Chương trình cấp phép xuất khẩu – ‘chiêu’ giữ vaccine của EU
Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch kéo dài cơ chế cấp phép xuất khẩu đối với vaccine ngừa COVID-19 cho tới cuối tháng 6 năm nay.
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca. Ảnh: PAP/TTXVN
Dẫn hai quan chức cấp cao EU, hãng tin Reuters cho biết động thái trên của liên minh có thể làm bùng nổ căng thẳng với các quốc gia đang phụ thuộc vào vaccine ngừa COVID-19 sản xuất tại EU.
Theo cơ chế, các công ty sản xuất phải xin được giấy phép trước khi xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 và có thể bị từ chối cấp phép nếu như họ không tuân thủ những cam kết với EU về vaccine.
Video đang HOT
Cơ chế này được đưa ra từ cuối tháng 1 như một phản ứng của EU trước những thông báo hoãn chuyển vaccine COVID-19 của các nhà sản xuất cho khối.
Mặc dù cơ chế này sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 3 song Ủy ban Châu Âu (EC) muốn gia hạn nó tới tháng 6.
“EC sẽ đề xuất gia hạn cơ chế sang tháng 6. Các quốc gia thành viên dường như đồng thuận với quyết định đó. Chúng tôi vẫn cần cơ chế này”, một nhà ngoại giao EU bày tỏ.
Trong khi đó, quan chức còn lại tiết lộ trong một cuộc họp các nhà ngoại giao EU vào ngày 3/3, nhiều quốc gia thể hiện sự ủng hộ với biện pháp này, trong đó có các quốc gia có tiếng nói như Đức và Pháp. Hiện EC vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về thông tin trên.
Thủ tướng Italy Mario Draghi kêu gọi áp đặt lệnh trừng phạt đối với các công ty không tuân thủ cam kết hợp đồng vaccine với EU.
Khi EU giới thiệu cơ chế này vào cuối tháng 1, nhiều quốc gia nhập khẩu vaccine đã lên tiếng phản đối do lo ngại nguồn cung vaccine có thể bị ảnh hưởng.
Nhân viên vận chuyển vaccine của hãng Pfizer tại Brussels (Bỉ). Ảnh: EC
Ngày 4/3, hai nguồn tin khác tiết lộ cho Reuters biết EU đã chặn lô hàng vaccine của AstraZeneca định chuyển tới Australia.
Nguồn tin cho hay trước đó AstraZeneca đã xin cấp phép từ chính phủ Italy để xuất khẩu 250.000 liều vaccine của nhà máy ở Anagni gần Rome sang Australia.
Tháng 1/2021, AstraZeneca đã cắt giảm liều vaccine cung cấp cho EU trong quý đầu tiên từ 90 triệu theo hợp đồng xuống còn 40 triệu. Sau đó, nhà sản xuất này lại thông báo cắt tiếp thêm 50% vào quý II để bù vào lượng hàng còn thiếu bên ngoài châu Âu.
Từ ngày 30/1 đến 26/2, EU đã nhận được 150 yêu cầu cấp phép xuất khẩu hàng triệu liều vaccine tới 29 quốc gia, trong đó có Anh, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Canada… Hiện ba loại vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech, AstraZeneca và Moderna đều có cơ sở sản xuất ở các nước EU.