Chuyên gia dịch bệnh hàng đầu thế giới ’sợ’ nCoV
Eric Toner, chuyên gia của Trung tâm An ninh Y tế thuộc ĐH Johns Hopkins (Mỹ), cho rằng “Covid-19 là thảm họa không giống với bất kì điều gì chúng ta từng thấy”.
Khi số ca nhiễm nCoV được xác nhận đã lên tới hơn hai triệu người và gần nửa dân số thế giới bị phong tỏa, đại dịch chắc chắn trở thành một trong những cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng nhất trong trí nhớ của những người còn sống trên trái đất.
Khi các ca viêm phổi bất thường xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, vào cuối 2019, các chuyên gia y tế không biết đó là gì. Virus này gây triệu chứng tương tự như SARS hoặc cúm gia cầm, nhưng lại là một chủng hoàn toàn mới. Và nó lây lan nhanh chóng.
Các trung tâm xét nghiệm và bệnh viện dã chiến được dựng lên khắp thế giới để đối phó với số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến. Ảnh: James Martin/CNET.
Ba tháng sau, Covid-19 khiến cả thế giới điêu đứng. Số ca bệnh gia tăng theo cấp số nhân và cấp lũy thừa buộc nhiều nơi phong tỏa toàn quốc. Cuộc đua tìm kiếm vaccine đang diễn ra, nhưng các chuyên gia cho biết ít nhất 18 tháng nữa mới có.
Eric Toner, một chuyên gia hàng đầu thế giới về các dịch bệnh truyền nhiễm, có hơn ba thập kỷ kinh nghiệm về lập kế hoạch thảm họa y tế và chuẩn bị cho dịch bệnh. Ông đã làm việc với nhiều chính phủ và quan chức y tế công cộng trong nhiều trận dịch và thảm họa. Cuối cùng, ông khẳng định nCoV thật sự khác biệt.
“Trung Quốc đã rất ngạc nhiên, không ai biết virus tồn tại. Italy rất bất ngờ; họ không nhận ra khi nó đang xâm nhập vào đất nước. Chúng ta, nước Mỹ, không thể nói là bị bất ngờ; chúng ta đã thấy dịch xảy ra nhiều tháng”, Toner nói.
Thế nhưng, giờ đã có hàng chục ngàn người ở Mỹ chết và các chuyên gia nói rằng nước Mỹ có thể đối mặt với 100.000 đến 200.000 người chết trong những tháng tới. Toner thừa nhận ông “sợ hãi” virus này.
“Đại dịch kinh khủng hơn nhiều so với những gì chúng ta đã dự đoán. Đây sẽ là một sự kiện tồi tệ trong lịch sử”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Người được coi là có chuyên môn hàng đầu thế giới về dịch bệnh truyền nhiễm cùng đồng nghiệp có chú ý khi dịch mới xuất hiện ở Trung Quốc. Tuy nhiên, vào ngày 23/1, khi Trung Quốc phong tỏa Vũ Hán, một thành phố 11 triệu dân, họ mới biết đây là một căn bệnh khác thường.
Giờ đây, ông Toner nói rằng chính phủ trên khắp thế giới nên chú ý đến những dấu hiệu cảnh báo sớm đó.
Mối đe dọa của nCoV nằm ở chỗ nó lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao. “Nó dễ lây như cúm, nhưng gây tử vong gấp nhiều lần”, Toner nói.
Theo Toner, khoảng 10% đến 15% dân số toàn cầu bị nhiễm cúm hàng năm. Nhưng vì Covid-19 là một căn bệnh mới và con người chưa có khả năng miễn dịch với nó, nên số người sẽ bị nhiễm sẽ nhiều hơn.
Video đang HOT
“Ngay cả khi tỷ lệ tử vong cuối cùng ở mức 0,5%, số người chết cũng lên tới hàng triệu”, ông cảnh báo.
