Chuyên gia cảnh báo Trung Quốc có thể “nhảy vào” nếu Mỹ rút khỏi TPP
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP ngay ngày nhậm chức vào đầu năm tới. Trong khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng, TPP vô nghĩa nếu không có Mỹ, thì nhiều chuyên gia cho rằng, đó có thể là cơ hội để Trung Quốc “nhảy vào”.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh: Reuters)
Trong một video công bố hôm qua 21/11, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố, ngay trong ngày nhậm chức vào 20/1 tới, ông sẽ quyết định rút Mỹ khỏi TPP – hiệp định mà ông từng gọi là “thảm họa”. Ông cho biết thêm, chính quyền của ông dự định sẽ thiết lập các hiệp định thương mại song phương khác công bằng hơn, giúp đưa việc làm trở lại nước Mỹ”.
Phản ứng về tuyên bố này của Tổng thống đắc cử Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng, TPP sẽ vô nghĩa nếu Mỹ không tham gia. Thủ tướng Abe cũng bác bỏ thông tin cho rằng, tại hội nghị thượng đỉnh châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở Peru cuối tuần qua, lãnh đạo các nước tham gia TPP đã thảo luận để thúc đẩy thông qua TPP mà không cần sự tham gia của Mỹ. Ông Abe nhấn mạnh, hiệp định không thể đàm phán lại bởi “điều này sẽ ảnh hưởng đến cán cân lợi ích”.
Bình luận về tuyên bố của ông Trump, Parag Khanna, chuyên gia nghiên cứu về châu Á và hội nhập toàn cầu tại Đại học Singapore, nói: “Tuyên bố của ông Trump không có gì đáng ngạc nhiên, tuy nhiên chính sách thương mại của ông ấy sẽ hủy hoại những lợi ích mà TPP có thể mang lại cho Mỹ… Tôi cho rằng tự do hóa thương mại song phương sẽ tiếp tục giữa các nước châu Á và các nước phương Tây như Canada, Mexico, Chile và các nước khác”.
Video đang HOT
Giám đốc điều hành Trung tâm thương mại châu Á, Deborah Elms, nhận định: “Điều này đặt dấu chấm hết cho sự lãnh đạo của Mỹ trong thương mại toàn cầu, và vai trò này sẽ dịch chuyển sang châu Á”.
Simon Rabinovitch, chuyên gia kinh tế của tạp chí Economist, cho rằng tuyên bố này không mới nhưng vẫn đáng thất vọng. “Sự đổ vỡ của TPP sẽ tạo ra khoảng trống ở châu Á. Hiện có nhiều đồn đoán rằng Trung Quốc sẵn sàng nhảy vào lấp đầy khoảng trống đó, trở thành lãnh đạo khu vực trong việc định hình các thỏa thuận thương mại”, chuyên gia Rabinovitch nhận định.
Đồng quan điểm này, tháng trước, Fred Hochberg – Chủ tịch ngân hàng ExIm Bank Mỹ – nhận định, Trung Quốc đã sẵn sàng “nhảy vào” nếu Mỹ rút khỏi TPP. Thực tế, Trung Quốc tuy không tham gia TPP, nhưng họ cũng đã có kế hoạch chống lại hiệp định thế kỷ này với việc thúc đẩy RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực) giữa 10 nước Đông Nam Á và 6 đối tác thương mại lân cận, gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.
TPP với sự tham gia của 12 nước chiếm 40% GDP toàn cầu, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Mỹ, Singapore, Nhật Bản và Việt Nam, được thông qua vào cuối năm ngoái sau 5 năm đàm phán ròng rã. Ngoài ra hiện nay Colombia, Philippines, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đến TPP. Đây được coi là hiệp định tự do thương mại lớn nhất hơn 1 thập niên qua.
