Chuyên gia Đức: Chính quyền nên tập trung vào những ca siêu lây nhiễm
Chuyên gia y tế đồng thời là nghị sĩ Đức Karl Lauterbach cho rằng chiến lược chống Covid-19 của Đức cần thay đổi, cụ thể là tập trung vào những trường hợp ’siêu lây nhiễm’.
Ông Karl Lauterbach, 57 tuổi, là chuyên gia y tế của Đảng Dân chủ Xã hội Đức và là đại biểu quốc hội Đức từ năm 2005. Ông là bác sĩ y khoa từng theo học dịch tễ học và ngành kinh tế tại Đại học Harvard.
Lauterbach học y khoa tại các thành phố Aachen, Texas và Dsseldorf. Trước khi tham gia chính trường, ông là Giám đốc Viện kinh tế, y tế và dịch tễ học lâm sàng của Đại học Cologne ở Đức trong giai đoạn 1998-2005.
Mới đây, tạp chí Der Spiegel đã phỏng vấn với ông Lauterbach về tình hình đại dịch Covid-19 hiện nay dưới góc nhìn của chuyên gia trong lĩnh vực y tế, đồng thời tham khảo ý kiến của ông dưới tư cách của nhà chức trách về những sách lược đối phó với diễn biến phức tạp của đại dịch.
Karl Lauterbach, chuyên gia y tế đồng thời là đại biểu quốc hội Đức. Ảnh: Jurgen Heinrich.
- Lo lắng lớn nhất của ông trong khoảng thời gian gần đây là gì?
- Tôi lo ngại về làn sóng những ca nhiễm Covid-19 mới. Quá trình hình thành nên đợt lây lan virus mới đã và đang diễn ra. Chúng ta đã có thể xử lý đợt bùng phát đầu tiên tốt hơn nếu tiếp tục áp dụng các quy định cách ly xã hội trong khoảng thời gian dài hơn, khoảng hai đến ba tuần nữa.
Hiện nay, làn sóng các ca nhiễm mới đang manh nha bùng phát. Để ứng phó với tình thế lúc này, chúng ta cần ngay lập tức thay đổi sách lược để đối đầu với đại dịch.
- Có thể làm gì để ngăn số ca nhiễm mới tăng mạnh vài tháng tới?
- Ban bố tình trạng phong tỏa hay thắt chặt các quy định cách ly xã hội một lần nữa đều gây ratác động tiêu cực lên nhiều khía cạnh của xã hội.
Mặt khác, cũng phải giả định rằng nếu không bắt buộc người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa như cách xa nhau 2 m hay đeo khẩu trang nơi công cộng, khả năng cao là nhiều người sẽ không chịu tuân thủ.
Do đó, vai trò của các cơ quan y tế trong việc đưa ra chính sách ứng phó với tình hình hiện tại mang tính quyết định.
Nguồn “siêu lây nhiễm”
- Cho đến nay, các nhà chức trách đã nỗ lực theo dõi những liên hệ từng tiếp xúc với bệnh nhân dương tính với Covid-19 nhằm ngăn ngừa sự lây lan của virus. Cách tiếp cận đó không ổn ở điểm nào?
- Hướng đi này hoàn toàn không hiệu quả. Thay vì liên lạc với từng người qua điện thoại, các nhà chức trách nên tập trung vào những trường hợp được phân loại “siêu lây nhiễm”.
Chỉ một vài bệnh nhân “siêu lây nhiễm” có thể lây lan virus cho vài chục người mỗi khi tiếp xúc ở những sự kiện hay buổi tụ tập có đông người tham gia.
Video đang HOT
Dẫu rằng nhóm đối tượng này chiếm số lượng rất ít trong tổng các ca mắc bệnh song họ lại là những người thực sự gây ra sự bùng phát của đại dịch. Nếu chúng ta không mau chóng điều chỉnh cách tiếp cận, làn sóng lây nhiễm tiếp theo sẽ rất dữ dội.
Những buổi tụ tập đông người với sự có mặt của người dương tính với Covid-19 là nguồn “siêu lây nhiễm” thúc đẩy quá trình phát tán virus. Ảnh: Getty.
- Tại sao chiến lược đang được áp dụng hiện nay không hiệu quả?
