Chuyên gia hiến kế giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc nông sản ở cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc
Trao đổi với bạn đọc tại Tọa đàm: “Tìm giải pháp căn cơ cho nông sản xuất khẩu Trung Quốc” ngày 21/1, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải xây dựng chiến lược Quốc gia về xuất khẩu nông sản mới có thể giải quyết được căn cơ vấn đề ùn tắc nông sản, trái cây tại cửa khẩu.
Các chuyên gia hiến kế giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu tại Tọa đàm: “Tìm giải pháp căn cơ cho nông sản xuất khẩu Trung Quốc” ngày 21/1. Ảnh: Phạm Hưng
Trong nguy có cơ
Trước một số thông tin cho rằng, tình trạng ùn tắc container tại các cửa khẩu trong thời gian vừa qua là do Trung Quốc áp Lệnh 248 và 249 (Lệnh 248 và Lệnh 249 về quản lý giám sát an toàn thực phẩm của Trung Quốc), ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NNPTNT) cho rằng: Tôi xin khẳng định cho đến thời điểm này ùn tắc không phải là do Trung Quốc áp Lệnh 248 và 249.
“Thực tế xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc chủ yếu liên quan đến sản phẩm trái cây, trong đó đa phần là trái cây tươi. Trong khi Lệnh 248, 249 không điều chỉnh thỏa thuận riêng. Vì vậy không có căn cứ nào nói nguyên nhân do 2 Lệnh trên”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, khi triển khai đáp ứng quy định Lệnh 248, 249, từ tháng 8/2020 Trung Quốc đã lấy ý kiến các thành viên WTO, các thành viên có quyền góp ý cho quốc gia dự thảo văn bản đó để xem xét cho phù hợp.
Đến tháng 4/2021, Trung Quốc ban hành Lệnh 248, 249. Và bắt đầu từ cuối tháng 4/2021, 2 Lệnh 248, 249 bắt đầu có hiệu lực. Ngay sau đó, Văn phòng SPS Việt Nam đã có thông báo rộng rãi cho các doanh nghiệp, địa phương để nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu của 2 Lệnh này.
Cuối tháng 9/2021, Trung Quốc tiếp tục thông báo bắt buộc đăng ký thông qua cơ quan có thẩm quyền, sử dụng giải pháp “đồng quản trị quốc tế”. Riêng với nông sản của Việt Nam, Hải quan Trung Quốc cũng ưu tiên chỉ nộp hồ sơ gồm 3 loại giấy tờ thông qua cơ quan có thẩm quyền. Thực tế có nhiều doanh nghiệp nộp hồ sơ.
Ông Ngô Xuân Nam thông tin, hiện, còn 1 số mặt hàng trái cây của Việt Nam chưa ký được Nghị định thư về kiểm dịch với Tổng cục Hải Quan Trung Quốc. Về cơ bản 2 Quốc gia đã hoàn thành xong các thủ tục để ký Nghị định, nhưng do dịch Covid-19 chưa ký được.
Ông Ngô Xuân Nam chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh:Phạm Hưng
Hiện, Bộ NNPTNT đang tiếp tục đàm phán về 3 nông sản, đó là khoai lang, sầu riêng, ớt. Tôi hi vọng dịch Covid-19 được kiểm soát tốt để 2 bên thống nhất để ký được Nghị định thư.
“Cho đến thời điểm này, Bộ NNPTNT chỉ đạo và trực tiếp là Văn phòng SPS Việt Nam đã ban hành 15 văn bản và thường xuyên liên lạc chặt chẽ với phía Hải Quan Trung Quốc và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc.
Đến thời điểm này, Việt Nam đã được cấp 1448 mã sản phẩm, cỡ trên 1.200 doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ cùng với các Bộ, ngành tiếp tục nỗ lực để Trung Quốc cấp thêm mã sản phẩm.
