Chuyện anh Lực “khùng” chỉ giỏi lo chuyện bao đồng và lần giả vờ nhận gây tai nạn để cứu người
24 năm qua, tài xế container Nguyễn Văn Lực đã giúp đỡ và cứu 30 nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông.
Anh thậm chí tự nhận mình là kẻ gây tai nạn để khẩn cấp cứu người.
Nói dối gây tai nạn để cứu người giữa đêm
Rạng sáng 12/3, anh Nguyễn Văn Lực, 45 tuổi, trú huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương đăng thông báo gấp lên trang Facebook cá nhân. “Người bị tai nạn rất nặng, gần đăng kiểm đường 5 mới Hải Phòng. Nam thanh niên không có giấy tờ tùy thân, không điện thoại”.
Trước đó, anh Lực lái xe container chở hàng từ Hải Phòng đi Phú Thọ, khi đến quốc lộ 5 (hướng Hải Phòng – Hà Nội), đoạn qua quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng, anh phát hiện một “vật thể” chắn ngang đường. Lại gần kiểm tra, anh bàng hoàng nhận ra đó là một nam thanh niên, nằm bất động xung quanh vũng máu.
Với kinh nghiệm 24 năm lái xe đường dài, gặp và giúp đỡ 30 người dân bị tai nạn giao thông, anh nhanh chóng dừng xe, bật tín hiệu cảnh báo để giữ hiện trường, bảo vệ người gặp nạn.
Để chứng minh mình là người dừng lại giúp đỡ chứ không gây tai nạn, nam tài xế lấy điện thoại phát trực tiếp (livestream) lên mạng xã hội. Tiến gần đến nạn nhân, anh Lực thấy người này đã tỉnh lại nhưng có dấu hiệu choáng do mất máu quá nhiều. Anh ra sức kêu gọi người đi đường giúp đỡ, nhưng không phương tiện nào dừng lại.
“Vụ tai nạn xảy ra ban đêm, đường vắng người qua lại, người dân cũng sợ bị liên lụy nên không giúp đỡ”, anh Lực nói.
Nam tài xế đã nghĩ tới phương án đỡ nạn nhân lên cabin xe mình, nhưng sợ nạn nhân đau đớn thêm. Hơn nữa, xe container cao hơn 4m, rất khó để di chuyển vào bên trong bệnh viện.
Clip: Tài xế container nói dối gây tai nạn để cứu người giữa đêm (Nguồn: Facebook)
Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh cắt từ clip)
Anh Lực ra đứng giữa đường, liên tục vẫy xe. Từ xe máy, taxi, container đều lần lượt vụt qua. Sau hơn 10 phút, anh thấy một người đàn ông khoảng 30 tuổi đi xe máy, rẽ vào ngõ gần hiện trường liền ra sức hét. Người này nhiệt tình quay lại, hỏi nam tài xế vì sao lại có người máu be bét thế kia?
Để được giúp đỡ, anh Lực “chuyển hướng”, nói dối mình là người gây tai nạn. “Tôi kêu gọi mãi nhưng không ai giúp, liền nhận là kẻ gây tai nạn để người dân thấy mình có trách nhiệm, mới cùng đưa người bị nạn đi cấp cứu”, anh Lực kể.
Người dân đồng ý đưa xe máy của nạn nhân về nhà, rồi giúp anh Lực dìu người bị thương lên thùng xe container. Cả hai cùng đưa nạn nhân đến Bệnh viện Giao thông Vận tải Hải Phòng, cách hiện trường 2km và tiếp tục chuyển đến Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng) để cấp cứu. Tại bệnh viện, nam thanh niên vẫn tỉnh, nhưng không nhớ được chính xác số điện thoại người nhà.
“Tôi sẵn sàng đóng tiền điều trị cho nạn nhân hoặc gọi người nhà mình đến hỗ trợ. Tôi đã từng nghĩ, nếu không có ai giúp đỡ, sẽ tự bắt taxi đưa nạn nhân đến bệnh viện”, anh nói.
Sau khi bàn giao bệnh nhân cho bác sĩ và nhờ được người đi xe máy ở lại trông nom, anh Lực để lại số điện thoại rồi tiếp tục chuyến hàng. Sáng hôm sau, anh nhìn chiếc xe, thấy máu của nạn nhân bám từ cửa, lốp, đặc biệt be bét phía thùng hàng.