Minh Phương
Theo Dantri
Ông Trump tuyên bố sẽ rút khỏi TPP ngay ngày nhậm chức
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã tiết lộ hàng loạt kế hoạch mà ông dự định sẽ thực hiện ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, trong đó có việc ban hành chỉ thị rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)
Trong một video công bố hôm qua 21/11, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố, ngay trong ngày nhậm chức vào 20/1 tới, ông sẽ ban hành chỉ thị rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông cho biết thêm, chính quyền của ông dự định sẽ thiết lập "các hiệp định thương mại song phương khác công bằng hơn, giúp đưa việc làm trở lại nước Mỹ".
Tuyên bố mới nhất trên cho thấy ông Trump tiếp tục phản đối TPP - hiệp định thương mại lớn nhất hơn 1 thập niên qua giữa 12 quốc gia chiếm hơn 40% GDP toàn cầu. Ông Trump từng cho rằng hiệp định này là "một thảm họa". Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi giữa tháng này cũng tuyên bố ngừng nỗ lực vận động để thông qua TPP trước khi ông hết nhiệm kỳ.
Trước tình hình này, tại cuộc gặp bên lề APEC, lãnh đạo của 12 nước thành viên TPP đã nhất trí thúc đẩy các nỗ lực thực thi TPP. Một số nhà lãnh đạo đề xuất các nước nên tiếp tục TPP mà không cần sự tham gia của Mỹ. Về phần mình, Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe nói rằng, TPP sẽ vô nghĩa nếu Mỹ không tham gia.
Trong video đăng tải trên Facebook, ông Trump cũng cho biết ý định nới lỏng các quy định hành chính, theo đó, cứ một quy định mới được đưa ra thì 2 quy định cũ sẽ được xóa bỏ. Ông muốn xóa bỏ một số hạn chế trong sản xuất năng lượng, trong đó có sản xuất dầu đá phiến, khí đốt và than đá. Ông nhấn mạnh sẽ hủy bỏ các quy định "giết chết việc làm" trong ngành năng lượng, và tạo ra hàng triệu việc làm thu nhập cao.
Ngoài ra, ông cũng sẽ chỉ thị Bộ Lao động điều tra tình trạng lạm dụng chương trình cấp thị thực, yêu cầu Bộ Quốc phòng và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng phác thảo kế hoạch bảo vệ các hạ tầng của Mỹ trước các cuộc tấn công mạng và các cuộc tấn công khác.
Tuy nhiên, ông không đề cập đến kế hoạch xây bức tường dọc biên giới Mexico ngăn người nhập cư trái phép như tuyên bố trước đó.
"Đây chỉ là một vài bước mà chúng ta sẽ thực hiện để cải cách Washington và xây dựng lại tầng lớp trung lưu. Tôi sẽ công bố chi tiết hơn trong những ngày tới khi chúng ta cùng nhau đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại cho tất cả mọi người", ông Trump nói.
Video trên được công bố cùng ngày khi ông Trump gặp gỡ với lãnh đạo các hãng truyền thông lớn tại dinh thự riêng ở Tháp Trump. Phát biểu sau cuộc họp kín này, quản lý của ông Trump, bà Kellyanne Conway khẳng định, đây là cuộc họp "thân mật, hiệu quả và rất ăn ý". Kể từ khi đắc cử, ông Trump chưa tổ chức bất cứ cuộc họp báo nào, điều này khiến dư luận chỉ trích về sự minh bạch của ông.
Minh Phương
Theo Dantri
Gia nhập TPP: "Việt Nam đang sống những ngày quá nhiều cảm xúc" Cố vấn cao cấp đoàn đàm phán Hiệp định TPP - ông Trương Đình Tuyển cho rằng: "Chúng ta có nhiều cơ hội nhưng cơ hội không tự nó, không thành lợi ích hay sức mạnh trên chiến trường. Trong khi đó, thách thức là sức ép trực tiếp và còn tuỳ thuộc vào khả năng của chúng ta". "Cơ hội không tự...