Chuyện Đại tướng sống chung với mảnh đạn trong đầu gần 50 năm
“Năm 1976, trong lần chơi bóng chuyền tôi bị bóng đập vào đầu đau quá gục xuống. Sau đó suốt cả tháng tôi cứ cúi gục đầu vì đau. Các bác sĩ quân y khám nói tôi từng bị thương nặng ở đầu, tôi nói không hề có. Mãi sau đó nhờ máy móc hiện đại chụp chiếu, tôi mới biết có mảnh đạn nằm ở phần đỉnh đầu”, Đại tướng Phạm Văn Trà – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – kể với Dân Việt.
Đại tướng Phạm Văn Trà – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Quân ủy T.Ư, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. (Ảnh: Báo QĐND)
9 lần bị thương trong chiến đấu
Trong câu chuyện, Đại tướng Phạm Văn Trà luôn nhắc đi nhắc lại, ông và nhiều người bạn bị thương trong chiến đấu được như ngày hôm nay là nhờ có đồng đội, đặc biệt sự che chở, giúp đỡ của nhân dân.
Ông là vị Đại tướng trưởng thành từ người lính, kinh qua rất nhiều trận chiến đấu ác liệt với 9 lần bị thương. Ông quê ở Bắc Ninh, nhập ngũ năm 1953, trong cuộc kháng chiến chống Pháp từng 2 lần bị thương.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông chủ yếu chiến đấu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. “Những năm tháng chiến đấu tại đây, tôi bị thương thêm 7 lần nữa” – ông vừa kể vừa giơ tay chỉ các vết thương khắp từ chân đến vùng lưng và thái dương…
Ông bảo có vết thương mảnh đạn nằm trên thân thể mình suốt mấy chục năm mà không hề biết, bởi nó không gây đau đớn hay biểu hiện gì bất thường. “Vào năm 1976, trong lần chơi bóng chuyền tôi bị bóng đập vào đầu đau quá gục xuống. Sau đó cả tháng cứ cúi gục đầu vì đau. Các bác sĩ quân y khám và nói tôi từng bị vết thương nặng ở đầu nên mới như thế. Tôi khẳng định không có, lúc đó chưa có máy móc thiết bị hiện đại để chụp nên thôi”, tướng Trà cho biết.
Năm 2016, Đại tướng Phạm Văn Trà được trao Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. (Ảnh: Báo QĐND)
Mãi đến năm 1990, lúc đó ông đang là Tư lệnh Quân khu 3 đi khám định kỳ tại Bệnh viên T.Ư Quân đội 108, nhờ máy móc hiện đại chụp, các bác sĩ đã phát hiện ông có mảnh đạn nằm ở trên đỉnh đầu. “Đó là mảnh đạn M79, đối chiếu với các trận đánh đã trải qua, tôi nghĩ dính mảnh đạn đó là ở trận đánh ở Phụng Hiệp, Hậu Giang sau năm 1969″ – tướng Trà cho hay.
Ông không mổ để lấy mảnh đạn đó ra vì thấy vẫn khỏe mạnh bình thường, nghĩ tới chuyện phẫu thuẫn phức tạp nên thôi. Tính đến nay ông đã sống chung với mảnh đạn trong đầu gần 50 năm. “Không chỉ mảnh đạn đó, trên cơ thể tôi có 4-5 mảnh đạn khác, vài năm gần đây mới được phẫu thuật để gắp ra”, vị tướng già cười xòa.
Được người dân cứu sống
Trong ký ức về những lần chiến đấu bị thương của Đại tướng Phạm Văn Trà có câu chuyện hơn 50 năm trước ông vẫn nhớ như in. Đó là lần bị thương vào ngày 4.11.1966 ở Long Mỹ, Hậu Giang.
Ông kể: Lúc đó ông là Tiểu đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 309, Trung đoàn 1 U Minh. Đêm đó đơn vị ông tấn công một đồn địch, gần sáng giặc đổ thêm quân đánh trả, đơn vị ông rút ra ngoài. Trên đường rút, Tiểu đoàn phó Phạm Văn Trà đã bị trúng đạn gãy chân.
