“Chuyện cổ tích” nơi biên cương cực Bắc
Trên hành trình tham quan Cột cờ Lũng Cú (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), có dịp ghé thăm Đồn Biên phòng Lũng Cú, BĐBP Hà Giang, nhiều người sẽ bắt gặp cảnh các cháu nhỏ vui chơi, sinh hoạt như nhà ở nơi đây.
Hỏi ra được biết, đó là những “ con nuôi đồn Biên phòng” đã được đơn vị đưa về nuôi dưỡng suốt 3 năm nay. Việc làm đầy tính nhân văn này đã có sức lan tỏa đến cộng đồng xã hội, làm đẹp thêm hình ảnh người chiến sĩ mang quân hàm xanh nơi biên cương cực Bắc.
Thượng úy Ly Mí Dình dạy các con nuôi học bài hằng ngày. Ảnh: Thanh Thuận
Bỏ lại sau lưng những ồn ào của cuộc sống nơi đô thị, tôi quyết định “hành quân” lên Hà Giang với mong ước được trải nghiệm tiết trời Đông lạnh giá của cao nguyên đá. Từ thành phố Hà Giang, tôi may mắn được nhập đoàn với chuyến xe chở các cựu chiến binh Biên phòng trong hành trình thăm cao nguyên đá. Xe xuất phát từ 5 giờ sáng theo quốc lộ 4C trong màn sương mờ mịt của buổi sớm vùng cao. Với quãng đường hơn 160km toàn đèo, dốc quanh co, uốn lượn ôm lấy những ngọn núi đá tai mèo hùng vĩ, phải mất 5 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới đến huyện Đồng Văn.
Đón đoàn chúng tôi, Thượng tá Phạm Ngọc Thủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lũng Cú vui vẻ như lâu ngày gặp lại người thân. Những lời giới thiệu về đơn vị của người Chính trị viên đã từng có nhiều năm gắn bó với biên cương khiến chúng tôi quên hết mệt mỏi sau quãng đường dài lên Lũng Cú.
Trong câu chuyện của mình, Thượng tá Phạm Ngọc Thủy kể về những con nuôi của đơn vị. Đó là các cháu: Thò Thị Dính (sinh năm 2005), Thò Mí Và (sinh năm 2008) và Thò Thị Súa (sinh năm 2012), là 3 chị em ruột trong một gia đình người Mông ở thôn Mã Lủng A, xã Ma Lé, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Dù còn nhỏ nhưng 3 chị em Dính đã phải trải qua những biến cố lớn trong cuộc đời. Đó là đầu năm 2015, bố các cháu qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Ít lâu sau, mẹ các cháu bỏ nhà đi Trung Quốc lấy chồng. Các cháu sống cùng với ông bà nội và vợ chồng người chú ruột, nhưng rồi người chú cũng mất sau đó 1 năm, người thím bỏ lại 2 con đi đâu không về. Ông bà nội đã già yếu phải nuôi 3 chị em Dính và 2 con của người chú khiến cảnh nhà vô cùng khó khăn. Dính phải nghỉ học đi cắt cỏ, lấy rau lợn, kiếm củi… phụ giúp ông bà.
Biết được hoàn cảnh éo le của các cháu, Thượng tá Phạm Ngọc Thủy đã cùng cán bộ Đồn Biên phòng Lũng Cú đến nhà thuyết phục ông bà được nhận 3 chị em Dính đưa về nuôi dưỡng tại đơn vị cho đến khi các cháu học hết lớp 12. Tuy nhiên, ông bà nội của các cháu không đồng ý. “Đích thân tôi phải đi vận động, lúc thì đi cùng Trưởng thôn, lúc thì cùng Bí thư chi bộ, lần khác lại cùng các thầy, cô giáo và người có uy tín của thôn vận động gia đình. Sau 3 lần đi thuyết phục, ông bà mới đồng ý cho đơn vị đưa các cháu vào đồn Biên phòng nuôi dưỡng”- Thượng tá Phạm Ngọc Thủy giãi bày.
Để các con nuôi quen dần với cuộc sống trong đồn Biên phòng, chỉ huy đơn vị đã cắt cử riêng một tổ cán bộ, chiến sĩ chăm lo cho các cháu. Ngoài thời gian làm việc, các cán bộ, chiến sĩ trong tổ đã kiên trì dạy các con học chữ phổ thông, hướng dẫn các con mọi việc cá nhân, đưa đón các con tới trường… “Phải có tình yêu thương con trẻ thì các cán bộ, chiến sĩ mới đủ kiên trì, nhẫn nại dạy dỗ các cháu. Mục tiêu của đơn vị là muốn giúp các con được đi học, biết mơ ước để sau này thành cán bộ về phục vụ địa phương” – Thượng tá Thủy bộc bạch.
