Chuỗi liên kết cá tra đổ vỡ: Đảm bảo quyền lợi cho người nuôi ra sao?
An Giang là tỉnh tiên phong thí điểm mô hình chuỗi liên kết sản xuất và xuất khẩu cá tra từ rất sớm, nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế.
Đây là hướng đi đúng, tuy nhiên khi chuỗi liên kết đang thực hiện giữa chừng thì chủ doanh nghiệp ôm tiền bỏ trốn ra nước ngoài, đẩy hàng loạt nông dân vào cảnh lâm nợ. Chuỗi liên kết đổ vỡ mấy năm nay nhưng chưa tìm được hướng giải quyết.
Nợ chất chồng, nông dân không có tết!
Đã bước sang năm 2020 và Tết Nguyên đán Canh Tý cũng đến gần, thế nhưng nhiều nông dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất cá tra ở An Giang vẫn không biết cách nào xoay xở. Ông Nguyễn Văn Tấn, ngụ xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú (An Giang) chua chát: “Tết tới nơi mà trong nhà còn nợ các đại lý thức ăn hơn 2,7 tỷ đồng, không biết phải tính sao, trong khi vụ nuôi cá tra năm 2019 vừa rồi lại tiếp tục thua lỗ. Mọi việc đang rối bời như canh hẹ…”.
Ông Tấn kể, cách nay khoảng 6 năm, khi tỉnh An Giang và các ngành chức năng triển khai liên kết sản xuất và xuất khẩu cá tra theo chuỗi giá trị, ông là một trong hàng chục hộ tham gia đầu tiên. Ông Tấn quy hoạch lại 5 ao cá với 2,8ha mặt nước, đồng thời thế chấp tài sản hơn 2 tỷ đồng cho Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) chi nhánh tỉnh An Giang để nuôi cá tra mô hình chuỗi liên kết dọc (3 bên tham gia chuỗi liên kết gồm: nông dân (12 hộ), Agribank chi nhánh tỉnh An Giang và Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An – gọi tắt Công ty Thuận An).
Tỉnh An Giang khẳng định chuỗi liên kết cá tra là chủ trương đúng và hướng đi đúng, cần giải quyết sớm vụ việc của Công ty Thuận An để tiếp tục phát triển chuỗi
Toàn bộ quy trình thực hiện chặt chẽ, trong đó nông dân nuôi cá không nhận tiền vay, mà chỉ khi nhận thức ăn thì ký nợ với ngân hàng theo sự đồng ý của Agribank An Giang và Công ty Thuận An. Cá tới kỳ thu hoạch thì nông dân phải bán cho Công ty Thuận An, sau đó được tất toán khoản vay mua thức ăn với ngân hàng, số tiền dư ra nông dân sẽ được nhận.
Thời gian đầu thực hiện chuỗi rất tốt, bình quân nông dân thu lãi 1.500 – 3.000 đồng/kg so với nuôi bên ngoài. Mặt khác, tất cả dòng tiền trong chuỗi được chuyển khoản tại Agribank gồm thanh toán tiền mua thức ăn, tiền bán cá, thu tiền xuất khẩu của nước ngoài về… nên bảo đảm nguồn vốn đầu tư đúng mục đích. Sau 2 năm hiệu quả, thì khoảng tháng 11-2016, bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng Giám đốc Công ty Thuận An, đột ngột “biến mất”, ôm theo số tiền hơn 62,7 tỷ đồng bán cá của nông dân tham gia chuỗi.
Ngoài ra, Công ty Thuận An còn nợ Agribank chi nhánh An Giang khoảng 495 tỷ đồng, trong đó dư nợ theo chuỗi hơn 115,9 tỷ đồng. “Khi đó, tôi còn dư nợ thức ăn với ngân hàng là 12,8 tỷ đồng, nhưng đã giao cá cho Công ty Thuận An 11,9 tỷ đồng; tính ra chỉ còn nợ khoảng 853 triệu đồng. Thế nhưng, mấy năm nay, ngân hàng buộc tôi trả đủ tiền nợ gốc là vô lý, đẩy tôi vào chỗ khó khăn”.