Video đang HOT
“Lúc đó anh em đã rút hết, một đồng đội đã dìu tôi đi được khoảng 300m đến cánh đồng lúa, tôi đau quá phải nằm lại. Tôi bảo người đồng đội phải đi ngay, nếu ở lại địch phát hiện chúng sẽ bắt hết, để tôi nằm đây đến tối ra đón. Người đồng đội để lại cho tôi khẩu AK rồi đi. Tôi nằm lọt giữa những cây lúa đang sắp vào vụ gặt và thiếp đi vì mệt”, tướng Trà nhớ lại.
Ít giờ sau ông tỉnh dậy thấy có một cậu bé khoảng 11-12 tuổi đeo giỏ đi bắt cá đang tiến về phía ông nằm. “Tôi thoáng nghĩ, nếu gọi nhỡ cậu bé chạy về báo cho địch thì gay, nhưng không gọi mà cứ nằm đây mãi cũng chết. Khi cậu bé đến gần tôi nhổm người dậy để gọi, thấy thế cậu vứt chiếc giỏ bỏ chạy. Sự lo lắng ùa về, tôi muốn lết đi nhưng vết thương đau quá lại phải nằm xuống. Quãng 12h thấy cậu bé một mình ra trên tay cầm chiếc rá. Cậu đến chỗ ném chiếc giỏ đặt chiếc rá xuống rồi cầm chiếc giỏ đi về. Tôi nghĩ mình đã gặp người tốt nên bò ra, thấy trong chiếc rá có bọc xôi và nửa con gà luộc cùng ít muối, nhưng tôi đau quá không ăn được”, tướng Trà kể.
Đến khoảng 18h tối, cậu bé và một người phụ nữ (sau biết là mẹ cậu bé) ra đưa ông về nhà. Nhà của người phụ nữ này chỉ có hai mẹ con, cách đồn địch khoảng 300m. Đó là ngôi nhà rộng rãi, trong buồng có căn hầm trú ẩn (vùng địch hậu người dân thường làm hầm trong nhà để trú ẩn khi có đạn pháo).
“Hai mẹ con chị đưa tôi vào chiếc giường trong buồng. Chị nói tôi cứ nằm đây để hằng ngày chăm sóc vết thương cho. Chị bảo nhà nấu rượu, lính ở đồn hằng ngày vẫn quen ra vào vào để mua rượu nên không phải lo. Ban ngày thỉnh thoảng chị vào xem tôi thế nào. Nghe phía bên ngoài gọi chị Sáu ơi, lúc đó tôi mới biết tên”, tướng Trà cho biết.
Hằng ngày chị Sáu rửa vết thương cho Tiểu đoàn phó Phạm Văn Trà bằng nước muối và băng bó lại. Tuy nhiên vết thương không hề đỡ, đến ngày thứ 7 lại phát hiện có dòi. Thấy thế vị Tiểu đoàn phó nhờ chị Sáu đưa ra vùng giải phóng. “Chị nói không biết vùng giải phóng ở đâu, tôi bảo cứ chỗ nào địch bắn phá nhiều đó là vùng giải phóng” – tướng Trà cho biết.
Để đến vùng giải phóng phải đi qua đồn địch đóng gần nhà, sau khi ngẫm nghĩ, người phụ nữ tên Sáu đã có cách. Chị để vị Tiểu đoàn phó bị thương nằm im dưới khoang xuồng để hai mẹ con đưa đi. “Cậu bé ngồi ở mũi xuồng, còn chị Sáu ngồi phía sau chèo. Lúc qua đồn địch chúng có hỏi, chị nói đang đưa con đi bệnh xá. Nghe tiếng người quen nên bọn địch không nghi ngờ. Nhờ thế tôi đã qua được đồn địch. Mẹ con chị đưa tôi đi được khoảng 7km thì gặp du kích. Sau đó, tôi được đưa về trạm cứu thương của quân giải phóng chữa trị vết thương”, tướng Trà kể.
Sau này tướng Phạm Văn Trà có đi tìm gia đình cậu bé đã cứu sống mình. Dân Việt sẽ thông tin tiếp ở bài viết “Vị Đại tướng giúp người cụt chân tay làm chế độ thương binh”.
Đại tướng Phạm Văn Trà sinh năm 1935, quê Bắc Ninh. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII và IX, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 1997 – 2006. Ông được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1976.
Theo Lương Kết
Dân Việt
Quân đội làm kinh tế - nên hay không?
