Chuyển đổi số trong quản lý các đối tượng chính sách, dự báo thị trường lao động
Từ việc triển khai công tác hỗ trợ cho các đối tượng theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) nhận thấy cần phải thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ.
Bộ LĐTBXH đã chuẩn bị nguồn lực để chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, xây dựng cơ sở dữ liệu dự báo cung cầu thị trường lao động, số hoá trong quản lý hồ sơ đối tượng chính sách…
Kết nối việc làm trực tuyến được một số sàn giao dịch việc làm thực hiện trơng thời gian qua.
Nói về chuyển đổi số trong lĩnh vực LĐTBXH, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Ban cán sự Đảng bộ Bộ LĐTBXH có Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số là định hướng đúng. Với chuyển đổi số, nếu không có sự cam kết, quyết tâm của người đứng đầu thì không thể thành công. Trong số 35 nền tảng số quốc gia được xác định thực hiện thì dữ liệu về lao động, việc làm, an sinh xã hội là một trong những nền tảng trọng tâm. Ngành LĐTBXH quản lý lĩnh vực có tác động xã hội rộng lớn, có hàng chục triệu người phải chăm lo an sinh. Dữ liệu về người dân, người lao động cả nước sẽ là tài sản lớn nhất của ngành LĐTBXH cũng như các bộ, ngành khác để hoạt động hiệu quả hơn.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhận định, LĐTBXH tưởng là ngành khó khăn nhất nhưng lại có điều kiện, tiền đề để làm chuyển đổi số tốt nhất vì liên quan hàng chục triệu người lao động, người hưởng lương hưu, đối tượng bảo trợ xã hội… Thực tế cho thấy, việc thực hiện 2 chính sách hỗ trợ an sinh xã hội năm qua theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 với số tiền giải ngân rất lớn mà triển khai, giải quyết nhanh chóng cũng là nhờ áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số. Khi áp dụng chuyển đổi số thành công, hoạt động của ngành sẽ hiệu quả về công tác an sinh xã hội.
Do đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ LĐTBXH trong năm 2022 phải quyết tâm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số trong quản lý các đối tượng chính sách bằng công nghệ thông tin, thực hiện hỗ trợ chi trả qua ngân hàng; thông qua mạng lưới bưu điện để chi trả cho một số ít người dùng tiền mặt, còn ngành LĐTBXH thực hiện thanh tra, giám sát hoạt động này. Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội có thể đi trước một bước về chuyển đổi số vì đây là ngành thực hiện chi trả qua bảo hiểm và ngân sách Nhà nước rất lớn, liên quan đến quyền lợi của người dân. Ngành LĐTBXH có thể làm thật nhanh nếu toàn ngành nỗ lực, nhất là ở các địa phương.
Video đang HOT
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung khẳng định, một trong bảy nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 đề ra với ngành chính là thực hiện chuyển đổi số triệt để. Dù đã áp dụng khá nhiều công nghệ thông tin nhưng hiện tại nhìn đâu cũng vẫn thấy giấy tờ rất bộn bề. Bộ LĐTBXH đã có chủ trương và lên kế hoạch thực hiện chuyển đổi số trong năm 2021 nhưng do dịch COVID-19 nên đành tạm gác lại. Hiện tại, ngành đã chuẩn bị thêm các khâu như xây dựng dự báo cung – cầu dịch vụ, lo nguồn lực để sớm triển khai kế hoạch chuyển đổi số.
Theo các chuyên gia lao động, việc thực hiện chuyển đổi số với việc ứng dụng đồng bộ công nghệ thông tin, liên thông với dữ liệu dân cư quốc gia sẽ góp phần minh bạch thông tin, chi trả đúng, kịp thời đối tượng thụ hưởng; đồng thời có dữ liệu tổng quát hơn về dự báo thị trường lao động, nhất là tại đợt dịch lần thứ 4, nhiều lao động đã rời khỏi thành phố lớn.