Video đang HOT
Cùng cảnh ngộ trên, ông Lệ Quang Vinh, ngụ thị trấn An Châu, huyện Châu Thành (An Giang), bức xúc: “Ngay từ đầu tham gia đến thời điểm lãnh đạo Công ty Thuận An bỏ trốn, nông dân làm rất tốt từ việc vay vốn mua thức ăn, chăm sóc cá và giao cá đúng hẹn, đạt chất lượng cho doanh nghiệp. Gia đình tôi vay chi phí thức ăn 9,6 tỷ đồng nhưng đã giao cá hơn 9,7 tỷ đồng, còn dư hơn 100 triệu đồng. Thế nhưng ngân hàng không chịu trả cho tôi hơn 100 triệu đồng dư ra, không giao lại tài sản thế chấp hơn 2,7 tỷ đồng, mà còn yêu cầu tôi trả nợ gốc là không chấp nhận được. Ngân hàng còn đưa tôi vào nợ xấu khiến gia đình kiệt quệ vì không còn vốn làm ăn”.
Tỉnh mong giải quyết sớm vụ việc
Đến nay đã hơn 3 năm kể từ khi chuỗi liên kết cá tra đầu tiên ở An Giang đổ vỡ. Các ngành chức năng An Giang có rất nhiều cuộc họp, tìm nhiều hướng giải quyết nhưng mọi việc cứ giậm chân tại chỗ.
Ông Nguyễn Văn Nghiệp, ngụ TP Long Xuyên (hộ tham gia chuỗi), cho biết: “Cần thấy rằng, Công ty Thuận An là do tỉnh An Giang và ngân hàng chọn để làm đầu mối thực hiện. Còn nông dân tham gia chuỗi chỉ vay vốn bằng thức ăn, sau đó “trả nợ” bằng việc giao cá cho Công ty Thuận An. Khi lãnh đạo Công ty Thuận An ôm tiền bỏ trốn, kéo theo chuỗi đổ vỡ thì trách nhiệm này là của ngành chức năng và ngân hàng. Song, ngân hàng đẩy cho nông dân chịu bằng cách buộc trả nợ thức ăn; điều này dẫn đến nông dân phải trả nợ 2 lần (vì trước đó đã giao cá cho công ty rồi). Do đó, nông dân không đồng ý nên gửi đơn khiếu kiện khắp nơi…”.
Trước tình hình trên, tháng 3-2017, ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiến nghị phương án giải quyết. Cụ thể, những nông dân tham gia chuỗi có tổng dư nợ với ngân hàng hơn 78 tỷ đồng, trong đó nợ gốc quá hạn 37,7 tỷ đồng; Công ty Thuận An còn nợ tiền mua cá của nông dân là 62,7 tỷ đồng. Tỉnh An Giang đề xuất, nợ vay mua thức ăn của nông dân với ngân hàng được chuyển sang cho Công ty Thuận An và công ty này có trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng theo chuỗi liên kết.
Sau đó, ngân hàng trả lại tài sản thế chấp cho nông dân. Đây là phương án hợp lý, được các ngành chức năng ở An Giang và nông dân đồng tình; tuy nhiên ngân hàng không chấp nhận, vì cho rằng trong hợp đồng tín dụng không có quy định chuyển nợ!
Ông Lê Văn Nưng cho rằng: Chuỗi liên kết cá tra là chủ trương đúng và hướng đi đúng, song trong quá trình vận hành đã có những sơ suất. Cụ thể, phía ngân hàng được giao quản lý toàn bộ dòng vốn thì phải biết giải ngân bao nhiêu, thời điểm nào cho hợp lý… Nông dân tham gia chuỗi làm tốt, không có lỗi. Do đó, tỉnh rất ngại khi thấy bà con bị thiệt thòi, khốn khó từ khi chuỗi đổ vỡ. Lãnh đạo tỉnh sẵn sàng xin lỗi nông dân và đang quyết tâm giải quyết sớm việc này trên tinh thần bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bà con.