“Trong đời, tôi chưa gặp trường hợp nào mất máu nhiều như thế”, anh Lực thốt lên.
10h sáng, anh nhận được điện thoại của người nhà nạn nhân, báo nam thanh niên đã tỉnh và dần hồi phục.
Đỗ Thế Anh, 23 tuổi, trú Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng, là người may mắn được anh Lực cứu giúp. Thế Anh kể, đêm 11/3, trên đường về nhà không may bị va chạm mạnh, nửa tỉnh nửa mê.
Vụ va chạm khiến Thế Anh bị chấn thương phần mềm, khâu 40 mũi ở đầu. Đến ngày 20/3, anh được xuất viện về nhà. “Lúc ở bệnh viện, tôi mới chỉ nhắn tin cảm ơn anh Lực. Khi sức khỏe ổn định tôi sẽ cùng gia đình tìm đến tận nhà cảm ơn”, nam thanh niên kể.
Tài xế Nguyễn Văn Lực giả vờ nhận là kẻ gây tai nạn để cứu người khẩn cấp
Anh Lực “khùng” chỉ giỏi lo chuyện bao đồng
Mỗi ngày, anh Nguyễn Văn Lực chỉ ngủ 2-3 tiếng, thời gian còn lại chạy container đánh hàng. Đều đặn, anh sẽ chạy xe đi Việt Trì (Phú Thọ) lấy hàng, rồi về Hải Phòng hạ container khác đem lên Hà Nội.
Công việc mệt mỏi, vất vả và nguy hiểm, anh cũng biết “quá sức chịu đựng so với người bình thường”, nhưng đã quen suốt hơn 20 năm qua. Anh cố gắng vì bản thân là kinh tế chính trong gia đình. Vợ anh 13 năm nay ốm đau chỉ ở nhà, hai con nhỏ mới 5 và 13 tuổi.
“Cường độ công việc kinh khủng. Có khi ngủ trên xe, về nhà chỉ kịp tắm giặt. Ngày Chủ nhật được nghỉ nửa ngày, rồi 4h sáng hôm sau lại tiếp tục”, anh kể.
Trên những hành trình đêm muộn, nếu không gặp trộm cướp, anh Lực cũng nhiều lần bị kẻ lạ “xin đểu”. Với bản lĩnh vốn có, anh đều xử lý mọi việc nhanh chóng. Nhớ có lần bị kẻ cướp dí dao vào cổ, anh cứng rắn không đưa tiền, sẵn sàng “tay đôi”. Tên này sợ hãi bỏ chạy, hôm sau anh trình báo Công an khu vực.
24 năm, giúp đỡ 30 nạn nhân trong các vụ tai nạn, anh Lực bị người ta gọi là kẻ “điên”, “gàn dở”, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.
Anh kể, ở Hà Nội, trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 15 ngày, tầm trưa, một nạn nhân bị ngã xe, nằm bất động, máu chảy đầy tai, mũi và đầu. Người dân đều cho rằng người này đã chết, vứt tiền lẻ xung quanh. Anh Lực vượt đường cao tốc, nhảy qua mấy cái rào, thấy nạn nhân vẫn tỉnh táo và chân tay cử động. Anh đã bắt một chiếc taxi, cùng đưa người bị thương đến bệnh viện với quan niệm “còn nước còn tát”.
Một ngày cách đây mấy năm ở Phú Thọ, khoảng 5h sáng, một tài xế container do buồn ngủ, đã đâm vào đuôi một chiếc container khác tại trạm chờ. Tất cả phương tiện xung quanh đều bỏ chạy khỏi hiện trường. 15 sau, anh Lực đến trạm, phát hiện nạn nhân bị nát mặt nhưng chân tay vẫn còn hơi ấm.
Trên đường đưa nạn nhân đi cấp cứu, anh Lực nắm lấy tay người này, nhận thấy cũng bị cụt một ngón tay giống anh. Nam tài xế liền an ủi nạn nhân “em truyền cho bác một tí năng lượng, vì tay em cũng bị cụt một ngón giống tay bác”. Nhưng đáng tiếc, nạn nhân tử vong ngay khi đến cổng bệnh viện, khiến anh Lực ám ảnh và day dứt cho đến nay.
“Nếu nhanh 5-7 phút nữa thôi, người ấy sẽ được cứu sống”, anh Lực tiếc nuối.
