Chuột Campuchia ‘vượt biên’ về miền Tây làm đặc sản
Mỗi ngày một thương lái ở cửa khẩu Khánh Bình, An Phú, An Giang, có thể mua hàng chục tấn chuột từ Campuchia về sơ chế, đóng thùng ướp đá rồi phân phối về các tỉnh Nam bộ để làm món ăn. Ngành chức năng lo nguy cơ lây lan dịch bệnh từ loài chuột ngoại này.
Sau Tết, tạicửa khẩu Khánh Bình, An Phú, An Giang, giáp với xã Chray Thom, huyện Co Thum, tỉnh Kandal, Campuchia , tấp nập người mua bán chuột sống lẫn chuột đã làm thịt sẵn. Có những vựa chứa cả trăm tấn chuột từ Campuchia đưa về mỗi ngày. Số chuột này hoặc được thương lái chở bằng xe máy đi bỏ mối; hoặc được làm thịt, lột da, mổ bụng, ướp đá và đưa đi tiêu thụ khắp nơi ở đồng bằng sông Cửu Long. Đây là món ăn đặc sản của vùng sông nước miền Tây.
Từ Campuchia sau khi chọn chuột xong, thương lái thuê xe chở ra bến, qua sông Bình Di để về Việt Nam, còn họ thì đi thẳng xuống bến đò Bình Di về ngồi đợi xuồng cập bến. Xuồng chở chuột cập bờ phía An Phú, những lồng chuột này được chuyển về hàng chục điểm tập kết ở thị trấn Long Bình, hòa nhập với đàn chuột bên Việt Nam đã có mặt từ trước. Và lúc này, chẳng ai còn phân biệt được đâu là chuột nội, đâu là chuột ngoại nữa.
Từ đây, những chú chuột bắt đầu một hành trình mới, hoặc nằm yên trong lồng rồi theo chân lái vi vu đến các tỉnh Long An, Tiền Giang, TP HCM, Vũng Tàu, Lâm Đồng, Bình Phước, Cần Thơ; hoặc nằm trong thùng xốp ướp lạnh, chuyển đi các nhà hàng, quán nhậu ở khắp nơi. Hiện tại chuột sống loại I là loài chuột cống nhum, giá 60.000 đồng một kg, loại II là chuột đồng (5- 6 con một kg), giá 40.000 đồng. Loại nhỏ nhất (trên dưới 10 con mỗi ký có giá bán 20.000-25.000 đồng.
Thương lái chuẩn bị chở chuột sống từ biên giới Campuchia về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để bán làm món ăn. Ảnh: Gia Bảo
Đuổi chuột từ trong hang ra để bắt, với sự hỗ trợ của chú chó nhà.
Video đang HOT
Chuột bị bắt nhốt trong những chiếc lồng để chờ bán.
Thương lái mua xong, chuyển chuột ra những chiếc lồng lớn để đưa từ Campuchia về biên giới Việt Nam.
Về đến biên giới An Giang, một số thương lái nhận chuột chở bằng xe máy đi phân phối khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Chở bằng xe máy đi bỏ mối nhà hàng quán ăn.
Số chuột còn lại ở biên giới An Giang được nhốt vào lồng để chuẩn bị sơ chế, ướp đá và mang đi bỏ mối.
Bắt chuột khỏi lồng để làm thịt.
Ở An Giang, khâu làm thịt chuột là công việc của người phụ nữ. Nghề này giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều lao động nữ tại đây,
Khâu làm thịt chuột cũng được tổ chức thành dây chuyền.
Món chuột nướng lu là đặc sản của miền Tây. Kể cả các thương lái cũng không thể phân biệt chuột nào của Việt Nam, con nào nhập từ Campuchia.
Ngoài các thương lái có điều kiện đi lại biên giới để thu mua chuột tận gốc, thì tại các địa phương giáp biên như An Phú, Châu Phú, Tịnh Biên của An Giang, có cả trăm cơ sở chuyên thu gom chuột đồng từ Campuchia. Ông Trương Văn Hùng, một trong những đầu mối thu gom chuột lớn nhất nhì ở huyện Châu Phú – An Giang, cho hay: “Có ngày doanh thu mua ban chuôt hơn 50 triệu đồng, với hàng chục tấn chuột sống rồi đem đi sơ chế sẵn phân loại kích cỡ cho vào thùng xốp có ướp nước đá đem đi bỏ mối”.
Ông chủ này nói rằng nghề kinh doanh chuột của ông giải quyết việc làm cho trên 30 lao động tại địa phương, có thu nhập ổn định. Ngoài ra còn khuyến khích bà con ở đây đi bắt chuột bảo vệ mùa màng ở vụ lúa Đông Xuân để bán, lại tăng thu nhập gia đình.
Ông Trần Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Long Bình, huyện An Phú, An Giang, cho biết: “Thời gian gần đây chuột Campuchia về nhiều quá khiến chúng tôi rất lo. Chuột là loài sinh sản nhanh, nếu không may một lồng chuột vài trăm con sổ lồng thì tai hại vô cùng”.
Theo ông Huỳnh Thanh Phong, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp phát triển nông thôn huyện An Phú, chuột không nằm trong danh mục kiểm dịch, không cấm nhập, nhưng nguy cơ tiềm ẩn nhiều loại dịch bệnh. Chuột sinh sản nhanh, tàn phá mùa màng nên mặc dù không có quy định cấm, ngành chức năng của huyện cũng ra quyết định cấm nhập chuột.
Theo VNExpress