Thực ra, quân đội ta làm kinh tế cũng có phần tham khảo từ quân đội Trung Quốc ngay sau khi đất nước ta thống nhất được vài năm.
Trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, vai trò của quân đội tham gia làm kinh tế có thể có sự nhìn nhận khác nhau. Phải thừa nhận rằng, có những thời kỳ, chủ trương này là rất cần thiết bởi nếu không có cách làm đó, chủ yếu là việc tạo ra của cải vật chất như nông sản, thực phẩm thì nhà nước cũng không kham nổi cho toàn quân "ăn no đánh thắng" kẻ thù xâm lược và đó là cái được.
Song, khi đất nước hoà bình đã lâu, phát triển một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mô hình quân đội làm kinh tế xem ra có gì đó bất ổn. Nó rất dễ tạo ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp với nhau. Bên cạnh đó, có những cái là vô hình cũng đã lộ ra, khiến cho cái mất cũng không nhỏ.
Tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh có sự tham gia của lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Thượng tướng Lê Chiêm cho biết: "Hiện nay, Bộ Quốc phòng có chủ trương là quân đội không làm kinh tế nữa mà tập trung cho xây dựng quân đội vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại để bảo vệ Đảng, nhân dân. Quân đội sẽ không làm kinh tế vì như thế sẽ không thể hiện sức mạnh quân đội. Tất cả các doanh nghiệp quân đội sẽ cổ phần hóa, thoái vốn hết. Cái nào của quốc phòng chỉ để phục vụ cho quốc phòng".
Theo tôi, đây là một chủ trương đúng mà Quân uỷ Trung ương đã bàn kỹ. Điều này có lẽ cũng xuất phát từ thực tiễn quân đội làm kinh tế nhiều năm gần đây đã bộc lộ những bất cập nhất định. Chủ trương mới này có thể chỉ là vô tình trùng khớp với thời điểm nhạy cảm sân bay Tân Sơn Nhất thiếu chỗ đậu máy bay, tính chuyện đi "ngủ nhờ" ở Cần Thơ làm dân bức xúc chứ không liên quan gì đến chuyện Bộ Quốc phòng cho thuê đất sân bay Tân Sơn Nhất 50 năm để Công ty Him Lam xây dựng sân golf cùng biệt thự, nhà hàng ...khiến dư luận râm ran bàn tán.
Vụ án Thiếu tướng Nguyễn Trường Xuân - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự Hải Phòng cùng nhiều bị cáo là cán bộ chỉ huy các cấp lợi dụng chính sách đổi mới cơ chế quản lý kinh tế phạm tội đầu cơ, buôn lậu, tham ô, cố ý làm trái... đã bị Toà án quân sự cấp cao xét xử ngày 7.9.1987, xử rất nghiêm minh là bài học xương máu của việc quân đội chúng ta làm kinh tế nhưng lại thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, buông lỏng quản lý của nhà nước.
Nhà nước thì tin vào sự quản lý của nội bộ quân đội với những chế tài cần thiết như các cơ quan nhà nước có thể kiểm soát nó, tránh sự tự ý vượt rào rất tai hại.
Ngày ấy, thực ra đây cũng là cách làm mang lại "lợi ích công tư" có lợi đủ bề nhưng rồi cuối cùng thì khiến cho Đảng ta mất cán bộ. Những người vốn rất giỏi làm kinh tế ngày đó và từng được xem là "người hùng" của quân đội bởi họ có tư duy rất mới trong một vấn đề cực mới: quân đội làm kinh tế...
Thời gian gần đây, có một thực tế không thể phủ nhận được, đó là những mô hình doanh nghiệp quân đội làm ăn rất hiệu quả, có tốc độ tăng trưởng đáng nể phục như Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MBBank )...
Viettel là tập đoàn viễn thông mạnh, hiệu quả trực thuộc quân đội. Ảnh: Viettel
Nếu nói những doanh này được hưởng sự ưu đãi từ quân đội, tôi nghĩ cũng chưa đúng hoàn toàn trừ MBBank thì có thể có phần nào (do các đơn vị trong quân đội họ dùng địa chỉ này để giao dịch, xem như điều kiện bắt buộc của các đơn vị thuộc quân đội quản lý)...
