Chương trình mục tiêu quốc gia: 5 địa phương chưa giải ngân được đồng tiền nào!
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phê phán các địa phương giải ngân chậm trong 2 chương trình mục tiêu quốc gia, gây cản trở tới ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn của chương trình tới người dân, nhất là ở các vùng khó khăn.
“Tiền có, nhu cầu rất cấp bách, nhưng vẫn chưa phân bổ được. Giải ngân rất chậm, đến 30/6 mới đạt 23%, trong đó 5 địa phương chưa giải ngân được đồng nào”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý.
Ngày 25/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo, sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019.
Hơn 50 % số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, Chương trình Xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực.
Hết tháng 6/2019, cả nước có 4.458 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, chiếm hơn 50% tổng số xã trên toàn quốc, hoàn thành trước yêu cầu của nghị quyết Quốc hội và Chính phủ tới 18 tháng.
Bên cạnh đó, có 82/664 đơn vị cấp huyện thuộc 36 tỉnh, TP được công nhận hoàn thành/đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 19 đơn vị so với cuối năm 2018).
Đặc biệt, 3 tỉnh Đồng Nai, Nam Định, Bình Dương và TP Đà Nẵng đã trở thành 4 địa phương đầu tiên của cả nước có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới đã được xử lý dứt điểm và hoàn thành tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội.
Tuy nhiên, theo ông Nam, tiến độ thực hiện chương trình của một số địa phương, vùng còn chậm và thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung của cả nước.
Khoảng cách chênh lệch khá lớn về kết quả thực hiện giữa các vùng, miền như vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 82,74%, Đông Nam Bộ đạt 70%, thì khu vực miền núi phía Bắc mới là 26,45%, Tây Nguyên 37,73%…
5 địa phương chưa giải ngân được đồng vốn nào
Về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, theo Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Quân, dự kiến năm nay, số hộ nghèo sẽ giảm xuống còn 4,5%, đạt yêu cầu của Quốc hội.
Tuy nhiên, tỷ lệ giảm nghèo chưa bền vững vì ngoài tỷ lệ tái nghèo thì tỷ lệ phát sinh hộ nghèo cao, lên tới 17,8% trong năm 2018.
Đáng lưu ý, chênh lệch giàu nghèo chưa chuyển biến, năm 2014 khoảng cách thu nhập giữa hộ giàu và nghèo là 9,7 lần nhưng năm 2018 đã tăng lên 10 lần.
Nguyên nhân là do điều kiện tự nhiên, thiên nhiên khác nhau và phức tạp nên giải pháp thoát nghèo gắn với sinh kế bền vững chưa hiệu quả.
Video đang HOT
Thứ trưởng Lê Quân cũng cho biết, khả năng tiếp cận dịch vụ và thị trường của hộ nghèo chưa lớn. Ví dụ, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số rất cao nhưng tỷ lệ tiếp cận bảo hiểm y tế thì rất thấp.
Trong khi đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn chậm, mới được 23% kế hoạch năm 2019 và không đồng đều cho cả nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống, có tới 47 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.
Toàn cảnh cuộc họp
Cá biệt, có 5 địa phương chưa giải ngân được đồng vốn nào là Cà Mau, Khánh Hoà, Hoà Bình, Quảng Ninh và Đắk Nông và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% là Thái Bình, Tiền Giang, Bình Thuận, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý, tình trạng chung của hai chương trình là giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công còn rất chậm, tỷ lệ giao vốn đạt thấp.
“Tiền có, nhu cầu rất cấp bách, nhưng vẫn chưa phân bổ được. Giải ngân rất chậm, đến 30/6 mới đạt 23%, trong đó 5 địa phương chưa giải ngân được đồng nào, 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%; chưa bố trí được nguồn để thưởng chương trình xây dựng nông thôn mới, hơn 638 tỷ đồng”, ông Vương Đình Huệ nói.
Phó Thủ tướng phê phán các địa phương giải ngân chậm trong 2 chương trình mục tiêu quốc gia, gây cản trở tới ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn của chương trình tới người dân, nhất là ở các vùng khó khăn; đồng thời đề nghị các bộ, ngành và địa phương quyết liệt giải quyết những tồn tại này.
Phải giải quyết dứt điểm hộ nghèo là hộ người có công
Với kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, 100 hộ thoát nghèo thì lại có 18 hộ phát sinh mới, theo ông Vương Đình Huệ, đây là con số phải suy nghĩ. Mục tiêu đề ra là “nâng trên, đỡ dưới” cũng chưa đạt được.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, khả năng năm 2019 mới giải quyết được khoảng 20/53 tỉnh có hộ nghèo là hộ người có công trong tổng số hơn 16.000 hộ. Đến năm 2020, nếu không có giải pháp tốt sẽ không đạt mục tiêu, đây là khó khăn, thách thức. Quyết tâm rất lớn của Chính phủ, Quốc hội, Ban Chỉ đạo phải giải quyết dứt điểm hộ nghèo là hộ người có công.
