Chuyên gia chỉ ra lý do Israel chủ đích phá hủy các tòa nhà ở Gaza
Theo nhà xã luận Ted Rall của kênh podcast DMZ America, mục đích chiến dịch trả đũa của Israel không phải là giết người mà muốn san phẳng Gaza.
Khói lửa bốc lên trong các cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza nhằm đáp trả loạt rocket của Phong trào Hamas nhằm vào lãnh thổ nhà nước Do Thái, ngày 7/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Hầu hết các loài sinh vật trên thế giới không bị tuyệt chủng vì bị săn lùng đến chết, mà bởi vì môi trường sống của chúng bị phá hủy.
Ông Ted Rall tin rằng mục tiêu chiến tranh của Israel ở Dải Gaza là phá hủy nhiều nhất có thể các tòa nhà chung cư, cửa hàng, trường học, bệnh viện và các cơ sở hạ tầng khác, khiến vùng lãnh thổ này trở thành một nơi không thể sinh sống được.
Theo Liên hợp quốc, 45% số nhà ở ở Dải Gaza bị hủy hoại hoàn toàn. Khoảng 1,5 triệu trong tổng số 2,3 triệu dân phải di dời khỏi chỗ ở của mình, trở thành người vô gia cư và sống cơ nhỡ trên đường phố.
Chỉ một trong số 18 bệnh viện ở phía Bắc Gaza, khu vực đông dân nhất của Dải Gaza cho đến 6 tuần trước, vẫn còn hoạt động. Bốn tuần sau chiến tranh, 61% tổng số việc làm ở Gaza – một trong những nơi vốn dĩ có tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói cao ngất ngưởng – biến mất.
Thử tưởng tượng rằng những người kêu gọi một lệnh ngừng bắn đạt được mục đích và ngay lập tức có hiệu lực vào ngày mai. Tuy nhiên lúc đó, ngay cả khi Israel nói với người dân Gaza rằng họ có thể trở về nhà an toàn thì một nửa dân số đã không còn nơi để về. Thậm chí khi có nhà trở về, nhiều công trình ở trong tình trạng hư hỏng nặng, nửa còn lại thì không có nước, điện, nhiên liệu, dịch vụ Internet để cho người dân tiếp tục cuộc sống sinh hoạt. Họ không có cửa hàng để đến mua thực phẩm, quần áo hay bất kỳ thứ gì khác. Họ cũng không có việc làm để kiếm thu nhập, để đi mua những đồ thiết yếu đó. Không có trường học cho con cái đến trường, không có bệnh viện để chữa trị khi ốm đau hoặc bị thương.
Một phóng viên từng sống ở Gaza trước khi xảy ra xung đột đã mô tả khung cảnh tại Gaza đã bị biến dạng sau 42 ngày không kích và gần 3 tuần Israel triển khai chiến dịch trên bộ. Anh chia sẻ nhiều lúc anh còn không xác định được vị trí mình đang ở vì nơi nào cũng đổ nát giống nơi nào.
Trong khi đó, một nhà báo khác đưa tin phía Bắc Gaza đã biến thành một bộ xương. “Đứng trên phố Salah al-Din ở thành phố Gaza một tuần trước, tôi nhìn thấy những tòa nhà đổ nát ở mọi hướng. Sẽ không có ai có thể sống trong vùng thảm họa như vậy. Israel, Saudi Arabia hay bất kỳ bên nào khác dường như sẽ không lao vào dọn dẹp mớ hỗn độn này”, nhà báo giấu tên chia sẻ.
Video đang HOT
Khung cảnh đổ nát tại Dải Gaza sau các đợt không kích từ Israel. Ảnh: TTXVN/AFP
Phe cánh tả chống chủ nghĩa Phục quốc Do Thái tin rằng Israel đang lên kế hoạch cho một Nakba 2.0, một cuộc cưỡng bức di dời người dân Palestine khỏi Gaza. Trong một bản ghi nhớ nội bộ của chính phủ Israel bị rò rỉ mới đây, ý tưởng về “cơ hội duy nhất và hiếm có để sơ tán toàn bộ Dải Gaza với sự phối hợp của chính phủ Ai Cập” được đề cập. Tất cả những điều này dẫn đến một kết luận không thể tránh khỏi: sau khi Dải Gaza không còn người dân Palestine, Israel sẽ sáp nhập nó.
