Chuyện các nhà cầm quân ở V.League
35 giải vô địch quốc gia kể từ năm 1980, người hâm mộ sân cỏ Việt Nam đã chứng kiến khá nhiều HLV ấn tượng.
Những ấn tượng khó quên
Ấn tượng nhất phải kể đến đầu tiên chính là cố HLV Phạm Huỳnh Tam Lang là “thuyền trưởng” có thâm niên cầm quân nhiều nhất lịch sử sân cỏ Việt Nam. Ông Tam Lang đã huấn luyện đội Cảng Sài Gòn trong 23 năm (1981-2003). Nhưng có lẽ cái kết của cố HLV họ Phạm không thể buồn hơn, Cảng Sài Gòn đã xuống hạng ngay sau lần vô địch với vị trí 11/12. Đội quân của HLV Phạm Huỳnh Tam Lang thua 11/22 trận.
Cố HLV Phạm Huỳnh Tam Lang là “thuyền trưởng” có thâm niên cầm quân nhiều nhất lịch sử sân cỏ Việt Nam (ảnh gia đình)
HLV Carlos Oliveira là nhà cầm quân nước ngoài bị sa thải mà không cầm quân chính thức một trận đấu nào. Ông đã không còn là HLV trưởng của Becamex Bình Dương chỉ sau 3 tháng bổ nhiệm vì lý do… không đủ bằng cấp.
HLV Minh Đức là nhà cầm quân duy nhất chưa từng thắng tại V.League. Khi làm HLV Hà Nội.T&T thua 3 trận hòa 1, mùa giải này cầm đội Hồng Lĩnh Hà Tĩnh 2 trận thua. Nhưng có lẽ Minh Đức cần phải có thêm thời gian vì Hồng Lĩnh Hà Tĩnh là tân binh V.League 2020.
HLV Chu Đình Nghiêm. Ảnh tư liệu
Đến giờ thì 2 ông Lê Thụy Hải và Chu Đình Nghiêm là HLV thành công nhất, họ đã chia nhau mỗi người 3 chức vô địch V-League. Ông Hải “lơ” cùng đội bóng đất Thủ vô địch các mùa giải 2007, 2008 và 2014. Trong khi nhà cầm quân người Nam Định lại đăng quang vào năm 2016, 2018 và 2019 với CLB Hà Nội. Có điều ông Lê Thụy Hải không “chính danh” V.League 2014, ông chỉ được đăng ký chức GĐKT do vướng vấn đề bằng cấp.
HLV Lê Thụy Hải cũng là người nắm giữ kỷ lục làm việc với nhiều đội V-League nhất. Chiến lược gia quê gốc Hà Đông đã chính chiến khắp trong Nam, ngoài bắc với 5 đội B.BD (2006-2008, 2011, GĐKT 2013-2015), Đà Nẵng (2005), Thể Công (2009), Ninh Bình (2010) và Thanh Hóa (GĐKT 2016). Sẽ còn tốn rất nhiều giấy bút để nói về nhà chuyên môn đã có bề dày thăng trầm cùng bóng đá Việt Nam 2 thập kỷ này.
“Lò xay HLV”
Điều thú vị là tuy có khá nhiều bất đồng nhưng ông Lê Thụy Hải lại là người tồn tại ở “lò xay HLV” B.Bình Dương lâu nhất. Bởi lẽ tính từ V.League 2002 đến nay, B.Bình Dương đã dùng đến 17 HLV, trong đó có 5 thầy ngoại Nam Dae-shik (Hàn Quốc), Fancisco Vital, Luis Rodrigues, Ricardo Formosinho (Bồ Đào Nha) và Cho Yoon-hwan (Hàn Quốc) thì nhà cầm quân họ Lê này vẫn tồn tại được 7 mùa giải.
Đến việc “thay HLV như thay áo” không thể không nhắc đến đội bóng xứ Thanh. Khả năng “chịu nín” của các ông bầu nơi đây khá thấp, 13 mùa giải đội Thanh Hóa sử dụng 16 HLV, trong đó có 22 lần “thay ngựa giữa dòng”. Khác với các CLB V.League, tại Thanh Hóa kể cả đang thành công HLV vẫn phải ra đi, HLV Đức Thắng là một ví dụ điển hình.
Video đang HOT
Trận đấu giữa SLNA – B. Bình Dương. Ảnh tư liệu Xuân Thủy
Bầu Đức cũng là người được cho là “sát HLV” kể từ 2003, ông bầu gốc Bình Định này đã 17 lần vào vị trí cầm quân. Đến nay, HAGL cũng đã từng sử dụng 11 ông thầy đến từ Thái Lan (5 người), Việt Nam (3 người), Hàn Quốc (2 người) và Pháp (1 người). Đến nay thì ông Arjhan Srong-ngamsub vẫn là HLV thành công nhất với 2 chức vô địch V-League 2003 và 2004. Vị thuyền trưởng người Thái Lan sau này cũng để lại những dấn ấn tại CLB Bình Định.
