Chuỗi liên kết nuôi lợn trắng: Đầu vào tốt, đầu ra loay hoay
“Thành viên tham gia nhóm nông dân (ND) liên kết chăn nuôi lợn trắng ai cũng chăn nuôi hiệu quả, đàn lợn phát triển nhanh. Nhiều thành viên trong nhóm không những thoát nghèo bền vững mà còn có của ăn của để”.
Đó là chia sẻ của bà Lâm Thị Yên (dân tộc Tày) – Trưởng nhóm ND liên kết chăn nuôi lợn thôn Nậm Khắp Trong, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà (Lào Cai).
Từ tự phát đến liên kết bài bản
Trao đổi với chúng tôi về tình hình địa phương bà Yên cho biết, trước đây bà con chủ yếu chọn giống lợn đen bản địa để chăn nuôi với quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế không cao. Thấy giống lợn trắng siêu nạc cho thu nhập cao, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại chăn nuôi. Ban đầu các hộ chăn nuôi tự phát, mạnh ai nấy làm, không biết áp dụng khoa học kỹ thuật, thu nhập vẫn bấp bênh.
Từ tháng 7.2015, tham gia mô hình: “Nâng cấp chuỗi giá trị lợn trắng có sự tham gia của người sản xuất quy mô nhỏ và nhạy cảm giới”, 20 hộ chăn nuôi lợn trắng thôn Nậm Khắp Trong đã tự nguyện tập hợp nhau lại thành một nhóm ND để cùng hỗ trợ nhau chăn nuôi hiệu quả.
Từ chăn nuôi lợn chị Lý Thị Mai (dân tộc Nùng) có doanh thu tiền tỷ mỗi năm. Ảnh: T.H
Video đang HOT
Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại của chị Lý Thị Mai (dân tộc Nùng), bà Yên cứ cứ tấm tắc cho rằng mô hình tổ nhóm nông dân liên kết chăn nuôi lợn triển khai trên địa bàn rất hiệu quả, nhất là ở mô hình chị Mai. Là phụ nữ dân tộc thiểu số nhưng chị Mai rất giỏi và tự tin trong làm ăn. Với quy mô, 30 con lợn nái siêu nạc, 200 con lợn thịt/năm, 6.000 gà/năm, mỗi năm chị Mai có doanh thu tiền tỷ từ chăn nuôi, trừ chi phí còn lãi vài trăm triệu đồng.
Chị Mai chia sẻ: “Tôi bắt đầu chăn nuôi lợn trắng từ năm 2010, lúc đầu chưa có kinh nghiệm nên chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, lời lãi ít. Tham gia nhóm ND liên kết, mỗi buổi sinh hoạt chúng tôi cởi mở trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi với nhau, 100% các hộ đều tiêm phòng dịch bệnh cho đàn lợn. Thích nhất là các thành viên trong tổ đã cùng nhau mua chung một loại thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y với số lượng lớn, tiết kiệm hẳn chi phí đầu tư”.
Theo chị Mai, mỗi bao cám 25kg tiết kiệm được 10.000 đồng so với mua lẻ ngoài thị trường, mỗi tháng các hộ trong nhóm chung nhau mua đến 20 – 25 tấn cám, tính ra mỗi tháng tiết kiệm được từ 8 – 10 triệu đồng. Ngoài ra, các thành viên trong nhóm cùng tham gia gây quỹ để giúp các hộ khác khó khăn vay vốn chăn nuôi. Khi mới thành lập, nhóm có 4 hộ nghèo, hiện các hộ đều thoát nghèo.
Xây dựng chuỗi phải bền chặt
Theo bà Yên, đến nay, đã bước đầu hình thành liên kết giữa các thành viên trong nhóm trong việc mua các sản phẩm đầu vào. Tuy nhiên, việc hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm vẫn còn khó khăn. “Hiện việc tiêu thụ đang phụ thuộc rất nhiều vào các ba toa (thương lái thu mua lợn tại địa phương) mà chưa có đơn vị lớn thu mua nên hay bị ép giá “- bà Yên thổ lộ.
Bà Lê Thị Thanh Hương – cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai phụ trách triển khai mô hình thí điểm “Nâng cấp chuỗi giá trị lợn trắng có sự tham gia của người sản xuất quy mô nhỏ và nhạy cảm giới” cho hay: “Tại 2 xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà) và Xuân Quang (huyện Bảo Thắng), Oxfam và Sở NNPTNT Lào Cai đang thực hiện thí đểm mô hình nâng cấp chuỗi giá trị lợn trắng nhằm tạo cơ hội sinh kế bình đẳng và hiệu quả hơn cho các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, thúc đẩy sự tham gia tích cực của người chăn nuôi quy mô nhỏ, đặc biệt là phụ nữ và tạo cơ hội cho người chăn nuôi tham gia và hưởng lợi nhiều hơn từ chuỗi.
“Hiện nay, chuỗi giá trị lợn trắng đơn giản, từ khâu đầu vào đến bán lợn thịt nguyên con hoặc lợn đã mổ, gần như không có chế biến sâu để nâng cao giá trị. Trung bình các thành viên trong nhóm chăn nuôi với 30 – 40 lợn thịt/năm, quy mô chăn nuôi chưa nhiều chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung dẫn đến việc tiêu thụ còn khó khăn”- bà Hương bày tỏ.
Giám đốc Sở NNPTNT Lào Cai Nguyễn Anh Tuấn: Thiếu “mắt xích” liên kết giữa ND với doanh nghiệp Thực tế cho thấy, qua việc thành lập chuỗi liên kết tạo ra các giá trị gia tăng cho sản xuất, đặc biệt có lợi về tăng thu nhập cho người ND. Tuy nhiên, việc thành lập chuỗi liên kết hiện gặp rất nhiều khó khăn, chuỗi liên kết còn lỏng lẻo đặc biệt thiếu “mắt xích” liên kết quan trọng giữa ND với doanh nghiệp. Để giải quyết vân đề này, Lào Cai đang thực hiện hỗ trợ các tổ nhóm sản xuất theo quy hoạch và lợi thế của từng vùng và theo nhu cầu thị trường; tổ chức các hội nghị quảng bá, xúc tiến thương mại; xây dựng thương hiệu, xin cấp chỉ dẫn địa lý, chứng nhận sản phẩm an toàn. Nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, Lào Cai đã ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển để nâng cao chất lượng và giá trị cho sản phẩn nông nghiệp. Bên cạnh đó việc quan trọng không kém đó là phải thực hiện quản lý sản xuất theo quy hoạch chặt chẽ, tránh tình trạng ND sản xuất tự phát. Đây là vấn đề phải đi liền song song với nhau trong quá trình tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị bền chặt.
Theo Danviet
Liên kết nông dân với doanh nghiệp: Đừng hô hào khẩu hiệu nữa
Việc liên kết nông dân với doanh nghiệp không thể dừng lại ở việc hô hào khẩu hiệu, những phong trào hay những đợt vận động nữa.
Sáng 22/7, chương trình "Vì sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam" lần thứ 6 đã diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh với sự tham dự của lãnh đạo hơn 100 doanh nghiệp, 150 chủ trang trại và nông dân sản xuất giỏi trên toàn quốc.
Người nông dân muốn vay được tiền từ các nguồn vốn vay ưu đãi thì phải có phương án sản xuất, tài sản thế chấp và phương án đầu ra. (Ảnh minh họa: KT)
Chương này nhằm tôn vinh các đơn vị, cá nhân có những đóng góp tích cực cho sự phát triển nông nghiệp trong hơn 1 năm qua. Theo đánh giá của các đại biểu tham gia chương trình lần này, sau gần 3 năm thực hiện Quyết định số 62/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, việc liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Một số tỉnh, thành phố được xem là "điểm sáng" của sự liên kết như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Long An... cũng chỉ có một bộ phận nhỏ người nông dân được bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nông sản cho biết, khó khăn nhất trong việc liên kết với nông dân hiện nay là thói quen sản xuất theo kiểu truyền thống, mang nặng tính tự phát và nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, do trình độ hạn chế nên nông dân không mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Trong khi đó, hoạt động của hội nông dân các cấp chưa mang lại hiệu quả thiết thực, chủ yếu vẫn là hoạt động phong trào, hình thức. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đều khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Người nông dân muốn vay được tiền từ các nguồn vốn vay ưu đãi thì phải có phương án sản xuất, tài sản thế chấp và phương án đầu ra. Việc phải qua nhiều khâu, nhiều thủ tục khiến bà con không mặn mà với những chính sách vay vốn ưu đãi.
Do vậy, các đại biểu cho rằng, muốn liên kết hiệu quả, cần phát huy hơn nữa vai trò của tín dụng trong hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Hoàng Mạnh Cường, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Kiên Cường cho biết: "Chính quyền địa phương nói chung, hội nông dân nói riêng phải tổ chức thực hiện nhiệm vụ làm cầu nối để người nông dân liên kết với doanh nghiệp một cách hiệu quả quả hơn. Chúng ta không thể dừng lại ở việc hô hào khẩu hiệu, những phong trào hay những đợt vận động nữa. Mỗi người, mỗi cơ quan làm nhiệm vụ này phải coi mình là người trong cuộc và xác định mình có trách nhiệm trong đó"./.
Thành Trung
Theo_VOV
Làm giàu từ mô hình VACR Nhờ phát triển mô hình kinh tế kết hợp vườn-ao-chuồng-rừng (VACR), với 21 ha đồi rừng giao khoán của nhà nước, trên 5.000 m2 ao thả cá, một hệ thống dãy chuồng lợn cùng với đàn bò 11 con, gia đình anh Hà Đình Huấn ở thôn 5 Khe Liền, xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn đã có thu nhập hàng trăm triệu...