Mặc dù việc sáp nhập chắc chắn là mục tiêu, song theo nhà bình luận Ted, Israel không có ý định giết tất cả người Palestine hoặc trục xuất họ bằng vũ lực.
Nếu hành động triệt để như vậy, Israel sẽ phải đối mặt với sự chỉ trích gay gắt từ cộng đồng quốc tế, thậm chí đứng trước nguy cơ bị đồng minh Mỹ cắt đứt quan hệ.
Để đạt được mục tiêu, không còn cách nào khác là Israel phải làm cho người Palestine tự nguyện rời khỏi Gaza. Dải Gaza hiện là một “địa ngục” không thể sống được với những đống gạch vụn bao phủ hàng ngàn xác chết. Các thi thể thối rữa thúc đẩy các làn sóng bệnh dịch như bệnh lao và bệnh tả lây lan nhanh.
Theo Cơ quan Giám sát Nhân quyền Euro-Địa Trung Hải, việc tiếp xúc với xác chết đang phân hủy, quần áo bẩn và dụng cụ bị ô nhiễm có thể lây lan bệnh viêm gan, bệnh lao và HIV, đồng thời ô nhiễm nguồn cung cấp nước ngầm. Chim, các loài động vật gặm nhấm và côn trùng ăn xác người làm lây lan các bệnh khác, bao gồm bệnh sốt rét.
Sau nhiều năm khi hòa bình được thiết lập trở lại, hậu quả từ chiến tranh tiếp tục giết chết con người. Những công trình đổ nát không thể xử lý ngay lập tức. Quá trình rà soát chuyên nghiệp bom và vật liệu chưa nổ sẽ mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ.
Ngay sau ngày 7/10, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã thả tờ rơi xuống phía Bắc Gaza ra lệnh cho người dân sơ tán về phía Nam – một vùng an toàn. Hầu hết mọi người đều tuân thủ. IDF nhanh chóng kiểm soát miền Bắc.
Giờ đây, một đợt truyền đơn thứ hai đang rơi xuống phía Đông Khan Younis, thành phố lớn nhất ở miền Nam Gaza, yêu cầu người dân chạy từ Đông Nam sang Tây Nam để tránh một vụ ném bom rải thảm.
Rõ ràng người Israel đang dồn người Palestine về phía hướng cửa khẩu Rafah vào Ai Cập. Một khi người tị nạn Gaza tập trung trước cổng Rafah, Israel sẽ mở cửa biên giới. Người Palestine sẽ tràn vào và băng qua Bán đảo Sinai để có được một chỗ ở mới, hy vọng về một tương lai.
Nhìn trước được tương lai đó, trong một tuyên bố gần đây, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi nhấn mạnh: “Những gì đang xảy ra ở Gaza là một nỗ lực buộc dân thường phải tị nạn và di cư đến Ai Cập. Điều này không thể chấp nhận được”. Tuy nhiên, Ai Cập vẫn không thể làm được gì để ngăn chặn điều đó. Tổng thống Sisi lưu ý kịch bản như vậy sẽ khiến Bán đảo Sinai trở thành “căn cứ để phát động các hoạt động chống lại Israel”.
Nếu dự đoán của nhà lãnh đạo Sisi thành hiện thực thì đó sẽ là một cái kết giành chiến thắng đậm cho Israel. Quan trọng nhất là Israel sẽ sáp nhập Gaza. Họ sẽ dọn dẹp đống đổ nát và biến Gaza thành những khu nghỉ dưỡng sang trọng bên bờ biển, đẩy mối nguy tên lửa từ Hamas ra xa các trung tâm dân cư lớn của Israel hơn.
Israel quyết truy lùng Hamas đến cùng bất chấp lo ngại quốc tế
Quân đội Israel tuyên bố sẽ tiến tới bất cứ nơi nào Hamas tồn tại, bao gồm cả phần phía Nam của Dải Gaza, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về những ảnh hưởng đối với dân thường tại khu vực này.
