Chuyện của những người Việt trở về từ Vũ Hán
Khi Châu An nhập viện vì sốt rét cũng là lúc cô liên tục bị các số điện thoại lạ gọi đến mắng chửi, thậm chí nửa đêm họ cũng không tha.
“Cơn ác mộng bắt đầu từ ngày 25/1, khi tôi bị sốt”, Châu An, 29 tuổi, nghiên cứu sinh ngành báo chí truyền thông tại một đại học ở Vũ Hán (Trung Quốc) nói. Cô về nước từ đầu tháng và vẫn sinh hoạt bình thường.
Nhưng khi An bị sốt, cùng thời điểm dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát, tất cả những người xung quanh cô hoang mang. Những khu chung cư, nơi An từng sống vội vã khử trùng, lên danh sách những người từng tiếp xúc với An để cách ly. Bố mẹ cô đi tới đâu, người xung quanh tự động tản đi chỗ khác, lấy tay che miệng.
Cô nhập viện trong trạng thái hâm hấp nóng, đổ mồ hôi và ớn lạnh. Sau 5 ngày, kết quả xét nghiệm cho thấy An âm tính với nCoV – chủng virus gây bệnh viêm phổi cấp Vũ Hán. Bệnh viện kết luận: Sốt rét.
“Vui một nhưng nỗi buồn lớn gấp nhiều lần”, cô gái 29 tuổi nói. Từ 28/1, tờ khai thông tin của Châu An với cơ quan y tế, trong đó có từ địa chỉ nhà ở tại Dịch Vọng (Cầu Giấy) và Liên Mạc (Mê Linh), số điện thoại của An và bố, tên trường… bị phán tán lên mạng.
Châu An đã buồn và khóc nhiều những ngày qua khi thông tin cá nhân bị lộ trên mạng xã hội. Ảnh: NVCC.
“Mình đã nhận khoảng 40 cuộc điện thoại. Có người quen gọi đến, câu đầu tiên hỏi là: ‘Mày dương tính với virus Corona à?’. Nhiều người lạ gọi đến mắng chửi suốt một tuần nay”, An chia sẻ. Có những hôm đến nửa đêm vẫn có số lạ gọi chửi khiến cô gái bật khóc nức nở.
Video đang HOT
Châu An xuất viện sáng 31/1. Tình hình sức khoẻ của cô đã được cập nhập đến người dân ở chung cư để mọi người bớt hoang mang. Tuy nhiên những bài báo và bài đăng trên Facebook tiếp tục lan truyền. Những cú điện thoại gọi đến mắng chửi vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Hơn hai tuần tù đày là cảm giác của Trần Minh Tuấn, 20 tuổi, sinh viên ngành công nghệ thông tin ở Vũ Hán. Tuấn thuộc nhóm sinh viên cuối cùng về nước vào ngày 17/1. “Tôi biết về dịch từ khi còn ở trường nhưng không hề nghĩ nó nguy hiểm. Tới khi về đến cửa khẩu đã thấy bị kiểm tra rất kỹ, về đến nhà thì cảm thấy mọi người đề phòng mình”, Tuấn chia sẻ.
Trong ngôi nhà ở Trực Thái, Nam Định, Minh Tuấn chủ động cách ly với 7 thành viên trong gia đình và giam mình trong phòng suốt ngày. Tất cả những cuộc gặp mặt bạn bè, kế hoạch đi du xuân phải huỷ. Tuấn thậm chí cũng không dám ra ngoài chơi thể thao. “Tôi thường ăn cơm một mình sau cùng, hoặc có người mang đến đặt trước phòng”, cậu nói.
Đêm mùng Một Tết, cậu buồn chân nên ra hóng gió trước cổng chừng 15 phút. Không ngờ trưa mùng Hai cậu mệt, sốt 37,5 độ. Ba tiếng sau, Tuấn có mặt ở Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Ngay khi lên viện, thân nhiệt Tuấn đã về bình thường, nhưng vẫn phải chờ kết quả xét nghiệm nên chàng trai buộc phải ở phòng cách ly. Vì không muốn phiền ai nên cậu tự chăm mình 6 ngày ở viện, “khổ nỗi đúng những ngày lễ Tết nên không thể ăn gì khác ngoài cơm căng tin”.
“Rất buồn bực vì khoẻ mạnh mà phải giam mình trong 4 bức tường trắng toát và bị gán cho dính virus Corona, lại thêm thông tin cá nhân bị phát tán lên mạng”, chàng trai trẻ bộc bạch.
Sáng 31/1, kết quả xét nghiệm cho biết Tuấn chỉ bị… cúm thông thường.
Minh Tuấn được chẩn đoán bị J11-cúm, virus không định danh, là bệnh cúm thường tự khỏi sau khoảng 3 ngày. Ảnh: NVCC.
Nguyễn Thái Khang, giảng viên ở một trường đại học tại Hà Nội và đang làm nghiên cứu sinh ở Vũ Hán cũng có trải nghiệm tương tự. Dù anh về nước đã hơn nửa tháng – qua thời gian ủ bệnh viêm phổi Vũ Hán – nhưng vẫn bị xa lánh. “Sáng mùng 5 mình đến trường chúc Tết thầy cô thì không ai dám bắt tay, nói chuyện mà đứng cách mình 2 mét. Có thầy cô nói thẳng không cần mình chúc Tết nữa”, Khang cho hay.
Khổ tâm nhất với Khang là không gặp được một người bạn nào. Gọi họp lớp, ai nào cũng “tránh như tránh tà”. Đến khi lớp họp cũng loại anh ra.
Tính đến ngày 1/2, số người chết do nCoV tăng lên 259, số ca nhiễm tại Trung Quốc tăng lên 11.791. Tình hình bệnh vẫn diễn biến phức tạp khiến Khang lo chưa biết bao giờ mới quay lại trường học, trong khi anh đang cần tài liệu làm luận án. Nhưng Khang thấy “những rắc rối của mình vẫn chưa thấm gì với các bạn bị mắc kẹt lại Vũ Hán”.
Theo chị Thu Hằng, chủ nhiệm hội sinh viên Việt Nam tại Đại học KHKT Hoa Trung, Vũ Hán thì 27 sinh viên Việt học ở trường này đều chia sẻ những trải nghiệm bị kỳ thị khi trở về nhà ăn Tết. Điển hình trong đó là trường hợp của Châu An và Minh Tuấn do bị tung thông tin cá nhân lên mạng.
Năm nay, Hằng đón một cái Tết khác hẳn các năm, khi người thân, bạn bè biết cô từ vùng dịch trở về đã chủ động nói “thăm hỏi qua điện thoại là được”. Hơn nửa tháng vừa qua cô hầu như chỉ loanh quanh trong nhà, ngoài vườn ở Ứng Hoà, Hà Tây. “Tết năm nay đỡ hẳn tiền mừng tuổi”, cô đùa.
Những sinh viên như Hằng được Đại sứ quán, Sở y tế Hà Nội hay Hội lưu học sinh thành phố Vũ Hán quan tâm, ngày nào cũng hỏi tình trạng sức khoẻ. Đó là động viên giúp họ đỡ phần cô độc.
Phan Dương
Theo vnexpress.net
Một phụ nữ Trung Quốc chiến thắng virus corona kể về căn bệnh này
"Họ của tôi là Jiang, tôi năm nay 44 tuổi. Tôi đến từ Quận Vũ Hán, Trùng Khánh (Tây Nam Trung Quốc) và đã làm việc ở Vũ Hán trong vài năm qua. Hôm nay tôi đã được xuất viện từ Bệnh viện Trung ương Sansya.
Ngày 15/1, tôi về quê ăn Tết. Chồng tôi đến ga xe lửa quận để đón tôi, và thấy rằng tôi đang ốm rất nặng. Anh lập tức chở tôi đến bệnh viện nhân dân địa phương. Vài ngày điều trị không cho kết quả khả quan. Vào ngày 21/1, tôi được chuyển đến Bệnh viện Trung tâm Sansya ở quận Vạn Châu, được đưa vào khu cách ly và được chẩn đoán là bị viêm phổi do virus corona chủng mới. Tôi là bệnh nhân đầu tiên mắc bệnh này ở Trùng Khánh, các bác sĩ và y tá chăm sóc tôi tận tình.
"Hàng ngày, tôi được điều trị bằng kháng vi-rút và chống nhiễm trùng, các bác sĩ thậm chí đã sử dụng các phương pháp y học cổ truyền Trung Quốc. Trong những ngày gần đây, tất cả các triệu chứng đã thay đổi tốt hơn".
Các bác sĩ nói rằng tôi có thể xuất viện. Các bác sĩ không lấy một đồng tiền trị liệu nào.
Mọi người hỏi tôi bệnh này có kinh khủng không? Tôi tin rằng điều quan trọng nhất là không được hoảng loạn, cần bảo vệ bản thân theo cách tốt nhất có thể, đặc biệt đeo mặt nạ và rửa tay thường xuyên hơn. Nếu bạn bị sốt, ho và các triệu chứng khác thì cần phải đến bệnh viện ngay lập tức. Đừng lo lắng rằng bạn đang bị cách ly, hãy giữ tinh thần tốt, tuân thủ các khuyến cáo của bác sĩ, tin tưởng bác sĩ, và chắc chắn bạn sẽ bình phục".
Theo danviet.vn
Đà Nẵng: Tập trung nguồn lực phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona Là thành phố du lịch với số lượng du khách đến thành phố ngày một đông, đặc biệt là du khách Trung Quốc, TP Đà Nẵng đã tập trung mọi nguồn lực chủ động các biện pháp phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra. Khu cách ly đặc biệt tại Bệnh viện Đà Nẵng. Quy trình dự phòng,...