Chuyến bay giải cứu: Bị cáo xin được giảm án do có cha là liệt sĩ
Cựu Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản) Nguyễn Hồng Hà là bị cáo duy nhất trong vụ án “ chuyến bay giải cứu” có cha là liệt sĩ.
Chiều ngày 18/7, ngày làm việc thứ 6 của phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu”, các luật sư tiếp tục tiến hành bào chữa cho hành vi của phạm tội của các bị cáo.
Sau phần bào chữa của luật sư, bị cáo Nguyễn Hồng Hà – cựu Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản đã nêu thêm một số vấn đề về nhân thân để tự bào chữa cho bản thân. Ông Hà bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án 5 – 6 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, theo quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ Luật Hình sự.
Video bị cáo Nguyễn Hồng Hà trình bày về hoàn cảnh gia đình
Nghẹn ngào trong nước mắt ngay khi bắt đầu phần từ bào chữa, bị cáo này cho biết rất hối hận về những hành vi mà mình đã làm đồng thời bày tỏ mong muốn HĐXX xem xét thêm yếu tố nhân thân trong quá trình lượng hình.
Cụ thể, ông Hà cho biết mình là con một của liệt sĩ, cha của bị cáo lên đường vào miền Nam chiến đấu năm 1964 và hy sinh vào năm 1966 khi bị cáo mới có 2 tuổi.
“Toàn bộ tuổi thơ không có tình cảm của người cha nên rất thiếu thốn, bị cáo còn chưa bao giờ được nhìn mặt bố. Mẹ thì ở vậy nuôi bị cáo đến tận ngày hôm nay.
Lúc bị cáo bị triệu hồi về Việt Nam vào tháng 8/2022 thì mẹ của bị cáo đang nằm viện ở bên Nhật để mổ ung thư giai đoạn cuối.
Đến tháng 10/2022, khi vợ bị cáo đưa mẹ về Việt Nam đã phải đưa bà vào Bệnh viện Ung bướu Hà Nội để điều trị. Và đến tháng 3 vừa qua thì mẹ bị cáo mất. Thực sự khi bị bắt tạm giam, trong nhiều điều lo lắng, hối hận thì bị cáo lo lắng nhất về việc mẹ đang nằm viện điều trị ung thư giai đoạn cuối, không biết là mẹ mất lúc nào rồi mình lại không thể nào làm đạo hiếu của người làm con”, ông Hà giải bày.
Bị cáo này bày tỏ mong sớm được trở về để hoàn thành nốt đạo hiếu của người làm con với mẹ.
Bên cạnh đó, hướng đến Ngày Thương binh, Liệt sỹ (27/7), bị cáo bày tỏ mong muốn HĐXX xem xét hoàn cảnh gia đình để giảm mức án so với đề xuất của đại diện Viện Kiểm sát.
Bị cáo Nguyễn Hồng Hà – Cựu Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản.
Theo nội dung cáo trạng, với vai trò Tổng Lãnh sự tại Osaka, Nhật Bản, bị cáo Nguyễn Hồng Hà có nhiệm vụ bảo hộ công dân trong khu vực lãnh sự và chỉ đạo công tác phối hợp, tổ chức các chuyến bay giải cứu đưa công dân Việt Nam về nước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Trong quá trình tổ chức các chuyến bay giải cứu đưa công dân Việt Nam về nước, đầu tháng 3/2021, Nguyễn Thị Thanh Hằng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky đã bàn bạc với Nguyễn Hồng Hà về việc tổ chức chuyến bay đư công dân Việt Nam từ Osaka, Nhật Bản về nước.
Theo đó, hai bên thỏa thuận: Hà ký công văn gửi Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao xin tổ chức chuyến bay; Hằng lo thủ tục thuê tàu bay, xuất bán ve máy bay cho công dân và Hằng phải chia đôi lợi nhuận thu được từ việc tổ chức chuyến bay với Hà. Thực hiện thỏa thuận trên, từ tháng 6/2021 đến tháng 11/2021, Nguyễn Hồng Hà đã 2 lần nhận tiền của Nguyễn Thị Thanh Hằng với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng.
Sau khi vụ án được khởi tố ngày 28/01/2022, từ ngày 30/01/2022 đến 8/02/2022, Nguyễn Hồng Hà chuyển khoản trả lại gần 1,5 tỷ đồng cho Nguyễn Thị Thanh Hằng. Khi Cơ quan điều tra khởi tố bị can, ngày 13/9/2022, Nguyễn Hồng Hà tiếp tục nộp số tiền 600 triệu đồng để khắc phục hậu quả.
Lời khai của doanh nghiệp về những lần hối lộ hàng tỷ đồng để được cấp phép "chuyến bay giải cứu"
Bị cáo Mơ khai, do sợ thua lỗ khi thực hiện các chuyến bay giải cứu nên bị cáo đã gặp Thứ trưởng Tô Anh Dũng nhờ giúp đỡ.