Không chỉ cứu người, anh Lực cũng không ít lần đứng ra làm chứng cho các vụ tai nạn, được Công an mời lấy lời khai. “Đứng trước cơ quan chức năng, mình là người đầu tiên xuất hiện tại hiện trường nên phải có trách nhiệm. Dù có liên lụy, nhưng tôi không để ý, nói đúng sự thật”, anh nói.
Anh thậm chí còn bị người nhà nạn nhân hiểu lầm lao tới đánh gãy tay, chửi mắng và đe dọa. Sau nhiều lần bị đánh oan, rút kinh nghiệm nên anh đã livestream diễn biến sự việc lên trang Facebook cá nhân của mình mỗi khi gặp người cần giúp đỡ.
“Người khác sợ liên lụy, nhưng tôi thì không. Chuyến hàng này có thể chậm, nhưng phải cứu người. Nhiều tài xế sợ vết máu hay sợ người chết trên xe nên đa phần bỏ chạy. Nhưng tôi quan niệm, mình nhanh thì người bị thương còn sự sống. Mình cứ cứu người ta trước, những chuyện khác tính sau”, nam tài xế nói.
Thấy chồng hay bị hiểu nhầm và đánh oan, không ít lần vợ anh khuyên nên cẩn thận, nhưng anh Lực khẳng định không làm việc gì trái với đạo lý xã hội.
Nam tài xế mộc mạc, giản dị, quyết tâm cứu được thật nhiều người dù bị gọi là “gàn dở”, “khùng điên”
Nam tài xế mong muốn giúp người bị nạn tiếp tục được sống, không để ý đến lời cảm ơn. Anh nói việc mình làm không vì mong cầu bất cứ thứ gì, không quà cáp, không thưởng, không tiền bạc. Anh tâm niệm, cố gắng nhanh 5-10 phút đã có thể cứu một mạng người.
“Tôi chẳng nhận của ai bất cứ thứ gì. Tôi làm vì một xã hội có tình thương, đạo đức đi lên, không màng lợi ích gì”, anh khẳng định.
Trong tương lai, tài xế Lực vẫn tiếp tục công việc đánh hàng và cứu giúp người gặp nạn. Trước đây, anh em bạn bè chưa hiểu, gọi anh là “kẻ bao đồng”, nhưng anh kệ, kiên định với quan điểm của bản thân.
Anh khuyến cáo, những tài xế mới, nếu gặp đường nguy hiểm, hoặc buồn ngủ, không nên cố gắng điều khiển phương tiện. Dù chủ xe ép hay dọa phạt, tài xế nhất quyết không chạy nếu trong tình trạng không đảm bảo. Nếu vì đồng tiền mà xe hỏng hay bản thân gặp nạn, tài xế sẽ phải trả giá rất đắt. 10 năm trước, do bị chủ hàng ép chạy, anh Lực cũng từng bị sa lầy. Từ đó, anh nhất quyết chạy xe điềm đạm, nên dù trong tình huống khẩn cấp vẫn có thể xử lý kịp thời.
Khi câu chuyện về anh Lực “khùng” giúp người tai nạn lan truyền trên mạng xã hội, anh nhận được tình cảm yêu mến của cộng đồng mạng. Anh nói, tình cảm quý giá hơn bất cứ món quà nào. “Tôi chấp nhận chịu tiếng oan, nhưng nhận về tình cảm của mọi người, còn vui hơn là cho tiền cho bạc”.
Đáp lại, trên những hành trình của mình, anh Lực cũng được người dân trả ơn và đối đáp bằng thứ tình cảm chân thật nhất. Dù đi ăn cơm hay thay lốp xe, nhiều người nhận ra anh, quyết định miễn phí, nhưng anh không nhận. Nếu đối phương thực sự có nhã ý, anh chỉ ngồi cùng uống tách trà rồi lại đi ngay.
Ngày trước, một người thợ mong muốn tài trợ anh Lực tiền sửa lốp xe. Anh đồng ý nhận, rồi gửi lại đúng khoản tiền đó, dặn người thợ mua gói bánh cho con. “Anh cũng đi làm thuê, chú cũng thế, không ai giàu sang hơn ai”. Bất kể ai mua tặng anh gói bánh, anh đều mua một gói tương tự để trả ơn.
“Việc tôi làm không để lấy quà, lấy tiền, mà chỉ lấy tình cảm của mọi người. Một lời động viên cũng khiến tôi hạnh phúc lắm rồi”, nam tài xế chân thật cười.