Hiện, toàn bộ danh sách được cập thường xuyên, đồng thời Trung Quốc sẽ gửi danh sách các mã sản phẩm về Văn phòng SPS Việt Nam, sau đó Văn phòng SPS gửi về cơ quan có thẩm quyền, tiếp đó gửi về các doanh nghiệp”, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam khẳng định.
Video đang HOT
Cũng theo ông Nam, trong nguy có cơ, trong khó khăn “vướng” vào ùn tắc, xuất khẩu nông sản với Trung Quốc, đặc biệt mặt hàng thanh long, chúng ta đã xúc tiến để xuất khẩu thanh long sang các thị trường EU, Ấn Độ.
Nhưng theo Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, chúng ta vẫn chỉ giải quyết theo sự vụ. Mặc dù chúng ta đã có các đề án theo lĩnh vực nhưng chúng ta thiếu chiến lược Quốc gia để huy động nhiều chuyên gia, doanh nghiệp về xuất khẩu nông sản.
“Tôi cho rằng nếu xây dựng sớm thì sẽ không có câu chuyện ùn ứ xảy ra như vừa qua”, ông Nam khẳng định và cho biết, như vừa rồi chúng ta mở rộng thị trường, nhưng tôi cho rằng nó chỉ là bài toán tình thế.
Như chúng ta biết thanh long không bảo quản được lâu, trong khi bảo quản của chúng ta cũng hạn chế. Bên cạnh đó, mặc dù mở rộng thị trường nhưng cũng phải xem xét về vùng địa lý. Và 1 vấn đề nữa để thúc đẩy xuất khẩu nông sản phải có mối liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan, làm sao phải có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành với doanh nghiệp, tạo thành chuỗi.
Theo các chuyên gia, tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu trong thời gian vừa qua không phải mới nhưng lại là đợt ứ tồn container lớn nhất từ trước đến nay. Ảnh: Hàng nghìn container ùn tắc tại cửa khẩu Lạng Sơn. Ảnh: Việt Niệm
Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh chế biến
Để giải quyết căn cơ vấn đề ùn tắc tại các cửa khẩu, ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ nông nghiệp – nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu phải đẩy mạnh chế biến và tránh xuất khẩu các sản phẩm thô, sản phẩm thời vụ.
Những chính sách về hỗ trợ xây dựng nhà máy chế biến, đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Nhà nước ban hành khá đầy đủ. Thời gian 3 – 4 năm qua, nhiều nhà máy lớn đã được xây dựng ở các tỉnh như Sơn La, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ,… đảm bảo nhu cầu chế biến nông sản.
Tuy nhiên theo ông Tiến, vấn đề lớn nhất là làm thế nào đảm bảo liên kết vùng trồng và nhà máy. Đảm bảo số lượng và chất lượng nguyên liệu vào nhà máy. Về phía các doanh nghiệp, tôi cho rằng họ sẵn sàng xây dựng nhà máy, thậm chí quy mô lớn, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Thêm vấn đề nữa là làm sao tạo ra vùng trồng liên kết giữa các hộ nông dân, hợp tác xã sản xuất theo quy trình an toàn thực phẩm. Từ đó, tạo ra mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý. “Theo tôi, đây mới là vấn đề lớn nhất chúng ta cần giải quyết”,Vụ trưởng Vụ nông nghiệp – nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương nói.
Công nhân phân loại chanh dây tại Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN
Ông Tiến cho biết thêm, trong giai đoạn tới, để phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững chúng ta cần tiếp tục phát triển kinh tế tập trung, hợp tác xã. Qua đó, kết nối các hộ nông dân trong tổ chức sản xuất.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần sản xuất theo hướng đặt hàng của hiệp định, hợp đồng đã ký kết. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang tổ chức họp tổng kết về Nghị quyết 13 phát triển kinh tế tập thể. Ban Kinh tế Trung ương cũng đã họp tổng kết về Nghị quyết 26.