Sự nguy hiểm của nCoV nằm ở các protein thêm vào bên ngoài virus hay các protein gai. Những protein này xâm nhập vào đường hô hấp và tạo ra một lỗ hổng để tấn công các tế bào của chúng ta. Khi vào bên trong, virus tiêm vật liệu di truyền của nó và chiếm quyền điều khiển tế bào, buộc tế bào đó tạo ra nhiều bản sao của virus.
“Sau đó, tế bào nổ tung”, Toner nói. “Nó phun ra … số lượng virus nhiều hơn hàng ngàn lần và số virus này tiếp tục trong một phản ứng dây chuyền, từ tế bào này sang tế bào khác. Với số lượng virus ngày càng tăng, số lượng tế bào bị tổn thương ngày càng nhiều. Phổi của chúng ta bị viêm; đầy chất lỏng. Và trong trường hợp nghiêm trọng, (virus) hại chết người khi phổi của họ đã bị phá hỏng”.
Nhưng vẫn có hy vọng. Các nhà nghiên cứu và các công ty công nghệ sinh học đang làm việc với tốc độ chưa từng thấy để phát triển vaccine chống nCoV, sử dụng mã di truyền của virus để cố gắng kích thích phản ứng miễn dịch ở những bệnh nhân không bị nhiễm bệnh. Nhiều nhà nghiên cứu khác đang phân tích máu của bệnh nhân đã hồi phục từ Covid-19, với hy vọng khả năng miễn dịch của họ có thể chuyển được sang người khác.
Mỹ đang là quốc gia có số người nhiễm và tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới. Ảnh: AP.
“Công nghệ đang cách mạng hóa cách chúng ta sản xuất thuốc và vaccine, nhanh hơn nhiều so với trước đây. Vì vậy, mặc dù chắc chắn phải ít nhất một hoặc hai năm nữa mới có. Đây sẽ là lần đầu tiên chúng ta có vaccine cho một bệnh truyền nhiễm mới nổi. Trước đây, sẽ mất nhiều thời gian hơn”, ông nói.
Cho đến khi chúng ta điều trị được căn bệnh này (có thể mất 3-6 tháng) hoặc có vaccine (có thể mất 1-2 năm), giải pháp để chống lại đại dịch mang tính quyết định hiện tại là “Ở nhà”.
“Đại dịch này không giống với bất cứ thứ gì chúng ta đã thấy trước đây. Và không có cách nào để ngăn chặn nó hoàn toàn. Nó không thể bị ngăn chặn, chỉ có thể bị làm chậm lại. Nhưng làm chậm nó là điều cần thiết và đòi hỏi một mức độ hành động chưa từng có. Tất cả chúng ta phải hợp tác với nhau để thực hiện cách biệt cộng đồng, tuân thủ các can thiệp y tế công cộng thực sự khó khăn dù nó đang thay đổi cuộc sống của chúng ta rất nhiều”, Toner kêu gọi.
Ông cho rằng không nên mong đợi dịch bệnh được dẹp ngay, bất kỳ biện pháp nào chúng ta thực hiện để giảm bớt áp lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe cần phải kéo dài vài tuần mới có hiệu quả rõ rệt. Ngay bây giờ một phần ba dân số toàn cầu đang “Ở nhà”. Nhưng cuối cùng, sự hy sinh sẽ giúp thế giới tránh khỏi một thảm kịch lớn hơn nhiều.
Ánh Dương
Thuốc chữa COVID-19: Những tín hiệu mới
Các nhà nghiên cứu trên thế giới vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm ra phương thuốc chữa dịch bệnh COVID-19 đang lây lan và diễn biến phức tạp.
Ảnh minh họa
Tại Hàn Quốc, ngày 4/3, nhóm nghiên cứu hợp nhất của Viện nghiên cứu công nghệ hóa học Hàn Quốc (CEVI) đã công bố tìm ra các kháng thể có thể trung hòa COVID-19 và vô hiệu hóa hoạt động của virus trong tế bào chủ. Kháng thể được tìm thấy dựa trên nghiên cứu kháng thể virus gây dịch bệnh Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).