Đội bóng phố Núi đề cao lối đá đẹp mắt, cống hiến nhưng lại phải đảm bảo hiệu quả, đó là điều quá khó đối với bất kể HLV nội hay ngoại khi làm việc với HAGL. Kể từ sau mùa giải 2006, HAGL đã rớt ra khỏi nhóm các đội mạnh V.League và bầu Đức vẫn miệt mài thay người cầm quân hơn là thay đổi triết lý bóng đá. Có lẽ con số 17 sẽ nhanh chóng được thay thế trong những năm tới đây.
Chuyện SLNA, Hà Nội FC
Hà Nội là đội bóng được đánh giá có chiến lược dùng người khá ổn định. Kể từ 2009, tại sân chơi V.League, đội bóng Thủ đô dùng 2 HLV Phan Thanh Hùng và Chu Đình Nghiêm lâu nhất. Khi cần “chữa cháy”, bầu Hiển đã sớm mời được HLV Hữu Thắng từ Vinh ra giúp Triệu Quang Hà, sau khi HLV Phan Thanh Hùng “hồi hương” thì họ cũng chỉ mất có đúng 4 vòng đấu “loạng choạng” để trở lại quỹ đạo. Điều mà giới chuyên môn thừa nhận là Hà Nội đã xây dựng được hệ thống CLB theo hướng chuẩn hóa chuyên nghiệp.
Cựu HLV Nguyễn Thành Vinh hồi còn làm việc. Ảnh tư liệu
20 năm tham gia sân chơi chuyên nghiệp, SLNA luôn được coi là “con nhà nghèo” nhưng lại là CLB duy nhất tại Việt Nam chưa rớt hạng. Cả HLV Nguyễn Thành Vinh và Nguyễn Hữu Thắng từng đưa đội chủ sân Vinh xưng vương ở V-League 2000-2001 và 2011.
SLNA đã sử dụng 7 lượt HLV khác nhau và đều là “dân SLNA gốc”, chưa từng thuê HLV ngoài. Tuy nhiên, với cơ chế như hiện nay, mục tiêu trở lại nhóm có huy chương vẫn là câu chuyện nằm ở tương lai.
An Thanh
Điểm danh 6 ngoại binh xuất sắc của SLNA trong 19 mùa giải vừa qua
Kể từ mùa giải 2001 đến nay, SLNA đã sở hữu rất nhiều ngoại binh chất lượng, có nhiều đóng góp cho thành tích của đội nhà. Sau đây là 6 gương mặt đáng chú ý nhất
1. Tiền vệ Iddi Batabuje (Uganda)
Tiền vệ Iddi Batambuje gia nhập SLNA ở mùa giải 2001, mùa giải đầu tiên các đội bóng tại V.League được phép sử dụng cầu thủ ngoại trong đội hình. Không ngoa khi nói rằng, sự xuất sắc của Iddi Batambuje ở vị trí tiền vệ trung tâm đã góp phần giúp SLNA giành chức vô địch tại V.League 2001, chức vô địch thứ 2 liên tiếp của đội bóng xứ Nghệ tại giải đấu danh giá nhất Việt Nam.
Iddi Batambuje (hàng sau, thứ 2 từ bên trái sang). Ảnh: Quang Minh
Theo đánh giá của cựu HLV Nguyễn Thành Vinh, cầu thủ người Uganda là tiền vệ sở hữu nền tảng thể lực sung mãn, kỹ thuật cá nhân cơ bản và nhãn quan chiến thuật tuyệt vời. Danh hiệu Cầu thủ ngoại xuất sắc nhất tại V.League 2001 là minh chứng rõ ràng cho sự xuất sắc của cựu tiền vệ SLNA và Đà Nẵng.
2. Tiền đạo Rajko Vidovic (Bosnia & Herzegovina)
Phải mất nhiều mùa giải, sau khi Iddi Batambuje chia tay sân Vinh, đội bóng xứ Nghệ mới sở được hữu được một ngoại binh chất lượng. Đó là tiền đạo Rajko Vidovic.
Rajko Vidovic thời còn chơi bóng. Ảnh: playmakerstats.com
Cầu thủ có cái đầu trọc này cập bến SLNA ở đầu mùa giải 2010 và thi đấu khá ấn tượng. Với 11 bàn thắng tại V.League 2010 và đóng góp công lớn vào thành tích vô địch Cúp QG 2010, tiền đạo người Bosnia &Herzegovina được đánh giá là một trong những ngoại binh xuất sắc của SLNA trong lịch sử. Nên nhớ, Rajko Vidovic đầu quân cho đội bóng xứ Nghệ khi đã ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp (35 tuổi). Kết thúc mùa giải 2012, cầu thủ sinh năm 1975 đã chia tay SLNA để trở lại quê nhà.
