Chuyên gia chỉ cách chọn bưởi Diễn chuẩn ngon “hết sảy”
Nếu không để ý, người mua sẽ dễ chọn phải loại bưởi Diễn giả, hoặc chất lượng kém. Cùng nghe chuyên gia chỉ cách chọn “chuẩn ngon” loại trái cây đặc sản Thủ đô…
Đặc trưng của bưởi Diễn dáng quả tròn đều, vỏ căng, vàng rơm hoặc sậm, nặng từ 600-800gr.
Mang vị ngọt, thơm mát thanh khiết riêng, bưởi Diễn nổi tiếng cả nước, được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng. Loại trái cây đặc sản của Thủ đô này ngon đến độ nhiều người ví von, “ăn một lại muốn ăn hai, ăn xong một quả đến mai lại thèm”…Mỗi dịp Tết về, thị trường bưởi Diễn luôn nhộn nhịp, sôi động.
Chuyên gia Nguyễn Văn Kiên chia sẻ bí quyết chọn bưởi Diễn
Còn chưa đầy 1 tháng là đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu, Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Phú Diễn (gọi tắt HTX Phú Diễn, xã Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đang mở bán rầm rộ hơn 100.000 quả bưởi Diễn phục vụ thị trường.
Với kinh nghiệm sản xuất kinh doanh từ 30 trang trại thuộc HTX Phú Diễn, chuyên gia Nguyễn Văn Kiên – Trưởng phòng kinh doanh của Hợp tác xã chia sẻ bí quyết chọn bưởi Diễn “chuẩn ngon”.
Video đang HOT
Cuống bưởi Diễn thường nhỏ, dai.
Anh Kiên cho biết, bưởi Diễn là sản phẩm trái cây ngon, sạch. Quy trình trồng chăm sóc sử dụng chế phẩm sinh học an toàn. Đặc biệt, người trồng bưởi ở Phú Diễn duy trì kinh nghiệm dân gian, sử dụng đậu tương (ủ hoặc xay nhỏ) bón cây cho quả giàu vị ngọt. Đặt đèn, bẫy thủ công diệt trừ côn trùng bảo vệ cây…
Một địa điểm bán hàng vạn quả bưởi Diễn đắt hàng trước Tết
Theo anh Kiên, muốn chọn mua được bưởi Diễn ngon, người mua cần lưu ý: Đặc trưng bưởi Diễn có hương thơm tự nhiên, dáng quả tròn đều, cuống nhỏ, vỏ căng, cầm chắc tay, trọng lượng chuẩn từ 600-800gr/quả (to khoảng 3 nắm tay). Vỏ bưởi mỏng, xấu (ít mịn bóng), màu vàng rơm hoặc vàng sậm. Những quả rám nắng, dẹt, vàng sậm ngọt hơn vàng tươi. Nếu chọn bưởi Diễn ăn ngay, nên chọn những quả da nhăn, héo. Lúc này tép bưởi xuống nhiều nước, hương thơm phảng phất. “Bên trong quả bưởi Diễn, khi bóc đến lớp cùi có vỏ lụa màu vàng óng. Bóc múi, các tép vàng mượt, vị ngọt, thơm mát thanh khiết”, anh Kiên nói.
Bưởi Diễn được bảo quản nơi khô thoáng, không để tủ lạnh.
Đồng thời, Trưởng phòng kinh doanh HTX Phúc Diễn cũng chỉ dẫn cách bảo quản bưởi Diễn như sau: “Sau khi hái, bôi vôi vào cuống bưởi để ngăn vi khuẩn, bảo vệ quả bưởi để được lâu. Sau hái từ 3 tháng, vỏ bưởi se lại, xuống nước nhiều, vị càng ngọt hơn. Lau sạch, cho bưởi vào túi lưới, hoặc xếp bưởi trên một lớp cát đặt ở góc nhà khô thoáng. Không cho bưởi vào túi lưới khi thời tiết nồm. Đặc biệt, tuyệt đối không để bưởi vào tủ lạnh, tránh hư hỏng nhanh”.
Bưởi Diễn cảnh cũng là một trong những sản phẩm được thị trường Tết ưa chuộng.
Dịp Tết năm nay, xuất hiện bưởi Diễn được dán tem, đóng hộp chuyên nghiệp.
Cũng chia sẻ kinh nghiệm về bưởi Diễn, anh Đỗ Thanh Tùng (Đống Đa, Hà Nội) – người nhiều năm kinh doanh bưởi Diễn Tết chia sẻ, các loại bưởi thường, bưởi Trung Quốc có cuống to hơn bưởi Diễn, vỏ dày hơn, màu sắc bóng bẩy. Bưởi Trung Quốc quả to, dài, có màu vàng chanh, khác với vàng rơm, sậm của bưởi Diễn. Trong khi bưởi Diễn chuẩn nặng từ 600-800gr, thì bưởi Trung Quốc nặng tới 1,8-2kg.
Về giá bán, theo HTX Phú Diễn, trung bình giá bưởi Diễn giao động từ 40.000-90.000 đồng/quả. Bưởi diễn loại 1 của những cây trên 20 năm tuổi được HTX Phú Diễn bán với giá 70.000 đồng/quả. Loại 2 là từ những cây từ 16-dưới 20 năm có giá 60.000 đồng/quả; loại 3 là cây từ 12- dưới 16 năm giá 50.000 đồng/quả, còn lại quả của cây từ 8 – dưới 12 năm được bán giá 40.000 đồng/quả.
