Chuyên gia cảnh báo xét nghiệm kháng thể thiếu chính xác
Các nhà khoa học tại Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ cho biết xét nghiệm kháng thể chỉ có giá trị trong sàng lọc đại trà, không giúp chẩn đoán Covid-19.
Ngày 18/8, Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ công bố báo cáo cho thấy nhiều xét nghiệm kháng thể cho ra kết quả dương tính hoặc âm tính giả. Các chuyên gia nhận định phương pháp xét nghiệm này chỉ để kiểm tra sàng lọc dân số tại cụm dịch nói chung, không có giá trị chẩn đoán bệnh. Kết luận mới dường như mâu thuẫn với hướng dẫn trước đó, rằng xét nghiệm kháng thể có thể sử dụng khi phương pháp PCR chưa sẵn sàng.
Tiến sĩ Angela M. Caliendo, chuyên gia tại Trường Y Alpert, Đại học Brown, cho biết những người từng mắc Covid-19, có triệu chứng kéo dài dai dẳng, cũng không nên tiến hành xét nghiệm kháng thể để kiểm tra xem mình đã hoàn toàn miễn dịch với virus hay chưa.
“Chúng tôi chưa chắc liệu kết quả dương tính (sau nhiễm bệnh) có đồng nghĩa với việc bạn đã miễn dịch hay không. Nếu bạn mắc Covid-19 từ tháng 3, khả năng kháng thể không còn nữa. Nếu bạn chỉ bị ốm nhẹ, có khi bạn còn chưa có kháng thể”, tiến sĩ Caliendo nói.
Nhân viên y tế cầm kết quả xét nghiệm kháng thể âm tính nCoV tại San Dimas, California, tháng 7/2020. Ảnh: AFP
Theo tiến sĩ Angela Caliendo, người dân sống ở khu vực tỷ lệ mắc bệnh thấp thậm chí có nguy cơ nhận kết quả dương tính giả sau mắc Covid-19 cao hơn nhiều. “Có nghĩa bạn tưởng rằng mình đã miễn nhiễm, nhưng không phải vậy”, bà nói.
Xét nghiệm kháng thể là quá trình phân tích máu để tìm ra các protein trong hệ thống miễn dịch, có khả năng liên kết với virus và vô hiệu hoá chúng. Cách làm thường hữu ích trong các cuộc kiểm tra quy mô lớn, nhằm xác định có bao nhiêu người mắc bệnh.
Video đang HOT
Ngay cả với mục đích đó, chuyên gia chỉ khuyến nghị sử dụng các bộ kit chính xác từ 96 đến 99,5%. Theo tiến sĩ Caliendo, rất ít trong số các thử nghiệm được thực hiện tại Mỹ, châu Á và châu Âu đáp ứng đủ tiêu chuẩn đó.
Quy trình này cũng không nên thực hiện tại nhà hay ngay trong văn phòng bác sĩ. Xét nghiệm uy tín nhất là Elisa hoặc CIA (xét nghiệm miễn dịch phát quang hoá học). Trong khi đó, phương pháp sử dụng dải giấy có độ chính xác kém hơn.
Trong một số trường hợp cá biệt, xét nghiệm kháng thể vẫn được dùng bổ sung. Nếu một bệnh nhân có tất cả các triệu chứng mắc Covid-19, biểu hiện bất thường ở phim chụp X-quang phổi, song vẫn có kết quả PCR âm tính, y bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng thêm xét nghiệm kháng thể.
Phương pháp này cũng được dùng khi chuyên gia nghi ngờ bệnh nhi mắc hội chứng viêm đa hệ, biến chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng ở trẻ nhiễm nCoV. Các biến chứng thường xuất hiện muộn, không rõ bao lâu sau khi nhiễm virus, bác sĩ cần thực hiện cả xét nghiệm PCR và xét nghiệm kháng thể.
Quá trình lấy mẫu máu xét nghiệm kháng thể tại London. Ảnh: AFP
Giữa đại dịch, quyết định phê duyệt khẩn cấp các kit xét nghiệm mà không xem xét lại dữ liệu an toàn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hồi tháng 4 cuối cùng để lại hệ quả không mấy tích cực.