Song , dư luận cũng xì xầm bàn tán về một vài doanh nghiệp quân đội làm giàu nhờ cơ chế, nhờ quyền lực, nhờ chuyển đổi giá trị đất đai từ đất quốc phòng sang cho doanh nghiệp quân đội rồi từ doanh nghiệp quân đội lại một lần nữa chuyển sang dân sự...
Dư luận, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân không khỏi lo ngại chuyện doanh nghiệp quân đội với ưu thế của mình dễ có lợi thế nhất định trong kinh doanh.
Sau khi Thượng tướng Lê Chiêm nói về vấn đề này, ông Lê Việt Trường - Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đã bày tỏ, khi ông còn tham gia Quốc hội khoá 8, ông đã từng đi khảo sát tình hình quản lý và sử dụng đất quốc phòng - an ninh trên phạm vi cả nước để chuẩn bị tham gia xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi).
Qua khảo sát, đoàn công tác của ông cũng đã nhìn ra vấn đề. "Cá nhân tôi cũng nêu ý kiến băn khoăn về chuyện đất được giao để sử dụng vào mục đích quốc phòng lại chuyển giao cho các doanh nghiệp của quân đội làm kinh tế. Nếu so sánh với các doanh nghiệp dân sự thì doanh nghiệp dân sự phải đi thuê đất và phải thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước, còn doanh nghiệp quân đội thực hiện nghĩa vụ đó thế nào?" - ông Lê Việt Trường nêu vấn đề.
Ông Trường cho biết: "Qua tìm hiểu trong thời gian khoảng giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa 8, tôi cũng được biết lúc đó việc giao đất quốc phòng cho doanh nghiệp được thí điểm với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (trực thuộc Quân chủng Hải quân) và Viettel, còn các doanh nghiệp khác của quân đội thì không. Nếu như vậy rõ ràng không bình đẳng. Khi đã làm kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thì mọi thành phần kinh tế, các doanh nghiệp phải bình đẳng trước pháp luật về quyền lợi và nghĩa vụ.
Việc này nếu được duy trì quá lâu (ưu đãi các doanh nghiệp quân đội) sẽ làm méo mó những nguyên tắc kinh tế, nghĩa là mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh phải bình đẳng trước pháp luật từ việc sử dụng tài nguyên của đất nước, đến nghĩa vụ thuế.
Quân đội diễu binh, diễu hành 70 năm Quốc khánh. Ảnh: Ngọc Thọ
Thực ra, quân đội ta làm kinh tế cũng có phần tham khảo từ quân đội Trung Quốc ngay sau khi đất nước ta thống nhất được vài năm. Những điển hình làm ăn tốt hồi đó có lẽ phải kể đến là các quân khu như Quân khu 3, 7, 9 ... Tuy nhiên, thời kỳ đó, cũng ít có chuyện các doanh nghiệp quân đội phải đấu thầu hay chỉ định thầu nhiều và bất cập như bây giờ.
Cách đây khoảng 20 năm, trong một lần tôi cùng một đoàn nhà báo phía báo Thanh niên Trung Quốc đi thăm Quảng Ninh, họ đã hỏi tôi một chuyện rất tình cờ khiến tôi mới vỡ lẽ thêm.
Trong lúc chờ mua vé qua trạm dọc đường, họ thấy chiếc xe ca biển đỏ đi sát chiếc xe chúng tôi không phải mua vé. Họ hỏi tại sao xe đó không phải mất vé?
Tôi bảo ở Việt Nam, xe biển đỏ là của quân đội cho nên được miễn phí cầu đường. Thấy tôi trả lời vậy, họ hỏi: Nếu quân đội các bạn mà làm kinh tế thì chi phí này sẽ tính toán thế nào? Nếu giả dụ như xe này họ chở cán bộ đi làm ở một doanh nghiệp quân đội thì họ sẽ không mất đồng nào phải chi vào giá thành sản xuất. Và như vậy, quân đội các bạn sẽ không cần cạnh tranh cũng đã chắc thắng các doanh nghiệp kinh doanh cùng lĩnh vực!
Tôi đã suy nghĩ chuyện họ nói mà thấy quả là không ổn. Rất mừng là cả chục năm nay, sự ưu tiên vô lý này đã không còn nữa, thay vào đó, xe quân đội mua vé theo quý, theo năm.
Tôi từng là một người lính làm Tuyên huấn ở Sư đoàn bộ 319, Quân khu 3 những năm chiến tranh (79-80).
