Chuyện chưa biết về cô bé bán cơm trở thành hoa hậu
Có nhiều câu chuyện hết sức lý thú về tân Hoa hậu, như: nàng từng lớn lên trong điều kiện khó khăn, từng phụ cha mẹ bán cơm bình dân, từng làm mướn để lấy tiền thi đại học.
Nhiều người dân ở xứ Tây Đô rất đỗi mừng vui khi Đặng Thu Thảo đăng quang Hoa hậu Đại dương năm 2014.
Đặng Thu Thảo trong lễ đăng quang Hoa hậu Đại dương 2014
Hành trình vượt khó…
Ngày cuối năm, chúng tôi tìm đến con hẻm 391, đường 30/4, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều (TP.Cần Thơ), từ trong con hẻm nhỏ này có một cô bé vừa viết nên câu chuyện cổ tích thời nay về nàng lọ lem vụt đăng quang Hoa hậu. Đó là Đặng Thu Thảo (SN 1995), vừa đoạt Hoa hậu Đại dương năm 2014 trong cuộc thi sắc đẹp tổ chức tại thành phố Phan Thiết (Bình Thuận).
Ông Đặng Xuân Anh (cha của Thu Thảo) mừng ra mặt: “Hôm cháu được nhận giải, bà con hàng xóm tới rất đông, rồi chính quyền địa phương, các sở ngành ở Cần Thơ, nhà trường… cũng đến chia vui với gia đình khiến cả nhà rất cảm động. Đây là thành quả vô cùng bất ngờ, không thể tin được”.
Vợ chồng ông Đặng Xuân Anh, quê gốc ở Hà Tĩnh, năm 1982, vào Cần Thơ sinh sống bằng nhiều nghề, từ thủy lợi đến sửa xe máy… Sau khi quăng quật với đời, ông trở về nhà ở con hẻm nhỏ 391 mở quán cơm bình dân mưu sinh. Vợ chồng có 2 người con gái, trong đó Đặng Thu Thảo là út. Do kinh tế không được dư giả nên cả nhà rất chắt chiu. Bé Thảo ngoài giờ học ở trường, về nhà là lao vào phụ giúp cha mẹ rửa chén, lau bàn, bưng cơm…
Bà Từ Thị Hữu (mẹ Thu Thảo) bộc bạch: “Bán cơm bình dân cho những công nhân, phụ hồ, sinh viên… nên đồng lời kiếm được không nhiều, chỉ tạm đủ nuôi con ăn học. Điều vui nhất là chị em của Thu Thảo rất có hiếu và chịu khó, xong chuyện học là làm mọi việc phụ quán cơm chứ không hề mắc cỡ hay so bì gì”.
Theo bà Hữu, mong muốn của gia đình là lo cho con học hành để sau này tìm một công việc bình thường như bao người khác. Bản thân Thu Thảo cũng ý thức tốt điều này, vì vậy cùng với phụ giúp gia đình thì Thu Thảo còn làm thêm ở các quán cà phê nhằm giảm bớt gánh nặng kinh tế cho cha mẹ.
Chính từ sự tự lập khá sớm nên Thu Thảo luôn lao vào mọi việc để vừa học vừa làm. Từ tham gia văn nghệ ở nhà trường đến đi biểu diễn thời trang, thi thanh lịch ở Cần Thơ… cũng do tự Thảo tìm đến và tự mình “xoay trở” chứ không để gia đình phải lo lắng bất cứ gì.
Video đang HOT
Người đẹp rạng rỡ trong đời thường
Bộc lộ nhiều năng khiếu
Nhận xét về tân Hoa hậu, cô Lê Thị Dạ Thảo, giáo viên trường THPT Nguyễn Việt Hồng, phường An Bình (TP. Cần Thơ) – từng là giáo viên chủ nhiệm của Thu Thảo trong suốt 3 năm liền từ lớp 10 đến lớp 12 – cho biết: “Ngay lần đầu tiên gặp Thu Thảo đã nhận ra em có những năng khiếu nổi trội hơn nhiều em khác. Thu Thảo là người rất say mê công tác đoàn, đội và văn nghệ. Em ca, hát, múa… đều tốt; đặc biệt là năng khiếu hội họa. Mỗi khi ở trường có tổ chức các phong trào như cắm trại, hoạt động thể thao, văn nghệ… thì Thu Thảo là người tham gia nhiệt tình nhất và rất có trách nhiệm. Cái hay của Thu Thảo là em biết tập hợp nhiều bạn bè cùng tham gia, từ đó việc khởi xướng các phong trào rất sôi động. Thu Thảo còn là người nhanh nhạy trong xử lý tình huống, có nhiều sáng kiến trong hoạt động văn hóa văn nghệ, đồng thời rất chịu khó”.