Video đang HOT
Dù đã đặt ra một kế hoạch tỉ mỉ, nhưng chính Thượng tá Thủy cũng không thể lường hết được những khó khăn trong quá trình nuôi dưỡng các con tại đơn vị. 3 chị em vốn sinh hoạt tự do, giờ phải làm quen với chế độ, giờ giấc, nền nếp trong môi trường quân đội. Lúc đó, Súa chỉ mới 4 tuổi, chưa biết nói tiếng phổ thông, tính cũng rất hiếu động, lại thường xuyên bị ốm, khiến các chú trong tổ nuôi dưỡng phải vất vả chăm sóc. Dính và Và đang tuổi ăn, tuổi lớn, thường có những trò nghịch ngợm khiến các cán bộ phải để tâm rất nhiều tới các cháu!
Dẫn chúng tôi xuống căn phòng có gắn tấm biển màu đỏ ghi dòng chữ “Phòng con nuôi Biên phòng”, Thượng tá Thủy giới thiệu các con nuôi với chúng tôi. Lúc này, các con đang chăm chú làm bài tập về nhà do Thượng úy Ly Mí Dình kèm cặp. Thượng úy Dình là một trong số những cán bộ được chỉ huy đồn giao trực tiếp chăm sóc các cháu ngay từ những ngày đầu đơn vị đón các cháu về nuôi dưỡng.
Tâm sự với chúng tôi, Thượng úy Ly Mí Dình cho biết: “Sau 3 năm ở đồn Biên phòng, các con đã có sự thay đổi đáng kể trong nhận thức, học tập và tự tin hơn khi giao tiếp với mọi người. Súa nhỏ tuổi nhất đã biết nói tiếng phổ thông và đang học lớp 2 (lúc vào đơn vị, con mới học mẫu giáo). Còn Và đã được tuyển vào trường nội trú huyện. Năm học tới, con sẽ ra huyện Đồng Văn học”.
Cô chị cả Thò Thị Dính cho biết, năm nay, Dính đang học lớp 8, cuộc sống ở đồn Biên phòng của cháu đã đi vào nền nếp. “Sống trong Đồn Biên phòng Lũng Cú, 3 chị em cháu không phải ăn ngô, nghỉ học nữa mà được các chú bộ đội chăm sóc chu đáo, lo cho từng miếng ăn, giấc ngủ, được đến trường học hành, tối về lại dạy học, hỏi han các cháu. Chúng cháu thấy như được sống với người thân, thấy các chú bộ đội như người cha, người chú của mình. Chúng cháu biết ơn các chú Biên phòng lắm” – Thò Thị Dính chia sẻ.
Ngoài giờ học, các con nuôi quấn quít tâm sự mọi chuyện với Thượng úy Ly Mí Dình. Ảnh: Thanh Thuận
Khẽ chỉnh lại tư thế ngồi học cho “cô út” Thò Thị Súa, Thượng tá Phạm Ngọc Thủy bày tỏ: “ Con nuôi đồn Biên phòng” là mô hình mang tính nhân văn sâu sắc. Với mô hình này, chúng tôi hy vọng các con nuôi sau này lớn lên sẽ trở thành cán bộ địa phương, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc”.
êm trên Lũng Cú chầm chậm trôi đi trong im ắng vô cùng. Ở độ cao 1.800 mét, cộng với khu vực núi đá, nên về đêm nhiệt độ ở đây hạ xuống rất nhanh. Đang mơ màng trong giấc ngủ, tiếng hô tập thể dục buổi sáng khỏe khoắn phía trước sân đồn Biên phòng khiến tôi choàng tỉnh giấc. Qua ô cửa sổ, trong ánh sáng lờ mờ và màn sương bảng lảng, tôi nhận ra những bóng dáng nhỏ nhắn của các con nuôi đang tập những động tác thể dục hệt như của những người lính. Tôi như nhìn thấy trong hình hài các em bóng dáng những người chủ nhân tương lai của vùng cao nguyên đá.
Các em sẽ là những nhân vật chính trong “chuyện cổ tích mới” được viết nên bằng tình yêu thương, sự tận tụy của những tấm lòng người lính Biên phòng nơi biên cương cực Bắc…
Thanh Thuận
Theo bienphong
Thừa Thiên Huế: Lính biên phòng làm cha nuôi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
Những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở vùng biên giới Việt - Lào tại huyện miền núi A Lưới đã được Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận làm con nuôi.
Lễ đón nhận "Con nuôi đồn Biên phòng" tại Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân. Ảnh: Võ Tiến
Ngày 12/12, Đồn biên phòng cửa khẩu A Đớt và Hồng Vân, (Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên - Huế) đã tổ chức Lễ đón nhận "Con nuôi đồn Biên phòng".