Nghiên cứu này góp phần nâng cao khả năng tìm ra thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh.
Kháng thể trung hòa là những kháng thể "chiến đấu" và vô hiệu hóa sự lây nhiễm của virus trong các phản ứng miễn dịch. Nhóm nghiên cứu đã tìm ra sự tương đồng giữa SARS và COVID-19 sau khi phân tích bộ gene và dự đoán các kháng thể trung hòa SARS đã được phát hiện trước đó.
Dựa trên phân tích tệp thông tin cấu trúc của protein COVID-19 được công bố trên trang web sinh học bioRxiv, nhóm nghiên cứu dự đoán rằng có 2 kháng thể trung hòa SARS và một kháng thể trung hòa MERS để tạo ra được protein của COVID-19.
Nhóm còn thu được RNA COVID-19 bằng cách nuôi cấy virus lấy từ mẫu người bệnh nhiễm COVID-19 ở Hàn Quốc và thấy rằng virus Corona mới ở Hàn Quốc dễ phát hiện hơn so với các nước khác.
Tại Trung Quốc, Ủy ban Y tế quốc gia nước này cho biết đã sử dụng thuốc Actemra để điều trị cho các bệnh nhân có biểu hiện suy phổi nghiêm trọng.
Actemra là một loại thuốc sinh học được Mỹ phê chuẩn năm 2010 để trị bệnh viêm khớp, thấp khớp (RA), có khả năng ngăn chặn tình trạng protein Interleukin 6 (IL6) tăng cao, vốn gây các bệnh viêm nhiễm.
Các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc cũng đang thử nghiệm thuốc Actemra trong một thử nghiệm lâm sàng đối với 188 bệnh nhân COVID-19. Thử nghiệm kéo dài tới ngày 10/5.
Kể từ khi được đưa vào sử dụng cách đây một thập kỷ, Actemra đã trở thành thuốc dùng để chống viêm, bao gồm cả CRS đối với bệnh nhân ung thư. Năm 2012, thuốc đã cứu sống một bé gái người Mỹ, em nhỏ đầu tiên được chữa khỏi bệnh bạch cầu.
Cục Quản lý Dược phẩm quốc gia Trung Quốc hiện chưa phê chuẩn thuốc Actemra để điều trị bệnh nhân COVID-19 và các nhà sản xuất dược phẩm Trung Quốc cũng đang chạy đua với thời gian để bào chế thuốc thay thế.
Trong một diễn biến liên quan, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang nghiên cứu việc sử dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị cho các bệnh nhân nặng.
Theo nhật báo Khoa học và Công nghệ, 4 bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nguy kịch được điều trị bằng tế bào gốc đã khỏi bệnh và ra viện.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Từ Nam Bình cho biết các thử nghiệm lâm sàng về cách điều trị này sẽ được mở rộng.
Tại Nhật Bản, các bác sĩ tại Bệnh viện Ashigarakami ở tỉnh Kanagawa cho biết đã cho 3 bệnh nhân COVID-19 uống một loạt thuốc chữa hen suyễn có tên gọi Ciclesonide và sức khỏe của họ đã được cải thiện trong vòng 2 ngày.
Kết luận này được đưa ra dựa trên kết quả chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19 trên du thuyền Diamond Princess, đang neo đậu ở cảng Yokohama thuộc tỉnh trên.
Tất cả các bệnh nhân này đều trên 65 tuổi và cần sử dụng máy thở oxy, nhưng không ai bị bệnh ở mức độ nghiêm trọng. Sau khi sử dụng Ciclesonide vào ngày 20/2, sức khỏe của họ đã được cải thiện trong vòng 2 ngày. Một phụ nữ 73 tuổi đã được xuất viện.