Cùng nhận xét trên, anh Nguyễn Phú, Ủy viên Ban chấp hành Hội Người mẫu Việt Nam, kiêm Giám đốc Công ty TNHH Người mẫu Tây Đô nhớ lại: “Vào tháng 11/2013, Thu Thảo tìm đến công ty chúng tôi để xin được tham gia. Lúc này Thu Thảo nặng khoảng 60 kg, do đó công ty yêu cầu em áp dụng các phương pháp tập luyện, chế độ ăn uống… để giảm cân và em thực hiện rất tốt nên không bao lâu giảm xuống còn 56 kg”.
Theo lời anh Phú, thấy em bộc lộ nhiều năng khiếu và rất chịu khó học hỏi, tập luyện… nên tháng 12-/2013, công ty giới thiệu Thu Thảo tham dự cuộc thi học sinh sinh viên thanh lịch thành phố Cần Thơ, nhân sự kiện chào mừng “Thành phố Cần Thơ 10 năm trực thuộc Trung ương”. Tại cuộc thi này, Thảo đoạt Á khôi 2.
“Tôi đã làm trong lĩnh vực này hơn 24 năm, nhưng Thu Thảo là một trong những trường hợp rất đặc biệt. Trước nhất, em là người biết vượt khó, biết tự lập và rất bản lĩnh. Thu Thảo có sức hút rất lạ, một vẻ đẹp khác biệt, sống nhiệt tình và luôn cầu tiến để vươn lên. Do đó, khi cuộc thi Hoa hậu Đại dương triển khai thì công ty đã lập tức chọn Thu Thảo tham gia”- anh Nguyễn Phú bộc bạch.
Tiếp tục học tập và làm xã hội từ thiện
Sau khi đăng quang Hoa hậu, Thu Thảo ít có thời gian về nhà vì bận rộn với lịch trình dày đặc các hoạt động xã hội cùng Ban Tổ chức. Lo lắng cho con gái, bà Từ Thị Hữu tâm sự: “Thảo đăng quang, còn niềm vui nào lớn hơn với mẹ cha, nhưng cả nhà cũng bảo nhau rằng, đạt Hoa hậu rất khó, giữ được danh hiệu này trong lòng công chúng còn khó hơn. Cho nên, vừa chia sẻ, vừa động viên Thảo tích cực tham gia các hoạt động cùng Ban tổ chức, nhưng cũng dặn dò con tiếp tục học hành tới nơi tới chốn”.
Sung sướng trong cảnh nghèo khó, có người con gái đẹp người tốt nết, người cha lam lũ bảo rằng, gia đình không giàu có, nhưng không hề tạo bất cứ áp lực gì cho con gái. Do đó, mọi hoạt động xã hội từ thiện mà Thu Thảo tham gia sẽ được cả nhà ủng hộ hết mình. Chỉ mong Thu Thảo làm tốt những phần việc của một Hoa hậu và đóng góp ít nhiều cho xã hội là niềm hân hoan của gia đình rồi…
Tiếp xúc với Thu Thảo, cô đẹp rạng rỡ ngay cả trong những khoảnh khắc đời thường bình dị. Người đẹp 19 tuổi chia sẻ về những ước mơ, dự định tương lai tươi đẹp phía trước với niềm tin long lanh nơi ánh mắt. Cô bảo: “Hành trình của em mới chỉ bắt đầu, em sẽ phải cố gắng rất nhiều để đạt được ước mơ…em sẽ chăm chỉ hết sức mình vì gia đình, vì những người đã yêu mến cổ vũ, động viên em trong suốt thời gian khó khăn qua”.
Theo báo Pháp luật
"Ma ngón" và những cái chết đau lòng giữa núi rừng
Chỉ là một thứ cây mọc ở sườn núi nhưng lại là nỗi ám ảnh của không biết bao thế hệ người H'Mông. Nhắc đến lá ngón, người ta ám ảnh đến rùng mình...
Mường Lát là huyện miền núi xa nhất của xứ Thanh. Từ thành phố Thanh Hóa vượt quãng đường gần 300 km dọc tỉnh lộ 520, qua cổng trời mới đến được vùng đất này. Huyện Mường Lát hiện có nhiều người dân tộc sinh sống như Dao, Thái, Mường, Kinh, H'Mông. Trong đó, người H'Mông chiếm 70% dân số.
Thoat nhìn những bản làng, những ngôi nhà sàn dựng dưới chân đồi, nhìn những đứa trẻ mặt lấm lem, chân trần chạy nhảy nô đùa, nhưng tưởng cuộc sống nơi này bình yên. Nhưng câu chuyện về "ma lá ngón" luôn là điều gì đó ám ảnh núi rừng nơi đây. Đồng bào dân tộc H'Mông gọi cây lá ngón là "cua tùa nhủ", nghĩa là "cây giết ruột".
Theo chỉ dẫn của cán bộ huyện, chúng tôi tìm đến xã Pù Nhi - nơi người ta quyên sinh bằng lá ngón được thống kê con số nhiều nhất. Gặp chúng tôi, Trưởng Công an xã Hơ Văn Tho buồn rầu cho biết, những năm gần đây, năm nào Pù Nhi cũng có người chết bằng lá ngón. Đặc biệt xảy ra ở các bản như bản Cơm, Pha Đén, Cá Nọi, Pù Ngùa... Từ đầu năm đến nay cả xã có 2 trường hợp chết bằng lá ngón, 4 trường hợp ăn lá ngón được cứu sống.
Cây lá ngón cướp đi không biết bao nhiêu sinh mang ngươi H'Mông
Rồi ông bảo người H'Mông thường có tính tự trọng, tự ái cao trong khi học hành ít, nhận thức kém nên họ tìm đến cái chết cũng vô cùng ấu trĩ. Những câu chuyện tưởng như đơn giản nhưng cũng ăn lá ngón để tự tử như vợ chồng giận nhau, nghèo khổ không chịu được, hay không được mua xe máy, điện thoại... chỉ cần buồn rầu là họ cho rằng đó đã là bước đường cùng và chỉ chết mới có thể giải thoát hoặc chết để người sống phải ân hận day dứt.
Theo chân ông Tho, chúng tôi vào bản Cơm, địa bàn có nhiều "ma ngón" mọc nhất và cũng là nơi nạn nhân ăn lá ngón tự tử nhiều nhất. Đường xa lại khó đi nên mãi tận lúc mặt trời lặn qua núi, bóng tối nhập nhoạng mới đặt chân vào được với bản. Gặp chúng tôi, Bí thư chi bộ bản Cơm Hơ Văn Dế buồn bã không muốn nhắc về những cái chết từ lá ngón. Ông bảo, người ở đây chỉ cần nói nặng lời với nhau thôi cũng đủ để họ tìm đến lá ngón.
Rồi ông chua xót cho biết mới đây thôi vào ngày mùng 2/9 - ngày Tết Độc lập - chị Thao Thị Pa cũng đã dùng lá ngón tự tử nhưng may mắn được cứu sống.
"Nhà tôi ở cách nhà chị Pa không xa nên khi nghe mọi người gọi, tôi chạy vào thì thấy Pa nằm trên giường và chỉ khóc, mắt Pa sưng húp, lá ngón còn xanh lè hai bên mép, tôi biết ngay là lại ăn lá ngón nên đã bảo mọi người nhanh chóng đưa Pa đi bệnh viện" - ông Dế kể lại
Nguyên nhân sau đó được biết hai vợ chồng chị Pa đi chơi. Thấy phụ nữ H'Mông ai cũng mặc đẹp lại tự nhiên không thấy chồng đâu, chị Pa ghen tuông rồi bỏ về nhà. Cho rằng chồng mình đã đi chơi với cô gái nào đó nên chị Pa buồn chán, lên đồi tìm lá ngón ăn.
Trong căn nhà sàn cheo leo trên sườn đồi, chị Pa đang ở nhà cùng hai con. Không biết tiếng Kinh, Bí thư chi bộ bản Cơm phải dịch cho tôi nghe chị Pa kể lại chuyện chị ăn lá ngón. Chị bảo lúc đó giận quá nên ăn cho chết quách đi để cho chồng phải ân hận nhưng giờ sống lại được thì sợ rồi, không dám ăn nữa.
Chị Pa cho biết lúc tức thì ăn lá ngón cho chết quách đi để giải thoát
Bí thư chị bộ Dế bảo bây giờ thì nói thế, nhưng sau này tức lên thì lại chẳng biết thế nào, như trường hợp của bà Thao Thị Chá ở bản này cũng vậy. Bà Chá tức với chồng nên lên núi tìm lá ngón ăn nhưng sau đó bà được cứu sống. Không bao lâu sau đó, hai vợ chồng cãi nhau, bà Chá lại tìm đến lá ngón và chết.
Trước đó, vào cuối năm 2013, Lâu Thị Dua (16 tuổi) cũng ở bản Cơm vì giận người yêu mà dại dột dùng lá ngón để tự tử. 16 tuổi - cái tuổi trăng tròn của đời người con gái, Dua đã biết yêu. Người yêu của Dua là một thanh niên cùng bản nhưng đang đi học ở dưới Thành phố. Sợ người yêu đi học ở thành phố sẽ không còn yêu mình nữa, hôm người yêu về, Dua nói người yêu đừng đi học nữa, nhưng người yêu không nghe. Một hôm, Dua lên nương tìm lá ngón ăn để người yêu phải ân hận vì không nghe mình.
Kể về đứa con gái dại dột, ông Lâu Dống Ly, bố của Dua nghẹn ngào: "Hôm đó, Dua đi cả ngày không về, tôi nghĩ nó đi chơi phố huyện với người yêu. Lúc cả nhà đang ăn cơm chiều thì thấy Dua chạy về, rồi nằm gục xuống, mắt trợn trừng, miệng sùi bọt mép. Tôi biết ngay là nó vừa ăn lá ngón, nhưng không cứu được nữa". Cái chết của Dua đã để lại nỗi đau cho cha mẹ, ngươi thân. Chỉ một phút suy nghĩ nông cạn, thiếu bình tĩnh, Lâu Thị Dua đã kết thúc cuộc đời mình một cách đau đớn ở cái tuổi đẹp nhất của đời người con gái.
Phía sau sự bình yên của những ngôi nhà sàn nằm dưới chân núi kia là rất nhiều những cái chết đau long từ lá ngón
Ngày trước ở vùng cao, chỉ ai làm cán bộ mới dùng điện thoại di động chứ giờ cái điện thoại cầm tay là vật không thể thiếu đối với mỗi người dân miền núi rồi. Đi nương, đi rừng, có điện thoại như có người bạn bên cạnh, thoải mái nghe nhạc, nghe hát và muốn tâm sự, hò hẹn với người yêu cũng thông qua nó, không phải hát ướm, ra ám hiệu nữa. Con trai, con gái đi chợ là để nhìn nhau xem có điện thoại hay không còn dễ bề xin số, hò hẹn. Thấy các anh các chị có điện thoại, những đứa trẻ mới lớn ở đây cũng không muốn thua kém. Chúng muốn có một cái máy biết hát di động bên người và tìm mọi cách để đạt được mục đích kể cả việc đem lá ngón ra để dọa bố mẹ. Vài cái chết thương tâm do dọa quá đà đã xảy ra mà điển hình như tại bản Kéo Té xã Nhi Sơn, vào ngày 26/2/2013, Thao Văn Di (SN 1997) thấy đám bạn có điện thoại, thoải mái nghe nhạc, Di liền xin bố là ông Thao Văn Sinh mua cho mình nhưng ông Sinh không đồng ý với lý do cái ăn còn chạy từng bữa thì tiền đâu sắm điện thoại. Di dọa nếu không mua điện thoại sẽ ăn lá ngón tự tử. Tưởng chỉ dọa thôi, ai ngờ Di đi tìm lá ngón ăn để chết thật.
Từ đầu năm 2013 đến nay, số vụ tự tử bằng lá ngón ở đồng bào Mông tại Mường Lát có xu hướng "nóng" trở lại, với hàng chục vụ. Điều đáng buồn là tỷ lệ người chết do lá ngón không giảm, mà lại có xu hướng tăng, đặc biệt vào các dịp lễ, tết, hay đình đám tại các bản người dân tộc Mông trong huyện. Thống kê của Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát thì từ năm 2013 đến nay có tới hàng chục ca cấp cứu do tự tử, trong đó có gần 20 ca tự tử bằng lá ngón. Hầu hết các ca đưa đến bệnh viện đều được cứu sống.
Nguyên Thuy
Theo Dantri
Kỳ lạ chủ quán 25 năm thờ chữ "cơm" Hàng chục năm qua, lữ khách đi qua thị trấn Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ ghé vào quán cơm bình dân Thanh Thanh đều rất ngạc nhiên khi muốn gọi nhiều món mà bà chủ quán cũng không bán. Ngạc nhiên nữa là, mặc dù trong tủ có tới hơn 30 cuốn sổ nợ nhưng bà Thanh chưa một lần tìm đến con...