Người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Daniel Hagari ngày 17/11 (giờ địa phương) cho biết: "Chúng tôi quyết tâm thúc đẩy hoạt động của mình. Việc tấn công sẽ xảy ra ở bất cứ nơi nào Hamas tồn tại, kể cả ở phía Nam dải đất. Điều này sẽ xảy ra vào thời gian, địa điểm và điều kiện tốt nhất cho quân đội Israel".
Bình luận của người phát ngôn IDF được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về kế hoạch của Israel nhằm mở rộng hoạt động quân sự ở các khu vực phía Nam Dải Gaza, nơi người dân đang tìm mọi cách ẩn náu để tránh giao tranh.
Reuters đưa tin, dân thường ở các khu vực phía Đông Nam Gaza đã nhận được thông báo từ tờ rơi do máy bay của phía Israel thả xuống yêu cầu di chuyển đến một "vùng an toàn" nhỏ hơn ở thị trấn ven biển Mawasi, có diện tích chỉ 14 km2.
Khói bốc lên sau các đợt không kích tại Dải Gaza. Ảnh: Reuters
Israel đã thề sẽ tiêu diệt phong trào Hamas sau vụ tấn công của phong trào này vào Israel hôm 7/10 khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và 240 người bị bắt làm con tin. Kể từ đó, Israel đã liên tục dội bom vào phần lớn Dải Gaza, khiến khoảng 2/3 người dân Gaza lâm cảnh vô gia cư.
Tại bệnh viện lớn nhất Gaza Al Shifa, Israel cùng ngày cho biết lực lượng của họ đã tìm thấy một phương tiện chở một số lượng lớn vũ khí và một công trình ngầm mà họ gọi là trục đường hầm của mạng lưới phong trào Hamas, sau hai lần tấn công.
Israel từ lâu đã khẳng định rằng bệnh viện này, vốn đã hứng chịu các đợt tấn công dữ dội những ngày qua, nằm phía trên một hầm ngầm rộng lớn có trụ sở chỉ huy của Hamas. Nhân viên bệnh viện Al Shifa liên tục phủ nhận thông tin trên. Israel cũng chưa cung cấp dữ liệu này để minh chứng cho tuyên bố của mình.
Trong khi đó, phía phong trào Hamas phủ nhận việc sử dụng bệnh viện cho mục đích quân sự. Họ cho biết một số con tin đã được điều trị tại các trung tâm y tế chứ không bị giam giữ tại đây.
Xe tăng Merkava của quân đội Israel xuất hiện gần Dải Gaza. Ảnh: Reuters
Khi xung đột Israel - Hamas sắp bước vào tuần thứ 7, không có dấu hiệu nào cho thấy giao tranh sẽ lắng lại, bất chấp lời kêu gọi ngừng bắn của quốc tế hoặc ít nhất là tạm dừng bắn vì mục đích nhân đạo.
Cơ quan y tế Dải Gaza ngày 17/11 đồng thời thông báo hơn 12.000 người được xác nhận đã thiệt mạng sau các vụ tấn công của Israel, trong đó có 5.000 trẻ em. Nhiều người khác vẫn đang mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Công tố viên trưởng Tòa hình sự quốc tế (ICC) Karim Khan cho biết, 5 quốc gia bao gồm Nam Phi, Bangladesh, Bolivia, Comoros và Djibouti đã gửi đơn kiến nghị tới ICC để yêu cầu điều tra "tình hình tại Palestine".
Trong diễn biến mới nhất, Israel cho biết họ đã đồng ý cho hai xe tải nhiên liệu vào Dải Gaza mỗi ngày theo yêu cầu của Mỹ để giúp Liên hợp quốc đáp ứng các nhu cầu cơ bản của dân thường, đồng thời đề cập đến kế hoạch tăng cường viện trợ rộng rãi hơn, bao gồm cả việc thành lập các bệnh viện dã chiến để điều trị cho những người dân Dải Gaza bị thương
Israel loay hoay với chiến lược hậu chiến tại Gaza Kế hoạch của Israel đối với Gaza là gì trong trường hợp nước này đạt được mục tiêu loại bỏ Hamas. Một tòa nhà bị phá hủy sau các cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 9/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN Quân đội Israel đang siết chặt kiểm soát ở phía Bắc Gaza trong bối cảnh cuộc chiến của nước này với phong...