Tôi thấy mừng và tự hào khi sau này, đơn vị đó được chuyển đổi thành Tổng Công ty xây dựng 319 và đã từng lớn mạnh nhanh. Nhưng rồi tôi cũng hiểu, vì sao Tổng Công ty này phát triển vượt bậc lại không phải nhờ tài năng của ai mà là nhờ được ưu ái đặc biệt về đất quốc phòng mà bản thân những doanh nghiệp khác trong quân đội dù có mơ cũng không được!
Tôi hiểu vì sao ông Việt Trường lại nói vậy và cảm thấy không ổn nếu quân đội ta còn tiếp tục làm kinh tế, sẽ lợi ít hơn hại.
Còn bên Trung Quốc, khi ông Giang Trạch Dân thay ông Đặng Tiểu Bình làm Chủ tịch Quân ủy, họ cũng đã quyết định thu hẹp dần số lượng các đơn vị vũ trang làm kinh tế.
Năm 2012, khi tiếp quản quyền lực, Chủ tịch Tập Cận Bình lập tức bắt tay vào thực hiện kế hoạch cải tổ quân đội trong đó có quan điểm quân đội có nên làm kinh tế nữa hay không bởi ông đã nhìn thấy từ chủ trương này, quân đội của họ không hề mạnh nếu nhìn vào sức chiến đấu và tệ tham nhũng cũng một phần lộng hành từ đây.
Hơn 50 sĩ quan và cựu sĩ quan cấp cao quân đội Trung Quốc đã bị truy tố vì tham nhũng, bao gồm 2 lãnh đạo, đều cấp Thượng tướng, cựu Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương, một động thái chưa từng có tiền lệ. Chính điều này khiến họ lo lắng cho sức mạnh chiến đấu của họ nếu có chiến tranh nổ ra một khi đã nảy sinh tư tưởng thích làm giàu và thể hiện lối sống xa hoa trong sỹ quan.
Chủ tịch Quân uỷ Trung Quốc thành lập một nhóm lãnh đạo nhỏ trong Quân ủy Trung ương để thúc đẩy cải cách quân sự và loại trừ sự tham dự của các cựu tướng lĩnh.
Sau hội nghị cải cách Quân ủy Trung ương vào mùa Thu 2015, ông Tập Cận Bình quyết định cắt giảm 300.000 quân, đương nhiên trong số này có một phần là lực lượng làm kinh tế trong quân đội của họ.
Có thể bằng thực tiễn, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương gần đây đã thấy câu chuyện giao quân đội làm kinh tế đang ít nhiều gây ảnh hưởng đến sức mạnh chiến đấu của quân đội ta trong khi bảo vệ Tổ quốc mới là nhiệm vụ tối quan trọng của quân đội.
Bên cạnh đó, chủ trương cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước là hướng đi tất yếu của kinh tế thị trường hiện nay. Vì lẽ đó, nếu đã cổ phần hoá doanh nghiệp thì tất nhiên, quân đội cũng không cần thiết "ôm" làm gì để bộ máy thêm cồng kềnh mà hiệu quả thực tế chưa chắc đã cao nếu thực sự muốn làm ăn lành mạnh.
Để thay lời kết bài này, tôi xin trích lại câu nói của Đại tướng Phạm Văn Trà - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trên Dân Việt điện tử: "Những doanh nghiệp của quân đội hoạt động kinh tế bình thường, chẳng hạn như làm xây dựng thì nên cổ phần hóa, thứ hai là cấm quân đội tham gia buôn bán... Đối với những đơn vị quân đội làm kinh tế đơn thuần, cũng không nên cho dùng các phương tiện của quân đội, không đi xe biển số đỏ nữa... Việc này đã và đang được lãnh đạo Bộ Quốc phòng triển khai. Tôi được biết thời gian qua bên quân đội cũng đã thu lại nhiều xe ô tô biển số đỏ của những đơn vị làm kinh tế. Vấn đề nữa là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng dần dần sẽ rút ra khỏi biên chế quân đội. Như vậy các doanh nghiệp quân đội hoạt động kinh tế đơn thuần sẽ không còn lợi thế từ những nguồn lực khác trong hoạt động kinh doanh, đảm bảo sự bình đẳng".
Theo Danviet