Theo Danviet
Sản xuất lúa theo VietGAP, nông dân hưởng lợi kép
Chuyển đổi sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ giúp nông dân xã Yên Thái, huyện Yên Mô (Ninh Bình) giảm chi phí, tăng năng suất, mà còn tạo ra nông sản hàng hóa chất lượng cao, đồng đều, an toàn cho người sử dụng và môi trường.
Chi phí giảm, năng suất tăng
Hợp tác xã (HTX) Đông Thôn, xã Yên Thái là một trong hai đơn vị được Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình chọn làm điểm để xây dựng mô hình thâm canh lúa tổng hợp theo hướng VietGAP trong năm 2016. Mới thử nghiệm nhưng vào vụ thu hoạch vừa qua, bà con rất phấn khởi vì lúa được mùa.
Nông dân thu hoạch lúa đông xuân 2016 trên cánh đồng xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh (Ninh Bình). Ảnh: Hải Đăng
Trò chuyện khi đang lội ruộng thăm lúa, chị Vũ Thị Bích ở xóm 1 cho biết: "Thời gian đầu thấy cán bộ xã đi vận động gia đình cũng băn khoăn nhiều, nhưng vẫn mạnh dạn làm. Đến giờ thấy bông lúa to, đều, lại không bị bệnh bạc lá nên tôi an tâm".
Chị Bích cho biết thêm, khi tham gia mô hình, các hộ được cán bộ địa phương xuống tận ruộng hướng dẫn áp dụng các biện pháp thâm canh lúa tổng hợp, sử dụng giống lúa có năng suất, chất lượng cao, gieo cấy tập trung, cấy mạ non, bón phân cân đối nên cây lúa cứng, ruộng thông thoáng. "Cái được nhất khi làm lúa VietGAP là tỷ lệ, mật độ sâu hại thấp và giảm hơn rất nhiều so với việc cấy lúa thường. Nhờ đó, nông dân không chỉ giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), giảm chi phí sản xuất mà còn bảo đảm được sức khỏe, có thêm thời gian làm việc khác" - chị Bích chia sẻ.
Cùng tham gia mô hình cây lúa VietGAP với hộ gia đình chị Bích, ông Phạm Văn Được ở xã Khánh Thành (Yên Khánh) cho rằng: "So với việc cấy lúa thường, sản xuất lúa theo chuẩn VietGAP giảm được khá nhiều chi phí. Riêng vụ mùa năm nay, nhờ giảm lượng giống và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào chăm sóc, lúa đã giúp gia đình tôi giảm từ 30 - 40% chi phí".
Là vụ mùa đầu tiên áp dụng mô hình sản xuất lúa theo chuẩn VietGAP, xã Yên Thái, huyện Yên Mô triển khai trên diện tích 10ha với hơn 300 hộ tham gia. Ông Phạm Văn Thận - Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Đông Thôn, xã Yên Thái cho biết: "Ban đầu triển khai làm, nông dân còn khá lúng túng. Song đến nay, bà con đã quen dần với phương pháp sản xuất mới. Đáng nói, việc xây dựng mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP đã giúp nông dân trong vùng biết cách quản lý đồng ruộng bằng cách ghi chép nhật ký sản xuất an toàn, vệ sinh đồng ruộng sạch phần bảo vệ môi trường sinh thái".
Nói về hiệu quả việc áp dụng phương pháp sản xuất mới, ông Thận cho hay: So sánh giữa ruộng mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP và ruộng cấy truyền thống thì ruộng trong mô hình đẻ nhánh tập trung và kết thúc đẻ nhánh sớm hơn so với ruộng cấy truyền thống, tỷ lệ bông hữu hiệu cao hơn so với ruộng cấy truyền thống là 6,5%. Mật độ sâu, tỷ lệ hại của các đối tượng sâu bệnh hại ở ruộng mô hình cũng thấp hơn. "Đặc biệt, ở ruộng trong mô hình chi phí giống, thuốc BVTV thấp hơn trong khi năng suất lại cao hơn nên hiệu quả kinh tế cao hơn ruộng cấy truyền thống khoảng gần 7 triệu đồng/ha" - ông Thận nhấn mạnh.
Tiếp tục nhân rộng mô hình
Ông Vũ Khắc Hiếu - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở NNPTNT Ninh Bình) cho rằng: Trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về các sản phẩm gạo ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, năm 2016, Chi cục đã xây dựng mô hình thâm canh lúa tổng hợp theo hướng VietGAP tại 2 đơn vị là xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh) và xã Yên Thái (huyện Yên Mô) với diện tích 40ha/2 vụ và bước đầu mang lại nhiều tín hiệu khả quan.
"Kết quả này sẽ là cơ sở để Chi cục tham mưu với Sở NNPTNT triển khai nhân rộng sản xuất lúa VietGAP trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, hình thành những vùng sản xuất được ứng dụng nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật dựa trên cơ sở của hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI, kỹ thuật IPM. Từ đó, đưa nông nghiệp Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững theo hướng tạo ra các sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh cao, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy công cuộc phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới..." - ông Hiếu cho hay.
Theo Danviet
Bí quyết phân biệt nấm hương xịn Vừa qua, một số đơn vị đã trà trộn nấm hương nhập từ nhiều nguồn khác nhau rồi đóng gói, biến thành nấm hương tươi Việt Nam. Việc nhập nhèm nguồn gốc nấm như vậy không chỉ làm cho người tiêu dùng mất niềm tin vào nấm Việt, mà còn khiến người trồng nấm và cả những doanh nghiệp làm ăn chân chính...