về một Đại hội có nhiều đổi mới, tiếp tục đưa Tiên Yên vững bước trên đường phát triển về nhiều mặt.
Các mô hình nuôi trồng theo chủ trương "Hai con, một cây" trên địa bàn huyện Tiên Yên mang lại giá trị kinh tế cao.
Dấu ấn nổi bật trong phát triển kinh tế của huyện Tiên Yên nhiệm kỳ qua là kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, giá trị sản xuất trung bình đạt 14%/năm, thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 30%/năm; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp và tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ.
Kết quả thực hiện chủ trương "Hai con, một cây" và chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" khẳng định sự lựa chọn đúng hướng, góp phần phát triển nông nghiệp ở huyện theo hướng sản xuất hàng hóa, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân nông thôn. Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135 có sự bứt phá rõ nét, huy động mạnh mẽ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Huyện đã hoàn thành vượt kế hoạch trước 1 năm chương trình xây dựng nông thôn mới với 11/11 xã đạt chuẩn, đưa tất cả các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU (ngày 12/11/2015) "Về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030". Huyện đã thực hiện nhất thể hóa Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch UBND huyện; Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã ở 6 địa phương; Bí thư Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy cấp xã không phải là người địa phương; thí điểm kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu và hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và cơ quan chuyên môn thuộc UBND có chức năng, nhiệm vụ tương đồng ở cấp huyện.
Điểm du lịch thác Pạc Sủi (huyện Tiên Yên) hiện là điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách.
Huyện đã thành lập cơ quan tham mưu giúp việc chung khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, cấp xã; thực hiện sáp nhập xã Đại Thành vào xã Đại Dực; sáp nhập một số thôn tại các xã Hải Lạng, Điền Xá, Phong Dụ... Bộ máy được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu quả, từng bước giảm sự trùng lắp, chồng chéo trong công việc, đầu mối trong xử lý công việc đã rõ hơn, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu được nâng lên.
Những ngày này, trên các đường phố, khu dân cư của huyện rực rỡ cờ hoa, chào mừng đại hội đảng bộ các cấp. Người dân trong huyện phấn khởi, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương Tiên Yên ngày càng phát triển.
Ông Hoàng Sinh, Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên giai đoạn 1977-1979 (hiện trú phố Đông Tiến 1, thị trấn Tiên Yên), mong muốn đây là kỳ Đại hội có nhiều đổi mới, sẽ sáng suốt lựa chọn những đại biểu ưu tú có tâm, có tầm bầu vào Đảng bộ huyện khóa XXV để lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân tiếp tục đi lên, đưa Tiên Yên trở thành địa phương có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.
Đường phố Tiên Yên rực rỡ cờ, hoa, khẩu hiệu chào mừng Đại hội Đại bộ huyện lần thứ XXV.
Hướng về Đại hội với tất cả niềm tin, kỳ vọng Đại hội Đảng bộ huyện sẽ thành công tốt đẹp, đề ra những mục tiêu cao hơn, giải pháp mới đưa huyện ngày càng phát triển bền vững. Đồng chí Hoàng Việt Tùng, Bí thư Huyện Đoàn, đại diện cho thế hệ trẻ huyện nhà, mong muốn Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa mới tiếp tục quan tâm hơn nữa tới thế hệ trẻ, tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động, sáng tạo và khởi nghiệp, triển khai có hiệu quả các phong trào, mô hình do thanh niên làm chủ, phát huy vai trò của tuổi trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Rộn ràng đón đợi, vững vàng niềm tin Bắt đầu từ ngày 1-7, Đại hội đại biểu (ĐHĐB) Đảng bộ Cơ quan Tổng cục Chính trị (TCCT) lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Đây là sự kiện chính trị trọng đại, ngày hội lớn của cán bộ, đảng viên, công nhân viên, chiến sĩ, người lao động Cơ quan TCCT. Với công tác chuẩn...