Nhiều cơ hội cho lao động phổ thông, thời vụ dịp cận Tết Nguyên đán
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Dần 2022, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ tại các tỉnh, thành phố phía Nam đang tiếp tục tuyển dụng lao động, nhất là lao động thời vụ, làm việc trước và ngay trong những ngày Tết.
Sinh viên và người lao động tìm việc tại chương trình "Tiếp sức người lao động và sàn giao dịch việc làm năm 2021". Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN
Nhu cầu tuyển dụng tăng
Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, hằng năm, thị trường việc làm thời vụ Tết ở Bình Dương đều khá sôi động. Năm nay, dù một thời gian dài dịch COVID-19 diễn biến khá phức tạp tại Bình Dương nhưng không làm ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu tiêu dùng của người dân. Hiện nay, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản xuất đều đang gấp rút đẩy mạnh hoạt động, tạo thuận lợi để nhiều lao động có cơ hội có thêm nguồn thu nhập bằng những công việc thời vụ, bán thời gian.
Hiện, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận thông tin tuyển dụng thời vụ với khoảng 500 lao động từ các doanh nghiệp. Thời gian càng cận kề Tết Nguyên đán sẽ tiếp tục có nhiều những vị trí việc làm trong các công ty sản xuất sản phẩm phục vụ Tết, cửa hàng bán lẻ, siêu thị, với các công việc như công nhân thời vụ, nhân viên bán hàng, thu ngân, gói quà, tiếp thị, giao hàng, giúp việc theo giờ...
Theo đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, những công việc cần lao động thời vụ thường không đòi hỏi quá khắt khe về trình độ, kinh nghiệm và có thể đào tạo trong thời gian ngắn để người lao động thích ứng với công việc.
Các công việc cần lao động thời vụ vào dịp giáp Tết hoặc thậm chí ngay trong những ngày Tết sẽ chỉ làm trong thời gian ngắn, lương cao hơn nhiều so với ngày thường. Do đó, đây là lựa chọn phù hợp cho những lao động chưa tìm được việc làm ổn định, lâu dài hoặc những sinh viên có nhu cầu đi làm thêm.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình "Việc làm thời vụ Tết 2022" diễn ra đến giữa tháng 1/2022, đã được khởi động bằng các hoạt động tư vấn, kết nối phỏng vấn trực tuyến với đơn vị tuyển dụng, cho thấy nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ đang dần tăng khi Tết Nguyên đán đến gần,
Nguyễn Thu Anh, sinh viên năm thứ 4, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tranh thủ ngoài thời gian học tập, em đã tìm được việc làm thời vụ tại một cửa hàng tiện lợi, công việc là đóng gói các món quà lưu niệm, sắp xếp các giỏ quà tặng trong dịp trước Tết Nguyên đán. Thời gian làm việc từ 17 giờ đến khoảng 21 giờ, mỗi ngày Thu Anh nhận được thù lao gần 300.000 đồng. Theo Thu Anh, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều siêu thị, cơ sở kinh doanh dịch vụ đã thông báo tuyển lao động thời vụ trên các trang thông tin việc làm, tạo cơ hội cho những người muốn tìm việc làm tạm thời trong khi hoàn tất chương trình học tập hoặc chờ đợi cơ hội việc làm ổn định, phù hợp hơn trong năm mới.
Đề cập đến thị trường lao động dịp giáp Tết, đại diện một số trung tâm dịch vụ việc làm ở các địa phương phía Nam có chung nhận định, nhu cầu lao động thời vụ, lao động phổ thông đang chiếm tỉ lệ áp đảo trong tổng số chỉ tiêu tuyển dụng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai Trần Thị Thùy Trâm, tại sàn giao dịch việc làm trực tuyến của Trung tâm vừa diễn ra tuần cuối tháng 12/2021, nhu cầu tuyển lao động phổ thông lên tới gần 12.000 người, chiếm hơn 99% tổng nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị tham gia sàn giao dịch việc làm. Tuy nhiên, kết quả tuyển dụng chưa được như mong đợi do chỉ có chưa đầy 300 lượt lao động có nhu cầu tìm việc tham gia tìm hiểu thông tin tại sàn giao dịch việc làm.