HUỲNH LỢI
Theo gp.org.vn
Thị trường tôm, cá tra ấm trở lại
Sau nhiều ngày rớt thê thảm, giá tôm, cá tra đã tăng trở lại. Tổng cục Thủy sản dự báo, các mặt hàng này sẽ tăng trưởng tốt trong tháng cuối năm.
Chủ động điều chỉnh nguồn cung
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), 10 tháng năm 2019, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 7,09 tỷ USD, giảm nhẹ gần 2,0% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi cá ngừ vẫn tăng khả quan 12,7%, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực khác đều sụt giảm. Đặc biệt, xuất khẩu tôm giảm 6,4%, cá tra giảm 10%.
Giá tôm nguyên liệu và giá cá tra liên tục giảm mạnh đã làm ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Cụ thể, giá tôm thẻ chân trắng ướp đá giảm 15.000 - 20.000 đồng/kg, giá cá tra giảm 5.000 - 8.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, giá bán tôm nguyên liệu và cá tra hiện đã tăng cao so với các tháng đầu năm. Đối với tôm, EU đang tăng mua thủy sản trong các tháng cuối năm 2019. Các thị trường khác như: Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc đang tăng trưởng khá tốt.
Cụ thể, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg, khu vực ĐBSCL giá dao động từ 95.000đ; Khu vực miền Trung, giá dao động từ 100.000 - 115.000đ; Khu vực miền Bắc giá dao động từ 100.000 - 120.000đ/kg. Tôm sú loại 40 con/kg giá 183.000 - 255.000đ/kg.
Giá cá, tôm đã tăng trở lại.
Giá tôm hiện nay tăng mạnh nhất là tôm thẻ loại 30 - 40 con/kg với giá 140.000 - 160.000đ/kg, tăng khoảng 25.000đ/kg so với tháng 8/2019. Xuất khẩu tôm dự báo sẽ chuyển biến tích cực hơn trong những tháng cuối năm. Nhu cầu thị trường nhích lên, sản lượng tôm và giá tôm trong nước và thế giới được cải thiện, tạo đà cho xuất khẩu tôm những tháng cuối năm.
Đối với cá tra thương phẩm đã tăng 500 - 1.000 đồng/kg so với các tháng giữa năm và theo quy luật vào cuối năm sẽ có nhiều đơn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm. Do vậy, dự báo giá cá tra thương phẩm các tháng cuối năm 2019, đầu năm 2020 có thể duy trì ở mức hiện tại.
Một trong những nguyên nhân khiến thị trường khởi sắc trở lại, theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, trước thực trạng khó khăn về giá, sức tiêu thụ của thị trường sụt giảm nên người nuôi và doanh nghiệp đối với tôm đã chủ động giảm sản lượng bằng việc giảm diện tích nuôi tôm và điều chỉnh giảm mật độ thả nuôi cá tra.
Ông Trần Đình Luân phân tích, so với cùng kỳ năm 2018, mặc dù diện tích thả nuôi, diện tích thu hoạch tăng nhưng sản lượng thu hoạch giảm. Do đó có thể nhận định là ngay từ thời điểm cuối tháng 3 (thời điểm giá cá thương phẩm bắt đầu có xu hướng giảm), người nuôi đã điều chỉnh giảm mật độ thả nuôi để giảm thiểu rủi ro.