Đổi lại, bị cáo Mơ đã 8 lần đưa hối lộ tổng cộng 8,5 tỷ đồng cho ông Tô Anh Dũng.
Sáng 12/7, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét hỏi 54 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu".
Trước bục khai báo, bị cáo Hoàng Diệu Mơ (Tổng Giám đốc Công ty An Bình) thừa nhận hành vi đưa hối lộ 34,6 tỷ đồng cho các cán bộ, lãnh đạo như cáo trạng xác định.
Bị cáo Mơ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo lý do, phải đưa tiền hối lộ vì muốn được cấp phép các chuyến bay: "Công ty của bị cáo rất cần việc vì đã đầu tư nhiều và sợ thua lỗ nên phải tìm gặp những người có trách nhiệm để nhờ họ giúp đỡ. Và đã nhờ thì phải lệ thuộc vào họ và thực hiện theo yêu cầu của họ", bị cáo Mơ khai.
Bị cáo Hoàng Diệu Mơ, Tổng Giám đốc Công ty An Bình được dẫn giải đến tòa án.
Chủ tọa phiên tòa hỏi: "Nếu không đưa tiền, công ty của bị cáo có được cấp phép không?". Bị cáo Mơ trả lời: "Nếu không đưa tiền thì khả năng không được cấp phép, hoặc chỉ được cấp phép một chuyến". Cũng chính vì đưa tiền hối lộ nên công ty của bị cáo Mơ đã được cấp phép 66 chuyến bay trong giai đoạn 2020 - 2021.
Bị cáo Mơ khai, bị cáo từng xin cấp phép chuyến bay khi chưa đưa tiền, nhưng Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao nói: "Không thể, vì cơ quan liên quan chưa trả lời". Do vậy, bị cáo Mơ đến gặp bị cáo Trần Văn Dự (khi đó là Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh) và được yêu cầu gặp cấp dưới của bị cáo Dự là bị cáo Vũ Anh Tuấn. Theo lời khai của bị cáo Mơ, bị cáo Tuấn ra giá: "Muốn được cấp phép phải chi 150 triệu đồng một chuyến, hoặc 2 triệu đồng một người về nước". Sau khi tính toán, bị cáo Mơ đồng ý phương án 150 triệu đồng một chuyến bay.
Bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
Cũng theo lời khai của bị cáo Mơ, bị cáo Phạm Trung Kiên (khi đó là Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) chủ động liên hệ và yêu cầu: "Bộ Y tế cũng như Cục Quản lý Xuất nhập cảnh phải được 150 triệu một chuyến". Vì thế, bị cáo Mơ đã đưa cho bị cáo Kiên và bị cáo Tuấn, mỗi người hơn 5,1 tỷ đồng.
Tại Bộ Ngoại giao, bị cáo Mơ khai, khi bị cáo đến gặp bị cáo Tô Anh Dũng (khi đó là Thứ trưởng) để xin giúp đỡ thì được đồng ý. Sau đó, bị cáo Mơ hối lộ cho nhiều người ở Bộ Ngoại giao. Cụ thể, Thứ trưởng Tô Anh Dũng 8,5 tỷ đồng; Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan 2,6 tỷ đồng...
Về số tiền đưa hối lộ cho các bị cáo ở Bộ Ngoại giao, bị cáo Mơ khai: "Không ai đòi hỏi nhưng bị cáo đưa tiền để được chấp thuận, cấp phép các chuyến bay đúng thời gian".
"Lúc bị cáo đưa tiền, lãnh đạo Bộ Ngoại giao chưa biết là bao nhiêu. Thứ trưởng Tô Anh Dũng bảo bị cáo, lần sau không được đưa anh nữa. Nhưng sau đó, bị cáo vẫn đưa tiền cho Thứ trưởng Tô Anh Dũng 7 lần nữa và Thứ trưởng Tô Anh Dũng vẫn nhận".
Cơ quan tố tụng xác định, trong vụ án, cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng đã nhận hối lộ tổng cộng 37 lần từ nhiều người với tổng số tiền 21,5 tỷ đồng trong giai đoạn 2020 - 2021.
Về vai trò của bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao), bị cáo Mơ khai, bị cáo được bị cáo Tô Anh Dũng giới thiệu gặp và đến đặt vấn đề để được bị cáo Lan giúp đỡ. Trong quá trình giải quyết cấp phép 66 chuyến bay, bị cáo Lan đã nhận hối lộ của bị cáo Mơ 11 lần với tổng số tiền 13,2 tỷ đồng.
Vụ 'chuyến bay giải cứu': Cựu phó giám đốc Công an Hà Nội nhận 42,8 tỉ đồng để 'chạy án' Cựu phó giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn bị cáo buộc đã nhận hơn 2,6 triệu USD từ 2 lãnh đạo doanh nghiệp để đưa cho Hoàng Văn Hưng, Trưởng phòng Điều tra, Cục An ninh điều tra, Bộ Công an, nhằm giúp chạy án Theo kế hoạch, ngày mai 11-7, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử...