Chuột chứa virus suy thận có thể truyền bệnh qua phân
Ngày 29-11, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế chính thức xác nhận trường hợp một nam bệnh nhân 55 tuổi tại TP Hồ Chí Minh bị nhiễm virus Hanta do chuột cắn.
Công văn của Cục này nêu rõ, virus Hanta là bệnh lây truyền từ động vật sang người do loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột) bị nhiễm virus cắn hoặc do hít phải các chất thải của chuột có chứa virus. Virus Hanta có thể gây hội chứng sốt xuất huyết kèm suy thận với các triệu chứng như sốt cao đột ngột, buồn nôn, đau bụng, giảm huyết áp, có dấu hiệu nổi ban trên da, phù mặt, bí tiểu và sau đó là đa niệu. Ngoài ra, virus Hanta còn gây sốt xuất huyết hội chứng phổi với các triệu chứng như sốt đột ngột, ớn lạnh, nhức đầu, rối loạn đường tiêu hóa, suy hô hấp đột ngột và hạ huyết áp. Bệnh không lây từ người bệnh sang người lành.
Để chủ động phòng chống lây nhiễm bệnh, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc với chuột và chất thải của chúng, nếu tiếp xúc phải đeo khẩu trang, mang găng tay và rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc. Xác chuột phải đốt hoặc bỏ vào túi nilon 2 lớp, chôn ở độ sâu tối thiểu 50cm. Nếu có hiện tượng sốt liên quan đến chuột cắn hoặc tiếp xúc với chuột, chất thải của chuột, cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Theo ANTD
Sẽ diệt chuột trên toàn địa bàn thành phố
Sau khi Viện Pasteur TPHCM phát hiện 3 mẫu chuột cống mang virus Hanta gây suy gan, suy thận và một trường hợp nhập viện do bị chuột cắn bị biến chứng suy thận khiến người dân hoang mang.
Kênh rạch là khu vực tập trung nhiều loại chuột cống nâu. Ảnh: Trần Phan
Ngày 23.11, TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu - GĐ Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TPHCM - cho biết, sẽ có kế hoạch diệt chuột tổng thể trên toàn TP.
Theo TS-BS Siêu, trước đó, trung tâm đã có công văn gửi lãnh đạo các TTYTDP 24 quận, huyện yêu cầu lên danh sách những khu vực cần diệt chuột, dự trù lượng hóa chất, kế hoạch tổ chức...Kế hoạch diệt chuột lần này với quy mô lớn nhất sẽ được trình lãnh đạo Sở Y tế và UBND TP.
Tuy nhiên, theo ông Siêu, ở nhiều TP lớn trên thế giới cũng khó khăn trong diệt chuột. Trước đây, tại TPHCM cũng từng đề ra phương án diệt chuột bằng cách cho chuột ăn mồi nhằm gây bệnh ở chuột. Chuột nhiễm bệnh đó sẽ làm lây bệnh và giết chết cả đàn. Tuy nhiên, có nhiều người lo ngại, biện pháp diệt chuột này có nguy cơ làm ô nhiễm môi trường, nên phương án bị dừng lại. Việc dùng hóa chất đặt ở những nơi nhiều chuột chỉ là giải pháp tạm thời. Quan trọng nhất là không tạo điều kiện để chuột phát triển, trú ẩn, không vứt thức ăn bừa bãi; thu gom rác sạch sẽ, dọn dẹp gọn gàng các ngóc ngách. Người dân không nên tự dùng hóa chất để bẫy chuột vì chuột dễ quen với hóa chất và gây hại cho người, vật nuôi khác. Trước mắt, việc diệt chuột sẽ ưu tiên tại các điểm đông dân cư như: Chợ, nhà ga, chung cư, nhà ven kênh rạch...
Vấn đề mà người dân quan tâm hiện nay là: Liệu khi bị chuột cắn có dễ nhiễm Hanta virus gây suy gan, suy thận không? TS-BS Siêu giải thích: "Virus Hanta sống phổ biến trên loài chuột hoang dã và có nhiều trong nước tiểu của chúng. Nhiễm virus Hanta không phải là bệnh mới vì đã được ghi nhận từ lâu. Tuy nhiên, nhiễm virus Hanta có nhiều mức độ khác nhau, không phải ai nhiễm cũng mắc bệnh và nếu mắc bệnh cũng không phải ai cũng bị nặng, diễn tiến cấp và tử vong trong 7 - 10 ngày. Virus Hanta chỉ phát hiện lẻ tẻ, chưa ghi nhận thành dịch. Mỗi năm, BV Bệnh nhiệt đới TPHCM ghi nhận 1 - 2 ca nhiễm virus Hanta nặng, đến từ nhiều nơi. Đối với những ca nhẹ, bệnh nhân thường có triệu chứng như nhiễm siêu vi, tự khỏi sau 7 - 10 ngày.
Hiện chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc đặc trị đối với virus Hanta, nên người dân cần cẩn thận khi tiếp xúc với chất thải của chuột.
Theo laodong
Phát hiện chuột cống mang virus gây suy gan, thận tại TP.HCM Theo Viện Pasteur TP.HCM hôm nay (19.11), kết quả xét nghiệm cho thấy, một số mẫu chuột nhiễm virus Hanta, có khả năng gây ra suy gan, suy thận cấp cho người. Ba mẫu chuột dương tính với virus Hanta là chuột cống nâu trong số 25 con chuột (chuột cống nâu và chuột lắt) được cơ quan chức năng bẫy bắt tại...