Phát triển bền vững
Dự kiến cả năm nay xuất khẩu tôm sẽ đạt 4,1 tỷ USD; cá tra đạt 2,3 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm đạt khoảng 9,4 - 9,6 tỷ USD. Xuất khẩu hai sản phẩm nuôi chủ lực này đã có tín hiệu khả quan hơn so với nửa đầu năm và dự kiến trong quý IV kết quả sẽ tích cực hơn, tuy nhiên, trong đà sụt giảm hiện tại, khó có thể đạt được mức tăng trưởng dương. Cạnh tranh về giá cũng như các điều kiện của thị trường nhập khẩu vẫn là áp lực đối với doanh nghiệp trong nước trong nửa cuối năm 2019.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, giá tôm, cá tra giảm mạnh trong nhiều tháng qua là do: Đối với mặt hàng một số nước trong khu vực như Ấn Độ, Ecuador... tiếp tục được mùa tôm, chi phí sản xuất thấp, nguồn cung dồi dào đã ảnh hưởng ít nhiều đến giá tôm trong nước. Trong khi đó, giá thành sản xuất tôm nguyên liệu nước ta vẫn cao hơn các nước khác. Một số doanh nghiệp nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Độ có giá rẻ hơn dẫn đến tôm nguyên liệu trong nước bị cạnh tranh, dư cung.
Còn đối với cá ba sa, do giá cá tra nguyên liệu đã duy trì ở mức cao liên tục trong 2 năm 2017 - 2018, nhiều doanh nghiệp, cơ sở nuôi đầu tư nguồn lực mở rộng diện tích nuôi, tạo xu hướng giảm giá do nguồn cung dư.
Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân, các nước nhập khẩu tăng rào cản kỹ thuật. Trung Quốc siết chặt quản lý nhập khẩu biên mậu; tăng cường kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Một số quốc gia nuôi cá tra khác như Indonesia, Trung Quốc, Bangladesh đã đầu tư phát triển cá tra, đặc biệt Indonesia bắt đầu xây dựng, quảng bá dòng cá tra sạch và chiếm lĩnh thị trường Trung Đông. Arap Saudi vẫn đóng cửa đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam, trong đó có sản phẩm cá tra.
Vì thế ông Trần Đình Luân đưa ra giải pháp phát triển tôm và cá tra theo hướng, giảm giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng để tăng khả năng cạnh tranh.
Để sản xuất, xuất khẩu bền vững, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, yêu cầu trước mắt lẫn dài hạn là phải tạo ra nguồn tôm sạch có chứng nhận với giá cạnh tranh. Yêu cầu dài hạn phải xây dựng cho được thương hiệu tôm Việt. Vì vậy cần sự hỗ trợ của Bộ NN&PTNT và Tổng cục Thủy sản trong việc kiểm soát chặt chẽ chế phẩm nuôi tôm, ngặn chặn từ gốc các nguồn thẩm lậu các hoá chất nuôi tôm không có tên trong danh mục cho phép.
Đối với sản phẩm cá tra, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam phân tích, để cân đối nguồn cung - cầu cá tra, tránh tình trạng thừa cung trong chu kỳ của ngành cá tra, cần thiết có dữ liệu ngành đầy đủ và lũy kế theo chuỗi để đánh giá tình hình, áp dụng số hóa và có thông tin định hướng cho ngành. Ngoài ra, cần tăng cường khâu kiểm soát giống để đảm bảo chất lượng, chú trọng chất lượng cá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, hạn chế xuất khẩu mậu biên. Đối với thị trường EU cần có thêm sự hỗ trợ từ các chuyên gia và nguồn lực bên ngoài để đẩy mạnh marketing, thúc đẩy thị trường./.
Theo Vân Hồng/VOV
Nghề nuôi cá tra đang gặp khó khăn Từ đầu năm đến nay bà con nông dân thành phố Cần Thơ luôn gặp nhiều khó khăn do giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh. Thành phố Cần Thơ hiện có hơn 1.100 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi cá tra khoảng 750 ha, với tổng sản lượng thủy sản hơn 229.000 tấn. Dự báo nhiều...