Tại buổi lễ, đại diện Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt đã nhận nuôi em Lê Văn Thìn, người dân tộc Tà Ôi (sinh năm 2009, trú tại thôn Pa Ris - Ka Vin, xã A Đớt, huyện A Lưới); Đồn Hồng Vân nhận cháu Lê Phi Lăng, người dân tộc Pa Cô (sinh năm 2011, trú tại thôn A Năm, xã Hồng Vân, huyện A Lưới) làm "Con nuôi đồn Biên phòng".
Sau lễ đón nhận "Con nuôi đồn Biên phòng", các cháu sẽ được các đơn vị bố trí nơi ăn, ở, sinh hoạt, học tập và được cán bộ trực tiếp đưa đón các cháu đi học và chỉ dạy các cháu từ văn hóa cư xử, giao tiếp hằng ngày đến nền nếp thực hiện nội quy quy định của đơn vị, như học tập, rèn luyện nâng cao thể lực, sức khỏe... Từ đó, giúp các em nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập.
Theo kế hoạch, các đơn vị nói trên sẽ nhận nuôi hai cháu học hết 9. Sau đó các cháu sẽ tiếp tục được nhận đỡ đầu theo chương trình "Nâng bước em tới trường" và hỗ trợ học hết lớp 12 bằng nguồn kinh phí do cán bộ, chiến sĩ đơn vị tự nguyện đóng góp hỗ trợ cho các cháu.
Ông Lê Văn Mỹ, (bố đẻ của em Lê Văn Thìn) chia sẻ: "Gia đình tôi thuộc diện đặc biệt khó khăn. Bản thân tôi trước đây bị tai biến dẫn đến liệt nữa người, nên hiện không làm được việc gì. Cuộc sống hàng ngày chỉ có mình vợ tôi lo, phải chạy ăn từng bữa chứ nói gì đến chuyện cho con cái đi học. Trong thời gian qua, gia đình tôi đã được Đồn biên phòng giúp đỡ nhiều, giờ lại nhận con tôi làm con nuôi nữa, thực sự tôi ko biết cảm ơn như thế nào cho hết."
Ông Hồ Văn Rao, Chủ tịch UBND xã Hồng Vân, huyện A Lưới cho biết: Trong thời gian qua, lực lượng bộ đội biên phòng không những giữ vững an ninh trật tự để bà con yên tâm sản xuất mà còn có nhiều việc làm thiết thực, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Bây giờ lại có mô hình "Con nuôi Đồn biên phòng", một mô hình thiết thực, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp đỡ những em học sinh đặc biệt khó khăn có điều kiện ăn học, nâng cao dân trí.
Em Lê Văn Thìn tại nơi ở mới. Ảnh: Võ Tiến
Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên - Huế, trong thời gian qua, Bộ đội biên phòng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành và nhà trường thực hiện nhiều chương trình, mô hình, cách làm hay nhằm giúp đỡ người dân, như: "Tổ tự quản đường biên, mốc Quốc giới"; "Đảng viên Đồn Biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới"; các mô hình "Hũ gạo tình thương", "Ngôi nhà xanh tiếp sức đến trường"; các chương trình "Nâng bước em đến trường"; "Đồng hành cùng Phụ nữ biên cương"; "giúp đỡ xã nghèo, huyện nghèo"...góp phần thực hiện có hiệu quả Phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới gắn với xóa đói giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Tại huyện A Lưới, với chương trình "Nâng bước em đến trường"; Bộ đội biên phòng giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh khó khăn mỗi cháu 500.000 đồng/1 tháng để các cháu mua sắm dụng cụ học tập...Hiện nay trên địa bàn huyện, Bộ Chỉ huy và 4 Đồn Biên phòng tuyến núi đã nhận đỡ đầu cho 40 cháu.
Với mô hình "Con nuôi Đồn Biên phòng", các đơn vị nói trên được cấp trên chỉ đạo nhận nuôi 2 cháu để làm điểm sau, đó nhân rộng trong toàn tỉnh.
"Mô hình này không phải là tổ chức nhận con nuôi theo thủ tục pháp lý hay phong tục, tập quán của địa phương, mà đây là một chương trình an sinh xã hội mang tính nhân văn, thể hiện lòng tri ân của Bộ đội biên phòng tỉnh đối với nhân dân các dân tộc trên địa bàn biên giới đã cưu mang, giúp đỡ lực lượng biên phòng trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong những năm qua", lãnh đạo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên - Huế khẳng định.
Theo baodansinh
Ươm "mầm" nơi biên cương Gần 2 tháng nay, đồn Biên phòng Trịnh Tường, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát (Lào Cai) như rộn ràng, ấm áp hơn khi nhận nuôi 2 học sinh người dân tộc hoàn cảnh khó khăn. Các em được "cha nuôi" là những người lính biên phòng trực tiếp chăm sóc, dạy bảo. Có thể thấy, cùng với chương trình "Nâng bước em...