Chuyện gì cũng “chạy” được?
Quy định có tính thỏa hiệp như vậy trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, tạo cho người dân tâm lý không tôn trọng pháp luật và chuyện gì cũng có thể “chạy” được.
Vừa qua Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 02/2014/TT-BXD, trong đó có quy định về công trình xây dựng sai phép, không phép được phạt tiền cho tồn tại. Thông tư này ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Thực thi pháp luật chưa nghiêm
Có người cho rằng Thông tư được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ vì phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, tạo điều kiều kiện vừa đảm bảo thu được ngân sách vừa giữ nghiêm pháp luật. Đây là cách tháo gỡ khó khăn phát sinh.
Nhà siêu mỏng, siêu méo ở Thủ đô. Ảnh: dothi.net
Đại diện Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng xét về hiệu quả xã hội, nếu tháo dỡ phần diện tích vi phạm thì thiệt nhiều hơn lợi vì tốn tiền của chủ đầu tư cũng là tiêu tốn của cải xã hội. Nhưng để cho phần diện tích trái phép của các công trình tồn tại mà chủ đầu tư không phải nộp đồng nào trong số lợi nhuận họ thu được từ phần công trình bất hợp pháp trên, thì người đi sau sẽ nhìn người đi trước mà tiếp tục vi phạm.
Thông tư số 02 thực chất là để cụ thể hóa Nghị định số 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó khẳng định các vi phạm trật tự xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch đều phải phát hiện kịp thời, phạt tiền, cưỡng chế phá dỡ.
Tuy nhiên có bổ sung một quy định đó là: Đối với các công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch được duyệt, đã đưa vào sử dụng mới bị phát hiện, công trình đó không vi phạm chỉ giới xây dựng, có chủ quyền về đất xây dựng hợp pháp, không tranh chấp, không có khiếu kiện. Thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng, hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình…
Video đang HOT
Mặc dù Nghị định đã qui định rất chặt chẽ như quy định cơ sở để cấp phép xây dựng là phải có quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt, được công khai trước dân… nhưng trên thực tế, hầu hết không thực hiện dẫn đến việc tùy tiện trong việc thỏa thuận quy hoạch, cấp phép xây dựng.
Chính vì lý do đó mà nhiều công trình xây dựng vượt tầng, sai phép, nhưng không phá dỡ được vẫn tồn tại. Chẳng hạn ở Hà Nội đã ra quân “cắt ngọn” nhiều lần, nhưng mỗi lần cũng chỉ cắt được một số không đáng kể. Chứng tỏ các quy định của pháp luật chưa thực sự đi vào cuộc sống hoặc thực thi pháp luật chưa nghiêm. Điều đó đặt ra cần phải nghiên cứu bổ sung để pháp luật được thực thi.
Một thực tế đặt ra, nhiều công trình để tồn tại cũng không ảnh hưởng gì đến đô thị và môi trường xung quanh và nhiều chủ công trình cũng đã xin được cắt ngọn xin được nộp tiền do sai phạm gây ra để được miễn cắt…
Thật ra, đây là việc giải bài toán thực tế hay nói đúng hơn, là sửa sai, do đó vấn đề tranh luận là đương nhiên. Song đã là luật pháp thì phải nghiêm minh, phải sửa trên cơ sở của luật pháp.
Trao đổi về vấn đề này, TS. Phạm Sỹ Liêm – Phó Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng cho biết, ông không đồng tình với quan điểm cho phép được nộp phạt để các công trình xây dựng trái phép được tồn tại. “Nếu phạt cho cái sai tồn tại thì luật để làm gì?” – ông Liêm đặt câu hỏi.
Còn theo TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, pháp luật phải nghiêm chứ không nên thỏa hiệp. “Tôi hơi lo khi biết cơ quan chức năng có quy định có tính thỏa hiệp như vậy trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Nó tạo cho người dân tâm lý không tôn trọng pháp luật và chuyện gì cũng có thể “chạy” được”.
Sẽ dẫn đến nhờn luật
Có người cho rằng quy định này được đưa ra trong hoàn cảnh quản lý đô thị tỏ ra bất lực khi thi hành pháp luật. Và không thể để tất cả các trường hợp xây dựng trái phép đều được nộp phạt. Vì nếu như thế sẽ dễ dẫn đến “nhờn luật”.
Phải xét trong từng trường hợp cụ thể, trường hợp nào cho phép nộp phạt để tồn tại, trường hợp nào có thể tịch thu xung công ích hoặc nếu không đáng thì nên phá. Chứ như hiện nay, sai phạm phổ biến nhất trong xây dựng thường là đội tầng, lên tầng trái phép. Còn nếu cứ hễ vi phạm là lại được nộp phạt để tồn tại thì luật chẳng có giá trị gì, cũng chẳng răn đe được ai cả.
Lâu nay, việc sai phạm trong xây dựng các công trình, dự án đã trở thành “cơm bữa”. Ở đâu cũng thấy sai phạm. Chính cơ chế xin – cho đã và đang tạo nên những tiền lệ xấu cho việc xây dựng trái phép các dự án một cách tràn lan. Và xử lý sai phạm như qui định của pháp luật tuy có nhưng không cụ thể, dẫn đến thực tế số tiền thu được rất lớn nhưng không vào ngân sách nhà nước. Chính từ chỗ đó tạo kẽ hở cho một số cá nhân phụ trách lĩnh vực này đã lợi dụng theo kiểu “đục nước béo cò”, thực chất là tham nhũng.