Thí điểm giao nhận hàng hóa 'không tiếp xúc' qua Trung Quốc
Ban quản lý cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn thống nhất với chính quyền nhân dân thành phố Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây về phương thức giao nhận hàng hóa mới tại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).
Xe container trên đường lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Ảnh: HÀ QUÂN
Theo đó, từ ngày 1-3, hai bên Việt Nam - Trung Quốc thống nhất thí điểm mỗi lượt xe xuất hàng của Việt Nam gồm cả đầu kéo và sơ mi rơ móc vào hai bãi chờ xuất khẩu trên tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa ở khu vực mốc 1119-1120. Bãi chờ xuất bên phải đường sẽ thực hiện cắt container hàng, bãi chờ nhập bên trái đường sẽ cẩu container đi.
Tiếp theo, công nhân Việt Nam thực hiện cắt và cẩu container tại hai bãi chờ. Sau đó, tài xế lái đầu kéo và lực lượng chức năng sẽ rời khỏi bãi để lực lượng y tế Việt Nam khử khuẩn, làm sạch. Chỉ có công nhân vận hành cần cẩu mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang được ở lại. Buồng lái cũng được niêm phong.
Lúc này, phía Trung Quốc đã bố trí lượt xe tương ứng vào hai bãi chờ xuất trên. Nhân viên Trung Quốc thực hiện quy trình nối, cẩu container lên xe. Sau khi hoàn thành, tài xế chuyên trách của Trung Quốc sẽ lái xe hàng về nước theo đường vận tải chuyên dụng.
Giao hàng xong thì tài xế chuyên trách Trung Quốc đưa xe theo đường xuất nhập cảnh để trả container rỗng tại bãi xe phía sau cửa hàng miễn thuế.
Trả xong container rỗng, tài xế này sẽ lái đầu kéo về hai bãi xe quy định ở khu vực mốc 1119-1120 để nhận container hàng hoặc quay về Trung Quốc theo đường cũ.
Theo Sở Thông tin và truyền thông Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đang tích cực trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc để tăng năng lực thông quan tại các cửa khẩu nhưng do phía Trung Quốc tiếp tục tăng cường xét nghiệm, phun khử khuẩn hàng hóa và phương tiện, phương thức giao nhận hạn chế tiếp xúc giữa hai bên.
Đồng thời hàng nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu phải thực hiện kiểm tra 100% nên hiệu suất thông quan rất thấp, khoảng 90 - 100 xe xuất/ngày. Do đó, Sở Công thương Lạng Sơn tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi lên cửa khẩu đường bộ xuất sang Trung Quốc đến hết ngày 5-3.
"Dự báo trong thời gian tới năng lực thông quan qua tuyến biên giới phía Bắc trong đó có tỉnh Lạng Sơn sẽ tích cực hơn khi áp dụng phương thức giao nhận hàng hóa mới ổn định, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Vì vậy các hiệp hội doanh nghiệp kinh doanh các ngành hàng cần chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình và đặc biệt cân nhắc việc đưa hàng lên khu vực cửa khẩu trong thời gian tới", Sở Thông tin và truyền thông Lạng Sơn đưa ra khuyến cáo.
Hiện, tỉnh Lạng Sơn đưa ra giải pháp hỗ trợ giảm phí, giá dịch vụ ra vào bến bãi; điều trị miễn phí cho tài xế container mắc COVID-19; triển khai nền tảng cửa khẩu số để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính...
Dự kiến trong quý 1-2022, Lạng Sơn hoàn thành cải tạo, mở rộng tuyến đường xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Chi Ma thành 4 làn xe xuất nhập khẩu; nâng quy mô tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) lên 3 làn xuất, 3 làn nhập.
Tính đến tối 28-2, tổng lượng xe hàng chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma là 1.479 xe. Trong đó xe chở hoa quả tươi chiếm gần 70% tổng số xe hàng chờ xuất khẩu.
Lần đầu tiên Hải Dương tổ chức lễ hội thu hoạch cà rốt Theo ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, sáng 15/2 tới, tại xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, tỉnh sẽ tổ chức lễ hội thu hoạch cà rốt năm 2022. Nông dân xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng thu hoạch cà rốt. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN Đây cũng là lần đầu tiên Hải Dương tổ chức lễ hội...