Chuyên gia Bùi Xuân Phong: “Văn hóa doanh nghiệp là vũ khí quản trị nguồn nhân lực”
Khi làm tư vấn và đào tạo nhân sự, anh Bùi Xuân Phong không giấu được những đau đáu về câu chuyện quản trị nhân sự hiệu quả. Theo anh Phong, không ít doanh nghiệp đã vượt qua những giai đoạn khó khăn không phải bằng sức mạnh tài chính mà bằng một yếu tố đóng vai trò cốt lõi: Văn hóa doanh nghiệp.
Anh Bùi Xuân Phong nguyên là Tổng Giám đốc SAM Tuyền Lâm Golf & Resorts. Anh có 15 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành khách sạn tại Việt Nam và Nhật Bản, trong đó có các thương hiệu khách sạn như: Sunway, Nikko và InterContinental. Ngoài ra, anh còn là tác giả của nhiều đầu sách, trang mạng xã hội được nhiều bạn trẻ, người làm ngành dịch vụ… quan tâm.
Là một tổng giám đốc kinh doanh, là một doanh nhân, chuyên gia cố vấn cho các dự án quản trị nhân sự… bận rộn vậy nhưng gần đây anh lại dành nhiều thời gian viết sách?
Lúc trước, tôi học chuyên Văn ở bậc phổ thông nên vốn có khiếu văn chương. Sau này, đi làm, có cơ duyên được lĩnh hội những kiến thức và kinh nghiệm từ các bậc thầy, cộng với khả năng tự học nên tôi tự đúc kết được những kiến thức phổ quát và minh họa được bằng những ví dụ mà tôi đã được thực chứng.
Khi làm tư vấn và đào tạo nhân sự, tôi nhận thấy tài liệu quản trị kinh doanh theo chuẩn quốc tế có nhiều nhưng chưa phù hợp với thông lệ Việt Nam khiến người đọc khó khăn trong việc ứng dụng thực tế.
Bởi vậy, tôi cố gắng dành thời gian viết lại những kiến thức mình có và những kinh nghiệm mình đã trải qua nhằm chia sẻ đến đông đảo bạn đọc không chỉ ở khu vực mình sống mà trên toàn quốc.
Anh Bùi Xuân Phong có 15 năm kinh nghiệm làm trong ngành khách sạn tại Việt Nam, Nhật.
Anh từng chia sẻ, “văn hóa doanh nghiệp là linh hồn của cấu trúc bộ máy, là tổng hợp các tầng, các lớp định hình và định tính chứ không phải do ý chí của lãnh đạo mà thành…”. Vậy theo anh, như thế nào là một văn hóa doanh nghiệp được xây dựng chuyên nghiệp thực thụ?
Theo tôi, văn hóa doanh nghiệp được xây dựng chuyên nghiệp sẽ hội đủ 3 hệ thống giá trị, gồm: Giá trị hữu hình, giá trị chiến lược và giá trị nhận thức. Ở đó, những giá trị hữu hình gồm những điều có thể nhìn thấy, nghe thấy và cảm nhận bằng giác quan như cơ sở vật chất, đồng phục nhân viên, ánh mắt và nụ cười của nhân viên, nội quy nhân viên, các nghi lễ, các sự kiện, các hoạt động đào tạo…
Những giá trị chiến lược gồm những biểu hiện của tầm nhìn, sứ mệnh và những giá trị cốt lõi thông qua những việc làm, hành động tạo niềm tin cho cán bộ, nhân viên và khách hàng về những điều mà tổ chức đang theo đuổi và hướng tới. Những giá trị nhận thức là những quy tắc và cam kết bất thành văn về cách hành xử, biểu hiện, thói quen… trong tổ chức.
Khi những giá trị cốt lõi, gồm giá trị hữu hình, giá trị chiến lược và giá trị nhận thức, đã thực sự trở thành văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ và tự nhiên thì dù có đổi lãnh đạo cũng khó thay đổi được văn hóa, trừ phi doanh nghiệp đó thay đổi mô hình kinh doanh, thay đổi cấu trúc tổ chức, dẫn đến thay đổi văn hóa.
Video đang HOT
Năm 2020, thiên tai, dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Vậy anh đã có “lời giải nào” để doanh nghiệp mà anh đang quản trị xây dựng văn hóa doanh nghiệp linh hoạt thích nghi và phát triển bền vững tiến về phía trước?
Theo tôi, những doanh nghiệp có vận hành kinh doanh chuyên nghiệp thì sẽ có sự chuẩn bị sẵn sàng chuẩn bị Quỹ dự phòng rủi ro để duy trì hoạt động tối thiểu vượt qua giai đoạn khó khăn hoặc có thể bình tâm xem xét những cơ hội thay đổi để ứng phó tình hình mới.
Đồng thời, công việc kinh doanh ổn định thì các doanh nghiệp ấy càng có điều kiện tập trung chăm lo cho đời sống cán bộ, nhân viên bằng các chính sách về sức khỏe và nâng cao năng lực đội ngũ bằng các hoạt động đào tạo. Theo tôi, những doanh nghiệp ấy luôn có “lời giải” trước mọi khó khăn cũng như cơ hội để linh hoạt thích nghi và phát triển bền vững.
Anh Bùi Xuân Phong giao lưu cùng sinh viên trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP. HCM.
Với chiều sâu của một chuyên gia, anh có thể chia sẻ những lời khuyên dành cho các bạn trẻ thế Y và Z cần chuẩn bị kỹ năng gì để thích nghi với bối cảnh mới để tìm được cơ hội việc làm?
Theo tôi, ngày nay, thế hệ Y và thế hệ Z có nhiều điều kiện về học vấn và lợi thế về nghề nghiệp hơn những thế hệ trước. Nhưng các bạn cũng gặp những thách thức lớn hơn những thế hệ trước về thái độ làm việc và cạnh tranh công việc.
Các bối cảnh của xã hội và công việc luôn thay đổi cũng như tôi vẫn nói “nghề chọn người chứ người không chọn được nghề”, các bạn trẻ cần có sức khỏe và vốn ngoại ngữ là hai năng lực cốt lõi dẫn dắt đến những năng lực và những cơ hội khác. Bởi vì, sức khỏe để không bao giờ gục ngã về thể chất và tinh thần. Và nhờ vốn ngoại ngữ, các bạn có thể tiếp cận tri thức nhân loại và ứng dụng vào công việc thực tiễn trong tương lai.
Mới đây, trong quyển sách “Tuyển đúng, dùng hay” và các quyển sách trước, chắc hẳn, anh rất tâm tư về bức tranh nguồn nhân sự thuộc thế hệ Y và Z? Vì sao?
Theo tôi, thế hệ Y và thế hệ Z là những thế hệ “vượt sướng để thành công”. Con người vì khổ mà cần phải lao động và khi được lao động thì tìm thấy niềm vui sướng của mình. Những quyển sách gần đây nói chung, hay quyển Tuyển đúng dùng hay tôi mới xuất bản nói riêng… tưởng chừng như viết cho người làm nhân sự nhưng tôi nghĩ sinh viên, thế hệ trẻ cũng nên đọc, hy vọng nó là “đòn bẩy” cho những thay đổi trong tư duy của họ.
Đồng thời, tôi cũng muốn tranh thủ cập nhật một số kiến thức quan trọng và văn hóa doanh nghiệp với cách diễn đạt gần gũi nhất. Tôi nghĩ, ngày nay, nhân tài chọn doanh nghiệp để tạo giá trị và phát triển nghề nghiệp chứ không phải là ngược lại. Vì vậy, nếu doanh nghiệp dịch vụ đang xây dựng văn hóa doanh nghiệp chuyên nghiệp sẽ tạo được môi trường minh bạch và linh hoạt, gắn kết và trao quyền thì bản thân điều này đã là giải pháp “well-being” và “work-life balance” dành cho người lao động thế hệ Y và thế hệ Z.
Xin cảm ơn anh!
Các trường Đại học đang thay đổi như thế nào để chào đón thế hệ tân sinh viên?
Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ và mạng xã hội, các mô hình trường Đại học cũng đang từng ngày thay đổi, không chỉ bó buộc trong đào tạo đơn ngành, chuyên biệt nữa mà còn có cả đa ngành, liên ngành, thậm chí xuyên ngành để mở ra nhiều cơ hội cho chúng mình lựa chọn hơn!
MÔ HÌNH ĐA NGÀNH ĐÓN ĐẦU CÁCH MẠNG CÔNG NGHỆ
Trên thế giới, các Đại học vùng được tổ chức, sắp xếp trên cơ sở sáp nhập những trường Đại học nhỏ của các khu vực xung quanh. Ở các đại học vùng này, việc quản trị đại học được phân cấp và chuyên môn hóa khi mà các đại học ( university ) tập trung xây dựng chiến lược, kế hoạch đầu tư, quản trị nhân sự và tài chính.
ĐH Sydney (Úc) - trường đại học theo mô hình đa ngành khá nổi tiếng.
Còn lại, các trường đại học thành viên ( ecole , school ) tập trung vào nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nhờ thế, mối quan hệ giữa đại học và các trường thành viên trở nên hài hòa, tính kết nối sâu rộng hơn, tạo điều kiện tối đa thực hiện tự chủ đại học.
Trong khi đó, nhắc đến các mô hình trường đại học ở Việt Nam, chúng mình thường chỉ quen với 2 thuật ngữ là đại học đơn ngành hoặc "đại học trong đại học". Ví dụ ĐH Thái Nguyên có các trường ĐH thành viên gồm: ĐH Sư phạm, ĐH Kỹ thuật Công nghiệp, ĐH Nông lâm, ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông, ĐH Y Dược...
Vấn đề ở chỗ, từng trường thành viên đều là trường đào tạo đơn ngành, đôi khi thiếu sự liên kết chặt chẽ với nhau, không tận dụng được thế mạnh nguồn lực, giáo viên của nhau. Mô hình khi đó sẽ giống với "liên hiệp các trường Đại học chuyên ngành" hơn là trường đại học đa ngành một cách trọn vẹn.
Mô hình đa ngành sẽ đem lại sự liên kết giữa các trường thành viên hơn.
Nhận thức được vấn đề đó, các trường đại học trong nước đang dần chuyển hướng. GS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội đã đưa ra kế hoạch phát triển của trường trong 5 năm tới với mục tiêu xây dựng đại học đa ngành, với các đơn vị thành viên gồm trường ĐH Răng Hàm Mặt, ĐH Y tế Công cộng, ĐH Điều dưỡng...
Tương tự, đại diện trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội cũng khẳng định kế hoạch 5 năm tới của trường là đặt mục tiêu trở thành ĐH đa ngành, thành lập 3 trường trực thuộc, gồm: Trường Kinh tế, trường Kinh doanh và trường Khoa học Công nghệ. Với 2 trường Kinh tế và Kinh doanh, trường đã đủ điều kiện. Còn trường Khoa học Công nghệ, trường cần phải chuẩn bị thêm, với hạt nhân hiện tại là ngành Công nghệ Thông tin.
ĐH Kinh tế quốc dân dự định trở thành trường đa ngành trong 5 năm tới.
SINH VIÊN THẾ HỆ Z SẼ ĐƯỢC LỢI GÌ?
Những điểm ưu việt được kỳ vọng ở mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực đó là bộ máy tổ chức gọn nhẹ, ngân sách được đầu tư tập trung, sinh viên được tự do lựa chọn học các môn học hoặc các chương trình liên ngành ở các trường khác nhau trong một đại học...
Như vậy "thực đơn" các ngành học để sinh viên lựa chọn sẽ phong phú hơn, nhiều môn học liên ngành ra đời với sự liên kết giữa các trường thành viên giúp trang bị kiến thức - kỹ năng đa ngành cho sinh viên, sinh viên được học với những giảng viên ưu tú nhất trong hệ thống trường, việc chuyển sang ngành học phù hợp hơn (nếu phát sinh nguyện vọng) giữa các trường thành viên cũng được thực hiện đơn giản, dễ dàng...
Sinh viên có thể tiếp cận điều kiện học tập tốt nhất của nhiều ngành học, nâng cao kỹ năng.
Đó là chưa kể khi các trường liên kết với nhau trong một đại học vùng cũng sẽ tận dụng được những lợi thế về quy mô, nguồn lực, tạo điều kiện để các giảng viên, sinh viên kết nối với nhau, thực hiện các hoạt động nghiên cứu. Nhờ đó, sinh viên có thể tiếp cận điều kiện học tập tốt nhất của tất cả các ngành chứ không chỉ ngành thế mạnh của trường thành viên mình đang theo học; "mạng lưới quan hệ" ( network ) của sinh viên cũng sẽ rộng rãi hơn, giúp ích cho chặng đường phát triển sự nghiệp.
Như vậy việc được học liên ngành, đa lĩnh vực ngay tại một giảng đường là một cơ hội lớn cho teen mình. Tuy nhiên, đứng trước quá nhiều lựa chọn có thể khiến chúng mình bị rối, vì vậy hãy lắng nghe bản thân mình để chọn ngành phù hợp thay vì chạy theo đám đông chọn ngành hot, ngành được nhiều người dự thi nha.
Sự thật là ngành học không nhất định phải là con đường trực tiếp dẫn đến sự nghiệp tương lai, đam mê của bạn có thể hoàn toàn thay đổi trong 4 năm giảng đường, do đó hãy luôn lắng nghe bản thân và đừng quá bị tác động bởi những nhân tố bên ngoài trong quyết định chọn trường, chọn ngành của mình nhé!
Hội nghị Ban Thường trực Hội Dầu khí Việt Nam năm 2021 Ngày 20/1, tại Hà Nội, Ban Thường trực Hội Dầu khí Việt Nam (DKVN) tổ chức Hội nghị bàn về phương hướng hoạt động của Hội trong năm 2021. Chủ tịch Hội DKVN Ngô Thường San tặng hoa chúc mừng ông Đỗ Chí Thanh được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội DKVN Tham dự Hội nghị có ông Đỗ Chí Thanh -...