Việc Bộ Xây dựng đưa ra thông tư đó cũng là một sự điều chỉnh thực tế nhưng lại nặng về “thỏa hiệp”, vừa muốn giải quyết sai phạm đã diễn ra, vừa muốn chống thất thoát bằng những con số qui định.
Tuy nhiên cũng cần đặt câu hỏi về những bất cập trong việc cấp phép xây dựng của bộ máy chính quyền. Tại sao những chỗ có thể cấp phép cho xây dựng nhà, cấp phép được xây cao tầng không ảnh hưởng như Nghị định đã nêu, lại không được cấp phép một cách công khai minh bạch.
Chính Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng phải thừa nhận trước diễn đàn Quốc hội, những rối rắm trong thủ tục cấp phép xây dựng hiện nay và ông cũng đã nói, sẽ cố gắng giảm tối đa thủ tục cấp phép xây dựng. Vì thế, việc Bộ Xây dựng ra Thông tư 02 với một quy định khá hy hữu nói trên, có lẽ vì chưa sửa gốc được, nên nhà quản lý đành sửa phần ngọn, như vậy vừa đỡ gây lãng phí mà cũng khiến cho DN bớt nặng gánh.
Nhưng đã là quy định, đã là luật thì dứt khoát không thể có chuyện nhượng bộ. Quy định là qui định, nhượng bộ là thỏa hiệp là nhờn luật. Nếu như vậy chúng ta sẽ không bao giờ mơ chuyện pháp luật được thực thi một cách nghiêm minh là “sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật”. Và trong lĩnh vực xây dựng “sai một ly đi một dặm” đó là sự lộn xộn của một thành phố, là sự xô bồ của kiến trúc đô thị.
Nói về những bất cập liên quan đến việc cấp phép xây dựng, ông Trần Ngọc Hùng- Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến cho bộ mặt Thủ đô trở nên nhộm nhoạm như hiện nay, chính là bởi việc cấp phép xây dựng một cách tùy tiện. Đơn cử như việc, tại phố Đặng Dung, nhà quản lý vừa “cắt” đi một tòa nhà cao tầng thì cách đó không xa, lại cho phép xây dựng hai tòa nhà cao chót vót, hơn cả tòa nhà vừa… bị cắt.
Sống và làm việc theo pháp luật đó không chỉ là nếp sống văn minh mà còn là phương pháp, cách thức để phòng chống tham nhũng hiệu quả. Bởi suy cho cùng tham nhũng chỉ mọc ra ở những nơi còn tranh tối tranh sáng, những qui định không rõ ràng, pháp luật chưa chưa đủ sức bao quát và bị lợi dụng.
Đặng Nguyễn
Theo_VietNamNet
Thay rào chắn công trình nơi người đi bộ bị xe buýt ép chết
Sáng 6/3, các đơn vị liên quan tháo dỡ đoạn rào chắn công trình bằng tôn và thay bằng rào chắn B40 tại công trình tòa tháp đôi The One ở góc đường Calmette - Lê Thị Hồng Gấm, quận 1, TPHCM - nơi một người đàn ông bị xe buýt ép chết.
Trước đó, tối 28/2, ông Đỗ Văn Đặng (60 tuổi, ngụ quận 1) trong lúc đi bộ dưới lòng đường (do vỉa hè đã bị lấn chiếm) đã bị một chiếc xe buýt chạy cùng chiều ôm cua từ đường Lê Thị Hồng Gấm sang đường Calmette, ép chặt vào hàng rào bằng tôn của công trình Tòa tháp đôi The One, khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
Các công nhân đang tháo dỡ đoạn rào chắn bằng tôn tại công trình The One
Sau khi xảy ra tai nạn, Thanh tra Sở GTVT TPHCM đã tiến hành kiểm tra và phát hiện nhiều vi phạm tại công trình này như: công trình thi công trong phạm vi đất dành cho người đi bộ, không thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông để xảy ra tai nạn, hàng rào trên đường Calmette - nơi xảy ra tai nạn chưa được Sở GTVT cấp phép....
Vị trí ông Đặng bị xe buýt ép chết đã được thay bằng rào chắn B40 để các phương tiện cũng như người đi bộ dễ quan sát
Sau khi xử lý hành chính, Thanh tra Sở GTVT yêu cầu đơn vị thi công dỡ bỏ hàng rào tại khu vực chưa được cấp phép. Những nơi hàng rào đã được cấp phép nằm ở góc ngã tư, ngã ba thì phải lắp lưới B40 thay tôn để người đi bộ cũng như người điều khiển phương tiện giao thông dễ quan sát.
Đình Thảo
Theo Dantri
Agribank hỗ trợ người lao động tại Hàn Quốc Ngày 25-2, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và Ngân hàng NongHyup Bank ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển tiền cho người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc. Đại diện Agribank cho biết, mục đích của thỏa thuận này là cung cấp và phát triển các dịch vụ chuyển tiền, hỗ trợ tài chính cho người lao...