Chủng virus cúm gia cầm tiến hóa tấn công người
Trung Quốc báo cáo 21 người nhiễm cúm H5N6 với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tăng 5 ca so với năm ngoái, chuyên gia lo ngại chủng virus này biến đổi và có nguy cơ dễ lây nhiễm hơn.
Dù con số thấp hơn nhiều so với hàng trăm người nhiễm H7N9 vào năm 2017, song triệu chứng của các bệnh nhân gần đây nghiêm trọng hơn, nhiều ca chuyển nặng, 6 người tử vong. Ngày 13/10, một phụ nữ 60 tuổi ở tỉnh Hồ Nam đã nhập viện trong trạng thái nguy kịch, dương tính H5N6.
“Số bệnh nhân tại Trung Quốc gia tăng thật đáng quan ngại. Đây là loại virus gây tỷ lệ tử vong cao”, Thijs Kuiken, giáo sư bệnh học tại Trung tâm Y tế Đại học Erasmus, Hà Lan, nhận định.
Hầu hết ca nhiễm có tiếp xúc với gia cầm bị bệnh. Nước này chưa ghi nhận ca lây nhiễm từ người sang người, WHO cho biết. Tổ chức nhận định cần điều tra thêm rủi ro của căn bệnh và nguyên nhân khiến số ca nhiễm gia tăng trong cộng đồng.
Trong khi số ca nhiễm cúm H5N6 tăng lên ở người, kể từ tháng 2/2020, Trung Quốc chưa báo cáo trường hợp nào ở động vật. Nước này là nguồn cung gia cầm lớn nhất cho thế giới. Trong đó, các trang trại nuôi vịt thường là ổ chứa virus cúm lớn.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) chưa đưa ra bình luận về sự gia tăng của số ca nhiễm H5N6 ở người. Tuy nhiên, nghiên cứu công bố trên trang web của cơ quan vào tháng trước cho thấy “sự đa dạng di truyền và phân bố địa lý của H5N6 ngày càng tăng, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với ngành chăn nuôi gia súc và sức khỏe con người”.
Video đang HOT
Một chủ nông trại đang cho gà ăn tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, tháng 11/2019. Ảnh: Reuters
Virus cúm thường lưu hành trong quần thể gia cầm và chim muông hoang dã, hiếm khi lây nhiễm cho người. Song tiến hóa của các loài virus, đồng thời với sự gia tăng về số lượng gia cầm có thể khiến mầm bệnh truyền cho cộng đồng, tạo ra đại dịch. Điều này khiến giới khoa học lo lắng.
Tỉnh Tứ Xuyên là nơi ghi nhận số ca H5N6 lớn nhất, tiếp đến là các tỉnh lân cận như Trùng Khánh, Quảng Tây, Quảng Đông, An Huy và Hồ Nam.
Trước đó, châu Âu ghi nhận ít nhất 10 trường hợp nhiễm chủng cúm giống với H5N8. Virus cũng lan sang Trung Quốc và giết chết các loài chim hoang dã. Điều đó cho thấy các ca nhiễm H5N6 gần đây có khả năng là biến thể mới.
4 trong số các bệnh nhân nhiễm cúm ở Tứ Xuyên có nuôi gia cầm tại nhà, đã tiếp xúc với chim chết, CDC Trung Quốc thông báo hồi tháng 9. Một người khác mua vịt sống từ một khu chợ vài tuần trước khi biểu hiện triệu chứng đầu tiên.
Theo điều phối viên Phòng thí nghiệm Khu vực tại Trung tâm Ứng phó Dịch bệnh Động vật Khẩn cấp Xuyên biên giới, Trung Quốc đã tiêm phòng cúm gia cầm vào năm ngoái. Song loại vaccine nước này sử dụng chỉ hiệu quả một phần trước các loại virus mới nổi, đủ để ngăn ngừa các đợt bùng phát lớn, nhưng vẫn cho phép virus lưu hành.
Khủng hoảng điện, Trung Quốc tăng khai thác than đá
Trung Quốc yêu cầu các mỏ than tăng sản lượng khai thác nhằm giải quyết tình trạng thiếu điện diện rộng do nỗ lực cắt giảm khí thải.
Cục Quản lý Năng lượng Nội Mông, tỉnh khai thác than đá lớn thứ hai Trung Quốc, yêu cầu 72 mỏ than trong tỉnh tăng sản lượng lên tổng cộng 98,4 triệu tấn. Lệnh này được đưa ra ngày 7/10 và ngay lập tức có hiệu lực, truyền thông Trung Quốc đưa tin.
Theo dữ liệu gần đây của chính phủ Trung Quốc, 98,4 triệu tấn than tương đương 30% tổng sản lượng than đá khai thác hàng tháng của nước này. Lệnh tăng khai thác than đá được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt đợt khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng.
20 tỉnh thành Trung Quốc những tuần qua phải đối mặt với tình trạng thiếu điện trầm trọng, buộc giới chức phải cắt điện luân phiên trong giờ cao điểm và một số nhà máy phải dừng sản xuất. Điều này khiến sản lượng công nghiệp của Trung Quốc hồi tháng 9 giảm mạnh, ảnh hưởng tới triển vọng phục hồi của nền kinh tế.
Lệnh tăng sản lượng khai thác than của giới chức Nội Mông được đưa ra vài ngày sau khi cơ quan kế hoạch kinh tế hàng đầu của Trung Quốc yêu cầu ba tỉnh khai thác than nhiều nhất là Nội Mông, Sơn Tây và Thiểm Tây cung cấp 145 triệu tấn than trong quý 4, nhằm ngăn gián đoạn sinh kế của dân chúng.
Công nhân Trung Quốc đứng trên đống than chờ bốc lên xe tải tại một mỏ khai thác ở tỉnh Hắc Long Giang tháng 10/2015. Ảnh: Reuters.
Yêu cầu tăng sản lượng than để đối phó tình trạng thiếu điện cho thấy thách thức mà Trung Quốc đối mặt khi cố gắng cân bằng nhu cầu tiêu thụ điện và tham vọng trung hòa carbon, thông qua giảm lượng khí thải hoặc loại bỏ CO2 khỏi bầu khí quyển.
Than là nguồn năng lượng chính của Trung Quốc, được sử dụng để sưởi ấm, sản xuất điện và luyện thép. Trong năm 2020, than cung cấp gần 60% tổng năng lượng và là nguồn thải carbon chính của Trung Quốc.
Trung Quốc hồi đầu năm đóng cửa hàng trăm mỏ than và giảm công suất các mỏ khác. Trung Quốc cũng áp hạn chế với than nhập khẩu từ bên cung cấp chính là Australia trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước leo thang.
Nguồn cung than của Trung Quốc sau đó giảm mạnh, trong khi nhu cầu tăng cao do tăng trưởng công nghiệp và thời tiết khắc nghiệt. Điều này góp phần khiến giá than tăng cao kỷ lục và gây ra tình trạng thiếu điện diện rộng tại Trung Quốc.
Clip: Xuất viện được ăn món khoái khẩu, cô bé oà khóc nói một câu khiến bố mẹ vừa thương vừa buồn cười Nhìn thấy món khoái khẩu không được ăn trong 3 ngày, bé gái đã xúc động đến mức vừa khóc vừa than thở. Mới đây, một video ghi lại cảnh tượng bé gái khóc lóc khi cầm đùi ngỗng ở An Huy (Trung Quốc) được chia sẻ lên mạng xã hội đã khiến nhiều người chú ý. Clip: Xuất viện được ăn món...