Trong thời gian tới, hy vọng chúng ta sẽ xây dựng được vùng trồng tương tự thành công của các địa phương như Sơn La, Lâm Đồng,… Cùng với đó, áp dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số sẽ là động lực lớn cho sự thay đổi.
Sản xuất, chế biến, thương mại là 3 khâu cơ bản trong tổ chức của ngành nông nghiệp. Công nghiệp chế biến trong 2, 3 năm nay đã được chú trọng, phát triển rất nhanh. Điển hình như một số doanh nghiệp như TH True Milk, CTCP Đồng Giao,… Đây là một trong những bước đột phá trong sản xuất để tạo ra sản phẩm tốt hơn, hạn chế số lượng nông sản tươi xuất khẩu.
Đồng ý với quan điểm của ông Tiến, ông Ngô Xuân Nam hiến kế thêm 2 giải pháp để giải quyết tình trạng ùn tắc nông sản ở cửa khẩu.
Thứ nhất, chúng ta cần xây dựng chiến lược quốc gia về xuất khẩu nông sản. Trong đó, quy định tổ chức thực hiện, rồi các cơ quan tham gia vào đó, dự trên cơ sở khoa học, thực tiễn từ đó có những giải pháp bài bản hơn.
Thứ hai, đối với vấn đề ùn tác nông sản trong nhiều năm gần đây, tôi cho rằng cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của khoa học công nghệ, và công tác dự báo.
“Tôi nghĩ rằng cần xem xét chương trình khoa học công nghệ đối với vấn đề này. Xuất khẩu nông sản của chúng ta trong những năm gần đây liên tục tăng trưởng nhanh, Bộ Khoa học và công nghệ nên đề xuất Chính phủ xây dựng 1 chương trình về khoa học công nghệ đối với xuất khẩu nông sản.
Bên cạnh đó, câu chuyện về con giống, đầu vào, quá trình canh tác, nuôi trồng, nguồn nước, đất, vấn đề quy hoạch đều liên quan đến khoa học công nghệ. Tiếp đó, đến quá trình chế biến, logistics”, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam góp ý.
Việt Nam tham gia khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, nông sản nào được lợi nhất?
Việc Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong xuất khẩu nông sản, một lĩnh vực Việt Nam đang có lợi thế.
Tham gia RCEP, không gian chuỗi sản xuất nông nghiệp mở rộng hơn
Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NNPTNT), tham gia RCEP - khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới hiện nay, lợi thế lớn nhất là đơn giản hoá thủ tục hải quan, các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn nguyên liệu từ các nước ASEAN và 5 nước tham gia Hiệp định RCEP là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, NewZealand.
Lợi thế nữa là các nước tham gia RCEP gần như bao trùm một chuỗi liên kết tạo ra sản phẩm nông sản từ nguyên liệu đầu vào, phân bón, canh tác, sơ chế, chế biến... đến xuất khẩu trong khối RCEP.
Có thể thấy, trong số các nước tham gia RCEP, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hiện là 3 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chỉ sau Mỹ.
Trong đó, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc đạt khoảng 8,47 tỷ USD trong năm 2021, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 26,9% tổng lượng hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu ra thế giới.
Trong khi đó, Nhật Bản cũng tăng tốc nhập khẩu nông sản của Việt Nam với giá trị kim ngạch nhập khẩu nông sản từ Việt Nam năm 2021 đạt trên 3 tỷ USD (chiếm 6,9%).
Đứng thứ 4 trong số các thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản quan trọng nhất của Việt Nam là Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 1,9 tỉ USD (chiếm 4,4%)...
Những năm qua, Nhật Bản đã và đang mở cửa cho nhiều loại trái cây của Việt Nam, trong đó vải thiều Lục Ngạn và mới đây là thanh long Bình Thuận đã được Nhật Bản bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Theo đánh giá của các chuyên gia, RCEP sẽ mang lại cơ hội cho các loại nông sản nhiệt đới và sản phẩm chế biến của Việt Nam. Trong ảnh: Chế biến dừa ở Công ty Long Uyên (Tiền Giang). Ảnh: K.N
Ngoại trừ Nhật Bản, Australia, New Zealand, người tiêu dùng của khu vực RCEP không quá khó tính, trong khi nhu cầu của nhóm này đối với các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh lại tương đối cao, đặc biệt là nông sản nhiệt đới, thực phẩm chế biến.
Trong 5 năm trở lại đây, rất nhiều quốc gia trong khối có thế mạnh xuất khẩu như Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia... đều coi trọng các thị trường nội khối ASEAN.
Việt Nam đã xuất khẩu vào thị trường ASEAN rất nhiều chủng loại hàng nông sản (gạo, cà phê, hạt tiêu, rau quả, thủy sản...). Hiện, ASEAN là thị trường tiêu thụ rau quả lớn thứ 2 của Việt Nam, trong đó, Thái Lan là nước trong khối nhập khẩu nhiều rau quả Việt Nam nhất.
Vào RCEP, nông sản nào được lợi?
Theo đánh giá của các chuyên gia, RCEP được kỳ vọng sẽ mở ra một thị trường đầy tiềm năng cho các mặt hàng thế mạnh, nhất là nông sản nhiệt đới và thực phẩm chế biến.
Ngoài ra, RCEP cũng mang lại nhiều thuận lợi cho việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của nước ta do quy trình xuất, nhập khẩu được đơn giản hóa sẽ giảm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp, đồng thời tăng tỷ suất lợi nhuận và sức cạnh tranh tại thị trường RCEP.
RCEP có hiệu lực, hàng rào thuế quan giữa các quốc gia thành viên được giảm bớt, các hàng rào phi thuế quan đối với thương mại giữa các quốc gia thành viên, chẳng hạn như thủ tục hải quan và kiểm dịch cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng dễ dàng hơn được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam, trong đó có nông sản khi xuất khẩu vào các thị trường trong RCEP.
Đồng thời, RCEP sẽ giúp Việt Nam nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, bởi chỉ tính riêng ASEAN, nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất của nước ta hàng năm vượt 30 tỷ USD.
Tuy nhiên, việc tham gia RCEP cũng khiến áp lực cạnh tranh của nông sản Việt trở nên căng thẳng hơn bởi nhiều đối tác trong khu vực cũng có những sản phẩm tương đồng, thậm chí có thể phải cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam khá tương đồng với một số đối tác lớn tham gia RCEP sẽ là một bất lợi.
Việc xuất khẩu sang các nước đối tác cũng ngày một khó khăn hơn, khi các nước đặt những tiêu chuẩn chất lượng cao hơn.
Ngoài ra, Trung Quốc sẽ cạnh tranh với Việt Nam trong cung cấp hàng dệt, thực phẩm chế biến và thức ăn gia súc sang Hàn Quốc, gạo và hàng may mặc sang Nhật Bản.
Để không mất lợi thế ở RCEP, điều cần làm lúc này là các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh để tận dụng cơ hội mà RCEP mang lại.
Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được đánh giá là hiệp định thương mại tự do (FTA) có quy mô lớn nhất thế giới giữa ASEAN và 5 nước đối tác.
Cụ thể, RCEP có sự tham gia của 10 quốc gia thành viên ASEAN, gồm Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan và 5 đối tác của khối này là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Theo đánh giá, RCEP tạo nên một thị trường quy mô 2,2 tỷ người, GDP xấp xỉ 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.
Họp bàn giải pháp tháo gỡ ùn tắc nông sản ở cửa khẩu Lạng Sơn Ngày 20/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng tỉnh Lạng Sơn đã cùng họp bàn, đưa ra giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Buổi làm việc còn có sự tham gia của Tham tán Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, ông...