3. Tiền đạo Kavin Bryan (Jamaica)
Chuyển đến khoác áo SLNA cùng những người đồng hương là Diego Fagan ở đầu mùa giải 2011, Kavin Bryan không mất nhiều thời gian để hòa nhập và tỏa sáng tại đấu trường V.League. Chức vô địch V.League 2011 của đội bóng xứ Nghệ có đóng góp đáng kể của tiền đạo sinh năm 1984.
Kavin Bryan (bên trái). Ảnh: Hải Anh
Ngoài 7 bàn thắng ghi được, Kavin Bryan còn làm rất tốt nhiệm vụ hỗ trợ cho các đồng đội thi đấu xung quanh. Nếu như cầu thủ người Jamaica không bị chấn thương nặng và phải nghỉ hết mùa ngay sau vòng đấu thứ 15, thì SLNA đâu phải vất vả trong hành trình lên ngôi vô địch V.League 2011 đến như vậy.
4. Tiền vệ Hector Kerin (Trinidad &Tobago)
Cầu thủ sinh năm 1985 gia nhập SLNA ở đầu mùa giải 2012 và nhanh chóng khẳng định được tài năng và tầm quan trọng với đội bóng chủ quản. Trong 2 mùa giải thi đấu cho SLNA, Hector Kerin đã ra sân 45 trận và có được 14 pha lập công.
Hecto Kerin (số 7). Ảnh: Đức Đồng
Đánh giá một cách khách quan, Hector Kerin là "linh hồn" của SLNA ở 2 mùa giải 2012 - 2013, trước khi thuộc biên chế của CLB Hà Nội, đội bóng đã theo đuổi cầu thủ này từ khá lâu. Hẳn, người hâm mộ bóng đá xứ Nghệ vẫn chưa thể quên chàng tiền vệ nhỏ con thường mang chiếc áo số 7 năm nào. Có thể nói, những năm tháng đẹp nhất trong sự nghiệp của Hector Kerin là ở trong màu áo SLNA.
5. Tiền đạo Michael Olaha (Nigeria)
Dù có sự khởi đầu khá thất vọng tại mùa giải 2017, nhưng càng chơi, tiền đạo người Nigeria càng chứng tỏ được tài năng và tầm quan trọng của mình với SLNA. Sau khi giúp đội bóng xứ Nghệ lên ngôi tại Cúp QG 2017, Michael Olaha được đội bóng xứ Nghệ giữ lại thi đấu ở 2 mùa giải tiếp theo, bằng những đãi ngộ hết sức hậu hĩnh.
Michael Olaha (áo vàng). Ảnh tư liệu
Đáng tiếc, kết thúc mùa giải năm ngoái, SLNA không thể giữ chân thành công Michael Olaha trước sự chèo kéo của CLB Hapoel Tel Aviv (Israel). Trải qua 2 mùa giải khoác áo SLNA, cầu thủ sinh năm 1996 đã ra sân 76 trận và ghi được tổng cộng 18 bàn thắng (chỉ tính riêng tại đấu trường V.League).
6. Trung vệ Damir Memovic (Serbia)
Chỉ khoác áo SLNA đúng 1 mùa giải, song cầu thủ sinh năm 1989 vẫn kịp chứng tỏ được đẳng cấp của mình. Được SLNA chiêu mộ để khỏa lấp vào vị trí của Quế Ngọc Hải (chuyển sang Viettel), Damir Memovic đã thi đấu xuất sắc, góp công lớn giúp SLNA trở thành hàng đội bóng có hàng thủ chắc chắn nhất V.League 2019, với vỏn vẹn 26 bàn thua.
Damir Memovic (đứng giữa). Ảnh tư liệu
Tuy nhiên, thay vì tiếp tục thi đấu cho đội bóng xứ Nghệ thì Damir Memovic lại quyết định gia nhập HAGL. Không ngoa khi nói rằng, Damir Memovic là thương vụ "đáng đồng tiền bát gạo" của SLNA ở mùa giải trước. Sự ra đi của cầu thủ người Serbia khiến cho các cổ động viên SLNA phải vô cùng tiếc nuối.
Trên đây là 6 ngoại binh xuất sắc nhất của SLNA từ mùa giải 2001 đến mùa giải 2019./.
Thanh Hưng
Vì sao nhiều người không muốn Hà Nội vô địch? Ngoại trừ các cổ động viên thủ đô, phần lớn người hâm mộ sân cỏ không muốn thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm tiếp tục vô địch V.League 2020. Đơn giản, vì nếu thế sân chơi này dường như chỉ họ thống trị, không còn ai có thể cạnh tranh. Ngoại trừ các cổ động viên thủ đô, phần lớn người hâm mộ...