- Phương pháp theo dõi các liên hệ với người bệnh đòi hỏi xử lý một khối lượng công việc khổng lồ, sử dụng nhiều nhân sự nhưng lại không thực sự đem lại kết quả.
Chúng ta đang cố bắt kịp đại dịch nhưng không thành công. Các bệnh nhân dương tính với virus hầu hết được cách ly vào thời điểm họ đã lây nhiễm virus cho nhiều người khác từ trước đó.
Những người cảm thấy không khỏe thường đến bác sĩ vào ngày thứ hai khi có những triệu chứng của Covid-19, thời điểm đó thường là ngày thứ tư kể từ khi nhiễm virus, bởi hai ngày đầu tiên thường chưa bộc phát triệu chứng. Vài ngày nữa lại trôi đi trước khi có kết quả xét nghiệm trả về từ cơ quan y tế.
Trung bình, bệnh nhân được cách ly sau khi nhiễm virus được 6-7 ngày, khoảng thời gian đó đủ để phát tán virus trên diện rộng. Chúng ta phải hành động nhanh hơn nữa mới mong chống lại được sự phức tạp và khó lường của đại dịch này.
Bệnh nhân thường chỉ được cách ly sau khi đã phát tán virus ở một mức độ nhất định. Ảnh: AFP.
Bài học từ Nhật: Không phong tỏa vẫn chống được dịch
- Những hướng đi khả dĩ vào thời điểm này là gì?
- Tôi nghĩ chúng ta nên tham khảo cách tiếp cận mà Nhật Bản đang áp dụng, chiến lược chống dịch của họ đã và đang phát huy hiệu quả trong việc hạn chế sự lan truyền virus đến từ những nguồn “siêu lây lan”, đó có thể là buổi hội nghị, tiệc cưới hay đơn giản là buổi họp mặt gia đình với đông người tham gia.
Trong đợt bùng phát dịch đầu tiên, Nhật Bản không tiến hành cách ly xã hội nhưng công tác chống dịch vẫn đạt được những tiến không thua kém Đức và các nước châu Âu khác.
Đây chính là thứ mà chúng ta cần khi làn sóng dịch tiếp theo manh nha lan rộng: không phong tỏa nhưng vẫn khống chế được dịch.
- Các nhà chức trách Đức nên áp dụng hướng đi này như thế nào?
- Khi xét nghiệm xem người có nhiễm virus hay không, bộ phận kiểm tra sẽ dùng một mẫu đơn để truy ngược một cách có hệ thống xem liệu người đó có tham gia các sự kiện hay buổi họp mặt đông người vào khoảng thời gian trước đó hay không.
Nếu bệnh nhân dương tính với Covid-19, những người từng tham gia các sự kiện mà người nhiễm virus từng hiện diện phải ngay lập tức được cách ly, thậm chí trước khi họ được xét nghiệm. Đó là cách duy nhất để ngăn virus lan rộng không kiểm soát.
Bên cạnh xét nghiệm, cơ quan chức năng cần kiểm tra xem đối tượng nghi nhiễm bệnh có lịch sử tham gia các hoạt động tụ tập đông người không. Ảnh: Giang Huy.
- Nếu một cá nhân đang học tập hoặc làm việc tại một cơ sở giáo dục mà nhiễm bệnh thì sao?
- Toàn bộ học sinh của trường học đó và cả gia đình của họ phải được cách ly trong một tuần. Đó là cách duy nhất để ngăn các lớp học trở thành địa điểm “siêu phát tán”.
- Những trường hợp dương tính nhưng chưa tham gia các sự kiện có đông người tham gia thì sao?
- Cơ quan chức năng sẽ không phải kiểm tra những người mà họ từng tiếp xúc nữa. Bộ phận xét nghiệm và các cơ sở y tế sẽ có thể tập trung nguồn lực vào xử lý những nguồn “siêu lây nhiễm”.
- Nếu vậy chẳng phải cấm tụ tập đông người sẽ hiệu quả hơn sao?
- Chúng ta cần làm mọi cách để cấm các sự kiện quy tụ nhiều người, thậm chí là áp dụng các lệnh cấm và chế tài xử phạt nghiêm khắc.
