Chuyên gia: Covid-19 tạo bất ổn lớn trên toàn thế giới
Các nhà phân tích cho rằng dịch viêm phổi do nCoV đang gây thiệt hại lớn đến đời sống và phát triển kinh tế trên phạm vi quốc tế.
“Dịch viêm phổi do nCoV đang gây nên bất ổn trên quy mô lớn với các hộ gia đình, với các doanh nghiệp và nhà đầu tư”, Giáo sư Michael Walden, Đại học bang North Carolina, Mỹ, nói với VnExpress.
Covid-19 khởi phát tại Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, đến nay xuất hiện tại 119 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến gần 119.000 người nhiễm, hơn 4.200 người chết.
Trên khía cạnh xã hội, cuộc sống của hầu hết người dân ở các nước bị gián đoạn do lệnh hạn chế đi lại, trường học đóng cửa. Khoảng 22 quốc gia thuộc ba châu lục đã tuyên bố đóng cửa trường học ở các cấp khác nhau. Bên cạnh đó, hàng chục triệu người bị phong tỏa trên toàn thế giới .
Khi Covid-19 mới bùng phát, nhiều quốc gia đã áp hạn chế với người đến từ Trung Quốc. Giờ đây, khi xuất hiện một số ổ dịch bên ngoài Trung Quốc, các hạn chế càng được gia tăng. Lệnh hạn chế đi lại khiến ngành hàng không các nước khốn đốn. Nếu hoạt động của hàng không tiếp tục đình trệ, tất cả hệ sinh thái liên quan gồm nhà hàng, cửa hàng, taxi và khách sạn đều bị ảnh hưởng. Riêng tại châu Âu, các sân bay và các doanh nghiệp có liên quan cung cấp gần 12,5 triệu việc làm, với tổng giá trị vào khoảng 758 tỷ USD, theo nghiên cứu về tác động kinh tế của các sân bay châu Âu. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) nhận định Covid-19 có thể “thổi bay” khoảng 113 tỷ USD doanh thu ngành hàng không toàn cầu trong năm nay.
Một người dân Italy đạp xe ở khu vực vắng vẻ tại quảng trường Duomo, Milan, Italy. Ảnh: Reuters.
Trên khía cạnh kinh tế, Mark Hamrick, nhà phân tích kinh tế cao cấp, Công ty tư vấn tài chính Bankrate, Mỹ, cho rằng tác động tức thời do Covid-19 thể hiện ở mức độ suy giảm các hoạt động kinh tế như kinh doanh và tiêu dùng. Cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều có tâm lý “chờ dịch đạt đỉnh”.
“Tất cả các hoạt động kinh doanh và tiêu dùng đều chịu áp lực, khi lượng bán hàng của doanh nghiệp và thu nhập của người dân đều giảm”, Hamrick nói.
Khi dịch bệnh lan ra ngoài ổ dịch Trung Quốc, người tiêu dùng khắp nơi đều ngần ngại ra ngoài mua sắm, du lịch hay ăn uống. Hậu quả là các công ty ngừng tuyển dụng và đầu tư, khiến tiêu dùng bị ảnh hưởng ngược trở lại, theo Bloomberg.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hôm 6/3 cho rằng dịch bệnh tác động lên Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á đang phát triển theo nhiều kênh. Nhu cầu nội địa, du lịch, kinh doanh du lịch, chuỗi sản xuất, cung ứng và sức khỏe con người đều sụt giảm. GDP toàn cầu có thể mất 0,1% đến 0,4%, tương đương 77 – 347 tỷ USD năm nay. Trong tất cả các kịch bản, Trung Quốc đều gánh khoảng hai phần ba thiệt hại.
Tiến sĩ Scott MacDonald, chuyên gia kinh tế trưởng của tổ chức tư vấn Smith’s Research and Gradings, Mỹ, một trong những nhà phân tích hàng đầu ở Phố Wall, ước tính Covid-19 sẽ tác động lớn đến kinh tế toàn cầu, có thể khiến tăng trưởng chung ở dưới mức 3% . Tăng trưởng của Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản và hầu hết các nước Mỹ Latinh có mức giảm mạnh.