“Thị trường tràn ngập các xét nghiệm kém chất lượng”, Tiến sĩ Kimberly E. Hanson, chuyên gia tại Bệnh viện Đại học Utah, nói.
Sau hàng loạt chỉ trích đến từ Quốc hội và các nhà khoa học, FDA đã thu hồi quyết định vào tháng 5.
Các đơn vị chuyên môn cho biết ngay cả trong những cuộc kiểm tra diện rộng, bộ kit vẫn cần đảm bảo độ chính xác cao. Trong những cộng đồng chỉ có vài người nhiễm bệnh, dù tỷ lệ dương tính hoặc âm tính giả là 1% cũng có thể dẫn đến độ sai số lớn.
Nhóm nguyên cứu lưu ý về sự khác biệt giữa xét nghiệm kháng thể và xét nghiệm kháng nguyên – phương pháp có độ chính xác không cao, cho kết quả nhanh chóng sau 15 phút. Đây là hình thức dự phòng trong sàng lọc, để đối phó tình trạng thiếu thuốc thử, vốn làm chậm quá trình xét nghiệm PCR.
Tiến sĩ Hanson cho biết xét nghiệm kháng nguyên được rất nhiều người quan tâm.
“Có quá nhiều nhà sản xuất được phê duyệt khẩn cấp, nhu cầu thì rất cao”, bà nói.
Kết quả dương tính trong xét nghiệm kháng nguyên thường được coi là chính xác, song nếu bệnh nhân nhận kết quả âm tính, cần kiểm tra lại bằng hình thức PCR.
Thụy Sĩ phát hiện virus SARS-CoV-2 trong da người
Các xét nghiệm COVID-19, bao gồm lấy dịch từ mũi, hầu họng và xét nghiệm kháng thể đều âm tính trong khi mẫu xét nghiệm da cho kết quả dương tính
Các bác sỹ tại Bệnh viện Đại học Basel của Thụy Sĩ đã xác nhận một trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 từ một mẫu da người, bất chấp việc xét nghiệm lấy mẫu dịch từ đường hô hấp của người này cho kết quả âm tính.
Thụy Sỹ phát hiện virus SARS-CoV-2 trên da người. (Ảnh: AP)
Vụ việc liên quan đến một cụ bà 81 tuổi, người đã được làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 vì có triệu chứng như sốt. Tuy nhiên, các xét nghiệm SARS-CoV-2, bao gồm lấy dịch từ mũi, hầu họng và xét nghiệm kháng thể, được thực hiện 6 tuần sau đó đều cho kết quả âm tính.
Khi bệnh nhân đến bệnh viện, bà còn bị các triệu chứng như nổi mẩn đỏ trên da. Một nhóm bác sỹ da liễu tại Bệnh viện Đại học Basel đã xét nghiệm mẫu da để tìm virus SARS-CoV-2 và đã cho kết quả dương tính.
Các phát hiện trên được công bố trên tạp chí khoa học Lancet đặt ra một loạt câu hỏi về những thiếu sót tiềm ẩn trong xét nghiệm sử dụng tăm bông lấy dịch trong mũi hiện nay.
Các tác giả nghiên cứu nhận định rằng " các mẫu tăm bông được lấy không chính xác là nguyên nhân dẫn đến số lượng tương đối lớn các xét nghiệm âm tính giả đối với SARS-CoV-2".
Theo họ, xét nghiệm mẫu sinh thiết da có thể được sử dụng như một công cụ chẩn đoán bổ sung.
Nghiên cứu cũng góp phần vào giả thuyết rằng một số bệnh nhân mắc COVID-19 có thể không thiết lập khả năng miễn dịch.
Khả năng bệnh COVID-19 làm tăng số ca mắc tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em Trong công trinh nghiên cưu công bô ngày 18/8, các nhà khoa học Anh cho biêt số ca mắc bệnh tiểu đường tuyp 1 ở trẻ em ơ nươc nay đã tăng gần gấp đôi trong giai đoạn đỉnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cho thây hai căn bênh nay co thê co môi liên quan nao đó cân đươc nghiên...