Các trận đấu trong khuôn khổ Giải bóng đá vô địch quốc gia Đức (Bundesliga) sẽ tổ chức mà không có khán giả. Những buổi tụ tập không tuân theo quy định giãn cách xã hội như bữa tiệc lớn ở công viên Hasenheide, Berlin, gần đây phải bị phạt thật nặng.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần đưa ra những lời kêu gọi về việc duy trì khoảng cách 2 m khi tiếp xúc nơi công cộng hay đeo khẩu trang khi ra ngoài để nâng cao ý thức cộng đồng trong việc tuân thủ những quy tắc an toàn.
Chúng ta cần những kế hoạch rõ ràng và hiệu quả.
Ca bệnh "siêu lây nhiễm": Ngòi nổ bí ẩn của các đại dịch
Nhìn lại một họ hàng gần của Covid-19 là đại dịch MERS, ở Hàn Quốc, chỉ với 3 trường hợp siêu lây nhiễm đã làm "ngòi nổ" cho 75% các ca bệnh được ghi nhận ở quốc gia này.
Dịch Covid-19 đang ngày càng lan rộng, diễn biến phức tạp và khó lường, trong đó ghi nhận hiện tượng: Một số ca bệnh dù chỉ ở trong cộng đồng một thời gian ngắn nhưng đã lây nhiễm cho rất nhiều người (được gọi là siêu lây nhiễm), trường hợp ca bệnh thứ 31 ở Hàn Quốc là một ví dụ điển hình.
Ngược lại, cũng có những ca bệnh dù tiếp xúc với nhiều người nhưng lại không hề lây nhiễm cho bất kỳ ai. Có thể kể đến trường hợp của một cặp vợ chồng ở bang Illinois, Mỹ. Theo đó, vào ngày 23/1, người vợ trở về từ Vũ Hán và đã trở thành trường hợp đầu tiên ở bang này mắc Covid-19.
Chỉ 7 ngày sau, người chồng cũng đã được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2. Khi nhập viện 2 vợ chồng đều trong tình trạng ốm nặng. Điều bất ngờ là sau khi tiến hành truy vết, lực lượng chức năng xác định 372 người là F1, nhưng sau đó không một ai nhiễm bệnh.
Hiện tượng đối lập này đã đặt ra cho các nhà khoa học một câu hỏi: Liệu khả năng lây truyền dịch bệnh có sự khác nhau ở mỗi người?
Dựa theo các số liệu tính đến thời điểm hiện tại, câu trả lời đang thiên về đáp án "Có". Theo các nhà khoa học, ca bệnh siêu lây nhiễm, trung tâm của sự kiện siêu lây nhiễm, đóng vai trò mấu chốt cho diễn biến của sự kiện này, nói rộng ra là diễn biến dịch của cả một khu vực.
Bên cạnh ca bệnh siêu lây nhiễm, những người nằm ở cuối chuỗi lây nhiễm (những người nhiễm bệnh nhưng không lây lan cho người khác), cũng đóng một vai trò quan trọng cho các nhà dịch tễ học xác định thời điểm sự kiện lây nhiễm xảy ra, cũng như khoanh vùng, áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch.
Nhìn lại đại dịch MERS (Hội chứng hô hấp Trung Đông), việc virus MERS-CoV (họ hàng gần với SARS-CoV-2) lây lan mạnh ở Hàn Quốc được châm ngòi chỉ bởi 3 ca bệnh. Theo tính toán 75% các ca bệnh ở Hàn Quốc lúc bấy giờ, sau khi thực hiện truy vết, đều có liên quan đến 3 ca siêu lây nhiễm này.
Dịch MERS bùng phát tại xứ sở kim chi vào năm 2015, khi một người đàn ông 68 tuổi bị nhiễm bệnh trong những ngày du lịch tại vùng Trung Đông. Khi về nhà, ông ta đã lây nhiễm trực tiếp cho 29 người khác, 2 trong số 29 người này lại tiếp tục lây nhiễm cho 106 người.
Một họ hàng gần khác với với Covid-19 là SARS, bùng phát năm 2003, cũng ghi nhận trường hợp siêu lây nhiễm, đó là bệnh nhân đầu tiên ở Hong Kong đã lây trực tiếp cho 125 người khác. Các trường hợp khác bao gồm: Sự kiện 180 người trong một khu dân cư bị lây nhiễm ở Hong Kong; sự kiện 22 người bị lây nhiễm trên một chuyến bay từ Hong Kong đến Bắc Kinh.
"Nếu người bị nhiễm Covid-19 là một ca bệnh siêu lây nhiễm, việc truy vết các trường hợp tiếp xúc gần là điều đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, nếu người này lại là trường hợp đối lập với siêu lây nhiễm, vì một lý do nào đó mà không phát tán virus, thì truy vết là một giải pháp lãng phí. Vấn đề rắc rối ở đây là chúng ta ít khi phân biệt được 2 trường hợp này" - Nhà miễn dịch học Jon Zelner, Đại học Michigan, cho biết.
Về quan điểm của mình, GS Martina Morris, chuyên gia thống kê và xã hội học đến từ Đại học Washington, nhận định: "Chắc chắn phải có một mối liên kết hay một đặc điểm chung nào đó của những ca bệnh siêu lây nhiễm. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa có dữ liệu độc lập về vấn đề này".
Chuyên gia này cũng chỉ ra rằng, rất dễ nhầm lẫn giữa một ca bệnh siêu lây nhiễm và một sự kiện lây nhiễm theo dây chuyền tại nơi đông người, bởi lúc này khả năng phát tán mầm bệnh nhiều hay ít của một cá nhân gần như không đóng vai trò gì đánh kể.
"Trong một căn phòng đông người, nếu bạn là người đầu tiên nhiễm bệnh và đó lại là một dịch bệnh dễ lây lan, bạn sẽ được xem như một trường hợp siêu lây nhiễm. Tuy nhiên, bất cứ ai trong căn phòng cũng có thể đóng góp tương đương vào sự kiện lây nhiễm này. Bạn chỉ đơn giản là người đầu tiên trong một chuỗi lây nhiễm liên hoàn mà thôi" - GS Martina Morris nói.
Lịch sử y học cũng đã chứng kiến nhiều căn bệnh truyền nhiễm, có tồn tại yếu tố siêu lây nhiễm, điển hình như bệnh lao hay bệnh sởi. Trường hợp của nữ đầu bếp Mary Mallon vào những năm đầu thế kỷ 20 là một ví dụ. Được biết, người phụ nữ này đã lây lan bệnh thương hàn cho hơn 50 người khác. Điều đặc biệt là Mary lại không hề có triệu chứng bệnh.
Đối với các trường hợp có khả năng lây truyền dịch bệnh mạnh hơn bình thường, quan điểm chung của nhiều chuyên gia là họ có khả năng phát tán tải lượng virus cao hơn trong các giọt dịch hô hấp hoặc khí dung.
Tuy nhiên, đây vẫn là một vấn đề có quá ít nghiên cứu để có thể khẳng định về cơ chế. Trước đó, một nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, thời điểm khoảng 3 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng bệnh là lúc bệnh nhân Covid-19 lây lan virus SARS-CoV-2 mạnh mẽ nhất.
Theo TS Jennifer Layden, khả năng lây nhiễm phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Khoảng cách với những người xung quanh? Người nhiễm bệnh có ho hay hắt hơi hay không? Các biện pháp phòng hộ có được áp dụng? Những người tiếp xúc với ca bệnh có thuộc diện dễ bị lây nhiễm (cao tuổi, có bệnh nền, hệ miễn dịch yếu)?
Trong khi việc có hay không các bệnh nhân siêu lây nhiễm vẫn chưa thực sự sáng tỏ, theo giới chuyên môn, các biện pháp như đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân hay giãn cách xã hội vẫn là những gì tốt nhất mà chúng ta có ở thời điểm hiện tại, để kiểm soát dịch bệnh này.
Minh Nhật
PGS.TS Phan Trọng Lân: Những ca "siêu lây nhiễm" Covid-19 như bệnh nhân số 34 chỉ là cá biệt PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho rằng, những trường hợp 1 người nhiễm Covid-19 lây cho 5 người như ở Vĩnh Phúc, hay 1 người lây cho 9 người ở Bình Thuận, chỉ là cá biệt, rất ít. Bệnh nhân nhiễm Covid-19 số 34 (ở Bình Thuận) là trường hợp lây nhiễm mạnh nhất tại Việt...