Video đang HOT
Walden cho rằng tác động lớn nhất của Covid-19 đến kinh tế thế giới thể hiện ở mức sụt giảm trên thị trường chứng khoán. Hôm 9/3, chứng khoán Mỹ có phiên giảm mạnh nhất trong 10 năm, kể từ khủng hoảng tài chính 2008. Tại châu Âu, các chỉ số chủ chốt lao dốc ngay khi mở cửa phiên giao dịch với mức giảm phổ biến trên 7%. Chứng khoán châu Á cũng đỏ lửa. Các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong đều đi xuống với mức giảm 3-5%. Hai nguyên nhân chính được cho là mối lo kinh tế lao dốc vì Covid-19 và giá dầu giảm mạnh.
Chuyên gia Hamrick đánh giá phản ứng của thị trường tài chính với Covid-19 đã trở thành xu hướng phổ biến trên toàn cầu. Giá cổ phiếu giảm mạnh, lợi suất trái phiếu cũng giảm khi các nhà đầu tư cố gắng tìm đến tài sản trú ẩn an toàn.
Covid-19 có thể dẫn tới hệ quả thay đổi cơ cấu chuỗi cung ứng trên thế giới, theo Phó giáo sư Salvatore Babones, Đại học Sydney, Australia. Ông cho rằng áp lực với các nguồn hàng dự trữ tăng khi các nhà máy của Trung Quốc ngưng trệ kéo dài. Nhiều công ty trên thế giới đã chuyển sang chiến lược thay đổi nguồn cung hàng, không coi Trung Quốc là cung cấp duy nhất.
Brett Bruen, cựu Giám đốc phụ trách các vấn đề toàn cầu của Nhà Trắng từ 2013 -2015 dưới thời cựu tổng thống Obama và hiện là Chủ tịch Công ty tư vấn Global Situation Room, Mỹ, cho rằng cách xử lý dịch của Trung Quốc có thể khiến các nhà đầu tư mất niềm tin vào chính quyền, tìm cách chuyển cơ sở sản xuất sang nước khác. Về dài hạn, Việt Nam nên chuẩn bị để đón nhận sự dịch chuyển này.
MacDonald cũng dự đoán Covid-19 sẽ thúc đẩy xu hướng dịch chuyển nguồn cung chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, có thể sang các nước Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.
MacDonald nhận định việc hạn chế thiệt hại do Covid-19 rất “khó khăn”. Các ngân hàng trung ương vẫn cần duy trì khả năng hỗ trợ, nhưng điều mấu chốt là chính phủ có chính sách kích thích kinh tế, tăng chi tiêu. Tại Mỹ, các nhà đầu tư trông đợi Cục Dự trữ liên bang cắt giảm lãi suất vài lần trong 2020.
“Khi dịch suy giảm, các hoạt động kinh doanh, tiêu dùng, thị trường và hoạt động của cả chính phủ sẽ trở lại như trước đây. Tuy nhiên thời điểm đó chưa ở trong tầm nhìn của chúng ta”, Hamrick nói.
Trên phương diện xã hội, Walden khuyến khích các nước nhanh chóng kiểm soát các cá nhân bị nhiễm nCoV; nỗ lực ngăn virus lây lan xuyên biên giới. Chính phủ các nước cũng cần cập nhật minh bạch diễn biến của dịch, thúc đẩy việc hướng dẫn công dân các cách phòng ngừa.
Babones đánh giá mối nguy thực sự với thương mại thế giới sẽ xảy ra nếu các đợt bùng phát dịch thứ yếu, ở bên ngoài Trung Quốc, như tại Hàn Quốc và châu Âu không được kiềm chế. Khi đó kinh tế thế giới sẽ “thực sự gặp rắc rối”.
Theo Babones, các nước cần tăng cường hạn chế “việc di chuyển tùy ý”, cả ở trong nước và quốc tế. Biện pháp này là “đau đớn” với ngành hàng không nhưng là việc cần thiết để ngăn virus lây lan. Ngành hàng không có thể được chính phủ hỗ trợ.
“Giảm quy mô lây lan của dịch, thiệt hại cũng sẽ giảm. Điều đó rất đơn giản. Khó khăn kinh tế trong ngắn hạn sẽ giúp tiết kiệm lớn chi phí y tế và thiệt hại về người trong dài hạn”, Babones nói.
Bản đồ Covid-19 trên thế giới. Bấm vào hình để xem chi tiết.
Việt Anh
Theo vnexpress.net
Người châu Âu lĩnh tiền để ở nhà ngừa Covid-19
Người lao động được nhận lương khi chăm sóc trẻ bị cách ly hay nghỉ ốm hưởng lương tới 6 tháng, giúp giảm bớt ảnh hưởng Covid-19 ở châu Âu.
Châu Âu đôi khi được coi là khu vực có chính sách xã hội quá hào phóng. Nhưng khi các quốc gia trên thế giới chật vật kiềm chế Covid-19, một số nhà phân tích cho rằng những chương trình xã hội và quy định bảo vệ lao động của châu Âu có thể hữu ích trong việc tránh suy thoái kinh tế do tác động của dịch.
Hành khách ngồi đợi tại sân bay Linate ở Milan, Italy ngày 8/3. Ảnh: AFP.
Hệ thống y tế phổ thông của châu Âu có thể giúp chống đỡ cho nền kinh tế, bởi người dân không phải "thắt lưng buộc bụng" vì quá lo lắng tới chi phí điều trị lớn. "Nếu ở Mỹ, tôi sẽ lo lắng hơn về chi phí khám chữa bệnh", Ángel Talavera, nhà kinh tế tại Oxford Economics ở London, nói. "Đối với người châu Âu, đó không phải là mối lo ngại".
Italy hôm 5/3 công bố gói hỗ trợ trị giá 7,5 tỷ EUR (khoảng 8,5 tỷ USD) để giúp đỡ các doanh nghiệp và gia đình chịu ảnh hưởng bởi nCoV, thêm vào khoản 900 triệu EUR được công bố hai tuần trước.
Hầu hết chính phủ châu Âu yêu cầu doanh nghiệp cho phép nhân viên nghỉ ốm có lương. Đức, Pháp, Đan Mạch và Hà Lan là một trong những nơi người lao động được nhận 100% lương nếu họ bị bệnh, bị cách ly hoặc được chủ lao động yêu cầu ở nhà. Ở Pháp, người lao động có quyền nghỉ việc mà không bị trừ lương hoặc đối mặt với hình phạt, nếu họ tin rằng họ đối mặt rủi ro về sức khỏe khi đi làm.
Các nhân viên và công đoàn tại bảo tàng Louvre ở Paris đầu tuần trước biểu quyết nhất trí ngừng làm việc vì lo ngại du khách có thể làm lây lan virus. Ban lãnh đạo phản đối quyết định này nhưng không thể đảo ngược nó, khiến bảo tàng đông khách nhất thế giới bị đóng cửa trong ba ngày. Các nhân viên trở lại làm việc vào ngày 4/3, sau khi các quan chức công bố biện pháp y tế tăng cường.
Dễ nhận thấy hậu quả kinh tế mà Covid-19 gây ra ở châu Âu. Việc hủy Triển lãm Ôtô Quốc tế Geneva tuần trước khiến ngành công nghiệp ôtô châu Âu mất một trong những sự kiện hàng đầu và hàng triệu USD họ bỏ ra để chuẩn bị đã "đổ xuống sông xuống bể".
Một số chính phủ đang hành động quyết liệt hơn để giảm nhẹ gánh nặng tài chính, đặc biệt là đối với các công ty vừa và nhỏ chiếm phần lớn hoạt động kinh tế ở châu Âu, bằng cách giảm thuế, gia hạn thời hạn nộp thuế và nới lỏng quy định tiếp cận nguồn tài chính của chính phủ. Pháp tuyên bố Covid-19 là trường hợp bất khả kháng, có nghĩa là các nhà cung cấp không bị phạt nếu không thực hiện được hợp đồng của chính phủ.