Tăng kết nối, dự báo thị trường lao động
Thời điểm trước Tết Nguyên đán, việc tuyển lao động gặp nhiều khó khăn do nhiều lao động có tâm lý chờ đợi, nghỉ ngơi đến sau Tết. Tuy nhiên, với mong muốn thông tin sớm để người lao động cân nhắc và lên kế hoạch tìm việc phù hợp trong thời gian tới, các trung tâm dịch vụ việc làm tại nhiều địa phương đang tăng cường kết nối, tổ chức nhiều hình thức thông tin nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cùng những cơ hội học tập, nâng cao tay nghề dành cho người lao động.
Theo ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ngành chức năng của tỉnh đang tiếp tục kết nối với các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên để thông tin về thị trường lao động tại Bình Dương; hỗ trợ, tạo thuận lợi cho những lao động có nhu cầu đến làm việc tại tỉnh. Trước thực tế ở tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 5.000 người lao động có nhu cầu làm việc tại các tỉnh, thành phía Nam, trong đó có Bình Dương, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương và Đắk Lắk đã ký kết phối hợp thông tin về thông tin thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong, ngoài khu công nghiệp của Bình Dương đến người dân Đắk Lắk, các điều kiện thuận lợi về giao thông, y tế, khuyến khích của doanh nghiệp dành cho người lao động trở lại Bình Dương, góp phần đáp ứng nguồn cung lao động cho các doanh nghiệp ở địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long đã sớm công bố dự báo thị trường lao động của tỉnh trong năm 2022, tạo thuận lợi cho người lao động tìm việc làm trong năm mới. Theo đó, năm 2021, lao động dịch chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An trở về Vĩnh Long là trên 17.000 người. Dự báo dịch chuyển lao động từ các tỉnh, thành phố vào Vĩnh Long trong năm 2022 sẽ tăng khoảng 1.000 lao động so với năm 2021.
Theo dự báo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long, số học sinh, sinh viên ra trường trên địa bàn trong năm 2022 ước khoảng 14.000 người. Đây là cơ sở giúp các nhà tuyển dụng có cái nhìn tổng quan về nguồn cung lao động, từ đó xây dựng kế hoạch tuyển dụng phù hợp. Dự kiến, nhu cầu tuyển dụng năm 2022 của các doanh nghiệp trên bàn Vĩnh Long khoảng 12.500 lao động.
Trong khi đó, đề cập về giải pháp căn cơ, lâu dài để thực hiện hiệu quả kết nối cung - cầu trong thị trường lao động, Tiến sĩ Phạm Khánh Nam (Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, ngoài các giải pháp thu hút lao động trước mắt như: Thông tin, hỗ trợ giới thiệu việc làm, tạm ứng lương, tạo điều kiện chỗ ở, tiêm đầy đủ vaccine phòng COVID-19, đào tạo kỹ năng phù hợp công việc mới, trong tầm nhìn dài hạn, các cơ quan chức năng cần đầu tư xây dựng nền tảng công nghệ kết nối việc làm thuận tiện hơn, đặc biệt là với nhóm lao động trình độ thấp, ít kỹ năng để họ có thể tìm việc từ xa được dễ dàng. Khi đã xác định công việc chắc chắn, người lao động sẽ lập kế hoạch di chuyển và sinh sống một cách phù hợp; đồng thời thông qua đó, tạo ra cơ sở dữ liệu về thị trường lao động để các cơ quan hoạch định chính sách có thông tin toàn diện về cung - cầu lao động tại từng địa phương, đưa ra những giải pháp tạo việc làm, thu hút lao động cần thiết.
Chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định tổ chức chăm lo, trợ giúp các đối tượng chính sách được đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đầy đủ, với tinh thần không để người dân nào không có Tết, không để ai bị bỏ lại phía sau, hỗ trợ người dân vượt lên những khó khăn do ảnh hưởng...