Nhấn mạnh nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung làm tốt Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia tại tỉnh Nam Định, gắn với tổng kết Nghị quyết của, Trung ương, Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tập thể, sắp xếp công ty nông lâm nghiệp, đề xuất tới Chính phủ, Trung ương các phương hướng triển khai trong giai đoạn tới..
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhanh chóng sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và đánh giá thực hiện chuẩn nghèo đa chiều, làm cơ sở thực hiện trong 5 năm tới, đặc biệt là làm rõ chuẩn nghèo đối với trẻ em; sớm trình Ban Chỉ đạo kế hoạch tổ chức Ngày Quốc tế chống đói nghèo, Ngày Vì người nghèo Việt Nam năm 2019 cũng như các chương trình an sinh xã hội khác.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công liên quan tới 2 Chương trình này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương sớm tổng hợp thông tin để báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo nhu cầu, kế hoạch, kinh phí triển khai 2 chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch tài chính, ngân sách và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025.
Hương Giang
Theo Thanhtra
Phó Thủ tướng: "Cổ phần hoá - Đúng pháp luật nhưng phải nhanh"
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra chặt chẽ, minh bạch nhưng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sốt ruột khi tiến độ rất chậm khi chỉ đạt 27,5% kế hoạch đặt ra cho cả giai đoạn 2016- 2020.
Sáng 8/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã chủ trì phiên họp đánh giá nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2019 của Ban chỉ đạo.
Tham dự phiên họp là lãnh đạo các bộ, ngành, hai địa phương lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và lãnh đạo của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu xử lý lãnh đạo các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng không niêm yết trên sàn chứng khoán.
Phó Trưởng Ban chỉ đạo Nguyễn Hồng Long cho biết trong 6 tháng đầu năm 2019, các bộ, ngành và địa phương đã bán cổ phần lần đầu (IPO) 5 doanh nghiệp và 1 đơn vị sự nghiệp thu về 562,707 tỷ đồng.
Lũy kế từ 2016 đến nay, cả nước cổ phần hóa 162 doanh nghiệp, đạt 27,5% kế hoạch đề ra cho giai đoạn 2016- 2020, với tổng quy mô vốn nhà nước được xác định lại đạt 205.433,20 tỷ đồng, bằng 108 % tổng giá trị phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa cả giai đoạn 2011-2015 (189.509 tỷ đồng).
Ngoài ra, các bộ, địa phương cũng phê duyệt phương án cổ phần hóa 4 DNNN và 2 đơn vị sự nghiệp công lập, có 2 doanh nghiệp thuộc danh sách cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN phê duyệt danh mục DNNN hoàn thành cổ phần hoá theo từng năm trong giai đoạn 2017- 2020. Trong đó, tổng giá trị doanh nghiệp là 680,86 đồng, giá trị vốn nhà nước là 615,29 tỷ đồng. Theo phương án được phê duyệt, vốn điều lệ của 06 đơn vị này là 334,66 tỷ đồng, trong đó bình quân: Nhà nước nắm giữ 41,77 % tổng vốn điều lệ, bán cho người lao động 8,47% tổng vốn điều lệ, bán cho các nhà đầu tư ngoài doanh nghiệp 49,75% tổng vốn điều lệ.
Về thoái vốn, trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước đã thoái tại 30 doanh nghiệp với giá trị sổ sách là 2.769,711 tỷ đồng, thu về 4.938,984 tỷ đồng (gấp 1,78 lần giá trị sổ sách). Lũy kế từ 2016 đến nay, đã thoái vốn nhà nước tại 88 đơn vị với giá trị sổ sách 4.801,432 tỷ đồng, thu về 9.115,042 tỷ đồng.
Như vậy, tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn 6 tháng đầu năm 2019 là 5.501,691 tỷ đồng Lũy kế từ năm 2016 đến nay, tổng số thu từ cổphần hóa, thoái vốn đạt hơn 218.255,691 tỷ đồng, gấp 2,8 lần tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn của cả giai đoạn 2011-2015 (khoảng 78.000 tỷ đồng).
Trong 6 tháng đầu năm 2019, đã chuyển 30.000 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp nhà nước vào NSNN để phục vụ đầu tư công trung hạn. Lũy kế từ năm 2016 đến nay, đã chuyển 185.000/250.000 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước, đạt 74 % kế hoạch của cả giai đoạn 2016-2020, đồng thời bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ Quốc hội giao.
Về tình hình phát triển doanh nghiệp nói chung, ông Nguyễn Hồng Long cho biết cả nước thành lập mới 66.958 doanh nghiệp, tăng 3,8%,với số vốn đăng ký thành lập mới là 860.195 tỷ đồng, tăng 32,5% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 12,8 tỷ đồng, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2018. Số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt mức cao nhất so với 6 tháng đầu năm cả giai đoạn 2015-2019.