Tại Italy, ổ dịch lớn nhất ở châu Âu, chính phủ hứa sẽ triển khai các biện pháp mà họ từng sử dụng sau các trận động đất với 11 thị trấn bị cách ly ở Lombardy và Veneto, nơi một số doanh nghiệp đang mất 100% thu nhập. Các công ty có thể nhanh chóng sử dụng trợ cấp thất nghiệp để chi trả lương cho những nhân viên đang phải nghỉ làm và họ được phép nộp thuế muộn.
Trong khi đó, các quốc gia khác đang chờ đợi cho đến khi có dấu hiệu thiệt hại kinh tế rõ ràng hơn. Tại Tây Ban Nha, các quan chức cho biết còn quá sớm để thực hiện các biện pháp can thiệp tài chính. Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz hứa vào tuần trước rằng chính phủ sẽ hành động nếu dịch tác động mạnh lên nền kinh tế, nhưng không đưa ra bất kỳ đề xuất cụ thể nào.
Trong khi đó, các quốc gia ghi nhận dịch lây lan mạnh đang dốc toàn lực. Pháp đưa ra các biện pháp mới cho phép những phụ huynh không thể tìm được dịch vụ chăm sóc trẻ em được trả lương đầy đủ khi ở nhà trông trẻ bị cách ly. Tại Đan Mạch, phụ huynh có thể nghỉ tới 52 tuần để chăm sóc trẻ dưới 18 tuổi bị bệnh nặng.
Chủ lao động ở Anh được yêu cầu cho nhân viên nghỉ làm nếu người thân hoặc trẻ em phụ thuộc của họ bị bệnh. Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố tuần trước rằng hệ thống thanh toán lương cho người nghỉ ốm của nhà nước sẽ bắt đầu chi trả từ ngày đầu tiên điều trị cho những người nghi nhiễm nCoV, thay vì từ ngày thứ tư như đối với các bệnh khác.
Tại Lombardy, miền bắc Italay, Taylan Arslan, 33 tuổi, buộc phải hoãn mở xưởng làm kebab sau khi chính phủ áp đặt lệnh cấm với tất cả hoạt động kinh tế không quan trọng, khiến 57 nhân viên không thể đi làm. Theo kế hoạch hỗ trợ khẩn cấp của chính phủ, Arslan có thể tiếp cận trợ cấp thất nghiệp cho nhân viên dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Arslan cũng sẽ nhận được 500 EUR hỗ trợ, dù số tiền này không thấm vào đâu so với khoản thu nhập anh bị mất, ngay cả khi được giảm thuế. Anh ước tính mình mất 12.000 EUR (13.500 USD) mỗi ngày.
"Chính phủ có thể giữ khoản 500 EUR mỗi tháng của họ lại", Arslan nói, lo lắng về hàng tấn thịt bị hỏng trong tủ đông. "Tôi cần phải làm việc".
Tuy nhiên, bản thân Italy đã đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế, nợ chính phủ vượt xa tổng sản lượng kinh tế hàng năm và Rome không thể để mất niềm tin của các nhà đầu tư trái phiếu.
"Chính phủ có thể giúp đỡ trong thời gian ngắn", Carl Weinberg, nhà kinh tế trưởng tại viện nghiên cứu High Frequency Economics ở Mỹ, nói. "Nhưng chính phủ không thể hỗ trợ người dân mãi mãi".
Phương Vũ (Theo NYTimes)
Theo vnexpress.net
Nhân viên sân bay Thái Lan nhiễm nCoV Hai nhân viên xuất nhập cảnh tại sân bay Suvarnabhumi, Bangkok, dương tính với nCoV và có thể đã tiếp xúc với nhiều hành khách. Sopon Iamsirithaworn, quan chức thuộc Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan, cho biết hai nhân viên kiểm soát xuất nhập cảnh trên được chẩn đoán nhiễm nCoV vào ngày 7/3 và 8/3, thêm rằng họ có thể...