Chuộc con từ “trại lao động”: Lại chuyện nhọc nhằn “mưu sinh”
Tôi tranh thủ hai ngày nghỉ cuối tuần vừa rồi phóng xe máy từ Đà Lạt xuống thôn Rlơm, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) để mong gặp hai đứa trẻ người dân tộc thiểu số vừa trải qua hai ngày đêm lội rừng trốn khỏi một cơ sở lao động ở tỉnh Đắc Nông về với gia đình.
Đến nơi, hỏi thăm nhiều người, vào nhiều gia đình, tôi mới biết hoá ra không chỉ hai đứa trẻ đó mà trong thôn người dân tộc thiểu số này vẫn còn một số nạn nhân của những “ trại lao động” hiện đang nhan nhản khắp Tây Nguyên.
Nhà của anh bạn đồng nghiệp của tôi tên là Vi Xuân – Trưởng Đài PTTH huyện Đam Rông – ở Đạ Huoai. Trên một chuyến xe đi từ Đạ Huoai lên Đức Trọng để vào Đam Rông đã tình cờ gặp hai thiếu niên người dân tộc thiểu số vừa vượt rừng nói trên, nên đã gọi điện thoại cho tôi: “Hai đứa nó chẳng có đồng nào trong túi, phải đi xe nhờ. Tôi tìm hiểu bước đầu. Đoạn sau, ông tiếp tục nhé!”. Tôi dặn dò anh thật kỹ: “Chụp lại ảnh hai đứa bé. Hỏi rõ nhà cửa, bố mẹ chúng hiện đang ở đâu…”.
Chuyện của hai đứa bé
Vi Xuân về đến Đam Rông là gửi qua mail ngay cho tôi những bức ảnh của hai đứa trẻ. Anh nói thêm: “Một đứa tên là K’Oai – con của ông K’Điên và bà Ma Tân; một đứa tên là K’Hơn – con của ông K’Doanh và bà Ma Hiền. Cả hai đều là người Chu Ru, học lớp 6, bỏ học đi lang thang và gặp mấy ông xe ôm chở vào “giao” cho các cơ sở tuyển lao động ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng). Chúng xuống xe ở chỗ Bồng Lai (huyện Đức Trọng) để về Đơn Dương. Mình có cho tụi nó ít tiền và bảo là phải về nhà!”.
Video đang HOT
Người nhà hai lao động Ya Việt và Ya Hùng ở Rlơm (Tu Tra, Đơn Dương) kể lại chuyện chuộc người từ cơ sở sản xuất nông nghiệp ở Gia Lai. Ảnh: K.D
Tôi mang ảnh và một vài thông tin ban đầu như trên trong máy tính để tìm về thôn Rlơm, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương. Ngày cuối tuần, UBND xã Tu Tra đóng cửa. Tôi hỏi thăm nhà ông thôn trưởng Ya Toàn. Anh Ya Toàn bảo “đúng hai đứa nhỏ là con của mấy ông bà đó, nhưng mình không biết chuyện hai đứa nó bỏ đi làm xa như nhà báo nói đâu!”. Tôi nhờ anh Ya Toàn dẫn đến nhà K’Oai, gần nhà thôn trưởng. Bố mẹ của K’Oai là K’Điên và bà Ma Tân đang đi làm đồng. Ở nhà, chỉ có chị cả của K’Oai là Nai Kô.
Năm nay, Nai Kô 21 tuổi, đã có chồng. Nai Kô bảo: “Thằng K’Oai bỏ nhà đi với thằng K’Hơn gần hai tháng nay rồi. Cách nay một thời gian, nó điện thoại (nhờ của ai đó) về nhà nói là đang đi làm càphê ở Đắc Nông, muốn về nhà thôi!”. Trưởng thôn Ya Toàn xen vào câu chuyện: “Ở Rlơm này còn có một số trường hợp cũng bị “đi” lao động như vậy đấy. Tụi nó phải được bố mẹ mang tiền đi chuộc mới về được nhà đấy!”. Tôi nói: “Chút nữa, nhờ anh đưa tôi đến nhà những đứa bé đó!”.
Tôi mở máy tính có ảnh của hai đứa trẻ và quay sang hỏi Nai Kô: “Đứa nào là K’Oai, còn đứa nào là K’Hơn?”. Tôi không phải đợi lâu, Nai Kô reo lên, chỉ đứa trẻ bên trái: “Thằng K’Oai em ruột của mình đây nè! Còn đây là thằng K’Hơn, ở gần nhà. Hai đứa nó bỏ đi gần hai tháng rồi!”. Nói xong, Nai Kô quay sang hỏi tôi: “ Sao nhà báo có những bức ảnh này? Giờ, tụi nó ở đâu?”. Tôi bảo: “Tụi nó trốn khỏi trang trại càphê trong một rừng sâu ở Đắc Nông và về đến Bồng Lai (Đức Trọng) vài hôm nay rồi!”. Giọng Nai Kô chùng xuống: “Sao tụi nó không về nhà, bố mẹ đang trông…”.
Nghe đến đó, tôi nghĩ ngay đến câu chuyện mà anh bạn đồng nghiệp Vi Xuân đã chứng kiến: Một người đàn ông đón xe ở ngã ba Bà Sar (thị trấn Đam Ri, huyện Đạ Huoai), gửi hai đứa trẻ (cùng sinh năm 1997) cho chiếc xe đò Mỹ Hiền trên đường từ TPHCM lên Đà Lạt, nói với phụ xe: “Tụi nó vừa hai ngày nay vượt rừng, không có tiền đâu. Xin anh cho nó đi nhờ!”. Mãi sau, hai đứa trẻ mới kể chuyện: Gần hai tháng trước, K’Oai rủ bạn là K’Hơn bỏ nhà (ở Tu Tra, huyện Đơn Dương) lên thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng) chơi. Gặp một người xe ôm, hỏi: “Có muốn đi làm lấy tiền không?”, K’Oai trả lời ngay là “Có!”.
Hai đứa được đưa vào một trại nấm. Một thời gian sau, lại ra Liên Nghĩa, lại gặp một ông xe ôm, lại được nghe hỏi: “Có muốn đi làm lấy tiền tiêu không?”, K’Oai lại trả lời “Có!”. Và lần này, ông xe ôm đưa K’Oai và K’Hơn vào tận huyện Lâm Hà để “giao” cho một cơ sở môi giới lao động gì đó. Hôm sau, cả hai được đưa tận sang một khu rừng mà sau này hai em mới biết là thuộc địa phận tỉnh Đắc Nông. Sau đó, hằng ngày, các em phải làm việc thật vất vả.
Đêm 20.6, lợi dụng sự sơ hở của người canh gác, hai em cùng 6 thanh – thiếu niên khác đã bỏ trốn. Và, sau hai ngày đêm vượt rừng, chịu đói khát (chỉ ăn lá cây rừng), hai em mới ra được đến ngã ba Bà Sar và được một người đàn ông thương tình đón xe cho về Đức Trọng (để đi tắt về Tu Tra, Đơn Dương).
Và không chỉ hai đứa trẻ
Trưởng thôn Ya Toàn thật thà bảo rằng không biết thông tin gì về hai đứa trẻ K’Oai và K’Hơn cả, nhưng anh biết khá rõ về trường hợp hai người cùng thôn là Ya Việt và Ya Hùng vừa được bố mẹ mang tiền sang một trang trại lao động ở Gia Lai chuộc về. Tôi nhờ Ya Toàn đưa đến nhà Ya Việt để gặp bố mẹ của em là ông Tou Rông Trang và bà Ma Ik. Nghe tin có nhà báo về tận nơi tìm hiểu, bà Ma Đa (mẹ của Ya Hùng) cũng dẫn “nạn nhân” đến nhà ông Tou Rông Trang để “tố khổ”.
Cả ông Tou Rông Trang và bà Ma Ik “tranh” nhau kể chuyện khổ cực của đứa con trai mình và chuyện phải vượt mấy trăm cây số sang Gia Lai để chuộc lại con trai. Trước khi kể, bà Ma Ik cẩn thận đưa cho tôi xem sổ hộ khẩu của gia đình. Tôi đọc được: “Ya Việt, sinh ngày 15.12.1986″. Còn Ya Hùng thì sinh năm 1993. Ông Tou Rông Trang nói: “Tụi nó đi làm, bố mẹ chúng tôi không hay biết gì. Khi con điện về bảo là khổ và nhớ nhà lắm, muốn về nhưng phải mang tiền sang chuộc, tôi đã bán nhiều thứ trong nhà để lấy tiền đi xe và trả cho chủ”.
Hai cháu K’Oai và K’Hơn vừa thoát khỏi một cơ sở lao động ở Đắc Nông về đến Bồng Lai (Đức Trọng, Lâm Đồng), nhưng hiện vẫn chưa về đến nhà sau 4 ngày (ảnh do nhà báo Vi Xuân chụp trên chuyến xe đò từ Đạ Huoai đi Đức Trọng ngày 22.6.2011).
Ya Hùng kể: “Cách đây hơn hai tháng, cháu với Ya Việt đang đi ngoài đường làng thì một người đàn ông chạy xe máy đến mời vô trong quán nước và hỏi muốn có đi làm để lấy tiền tiêu không, tụi cháu bảo là có, rồi hỏi làm gì. Ông ấy bảo là công việc nhẹ lắm, nhưng lương tháng 3 triệu đồng. Tụi cháu lên xe ôm. Họ đổi qua mấy bận xe ôm mới đến được huyện Lâm Hà. Sau đó, người chủ đưa chúng cháu sang Gia Lai, vào làm trong một trang trại. Làm giữa rừng. Không chịu nổi, cháu tìm người mượn điện thoại điện về nhà nhưng không được…”.
Tôi quay sang hỏi ông Tou Rông Trang: “Vậy, làm sao anh biết để sang đó đưa mấy đứa nhỏ về?”. Ông Tou Rông Trang: “Có một người bà con ở Bắc Ái (Bình Thuận) bảo rằng tụi nhỏ làm ở đó cực quá, phải tìm cách chuộc ra thôi. Thế là tôi và vợ tôi bàn với bà Ma Đa tìm cách sang đó để chuộc hai đứa về cách nay gần tháng”. Tôi quay sang hỏi Y Hùng: “Cháu biết tên của mấy nơi cháu đã đi qua ở huyện Lâm Hà và nơi cháu phải làm việc nặng nhọc ở Gia Lai không?”.
Ya Hùng thật thà: “Tên thì cháu không nhớ. Nhưng cháu biết cơ sở tuyển dụng lao động ấy ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Còn ở bên Gia Lai, tụi cháu không ai biết tên của cơ sở lao động đó là gì, nhưng biết rõ là cơ sở ấy nằm ở phía sau Trường Tiểu học Phú Túc, chủ cơ sở (hay là người trông coi cơ sở này) là ông Trường”.
Cách nay hơn nửa năm, trên địa bàn huyện Lâm Hà của tỉnh Lâm Đồng từng tai tiếng về chuyện “sử dụng” lao động của các cơ sở môi giới lao động và bản thân người viết bài này đã từng thông tin vụ việc qua phóng sự “Lao động càphê” (đăng ngày 15.12.2010). Sau đó, với sự vào cuộc tích cực của chính quyền và ngành lao động địa phương, 5 cơ sở tuyển dụng lao động trái phép đã bị dẹp bỏ. Rồi nữa, một cò lao động ở huyện Đức Trọng cũng đã từng bị bắt.
Nhưng nay, trước những thông tin vừa nắm được, tôi đã gọi điện thoại cho ông GĐ Sở LĐTBXH Lâm Đồng – anh Trương Ngọc Lý và được anh Lý cho biết: Hiện trên địa bàn Lâm Hà chỉ còn lại một cơ sở được phép tuyển dụng lao động, một cơ sở khác ở huyện Đức Trọng. Đồng thời, anh Lý còn cho biết thêm, vấn đề lập lại trật tự trên lĩnh vực sử dụng lao động, nhất là lao động trẻ em, đã được địa phương và ngành chức năng tăng cường; nhưng dĩ nhiên cơ quan hữu trách cũng không thể ngăn chặn một cách triệt để nạn sử dụng lao động không đúng theo các quy định của pháp luật ở một số cơ sở lao động có thể là vẫn đang lén lút hoạt động.
Mới đây, chúng tôi lại điện thoại cho nhau và anh Lý nói rằng bước đầu đã xác minh được một vài thông tin về những trường hợp lao động nói trên. Và, xem ra vấn đề vẫn chưa thể dừng lại ở đây khi người đứng đầu cơ quan quản lý về lao động của tỉnh Lâm Đồng nói rằng cơ quan chức năng và chính quyền địa phương sẽ tích cực vào cuộc để làm rõ vấn đề, lập lại trật tự trên lĩnh vực này!
Theo Lao Động