Theo các bác sĩ, Ciclesonide đã đi tới phổi, nơi virus SARS-CoV-2 đang nhân bản và nhờ vậy, nó có thể hiệu quả trong việc giảm chứng viêm phổi.
Nhóm bác sĩ trên dự định sẽ phối hợp với các cơ sở y tế khác để nghiên cứu hiệu quả của phương pháp chữa trị này bởi vì cho đến nay, số lượng các bệnh nhân COVID-19 mà họ đang chữa trị vẫn còn ít.
Virus SARS-CoV-2 có thể tấn công hệ thần kinh trung ương
Ngày 5/3, các bác sĩ từ Bệnh viện Địa Đàn Bắc Kinh, một chi nhánh của Đại học Dược Thủ đô và cũng là một cơ sở chuyên điều trị các bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Trung Quốc, tuyên bố phát hiện virus SARS-CoV-2 trong dịch não tủy của một nam bệnh nhân.
Bệnh nhân này 56 tuổi, được kết luận nhiễm COVID-19 ngày 24/1. Bệnh nhân có những triệu chứng bệnh nặng và không đáp ứng pháp đồ điều trị thông thường. Khi được điều trị tại khoa chăm sóc đặc biệt (ICU), bệnh nhân có những triệu chứng liên quan tới tình trạng suy giảm nhận thức, dù các hình ảnh chụp CT phần đầu của bệnh nhân không thể hiện những dấu hiệu bất thường.
Đội ngũ y tế sau đó tiến hành xác định trình tự gene trên các mẫu dịch não tủy của bệnh nhân và xác nhận có sự hiện diện của virus SARS-CoV-2, chẩn đoán bệnh nhân bị viêm não.
Sau khi được áp dụng pháp đồ điều trị viêm não do virus, các triệu chứng thần kinh của bệnh nhân dần thuyên giảm. Bệnh nhân sau đó được chuyển tới khoa truyền nhiễm vào ngày 18/2 và được ra viện hôm 25/2.
Trưởng khoa chăm sóc đặc biệt của bệnh viện Liu Jingyuan, đồng thời là bác sỹ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, cho rằng một khi bệnh nhân COVID-19 có các biểu hiện rối loạn nhận thức, đội ngũ y tế nên tính đến khả năng hệ thần kinh bị nhiễm virus và tiến hành xét nghiệm dịch tủy não kịp thời, tránh chậm trễ trong chẩn đoán, qua đó giúp giảm tỉ lệ tử vong ở những người bệnh nặng.
Tính tới ngày 4/3, bệnh viện đã điều trị cho 150 bệnh nhân COVID-19 và xác nhận một trường hợp viêm não vì virus này.
Hôm 2/3, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc đã công bố bản cập nhật kế hoạch quốc gia chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân COVID-19, trong đó nêu rõ bệnh có thể gây ra các triệu chứng tắc nghẽn, phù nề và suy giảm tế bào thần kinh trong các mô não.
Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng COVID-19 có thể tấn công các nội tạng như gan, thận và tim nhưng chưa có báo cáo nào về những tổn thương hệ thần kinh trung ương do virus gây ra.
Các nhà nghiên cứu cũng từng phát hiện ra rằng virus SARS và MERS có thể xâm nhập hệ thống thần kinh của bệnh nhân.
Vũ Phong (tổng hợp)
Theo baochinhphu
Lần đầu tiên phát hiện virus corona trong dịch não tủy của bệnh nhân Bệnh nhân 56 tuổi ở Trung Quốc được bác sĩ phát hiện SARS-CoV-2 trong dịch não tủy đã khỏi bệnh và xuất viện. Ecns đưa tin cảnh báo chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) có thể tấn công hệ thần kinh trung ương. Thông tin này do một bác sĩ Trung Quốc đưa ra sau khi Bệnh viện Ditan Bắc Kinh (Trung Quốc)...