Đánh giá về công tác này trong 6 tháng qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo cho rằng mặc dù công tác cổ phần hoá, thoái vốn đã có nhiều thay đổi tích cực về chất nhưng cổ phần hoá vẫn rất chậm.
Cụ thể, cả nước mới hoàn thành cổ phần hoá 35 DNNN trong danh mục của QĐ số 991/TTg-ĐMDN (gồm 127 doanh nghiệp), trong đó riêng Hà Nội còn 13 DNNN và TPHCM là 36 DNNN chưa được cổ phần hoá.
Tiến độ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng chậm so với kế hoạch đề ra từng năm khi QĐ số 1233/QĐ-TTg yêu cầu cả nước phải hoàn thành thoái vốn tại 405 doanh nghiệp từ 2016- 2020 nhưng tới nay chỉ được 88 DNNN (chiếm 21,8%).
Ngoài ra một số bộ, ngành địa phương gặp vướng mắc trong triển khai thực hiện xác định giá trị sử dụng đất, giá trị doanh nghiệp. Việc chuyển giao quyền sở hữu nhà nước sang SCIC và niêm yết trên sàn chứng khoán sau IPO còn ít (hiện còn 796 DNNN chưa niêm yết).
Trưởng Ban chỉ đạo cũng lo lắng về công tác phát triển doanh nghiệp khi mới có 737.000 doanh nghiệp, và mục tiêu đạt 1 triệu DN vào năm 2020 là khó khi chưa có giải pháp hữu hiệu khuyến khích hộ kinh doanh nhỏ lẻ thành lập doanh nghiệp.
"Nhiều DNNN có quy mô lớn, sở hữu đất đai ở nhiều tỉnh, thành như Vinafood1, VNPT, Agribank nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất, giá trị doanh nghiệp,... mất nhiều thời gian", Phó Thủ tướng đánh giá.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng cho rằng Nhà nước đã ban hành nhiều quy định chặt chẽ hơn trong cổ phần hoá, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch nên thời gian thực hiện cũng lâu hơn. Ví dụ việc đề nghị Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán doanh nghiệp có quy mô vốn nhà nước từ 1.700 tỷ đồng trở lên cũng khiến quá trình cổ phần hoá kéo dài thêm từ 6- 12 tháng.
Không chỉ vậy, Phó Thủ tướng cho rằng lãnh đạo các DNNN còn đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong xử lý công việc nên thời gian triển khai chậm.
"Tinh thần cẩn trọng là đúng và từ năm 2016 tới nay chưa phát hiện sai phạm nghiêm trọng nào trong cổ phần hoá thoái vốn trong thời điểm này, nhưng Thủ tướng và Chính phủ muốn chúng ta phải làm đúng nhưng phải làm nhanh. Đúng mà chậm, ách tắc trì trệ không được mà phải nhanh hơn. Yêu cầu là khó nhưng phải làm chứ không còn cách nào khác cả. Cứ tròn vo đẩy công văn xin ý kiến vòng quanh là không được", Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu.
Từ nay tới hết năm 2019, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan tới cổ phần hoá, thoái vốn trong đó tiếp tục rà soát toàn diện các văn bản pháp luật liên quan để ban hành hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc khó khăn theo thẩm quyền, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, khả thi trong triển khai thực hiện; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính khẩn trương rà soát các văn bản pháp luật liên quan, đặc biệt là Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn, Quyết định số 707/QĐ-TTg, đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả thực hiện Quyết định này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 7/2019.
Các vướng mắc về định giá đất đai tiếp tục làm khó bộ, ngành, địa phương trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với VPCP trong thẩm tra để Chính phủ sớm ban hành Nghị định thay thế Quyết định 22/2015/QĐ-TTg về chuyển đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần; báo cáo việc các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu với lãi suất cao từ 14-16% có khả năng gây ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô.
Các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị TW 5, khóa XII, Nghị quyết số 60/NQ-QH14 của Quốc hội, tạo sự nhất trí cao, nâng cao hơn nữa nhận thức để có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện.
Tiếp tục triển khai có kết quả Nghị quyết TW5, khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân; các Nghị quyết của Chính phủ liên quan để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp; nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg,Thông báo số 39/TB-VPCP ngày 25/01/2019và các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có liên quan; chế độ báo cáo theoquy định và yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.
Theo Danviet
Lãnh đạo Chính phủ tặng quà người nghèo Hoà Bình dịp Tết Kỷ Hợi Ngày 30/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia cùng lãnh đạo một số bộ, ngành đã tới thăm và tặng quà cho các hộ gia đình nghèo, người khuyết tật và các em học sinh của xã Thung Nai và Bình Thanh, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình...